Viết lại Harry Potter theo phong cách sách kinh doanh: Lí do tại sao sách kinh doanh thất bại trong việc kể chuyện
Viết lại Harry Potter theo phong cách sách kinh doanh: Lí do tại sao sách kinh doanh thất bại trong việc kể chuyện
Hãy tưởng tượng việc chúng ta cảm thấy hài lòng khi chỉ đọc 60% cuốn tiểu thuyết ưa thích. Ví dụ, nếu bạn chỉ đọc 60% đầu tiên của cuốn 1984, bạn sẽ không bao giờ đến được phần kết đen tối và giàu giá trị khiến bạn tự vấn về cuộc đời và ý nghĩa của mọi thứ xung quanh. Hoặc tưởng tượng chỉ đọc 60% cuốn Moby Dick, nắm được ý chính (“À hiểu rồi. Ông ta đang săn đuổi một con cá voi”) rồi đặt sách xuống. Ông ta có săn được hay không? Bạn chẳng còn hứng thú với điều đó nữa.
Tôi sở hữu ít nhất 50 quyển sách kinh doanh, tôi thậm chí còn đọc “gần hết” chúng.
 

Và đây chính là vấn đề với hầu hết các cuốn sách kinh doanh. Bạn chỉ cần đọc 60% đầu tiên (đôi khi chỉ cần 40%) là sẽ nắm được phần sau của cuốn sách sẽ đi đến đâu.

Thật là tồi tệ.

Hãy tưởng tượng việc chúng ta cảm thấy hài lòng khi chỉ đọc 60% cuốn tiểu thuyết ưa thích. Ví dụ, nếu bạn chỉ đọc 60% đầu tiên của cuốn 1984, bạn sẽ không bao giờ đến được phần kết đen tối và giàu giá trị khiến bạn tự vấn về cuộc đời và ý nghĩa của mọi thứ xung quanh. Hoặc tưởng tượng chỉ đọc 60% cuốn Moby Dick, nắm được ý chính (“À hiểu rồi. Ông ta đang săn đuổi một con cá voi”) rồi đặt sách xuống. Ông ta có săn được hay không? Bạn chẳng còn hứng thú với điều đó nữa.
 
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ qua được giờ học Anh ngữ ở trường cấp 3 nếu chỉ đọc 60% đầu tiên cuốn Giết con chim nhại, cũng chẳng học được sự thật phũ phàng mà cuốn sách muốn dạy chúng ta ở phần cuối sách. Trong Romeo và Juliet, chỉ đọc 60% sẽ khiến chúng ta quy chụp rằng những quyết định tình cảm vội vã sẽ chẳng dẫn đến một hậu quả tệ hại nào. Và hãy nghĩ xem bao nhiêu tiền đã không bị phung phí vào những món đồ chơi, những mô hình hay chi phí sản xuất phim nếu như chẳng ai trong chúng ta thèm đọc đến đoạn kết của cả 7 tập sách Harry Potter.
Tiểu thuyết đưa ra lời khuyên thông qua các câu chuyện, còn sách kinh doanh kể chuyện để đưa ra lời khuyên
 
Bạn có thể nói rằng đó là hai điều khác nhau hoàn toàn. Tiểu thuyết thì kể chuyện còn nhiệm vụ của sách kinh doanh là đưa ra lời khuyên.
 

Tôi sẽ phản biện rằng điều ngược lại mới đúng. Tiểu thuyết đưa ra lời khuyên thông qua các câu chuyện, còn sách kinh doanh kể chuyện để đưa ra lời khuyên.

Nào, rắc rối bắt đầu từ đây.

 

 

Các giai thoại trong sách kinh doanh

 

 

Nếu bạn đã từng đọc cái này:
 

Có một chàng trai nọ điều hành một công ty đang rơi vào tình trạng khó khăn: không có tiền, không có sản phẩm, mọi nhân viên cứ như thể đang chuẩn bị bỏ việc trong vòng 10 giây. Anh ta đang đứa trước sự sụp đổ của khoản tiết kiệm cả đời, danh dự và khoản tiền thế chấp. Nhưng anh ta có thể làm gì đây?

Nếu bạn ở trong tình cảnh của anh chàng này, có thể bạn đã bỏ cuộc. Có thể bạn sẽ nghĩ, “Chắc chắn là thất bại rồi, chẳng có cách nào cứu vãn doanh nghiệp này và đảm bảo rằng nhân viên của mình xây dựng được một sản phẩm mà ai ai cũng mong muốn.”

Nhưng đó không phải là điều anh ta làm. Trong buổi họp tiếp đó, anh ta gọi mọi người vào trong phòng và để mọi người ngồi theo vòng tròn như thường lệ. Trông ai cũng như sắp khóc. Họ nghĩ công việc của mình đến đây là chấm dứt, rằng họ sẽ về nhà tối đó với chiếc bụng rỗng.

“Rồi,” anh chàng nói, với một nụ cười mập mờ, “Mọi người hãy nhìn xuống dưới ghế đi.”

Và dưới ghế của mọi người là một kế hoạch kinh doanh mà anh chàng đã lao tâm khổ tứ để tạo ra trong sáu tháng trời, không quản ngày đêm. Anh ta vời đến những vị chuyên gia, gọi điện cho tất cả các văn phòng trong thị trấn, liên kết khách hàng của mình lại để thiết kế nên một giải pháp hoàn hảo tuyệt vời. “Ta có thể hiện thực hóa kế hoạch này nếu ta làm việc cùng nhau,” chàng trai nói tiếp.

“Thế nhưng còn tiền thì sao? Lấy đâu ra tiền để chạy dự án này?”, một nhân viên hay nghi ngờ hỏi.

“Mọi người lại nhìn xuống dưới ghế đi,” anh chàng nói. Và lúc này ở dưới đó là một tờ ngân phiếu 3000$.

Bạn thấy đấy, điều gì cũng có thể nếu bạn giàu trí tưởng tượng.

Đây là vấn đề với những câu chuyện kiểu như vậy: Nó không thực sự thay đổi cách bạn làm việc ở cơ quan vào ngày mai. Nó chỉ nhắc bạn rằng bạn không hề thông minh như anh chàng kia.
 
Chúng ta có rất ít hiểu biết về bối cảnh đằng sau những sự kiện và hành động sờ sờ trước mắt để có thể hiểu được những nhân vật chính trong đó. Dĩ nhiên từ những câu chuyện đó chúng ta vẫn học được rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng, và con người ai cũng sẽ có chuyện buồn. Nhưng nếu chỉ như vậy thì đọc những dòng tin buồn đăng trên báo chí hàng ngày cũng đủ rồi.
 
 

 

Những gì ta có thể học từ Harry Potter

 

 

Hãy nghĩ đến những gì chúng ta học được về tình yêu, tình bạn, lòng kiên trì thông qua một cuốn sách như Harry Potter. Hãy xem một ví dụ về việc cách dẫn chuyện trong cuốn sách này dạy chúng ta về động lực và niềm tin như thế nào . (Tôi chuẩn bị nói một điều có thể làm bạn sốc nếu vì lí do nào đó mà bạn là một trong số ba người trên trái đất này chưa đọc Harry Potter. Nếu chưa đọc thật thì tôi nghĩ bạn nên dừng lại ở đây)

 

Cảnh báo spoil: Dumbledore chết.
 
 

Không chỉ là chết, mà là Snape giết ông ấy. Một cách tàn nhẫn và lạnh lùng. Ngay trên ban công, bằng đũa thần của mình. Trong khi Harry đứng nhìn.

Chết tiệt.

Đối với tôi, đây là một trong những khoảnh khắc văn học góp phần xây dựng nên cách tôi nhìn cuộc đời, sự sống, cái chết và tình bạn. Tôi đọc cuốn sách này từ khi còn rất nhỏ, khi tôi còn như một miếng bọt biển hút lấy từng giọt tri thức, và cụ Dumbledore là một trong những nhân vật tôi yêu mà cuối cùng cũng bị tước đi khỏi tôi. Dĩ nhiên, ta sẽ vượt qua nỗi buồn ấy. Nhưng ta còn học được từ nó, ta hiểu được Harry Potter đã trở nên mạnh mẽ như thế nào sau khi sự việc này xảy ra, ta hiểu được chính xác tại sao Harry phải trả thù cho cái chết của thầy. Chúng ta biết về cha mẹ Harry và cái chết của họ, và dù chưa phải trải qua nhưng ta hiểu rất rõ tại sao Harry phải kiên trì phá hủy hết các Trường sinh linh giá, rồi cuối cùng đối mặt với chúa tể Voldemort.
 
Một phần tạo nên câu chuyện đẹp đẽ này là ta phải đi qua gần như cả tuổi thiếu niên của một người để đến được đoạn kết. Bảy tập sách và hơn một nghìn chữ mỗi cuốn. Liệu số tiền bỏ ra cho mỗi cuốn sách có đáng giá? Hãy nhìn số tiền bản quyền của Harry Potter rồi bạn nói thử xem?
 

Giờ, hãy nhìn thêm một ví dụ nữa. Tôi chuẩn bị kể lại Harry Potter theo cách một cuốn sách kinh doanh sẽ kể. Bạn sẵn sàng chưa? Ta bắt đầu nhé:

 

 

Harry Potter theo phong cách sách kinh doanh

 

 

một ngôi trường nọ, một sự việc vô tiền khoáng hậu đã xảy ra: vị hiệu trưởng bị giết hại! Không chỉ thế, kẻ thủ án vẫn đang ung dung ngoài vòng pháp luật. Nhân viên trong trường và học sinh đang trong tình trạng hoảng loạn, chưa tính đến những lo lắng của các bậc phụ huynh ở nhà và những áp lực liên tục đè xuống ban lãnh đạo nhà trường. Trong cả nghìn năm, Hogwarts đã là một trường phù thủy đáng tin cậy, nhưng vụ sát hại đêm đó đã làm lung lay danh tiếng này. Họ có thể làm gì bây giờ đây? Nhưng, như chúng ta đã thảo luận từ đầu sách, đôi khi những nhà lãnh đạo tuyệt vời xuất hiện từ những nơi không ngờ tới nhất. Cuối cùng thì không phải là người kế cận hiệu trưởng hay nhân viên nhà trường đã ra tay cứu vớt danh dự của nhà trường, mà là một cậu thiếu niên.
 

Bạn thấy đấy, chàng trai trẻ này đã có cả một thập kỉ sống trong nỗi giận dữ và khao khát trả thù cho những vụ sát hại những người chàng ta yêu thương cứ lớn dần lên. Cha mẹ của cậu ta cũng đã giã từ cuộc đời trong một cuộc sát hại như thế, và những năm đầu đi học cậu đã bị bắt nạt rất nhiều chỉ vì cậu “khác biệt”. (Cậu chàng này có một cái sẹo kì quặc trên trán và có mối liên hệ lạ lùng với rắn). Sau nhiều năm, cậu thiếu niên này – Harry Potter đã xây dựng một mối liên kết sâu đậm với vị hiệu trưởng Albus Dumbledore. Albus cũng là người thầy đang trực tiếp dạy Harry trong những tiết học bí mật.

Khi Dumbledore bị sát hại, Harry đã liên minh với những người bạn của mình. Họ gặp nhau trong bí mật, tập luyện những bùa chú cấm lên tài sản của nhà trường và luyện tập cho một trận chiến sẽ nổ ra trong tương lai gần. Dần dần, những kĩ năng đã luyện tập cùng với tình bạn khăng khít đã cứu lấy ngôi trường khỏi trận chiến thiên niên kỉ, từ đó cứu lấy gần như tất cả học sinh trong trường.

Đây là lí do tại sao bạn luôn phải động viên những đứa trẻ “hơi khác biệt một chút”. Bạn sẽ chẳng biết ai là người sẽ cứu cả thế giới của bạn một ngày nào đó đâu.

Có một điều gì đó cho tôi biết rằng đây chắc chắn không phải kiểu sách sẽ tạo nên những xao động trong cảm xúc để mọi người đọc trong suốt cả mấy thập kỉ đều muốn mặc áo chùng như phù thủy và làm những bài quiz chỉ để xem mình được phân vào Nhà nào.
 

Tôi không nói vấn đề ở sách kinh doanh là nó không kể chuyện. Nó chỉ kể chuyện sai cách mà thôi.

 

Theo Medium 

Lan Anh (biên dịch)

Tags: