Xấu hổ về cơ thể là động lực giảm cân, ai nói vậy?
Xấu hổ về cơ thể là động lực giảm cân, ai nói vậy?
Ghét bỏ cơ thể mình sẽ không giúp ích được gì cho bạn đâu.
Tôi có thể dành ra cả ngày để nói đến nghiên cứu về mối liên hệ giữa sự xấu hổ của phụ nữ và những hậu quả xấu mà nó đem lại. Khi tôi nói với mọi người rằng xấu hổ về cơ thể có thể liên quan đến rối loạn ăn uống, trầm cảm, lo âu và rối loạn chức năng tình dục, hầu hết đều tin tưởng. Nhiều người, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ, hiểu rõ nỗi đau đớn khi nhìn vào trong gương để rồi tuyệt vọng với con người họ đang nhìn thấy. Họ cảm nhận rõ ảnh hưởng của nó. Nhưng gần như mỗi lần nói về chủ đề này, tôi lại nghe thấy những câu tương tự nhau như sau:

 

“Nếu thừa cân, thì bạn nên cảm thấy xấu hổ. Không phải chính sự xấu hổ sẽ giúp bạn có động lực giảm cân và trở nên khỏe mạnh hơn sao?”

 

Những người khác thì nói trực tiếp hơn. Họ hỏi những câu kiểu như “Chị không nghĩ những người biết xấu hổ sẽ giúp được rất nhiều cho công cuộc chống lại bệnh béo phì à?” hoặc “Đừng nói là chị đang khuyến khích người ta sống không lành mạnh đấy nhé?”

Và câu trả lời của tôi cho những câu hỏi ở bên trên là: Không.

Chẳng có một cơ sở nào chứng minh việc khiến bản thân tự cảm thấy xấu hổ là cách hiệu quả để duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh hoặc khiến mọi người đưa ra những quyết định đúng đắn liên quan đến sức khỏe. Thay vào đó, cảm giác xấu hổ sẽ làm bạn muốn trốn tránh khỏi thế giới này để tự chữa lành vết thương của mình. Hoặc bạn có thể làm dịu đi nỗi buồn bằng những món ăn vặt ngọt hoặc mặn ưa thích. Xấu hổ cũng khiến bạn rút lui khỏi các hoạt động quan trọng mang tính kết nối với mọi người. Đồng thời, đó có thể là mối đe dọa đến sức khỏe thể chất và tâm lý của bạn.

Một trong những người phụ nữ tôi đã tiến hành phỏng vấn cho cuốn sách của mình, Beauty Sick, nói rằng cảm giác ghét bỏ cơ thể béo phì của mình đã ngăn cản cô ấy tập thể dục. Cô giải thích, “Mọi người muốn bạn gầy đi, điều này có nghĩa là ai cũng muốn bạn hãy đi tập thể dục đi. Nhưng nếu bạn đến những lớp tập thể dục nhằm mục đích giảm cân, thì bao trùm lại là cảm giác xấu hổ và chẳng ai có ý định sẽ giúp đỡ bạn cả. Bạn biết đấy, có nhiều người còn đem lên cả Twitter hay cười khúc khích với nhau. Chuyện đó khiến tôi thấy không thoải mái.” Trải nghiệm của cô ấy hoàn toàn đúng với chủ đề nghiên cứu này của tôi.

Thực tế, một nghiên cứu đã cho thấy rằng những người kỳ thị trọng lượng cơ thể của họ có nhiều khả năng sẽ cố ý tránh việc tập thể dục. Nó khiến họ tránh né những hoạt động thể chất, và điều này không chỉ xảy ra với người lớn. Nghiên cứu các học sinh từ lớp 5 đến lớp 8 cho thấy những đứa trẻ có người thân và bạn bè chỉ trích cân nặng của chúng thường ít quan tâm đến thể thao cũng như các hoạt động thể chất khác.

Khi chính bạn cũng cảm thấy cơ thể mình thật tồi tệ, bạn sẽ không có động lực lắng nghe xem cơ thể thực sự muốn gì để cung cấp những thứ cần thiết. Thay vào đó, cảm giác tủi hổ thường dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh. Một người phụ nữ khác mà tôi đã phỏng vấn cho Beauty Sick đã gọi cảm giác nhục nhã về cơ thể là “cách tồi tệ nhất để giảm cân.” Theo như cô ấy thì, “Khi bạn cảm thấy xấu hổ và chán nản, bạn sẽ không rời khỏi giường vào buổi sáng, không đi dạo loanh quanh, cũng chẳng ăn bột yến mạch kèm với việt quất. Bạn sẽ đi đến Dunkin ‘Donuts bởi vì bạn cảm thấy cuộc đời quá vô vọng rồi.”

Bất kể kích thước thực tế của họ như thế nào, những người cảm thấy họ thường xuyên bị đối xử tồi tệ chỉ vì cân nặng có xu hướng ăn quá nhiều. Một lần nữa, nghiên cứu này không chỉ đúng với người lớn. Một nghiên cứu trên hàng ngàn thanh thiếu niên ở Mỹ đã chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên bị trêu chọc về cân nặng càng ngày càng thích ăn nhiều hơn.

Trong một nghiên cứu thực nghiệm, phụ nữ thừa cân và béo phì được chỉ định xem những video mang tính trung tính (chỉ hiển thị những thứ như quảng cáo bảo hiểm nhàm chán) hoặc những video có chứa hình ảnh phụ nữ mập mạp bị chế giễu, bị phân biệt đối xử bởi vì cân nặng của mình. Sau đó, những người này được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi và được đưa cho những bát thức ăn nhẹ có hàm lượng calo cao để họ có thể ăn trong lúc hoàn thành cuộc điều tra. Những phụ nữ thừa cân được xem video mang tính chất kỳ thị tiêu thụ gấp ba lần lượng calo so với những người xem video trung tính.

Những người ủng hộ việc mọi người phải tự biết xấu hổ về cơ thể ngoại cỡ của mình thường xuất hiện để làm người ta tin rằng xấu hổ chính là phép thuật giúp việc ăn uống theo thực đơn giảm cân sẽ ngon miệng hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên những gì xảy ra sau đó lại là những người mập buồn bã về cơ thể của mình và ngày càng ăn uống nhiều hơn.

Đến cuối cùng, cảm giác xấu hổ khiến chúng ta gặp khó khăn nhiều hơn trong việc chăm sóc cho chính bản thân mình. Rất khó để bạn có thể tỏ ra quan tâm thứ mà bạn ghét cay ghét đắng. Nếu bạn hy vọng có một số thay đổi lành mạnh để chăm sóc tốt cho cơ thể, thì thay vì nghĩ cơ thể là kẻ thù của mình, hãy nghĩ đó là ngôi nhà chỉ của riêng mình bạn. Hãy nghĩ về cơ thể theo cách bạn nghĩ đến những người bạn yêu thương: không hoàn hảo, nhưng vô cùng quan trọng và xứng đáng được đối xử theo cách tốt đẹp nhất cùng với sự tôn trọng nhất định.

 

Theo Psychology Today
Kim (dịch)

Tags: