Viết tiểu thuyết lịch sử để làm gì?
Viết tiểu thuyết lịch sử để làm gì?
Tôi viết tiểu thuyết lịch sử vì mục đích gì? Câu hỏi này với tôi cũng khó trả lời giống như việc định nghĩa “tiểu thuyết lịch sử” vậy". Trạm Đọc xin giới thiệu bài viết của Nhà văn Hà Thủy Nguyên.

Bạn quan tâm đến chủ đề này có thể tham dự sự kiện Hẹn hò với Sách TẠI ĐÂY

Tiểu thuyết lịch sử là gì? Đó là câu hỏi gây tranh cãi trên mọi văn đàn dù ở Việt Nam hay trên thế giới. Nội tại của khái niệm “tiểu thuyết lịch sử” chứa nhiều nghịch lý: Một thái cực là “lịch sử” với các đòi hỏi về tính xác thực của sự kiện và nhân vật, thái cực khác là “tiểu thuyết” với những khoảng không hư cấu không giới hạn. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử chông chênh đi giữa ranh giới giữa thực và ảo, giữa những gì được tin là đã xảy ra và những thực tại xảy ra trong giả định của nhà văn. Đây là nan đề không chỉ đối với tác giả mà đối với nhà phê bình hay độc giả, bởi bước trên sợi dây ranh giới và sáng tạo nên một tác phẩm vừa đảm bảo một hiện thực lịch sử nào đó lại vừa thể hiện được văn tài hư cấu là một điều không dễ. Thế nên, đưa ra một khái niệm cứng nhắc để định nghĩa tiểu thuyết lịch sử vô tình khiến sợi dây ranh giới trở nên hoặc quá khổ, hoặc quá mỏng manh, bởi thực và ảo xét về bản chất chỉ là những hiện thực đồng tồn mà thôi.

Vậy thì tại sao tiểu thuyết lịch sử lại hình thành, tại sao nhân loại lại có nhu cầu hư cấu những hiện thực xưa cũ? Những tác giả đầu tiên đã từng băn khoăn về ranh giới giữa hiện thực và giả định hay chưa? Tôi đã thử lộn lại để tìm hiểu về lịch sử của tiểu thuyết lịch sử, không phải với mục đích trở thành nhà nghiên cứu phê bình dòng văn học này, mà là để giải mã chính bản thân mình. Từ nhỏ, tôi đã thích đọc lịch sử và dã sử, những ngày đầu viết văn tôi đã sớm định vị mình sẽ trở thành một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Nhưng tôi chưa bao giờ hiểu tại sao mình lại chọn lựa như vậy hoặc ở một cách nhìn khác, tại sao tôi được chọn để viết tiểu thuyết lịch sử chứ không phải một thể tài nào khác? Đồng thời, tôi cũng muốn chuẩn bị cho mình thật tốt để đi đường dài trên con đường này. Nhìn lại truyền thống tiểu thuyết lịch sử lâu đời ấy, câu hỏi lớn nhất nảy sinh trong tôi đó là: người ta đã hư cấu lịch sử vì mục đích gì?

Trong những xã hội cổ sơ, thuở chữ viết còn chưa được hình thành và chưa được sử dụng để sắp xếp thành văn bản, loài người đã có nhu cầu lưu truyền các sự kiện lớn của bộ tộc. Những sự kiện lớn này thường liên quan đến sự hình thành bộ tộc, những cuộc chiến chống lại nguy cơ từ bên ngoài như thiên tai địch họa, những việc bất thường của các thành viên bộ tộc như một mối tình thắm thiết hay các chuyện ma quái mà người xưa không giải thích được… Họ truyền miệng và diễn xướng qua các sinh hoạt nghi lễ, hay những lời kể trong gia đình.  Việc cũ được nhắc đi nhắc lại, được thêm thắt các yếu tố phù hợp với văn hóa thời đại và tình trạng dân trí của người dân. Những yếu tố thêm thắt này chính là các hư cấu nguyên sơ nhất, tự nhiên nhất. Các sự kiện lịch sử được truyền từ đời này sang đời khác, dần dần bị sai lệch, tới mức tính thực mờ đến độ trở thành ảo. Như vậy, thần thoại, truyền thuyết, cổ tích chính là các hình thức hư cấu lịch sử sơ khai thời kỳ tiền văn bản.

Hãy hình dung về cuộc chiến thành Troy trong bản trường ca “Illiad”. Những người dân ở khu vực Địa Trung Hải đã ghi nhớ cuộc chiến này bằng cách kể lại sự kiện qua lối văn vần, đắp vào đó các yếu tố thần thoại và kì vĩ, thậm chí là chuyện tình ái li kỳ. Một sự kiện sẽ được ghi nhớ khi nó đủ hấp dẫn đối với người nghe, do đó nhu cầu “hấp dẫn” đã kích thích người kể thêm thắt các chi tiết. Cùng thời với “Illiad”, có thể có những câu chuyện khác về thành Troy và được hư cấu theo cách khác, thế nhưng vì đã thất truyền nên chúng ta không được biết tới. Hay thần tích về cuộc chiến Hiên Viên Hoàng Đế và Si Vưu được lưu lại trong “Sử ký” với các yếu tố thần tiên quỷ dị cũng là lớp hư cấu được áp đặt vào sự kiện có thật về cuộc chiến giữa hai bộ tộc Trung Quốc cổ đại. Đây là hiện tượng phổ biến ở mọi nền văn hóa, từ các văn minh lớn tới các văn hóa nhỏ, mặc dù trình độ hư cấu ở mỗi nơi lại khác nhau. Ở các xã hội văn minh hơn thì trình độ hư cấu tinh vi hơn với cấu trúc phức tạp hơn nhưng vẫn khiến người dân nhớ tới lõi sự kiện, còn ở các xã hội cổ sơ và man dã thì các hư cấu này thô lậu hơn và càng khiến cái thực trở thành cái ảo.

Như vậy, mục đích tối thượng của các hư cấu lịch sử ban sơ là bảo tồn và lưu giữ sự kiện lớn xảy ra trong các bộ tộc, và cách bảo tồn tốt nhất chính là lưu truyền rộng rãi. Nghịch lý ở chỗ, khi sự việc được lưu truyền rộng rãi thì sự thật lại bị bóp méo dần đi theo độ phổ trong dòng thời gian và không gian. Khi sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền giảng con đường giải thoát được bảo tồn và lưu truyền bởi các nhà sư, thì bản thân sự kiện ấy đã được đắp thêm các lớp vỏ của văn hóa dân gian tại các địa phương ở Ấn Độ, thậm chí là đưa vào trong câu chuyện về cuộc đời Đức Phật các yếu tố Hindu giáo. Hay sự kiện Jesus truyền giảng đạo và cái chết của người cũng được thêu dệt thêm các yếu tố dân gian ở khu vực Lưỡng Hà và truyền thống của người Do Thái. Vậy thì các bản kinh ghi chép về sự truyền giảng tôn giáo tương tự như thế này có thể được xem là hình thức đầu tiên của “tiểu thuyết lịch sử”, hay nói một cách khác là thứ lịch sử đã được hư cấu thành thần tích. Có lẽ giáo đồ của các tôn giáo khó chấp nhận tính chất “tiểu thuyết lịch sử” ở các văn bản kinh thư của họ, thế nhưng nếu đứng ngoài và xem xét các yếu tố hư cấu thì có thể thấy đó là một hiện thực lịch sử đã được lồng vào hiện thực giả định của người truyền giảng kinh qua các thế hệ. Văn bản lưu trữ những kinh thư này đều mang tính chất ghi lại một hiện thực đã hư cấu chứ không phải người viết sáng tạo nên văn bản mới. Khi tính duy lý lên ngôi, các yếu tố hư cấu này đã dần được “giải thiêng”, bởi các nhà khoa học vẫn luôn không ngừng tìm kiếm sự thật ẩn sâu trong huyền thoại. Sự “giải thiêng” không khiến các tôn giáo hay tín ngưỡng bớt thiêng mà ngược lại, càng khiến sự thật bị ẩn giấu được nhắc đến nhiều hơn. Đây lại là một nghịch lý thú vị khác trong sự hư cấu lịch sử, khi hư cấu bị nghi ngờ thì những hư cấu ấy lại càng được nhắc tới nhiều hơn.

Dần dần, vì các đòi hỏi của thời đại, quá trình văn bản hóa huyền thoại cũng trở thành một quá trình sáng tạo. Ta có thể xem xét qua trường hợp huyền thoại về vua Arthur nước Anh. Huyền thoại vua Arthur và phù thủy Merlin cùng các hiệp sĩ Bàn Tròn vốn là một phần của những thần thoại Celtic – tộc người đã bị La Mã cai trị và triệt tiêu văn hóa để thay thế bằng văn hóa Công giáo. Thế nhưng những truyền thuyết này vẫn được lưu truyền qua hình thức truyền khẩu, chỉ đến thế kỷ 11-12, những văn bản đầu tiên bằng chữ Latin ghi chép về truyền thuyết này mới xuất hiện với cái tên “Historia Brittonum” (Lịch sử Britton) và “Historia regum Britanniae”(Lịch sử các vị vua Britton). Trong hai văn bản vừa kể trên, truyền thuyết Arthur đã được pha trộn giữa các yếu tố Celtic  với các yếu tố của văn hóa Kito: các chiến binh Celtic đã được đồng nhất với hiệp sĩ thánh chiến, phù thủy được đồng nhất với mô hình người truyền đạo, cuộc chiến bộ tộc được đồng nhất với cuộc chiến chính nghĩa kiểu Kito giáo. Các yếu tố thời đại mới thông qua văn bản viết đã được cài vào một lớp hư cấu cũ để sáng tạo ra hư cấu mới.

Đây cũng là hiện tượng quen thuộc khi ta xem xét các tiểu thuyết phương Đông như “Phong thần diễn nghĩa”, “Thủy hử truyện”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Chinh Đông chinh Tây”, “Thất hiệp ngũ nghĩa”… Các nhà văn cổ điển Trung Quốc đã viết các cuốn tiểu thuyết như vậy bằng cách tập hợp các chuyện kể được lưu truyền trong dân gian và dựng lại kết cấu, đưa vào các giáo lý Nho – Phật – Lão và áp đặt mô hình xã hội thời Minh – Thanh vào triều đại lịch sử trước đó. Như trường hợp “Phong thần diễn nghĩa”, “Chinh Đông chinh Tây”, “Tam quốc diễn nghĩa” đặc biệt đã bị thay đổi cơ cấu sự thật đáng kể bởi chính sáng tạo của người viết, không chỉ đưa vào truyện những nhân vật hoàn toàn hư cấu mà còn áp đặt cấu trúc xã hội đương thời của người viết vào xã hội cổ xưa hơn vốn khác mô hình và khiến xã hội cổ xưa ấy có dáng dấp của xã hội Minh – Thanh. Theo tôi, đây là thói quen hư cấu điển hình của thời kỳ đầu văn học viết. Các nền văn hóa đô hộ  và các nền văn hóa bị đô hộ đã gặp nhau trong quá trình hư cấu khi phe đô hộ muốn lưu truyền các giá trị của mình trong khi các nền văn hóa bị đô hộ lại muốn bảo tồn truyền thống của mình. Cả hai đã hòa trộn với nhau và tạo nên một sự hỗn hợp hư cấu phức tạp, trong đó giá trị của phe thắng cuộc đương thời được coi trọng hơn giá trị của sự thật đang cần được bảo tồn của phe thua cuộc. Người viết sẽ đan cài vào trong cuốn tiểu thuyết các yếu tố được đúc rút thành bốn chữ “ôn cố tri tân”, với mong muốn mượn truyện ngày xưa để bàn việc ngày nay, và đương nhiên “tri tân” quan trọng hơn “ôn cố”.

Đối với văn học viết, hư cấu lịch sử và lịch sử được ghi chép dần tách khỏi nhau. Lịch sử được các nhà viết sử ghi chép lại, độ kỹ lưỡng và trung lực tùy thuộc vào trình độ và ý thức hệ của người chép. Lịch sử tập trung vào các sự kiện lớn của quốc gia, không quan tâm đến số phận nhân vật. Tiểu sử của các nhân vật được ghi chép lại bởi các sử gia cũng chỉ được khai thác ở khía cạnh sự kiện chứ không phải tính cách và tâm tư tình cảm của nhân vật. Ghi chép biên niên và tiểu sử là hai phương pháp bảo tồn sự thật lịch sử được đề cao trong thời La Mã cổ đại và đến nay vẫn là nền tảng của các phương pháp nghiên cứu lịch sử hiện đại. Ở phương Đông, biên niên sử vẫn được sử gia ghi chép, nhưng phải đối mặt với những ngăn cấm của các vị vua phong kiến dẫn đến tình trạng thiếu sót (chứ không hư cấu). Lịch sử với hạn chế của mình tạo ra nhiều khoảng trống, đặc biệt là khi những người thắng cuộc tiêu hủy các cuốn sử để xóa dấu vết về các sự thật quá khứ nhằm mục đích đồng hóa các dân tộc thua cuộc.

Các khoảng trống này là mảnh đất của hư cấu, vừa bởi những người dân không biết chữ, vừa bởi các tác giả văn hay chữ tốt mong muốn sáng tạo để gửi gắm lòng mình. Hư cấu lịch sử của dân gian và nhà văn trong thời đại đã có ghi chép lịch sử  tạo thành những thực tại không ăn khớp với sự kiện quá khứ như một nỗ lực đặt quá khứ trong hiện thực và được đánh giá lại bởi hiện thực. Khi quá khứ được đánh giá lại và được hư cấu thêm thì hiện thực đang được gắn kết bởi niềm tin chung vốn có của cộng đồng cũng bị phân rã. Ví dụ như, cùng là nhân vật Tào Tháo – vị quân chủ của nước Ngụy, người đã sử dụng thiên tử Hán thất để tạo dựng sự nghiệp lừng lẫy cho mình,  nhưng dưới con mắt của La Quán Trung – một tác giả Nho giáo – thì vĩ nhân này xuất hiện như kẻ đầy gian kế và bị đánh giá là thiếu nhân đức, tuy nhiên dưới con mắt của các tác giả đương đại, trong các kịch bản phim ảnh hiện nay tại Trung Quốc như “Tân Tam Quốc diễn nghĩa” hay “Quân sư liên minh” thì Tào Tháo lại là một nhân vật vì nghĩa lớn sẵn sàng chấp nhận vượt khỏi lẽ thiện ác thông thường. Những hành vi nhỏ nhặt của Tào Tháo được hư cấu để củng cố cho lập luận của mỗi tác giả với đánh giá khác nhau, và đều rất khác so với “Tam Quốc chí” – một công trình ghi chép sử của sử thần nước Thục vào cuối thời Tam Quốc (ngay cả ghi chép này cũng không chắc chắn đã đúng với sự thật). La Quán Trung giữ thái độ phê phán Tào Tháo thông qua “Tam quốc diễn nghĩa”  nhằm ẩn ý sự khinh miệt tầng lớp quý tộc quan lại thời Minh tranh quyền đoạt vị, bất chấp đạo lý được dạy bởi Khổng Mạnh. Khi nhân vật Tào Tháo được đánh giá lại trong xã hội đương đại Trung Quốc thì thứ đạo lý Nho giáo cũng đang ở trong quá trình tàn lụi tại quốc gia này. Vậy thì hư cấu lịch sử không còn là quá trình “ôn cố tri tân” nữa mà đã trở thành “dụng cố canh tân”. Xu hướng này được các tác giả hư cấu lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam yêu thích và đến nay vẫn tiếp tục duy trì. Các nhân vật lịch sử được đánh giá lại và hư cấu thêm dựa trên các đánh giá ấy không chỉ bởi các nhà nghiên cứu lịch sử mà còn bởi các tác giả tiểu thuyết nhằm mục đích thúc đẩy một mô hình tư tưởng và tư duy mới. Vậy tức là với các cây bút đi theo xu hướng này, nhiệm vụ lưu lại các sự kiện quá khứ của cộng đồng không đóng vai trò quan trọng bằng thay đổi hiện thực tâm thức của cộng động.

Ở phương Tây, hư cấu lịch sử cũng gánh trách nhiệm canh tân tương tự với phương Đông. Hư cấu lịch sử vừa để gợi nhắc quá khứ lại vừa mang tính chất giải trí đơn thuần, giống trường hợp các sử thi và kịch nghệ của Hy Lạp cổ đại hay Phục Hưng, nhưng vẫn tạo ra các mẫu hình nhân vật đại diện cho tính thời đạị rồi đan cài đánh giá của tác giả với các sự kiện trong quá khứ để ẩn ý về hiện thực xã hội. William Shakespeare là tác giả điển hình cho bút pháp này với một loạt các kịch lịch sử mang đầy thông điệp chính trị của ông. Chỉ đến các tác giả lãng mạn như Alexandre Dumas,  Walter Scott, Victor Hugo, Lev Tolstoy… hư cấu lịch sử mà điển hình là thể loại tiểu thuyết mới thoát khỏi sứ mệnh nặng nề ấy. Các nhà văn tiểu thuyết lịch sử này chỉ sử dụng bối cảnh lịch sử để viết nên các số phận mới. Các số phận ấy bị đưa đẩy trong các biến động lịch sử, là nạn nhân của lịch sử. Nhân cách của con người trong các biến cố xã hội là mối quan tâm lớn hơn của các tác giả tiểu thuyết lịch sử thuộc chủ nghĩa lãng mạn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa dân tộc được đưa vào tiểu thuyết lịch sử lãng mạn cũng rất quan trọng và góp phần phục hồi, bảo tồn văn hóa cổ đã “vang bóng một thời” mà các nhà văn chứng kiến do các biến động chóng mặt của thời đại công nghiệp hóa. Tiểu thuyết lịch sử với các tác giả lãng mạn, dường như là một lẽ tất yếu để cưỡng lại sự thay đổi thời thế đang diễn ra, nhưng sự cưỡng lại này không phải để ngăn cản mà là để gợi nhớ. Tức là, đối với các nhà tiểu thuyết lịch sử lãng mạn, mục đích bảo tồn không phải chỉ sự kiện quá khứ mà là toàn bộ yếu tố của một nền văn hóa họ mong muốn gìn giữ. 

Sang thế kỷ 20, vấn đề bảo lưu những gì “vang bóng một thời” không còn được các nhà văn tiểu thuyết lịch sử ưa chuộng nữa. Nhu cầu giải mã các sự kiện lịch sử không lớn bằng nhu cầu giải mã các số phận nhỏ trong những biến động lịch sử lớn. Đây có thể là do cơn sang chấn tâm lý mang tính thế kỷ, khi con người hiện đại của thế kỷ 20 liên tục trải qua các cuộc chiến tranh tầm cỡ thế giới với sức hủy diệt chưa từng có trong quá khứ. Thay vì đi vào các đại tự sự, tiểu thuyết lịch sử hiện đại đi vào các tiểu tự sự. Thay vì đi sâu vào quá khứ xa vời để hư cấu thì họ đi vào hiện thực xã hội và hư cấu để nói lên một lịch sử khác, lịch sử của các số phận bình thường. Xu hướng này đặc biệt phổ biến ở Mỹ và Đức với các tác giả lớn như Thomas Mann, William Faulkner…và đặc biệt bùng phát khi các nhà văn trong khối Liên Xô phải rời bỏ quê hương để lưu vong sang Mỹ và Tây Âu. Họ đã đồng nhất nhiệm vụ phản ánh hiện thực với nhiệm vụ lưu giữ những đau thương và tội ác mà họ chứng kiến trong thời đại mình.

Song song với xu hướng tiểu thuyết lịch sử hiện thực này, các hình thức hư cấu lịch sử khác vẫn tồn tại và phát triển khi kết hợp thủ pháp tiểu thuyết lịch sử cổ điển với các thể loại khác như giả tưởng thần thoại, khoa học viễn tưởng, tượng trưng, siêu thực… Sự hư cấu đối với các nhà văn đương đại có lẽ không chỉ nhằm mục đích bảo tồn hay lưu truyền nữa, cũng không phải chỉ để “canh tân”, mà vì nhiều lý do mang tính thời đại khác như phục vụ thương mại hoặc tuyên truyền chính trị hoặc do ảnh hưởng của xu hướng truyền thông, và đôi khi vì những lý do rất cá nhân khác như sự hứng thú với nhân vật lịch sử nhất định  vì tìm thấy sự tương đồng trong tính cách của bản thân hay vì mối liên hệ dòng tộc hoặc quê quán. Và khi mục đích của hư cấu lịch sử không còn mang tính chất sứ mệnh giống như trong quá khứ của nhân loại thì sự hư cấu càng trở nên không có giới hạn. Người ta dần không quan tâm đến sợi dây ở giữa thực và ảo nữa mà thực và ảo đã đan cài với nhau tới mức lịch sử cũng dần trở nên hư huyễn trong các tác phẩm viết theo kiểu này. Vậy là, thay vì để các nhà duy lý hoài nghi tính hư cấu trong huyền thoại cổ xưa, thì tiểu thuyết lịch sử hiện đại thực hiện một cơn bão hoài nghi lớn đối với chính lịch sử đã được ghi chép.

Tôi viết tiểu thuyết lịch sử vì mục đích gì? Câu hỏi này với tôi cũng khó trả lời giống như việc định nghĩa “tiểu thuyết lịch sử” vậy. Tôi viết cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tiên “Điệu nhạc trần gian” khi còn học lớp 8 là bởi vì tôi nhìn thấy sự hấp dẫn của bầu không khí cổ trang và tôi đã thử sức tạo ra  một cuộc hư cấu khi nào nặn các yếu tố giả tưởng thần thoại và lịch sử. Vô tình, đây là cách thức phổ biến của thể loại ngôn tình lịch sử, đặc biệt là huyền huyễn và xuyên không được ưa chuộng ở Trung Quốc hơn 10 năm nay. Tôi vào đại học năm thứ nhất rồi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai “Cầm thư quán” như một cuốn tiểu thuyết luận đề, mượn bối cảnh lịch sử ở thời thịnh của Nho giáo để thách thức các truyền thống vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay, và cuốn sách bị cho là “xuyên tạc lịch sử”. Với luận đề tôi đưa ra trong “Cầm thư quán”, tôi cho rằng tôi đã bắt đầu ý thức được nhiệm vụ “dụng cố canh tân” của tiểu thuyết lịch sử, dù không quá mạnh mẽ. Về sau, khi đọc các tiểu thuyết có dụng ý này của các tác giả Việt Nam, tôi không cảm thấy thực sự có hứng thú, trừ tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly” của Nguyễn Xuân Khánh. Tôi thấy mục đích này đã ban cho hư cấu quá nhiều quyền hạn và nếu tôi chưa thể rèn luyện bản thân thành một người có cái nhìn bao dung và sự hiểu biết về bản chất lẽ thịnh suy thì việc viết những cuốn tiểu thuyết lịch sử như vậy chỉ biến tôi trở thành công cụ của thời đại. Tôi cũng không muốn khoác cho mình sứ mệnh bảo tồn những gì “một thời vang bóng” của dân tộc tôi, bởi vì với tôi những gì đã đến mức cần được “bảo tồn” thì nó cũng đã đến lúc suy tàn. Nhắc đi nhắc lại quá khứ không bao giờ là cách bảo tồn tốt. Vậy thì tôi viết tiểu thuyết lịch sử để làm gì? Có thể tôi đang đi tìm chính tôi, cũng có thể tôi đang đặt tôi vào các giả định lịch sử để thử thách bản thân trong các biến động mà có lẽ tôi sẽ gặp phải trong chính thời đại của mình, cũng có thể vì tôi nhận ra sự thật đang bị ẩn giấu trong lịch sử nhưng lại không tìm được cách truyền tải nào tốt hơn hư cấu lịch sử.

Người đọc tiểu thuyết lịch sử có lẽ đa phần không quan tâm đến những sâu kín này. Người đọc quan tâm đến việc hư cấu ấy có hấp dẫn và lôi cuốn họ không, hay có mang đến cho họ sự hữu ích nào không… Người đọc hư cấu lịch sử ở thế giới đương đại xem ra cũng không khác những người nghe thần thoại, cổ tích ở xã hội cổ sơ trong khi người hư cấu thì đã biến chuyển và phân hóa muôn hình muôn vẻ. Các nhà phê bình tiểu thuyết lịch sử cũng hoang mang trong đánh giá giá trị của các tiểu thuyết lịch sử, bởi họ cũng như tôi, hoang mang không rõ “tiểu thuyết lịch sử là gì” và chỉ biết nương vào các yếu tố hư cấu để bàn luận. Vậy là yếu tố “hư cấu” trong tiểu thuyết lịch sử lại được coi trọng hơn các yếu tố khác. Tôi không cho rằng đây là hiện trạng tốt cho quá trình phát triển của tiểu thuyết lịch sử, ngược lại, nó sẽ dẫn tiểu thuyết lịch sử đến ngõ cụt giống như mọi thể loại văn chương khác. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là tôi cổ vũ cho lối viết tiểu thuyết lịch sử khô cứng bám sát vào sự kiện, mà tôi cho rằng tiểu thuyết lịch sử nói riêng và hư cấu lịch sử nói chung ở mọi hình thức truyền tải cần có một hướng tiếp cận mới, mang tính cá nhân hơn và tự do tinh thần hơn thay vì bám vào các nghĩa vụ chính trị với cộng đồng để hư cấu. 

Hà Thủy Nguyên

Co-Founder Book Hunter

Tags: