Xin lỗi, tớ sẽ ngừng xin lỗi
Xin lỗi, tớ sẽ ngừng xin lỗi
"Sẽ có những đớn đau không thành lời, Sẽ có những vết thương theo một đời"

1. Xin lỗi là một cách để đổ lỗi. Sau khi bạn trình bày lỗi lầm của mình, nếu người kia không tha thứ, thì đó là trách nhiệm của họ. "Em đã nói mình sai rồi mà, giờ đến lượt anh?"

Những ai sống với cảm giác tội lỗi là những người không thể hoặc không học được cách đổ lỗi: dù cậu có nói không sao nữa, thì tớ vẫn không thể bỏ qua cho chính mình.

Tớ không thể chấp nhận lời xin lỗi của tớ.

2. Có những lỗi có thể sửa (Hỏng iPhone, mua đền), có những lỗi không thể sửa (Anh ấy đã lấy vợ rồi), và có những lỗi bạn nhất định phải giữ.

Giống như một đứa trẻ phá quấy sẽ tự hỏi: nếu mình ngoan ngoãn, ai sẽ chăm sóc mình đây (mắc lỗi là một cách để gây sự chú ý), một người ôm giữ lỗi lầm của mình sẽ tự hỏi: nếu được tha thứ, liệu mình sẽ quên mất họ (và họ sẽ quên mất mình).

Bởi vì cảm giác tội lỗi mà bạn giữ trong mình là sợi dây duy nhất kết nối bạn với họ, nên dù một đầu dây được buông (Em không còn đau buồn gì về chuyện đó nữa), nhưng một đầu dây vẫn cần được giữ (Không, tớ vẫn sẽ bù đắp cho cậu, dù cậu không cần).

Có những nỗi đau bạn không dám bỏ đi, vì còn đau là còn nhớ về họ (người ấy đã mất rồi, nhưng nếu mình cho phép mình ngưng đau, có phải mình đã bắt đầu quên họ).

3. Phần lớn các cuộc chia tay đều chia phần lỗi lầm cho hai bên: bên nhiều, bên ít; bên mau quên, bên vẫn mãi kẹt; bên chia trách nhiệm giỏi, bên nhận hết sai lầm về mình.

Bạn sẽ chỉ quên khi chẳng còn gì để nhớ. Ai vẫn còn mãi tiếp tục muốn sửa lỗi thì vẫn mãi không thể quên.

Xin lỗi, tớ sẽ ngừng xin lỗi.

Minh Đào - Trạm đọc

Tags: