Bí quyết sống thanh thản như người Thụy Điển

Tác giả :

Người Thụy Điển có một thuật ngữ là “döstädning”. Trong đó “dö” có nghĩa là chết, còn “städning” có nghĩa là dọn dẹp. Đây là quá trình dọn dẹp đồ đạc không cần thiết có thể được thực hiện ở mọi lứa tuổi hoặc giai đoạn cuộc sống. Nguyên tắc là việc dọn nên được thực hiện trước khi những người khác phải làm điều đó cho bạn.

Trong cuốn sách “Sống thanh thản như người Thụy Điển”, nghệ sĩ – nhà thiết kế  người Thụy Điển, Margareta Magnusson, đã chia sẻ những câu chuyện và nguyên lý sống tối giản của mình thông qua việc dọn dẹp nhà cửa trước cái chết. Bởi như Margareta Magnusson chia sẻ: “Chúng ta biết chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ chết. Việc dọn dẹp trước cái chết không phải là điều đáng buồn. Tôi muốn đó là một công việc vui vẻ và thú vị”.

Phương pháp của Margareta Magnusson bao gồm việc sắp xếp mọi thứ theo thứ tự và sự nhìn nhận nhẹ nhàng, từ từ về cái chết. Với Margareta Magnusson, chúng ta nên dọn dẹp khi biết rằng thời gian của mình sắp hết. Nhưng trong quá trình sống, chúng ta đã phát sinh ra rất nhiều đồ đạc. Vì vậy, chúng ta nên “döstädning” ở độ tuổi 65 là tối thiểu.

Theo Margareta Magnusson, nếu mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, chúng ta không phải tốn thời gian tìm kiếm chúng. Tập cách buông bỏ những thứ không còn mang lại niềm vui hay sự hữu ích là cách để chúng ta có một cuộc sống thanh thản và không vướng bận ở tuổi già.

Trong cuốn sách “Sống thanh thản như người Thụy Điển”, Margareta gợi ý những món đồ mà bạn có thể dễ dàng loại bỏ để có một cuộc sống thanh thản như quần áo chưa từng mặc, quà không mong muốn, những chiếc đĩa mà bạn không cần; hay cả một số thứ mà bạn có thể muốn giữ gìn như ảnh, thư tình, tranh vẽ của con cái...

“Döstädning” cũng là một phần của triết lý, phong cách sống “lagom” vốn rất đặc trưng và nổi tiếng trên toàn thế giới của người Thụy Điển. Đó là khi bạn muốn ít hơn, bạn sẽ buộc phải trân trọng những thứ mình đang có, bạn sẽ ít bị ràng buộc bởi ham muốn ngày càng gia tăng một khi được đáp ứng. Và rồi bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn bởi sự vừa đủ chính là cân bằng. Sự cân bằng luôn là điều kiện tốt nhất để mọi thứ được vận hành và đem lại sự thanh thản bền vững.

 

 

Ai nên đọc cuốn sách này?
Tác giả cuốn sách này là ai?