Yêu hay không yêu, khoan hãy nói thành lời
Yêu hay không yêu, khoan hãy nói thành lời
"Ai thú nhận trước, người đó thua cuộc".

1. Không phải ngẫu nhiên mà tán tỉnh (Flirting) thường được cho là phần thú vị nhất của cuộc yêu (tất cả các phần sau - yêu, sex, cưới - đều đã có trong kịch bản). Giống như thử thách cả hai cần đi WC và xem ai nhịn được lâu hơn, luật lệ duy nhất của màn này chỉ là: Ai thú nhận trước, người đó thua cuộc.

Hai người có thể nói mọi thứ về từ khoá ("Tớ thích cậu"), trừ việc nói từ đó ra. Họ phải giữ cuộc chơi tiếp tục bằng cách không về đích: Họ biết tình cảm của người kia, nhưng không được nói cảm giác của mình. Bật quá nhiều đèn xanh, thả quá nhiều thính, quá ít hiểu lầm, người kia sẽ được đà mà chạy quá nhanh. Nhưng nếu quá giữ tự trọng, quá sợ gây phiền hà, nói chuyện quá an toàn, hai bên lại có nguy cơ trở lại trạng thái bình thường mới.

Trò chơi sẽ kết thúc khi một người muốn chốt hạ, một người không; một người quá kiên nhẫn, một người hết nhẫn nại; một người mãi ham chơi, còn một người đến lúc cần phải biết chơi vì gì. Những người yếu tim, yêu sự chắc chắn, ghét sự hù doạ sẽ không thích màn ú oà này: vì thế họ nhảy đến kết luận quá nhanh, mà quên mất rằng chính sự tránh né tình cảm lại tạo nên một phần rất lớn của tình yêu. (Vì thế họ lại hay đi tìm trải nghiệm "tán và được tán" ở mối tình khác).

2. Tán tỉnh giúp chúng ta mở rộng sự lựa chọn, trước khi chúng ta phải cam kết với lý tưởng cam kết. Nó mở rộng biên giới của mối quan hệ trước khi ta kịp đóng nó vào trong một trạng thái nào đó (NSA? FWB? BFF?...). Nó tạo ra không gian đủ mơ hồ để người ta có thể mơ về những gì có thể làm với nhau.

Nhờ vùng đệm này, mà chờ đợi biến thành hồi hộp, bất trắc chuyển thành bất ngờ, hoang mang trở thành hy vọng. Ta càng bị người đấy làm lung lay, ta càng hào hứng khi được họ làm thế (Tiếp đi anh! Đừng dừng lại). Sự tán tỉnh kéo bạn ra khỏi con người thường ngày để bạn biết mình có thể khác như nào khi có người đang chơi đùa với cái tôi của mình.

Nhưng tán tỉnh lại cực kì khó để duy trì lâu, một phần vì bí mật luôn phản bội người giữ chúng; một phần vì họ bắt đầu nghiêm trọng hoá trò chơi, thay vì chịu chơi; một phần vì nó đẩy khoái cảm của họ vượt quá sức chịu đựng, khiến họ phải tiết giảm nó trong khuôn khổ của việc gọi tên (Thôi đừng tán nhau nữa! Nói yêu đi, ngạt thở quá, tớ không chịu nổi.)

3. Trẻ con thích chơi để chơi, người lớn thích chơi vì một cái gì khác. Tán tỉnh là một dịp hiếm hoi để con người tập chơi với một thứ vô hình như MQH, nơi mà 2 con người có thể thử nghiệm chính mình và người kia, mà không nhất thiết phải thuyết phục nhau về điều gì, và không phải gắn bó với một định nghĩa gì.

Nó là một sân chơi an toàn cho những ham muốn đã mọc mầm, nhưng không biết sẽ đi về đâu. Nó là dịp để bạn tái sáng tạo bản thân theo một kịch bản khác, mà rất có thể đối phương mới lại là nhà biên kịch. Nó tạo ra sự hứa hẹn, mà không nhất thiết phải đưa ra lời hứa.

Theo nghĩa này, thì mọi thứ đều có thể tán tỉnh bạn, từ một bài thơ, bản nhạc, cuốn sách, thiên nhiên... khi chúng luôn cố đẩy bạn ra khỏi vùng đã biết mà mơn trớn kéo bạn vào một vùng không biết.

Nó biến nghi hoặc thành ngạc nhiên, biến định kiến thành ý tưởng, biến lạ lẫm thành sự khêu gợi. Chúng mời gọi bạn và bạn cần chấp nhận 'bị tán', bởi nếu không có khả năng chơi đùa, mạo hiểm, tán tỉnh (creative playing), bạn sẽ không thể sáng tạo và ngừng tạo ra tính mới trong mình.

Yêu hay không yêu, từ từ hãy nói thành lời.

>> Bạn đọc có thể đọc mở rộng thêm cuốn sách: "Luận Về Yêu" – Alain de Botton 

Trạm Đọc

Tags: