"We don't talk anymore. Like we used to do"
Tôi có ba chiếc ghế trong nhà, Henry David Thoreau viết trong cuốn Một mình sống trong rừng, một ghế cho sự cô độc, một chiếc để bầu bạn, một chiếc cho xã hội.

Bạn đang ngồi ở một bàn ăn tối, hay một cuộc họp, hay một trận bóng rổ, hay trong lớp học, hay trong phòng ngủ, hay trong quán bar, hay trong phòng vệ sinh - và bạn đang ở bên chiếc điện thoại. Có thể bạn sẽ nói nói chuyện với mọi người, nhưng khả năng cao là bạn đang nhắn tin, đăng status, vuốt màn hình, nhấn like, mua sắm, lướt web, hay theo cách tôi hay nói, "làm mới", như thể sự trì trệ của cuộc sống này có thể được gột rửa mỗi khi bạn chạm vào chiếc màn hình cảm ứng.


Chúng ta đang ở trong một thế giới liên tục kết nối, và đi kèm với những lợi ích liên lạc, nó lại đang phá hủy một thứ quan trọng hơn: những cuộc trò chuyện cởi mở. "Công nghệ đang làm chúng ta câm lặng," Sherry Turkle cảnh báo, "theo hướng khiến người với người ngừng giao tiếp." Và sự câm lặng đó cũng làm tuyệt chủng khả năng cảm thông với người khác. "Chúng ta đang đối mặt với cuộc chạy trốn khỏi các cuộc đối thoại, cũng là sự xa lánh khỏi sự suy tư, cảm thông, và thấu hiểu."

 

Là một nhà tâm lý học và giám đốc Sáng kiến về công nghệ và bản thể của đại học MIT, Turkle đã nghiên cứu mối quan hệ của con người với công nghệ trong nhiều thập niên, phổ biến các phát hiện của cô trong các cuốn sách như “Life on the Screen” and “Alone Together.” Và mặc dù người đọc rất dễ gắn tác phẩm mới nhất của bà “Reclaiming Conversation” (Giành lại cuộc chuyện trò) với một số các bản tuyên ngôn hoài nghi lợi ích của công nghệ - như “You Are Not a Gadget” của tác giả Jaron Lanie hay “The Shallows” [Bản dịch tiếng Việt: Trí tuệ giả tạo] của Nicholas Carr và cho rằng mình đã biết hết tất cả, làm như thế sẽ thật bất công cho Turkle và các độc giả khác. Đây là một cuốn sách đầy thuyết phúc và gần gũi, khám phá những khía cạnh tinh tế trong mối quan hệ nhân sinh. Turkle dùng chính trải nghiệm hàng ngày để cảnh tỉnh, cho ta thấy, khi có điện thoại trong tay, ta đã quay mặt đi khỏi con cái, bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là chính bản thân mình.

"Tôi có ba chiếc ghế trong nhà," Henry David Thoreau viết trong cuốn sách Một mình sống trong rừng, "một ghế cho sự cô độc, một chiếc để bầu bạn, một chiếc cho xã hội." Những chiếc ghế của Thoreau là chủ đề mà Turkle thường xuyên sử dụng. Cô độc, cùng với tác dụng tự nhận thức bản thân mà nó đem lại, giúp ta hiểu mình hơn, bà lập luận, và nhờ đó ta mới có thể hiểu được người khác. Cuộc trò chuyện của ta với mọi người - ở nhà, trên trường, chốn công sở, nơi công cộng - giúp ta tôi luyện sự cảm thông, mài rũa khả năng đi sâu vào tâm hồn mình. Suy ngẫm, nói chuyện, lặp lại.

Nhưng công nghệ đã phá vỡ vòng tròn này, nó giết chết cuộc hội thoại. Các mối quan hệ của ta bây giờ bị ảnh hưởng bởi "sự tập trung phân tán," Turkle giải thích. Làm sống lại các cuộc đối thoại là "làm sống lại những giá trị nhân bản nhất của chúng ta."

Chúng ta bị thu hút bởi những thiết bị bóng bảy đó - luôn ở trong tay hoặc trong tầm với - bởi vì chúng dường như thỏa mãn được ba điều ước: "Thứ nhất, ta sẽ luôn được lắng nghe; thứ hai ta có hướng sự chú ý của mình đến bất cứ nơi nào ta muốn; và thứ 3 ta sẽ không bao giờ cô đơn." Lời hứa thứ 4, Turkle giải thích, ngầm định: rằng ta sẽ không bao giờ buồn chán.

Nhưng chính bởi sự vội vàng muốn được những người ngoài kia lắng nghe, ta đánh mất những người gần gũi nhất với mình. "Rất nhiều người trẻ đang lớn lên mà không được trải nghiệm những cuộc nói chuyện nguyên vẹn, không bị điện thoại "xâm hại", ở bàn ăn tối hay khi họ đi dạo với bố mẹ hay bạn bè," Turkle viết. Bà cho ta thấy những đứa trẻ phải nhắc nhở bố mẹ của chúng - "Ba ơi! Ngừng Google lại! Con muốn nói chuyện với ba!" - kể cả những ý định tốt của các bậc cha mẹ đôi khi cũng phản tác dụng. Một ông bố 37 tuổi tham gia một chuyến dã ngoại của trường với đứa con bảy tuổi của mình, nhưng lại dành thời gian chụp ảnh và chia sẻ trải nghiệm lên mạng xã hội. "Đột nhiên tôi nhận ra rằng mình ngồi đó tới gần một giờ mà không nói một lời với cháu Simone." anh ta nói với Turkle. Kể cả khi ta nghĩ mình đang nhập tâm nhất, những chiếc điện thoại đã ngăn cách chúng ta.

Lũ trẻ học được rằng "bất kể chúng làm gì, chúng sẽ không thể thắng được cuộc chiến "chú ý của cha mẹ" với đồ công nghệ," Turkley viết. "Chúng ta chứng kiến những đứa trẻ không chỉ bị tước đoạt sự giao tiếp mà cả ánh mắt của những người lớn."

Chúng ta càng phủ nhận, càng đắm mình vào các thiết bị, lũ trẻ sẽ càng khó liên hệ với bạn bè của mình khi lớn, Turkle nhấn mạnh. Chiếc điện thoại đang trở thành một nơi chốn. "Khi em kiểm tra tin nhắn của mình, em đang kiểm tra xem có ai liên hệ với mình không," Arjun, một sinh viên giải thích. "Nhưng giả dụ không có tin nhắn nào. Em sẽ tiếp tục kiểm tra những thứ khác - Twitter, Instagram, Facebook - những địa điểm quen thuộc. Giờ đây, điện thoại là một niềm an ủi. Điện thoại chính là một người bạn." Nỗi sợ bị bỏ quên (FOMO-Fear of missing out), Turkle viết, đã trở thành nỗi sợ bị bỏ lỡ mọi thứ.

Các sinh viên đại học coi sự kết nối liên tục "như một điều cần thiết.",tác giả viết. 9 trên 10 sinh viên thừa nhận nhắn tin trong lớp, và 1 bạn miêu tả chiếc điện thoại của cô là "chính sách bảo hiểm" chống lại sự buồn chán - một tư duy đáng quan ngại vì chính buồn chán có thể thúc đẩy sự sáng tạo. "Sự chán trường thuở nhỏ là một động lực," Turkle viết. "Nó châm ngoài cho trí tưởng tượng...Tự tìm cách trở nên vui vẻ là một cột mốc đánh dấu sự phát triển." Thay vì vậy, ta lại bỏ qua chúng.

Khi lớn, sự có mặt khắp nơi của điện thoại và các ứng dụng ta có thể tiếp cận không chỉ làm còi cọc quá trình phát triển bản sắc cá nhân mà còn làm nó lẫn lội. Một phụ nữ 34 tuổi thừa nhận với Turkle rằng cô dành thời gian trên mạng để thể hiện "một phiên bản của mình tốt hơn - một người sẽ tử tế với những người theo dõi của mình." Sự tập trung của ta chuyển từ suy tư sang tự diễn và liên tục phản hồi. "Ta bị thúc đẩy theo hướng nhìn bản thân mình như tập hợp những thứ mà người khác khuyên rằng mình nên muốn," Turkle than phiền. "Liệu đây có phải một phiên bản tốt hơn của bạn không?"

Tại nơi công sở, các màn hình và các tab đòi hỏi sự tập trung của ta. Những nhân viên trẻ tin rằng họ đang tối đa hóa năng lực, nhưng "khi ta nghĩ mình đang đa nhiệm (multi-tasking)" Turkle viết, "bộ não của ta chỉ thực sự đang di chuyển nhanh từ thứ này sang thứ khác, và hiệu suất của ta sẽ giảm xuống mỗi khi có thêm một công việc mới." Kết quả đạt được còn tồi tệ hơn đơn nhiệm. Một tư vấn quản lý trẻ nhảy sang Facebook trong cuộc họp với khác hàng, bởi vì cô thấy, "phần" thuyết trình của mình đã hoàn thành. Một nhân viên dịch vụ tài chỉnh giả ốm để anh có thể ở nhà, trách khỏi những sao lãng công nghệ và thực sự hoàn thành công việc. Một nhân viên luật Chicago thuyết trình cho một nhóm các sinh viên đang nhắn tin và email. Chủ đề của cô? Truyền thông nội bộ.

Công nghệ thậm chí còn hứa sẽ khiến chuyện tình yêu trở nên hiệu quả hơn nhưng thay vào đó, nó lại làm mọi chuyện phức tạp, với những ứng dụng hẹn hò mang đến ảo tưởng về lựa chọn bất tận. Khi người yêu của bạn bước ra khỏi giường, tại sao lại không tranh thủ vài giây để tìm một vài đối tượng tiềm năng? "Khi con người chỉ cách nhau vài click," một sinh viên giải thích, "chúng ta sẽ khó mà cố định với một người được"

Và khi các mối quan hệ đang được tạo dựng qua các tin nhắn hơn là những lần gặp gỡ mặt đối mặt, sự phức tạp còn nhân lên nhiều lần. Turkley kể một câu chuyện buồn về Adam, 36 tuổi, lục lại những tin nhắn kéo dài ba năm giữa anh và người yêu cũ, khoảng 30-50 tin mỗi ngày, cố gắng hiểu sai lầm nằm ở đâu. Anh chỉnh sửa tin nhắn của mình cẩn thận trước khi gửi nhưng lại luôn cho rằng cô chỉ nhắn mà không suy nghĩ. Giờ đây, anh không chắc và tự hỏi có phải bản thân mình không xứng với cô. Anh ngồi phân tích những dòng tin cũ, kẻ cai ngục của những kí ức trước đây. "Làm sao bạn có thể biết con người thực của một ai đó" Adam hỏi.

Chúng ta nghĩ rằng các thiết bị của mình mang lại sự an ủi và hiệu quả, nhưng trong quan niệm của Turkle, chúng chỉ đem đến nỗi cô đơn và sự lạc lõng. "Mỗi lần bạn kiểm tra điện thoại của mình ở công ty," cô nhắc nhỏ, "thứ bạn nhận được là một thứ thuốc kích thích thần kinh, và thứ bạn mất là đi là những gì mà người bạn, giáo viên, bố mẹ, người yêu hay đồng nghiệp vừa mới nói, ám chỉ, cảm thấy."

Ai cũng có thể tìm thấy trong cuốn "“Reclaiming Conversation” cảm giác tội lỗi. (Lời thú nhận: tôi đã từng là ông bố đăng ảnh trên Facebook đó.) Tuy nhiên, Turkle đổi lỗi quá nhiều cho công nghệ, và đôi lúc tôi cảm thấy nó hơi quá đáng. Tôi không nhớ tất cả các mối quan hệ của mình đều hạnh phúc trước khi điện thoại thông minh xuất hiện. Chẳng phải chúng ta cũng đã cô đơn vào giữa những năm 90 hay sao? "Ta không thể biết liệu các ông bố bà mẹ sẽ quan tâm hơn đến con mình khi họ chưa có điện thoại hay không," Turkle thừa nhận. "Điều chúng ta biết là chiếc điện thoại kia vô cùng quyến rũ." TV cũng từng được nhìn nhận theo cách đó, nhưng Turkle lại coi nó lành tính hơn. "Nếu bạn để ý đến việc TV có thể được sử dụng bởi nhiều người," bà viết, "nó có thể khiến gia đình gần nhau hơn."

Những lời khuyên của tác giả thường đọc giống như những tiêu đề cho các tấm poster truyền cảm hứng ở công ty. "Sống chậm lại." "Bảo vệ sức sáng tạo của mình." "Hãy tạo ra những chốn linh thiêng chỉ để nói chuyện." Một số gợi ý khá hiển nhiên, nhưng có lẽ đôi lúc ta cần cần phải nghe chúng. "Thay vì đặt con bạn vào xe đẩy để gửi email, hãy nói chuyện nói nó," Turkle viết. " Thay vì đặt chiếc máy tính bảng lên ghế trông trẻ , hãy đọc và trò chuyện với nó về cuốn sách." Và bà hi vọng, có lẽ quá lạc quan, rằng thiết kế công nghệ, thay vì lợi dụng những điểm yếu của ta, sẽ tìm cách giảm thiểu chúng.

Turkle không yêu cầu chúng ta phải bỏ hoàn toàn điện thoại. Chúng là "một điều hiển nhiên của cuộc sống và mọt phần của đời sống sáng tạo," cô viết. "Cái cần là sử dụng chúng với ý thức tốt hơn." Hay như Thoreau sẽ nói, thong thả hơn.



Trạm Đọc (Read Station)

Theo Washington Post

 

 

Tags: