Vì sao ta cần sống hiện sinh: Thời khắc hiện tại (P.2)
Vì sao ta cần sống hiện sinh: Thời khắc hiện tại (P.2)
Chúng tôi xin giới thiệu phần 2 của loạt bài "Vì sao ta cần sống hiện sinh" của Cameron Shingleton – Tiến sĩ Triết học tốt nghiệp tại Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây. Anh là tác giả của cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt và là một cộng tác viên thân thiết của Trạm Đọc.

Việc chúng ta có mặt trên cuộc đời này là bị động; còn việc sống thế nào thì còn tùy, chủ động với nó hay vẫn tiếp tục với sự bị động? Sống hiện sinh có phải là một giải pháp cho những ai đang muốn chủ động “nhảy múa” trên cuộc sống đã trót bị, hoặc được trao cho này?

Ở bài viết trước, TS Cameron đã đưa ra một cảnh toàn về chủ nghĩa hiện sinh: http://bit.ly/2Yef3J6 Nhưng để trả lời câu hỏi đặt ra một cách sâu sắc hơn và cũng để não bận rộn hơn chút đỉnh, chúng ta có thể đi vào từng cảnh cận đã được Cameron zoom vào: Chủ nghĩa hiện sinh và cơ thể, thời khắc hiện tại, tình yêu, cái chết, văn hoá VN… Nhạc đã nổi lên rồi. Hãy bắt đầu nhảy vào cảnh cận đầu tiên.

Bài 1: Cơ thể

Người theo chủ nghĩa hiện sinh tự nhắc nhở hiện tại là khung thời gian duy nhất chúng ta thật sự được “ăn ở", vì vậy chúng ta nên nỗ lực “ăn ở” với nó một cách thân mặt, nồng nhiệt (và nếu làm điều đó thành công nhất định không khoe tích sự của mình với thiên hạ trên facebook).

Nói sơ qua như vậy thì phong cách “sống theo chủ nghĩa hiện sinh" chắc cũng nghe khá dễ thực hiện: chủ yếu ta phải biết nhận ra và khai thác tối đa những nguồn gốc niềm vui trong thời khắc hiện tại. Nhưng xin lưu ý việc “ăn ở" trong thời khắc hiện tại cũng có thể là gánh nặng. Sao lại thưởng thức một giây phút thoáng qua nào đó nếu nó sẽ bị làm lu mờ bởi nỗi đau khổ hay sự chán nản, hoặc vì nó đầy ắp những điều ta buộc phải làm hoặc vì chỉ lập đi lập lại những khoảnh khắc trước đó? Người theo chủ nghĩa hiện sinh nhất định sẽ có cách để làm nhẹ những giây phút vô bổ và trùng lặp mà một cuộc đời con người bắt buộc phải có đủ các kiểu.

Nói đến chính điều này, nhà triết học hiện sinh Albert Camus lấy cảm hứng từ câu chuyện dã tràng của người Hy Lạp cổ: Sisyphus, một bán thần, chống lại các vị thần khác bằng cách bắt và xích Thần Chết lại, điều này giúp loài người không cần phải qua đời nữa. Sau đó Sisyphus bị các thần khác bắt, Thần Chết được thả, anh ấy bị trừng phạt một cách thật giàu tưởng tượng; thay vì sử dụng hình phạt về thể xác, Sisyphus bị buộc phải làm một công việc đến suốt đời không thể nào thiếu ý nghĩa hơn: lăn một cục đá lên đồi, thả nó tự do lăn xuống dốc, sau đó thì tự xuống lăn nó lên và tiếp tục thả.

Thật khó mà hình dung một đời người được một loạt thời khắc vẩn vơ hơn hình thành, nhưng Sisyphus trong mắt Camus là người theo chủ nghĩa hiện sinh mẫu mực, vẫn có cách truyền ý nghĩa  cho công việc của mình, không coi nó như là kiểu sự tra tấn phải phẫn nộ hay cam chịu. Thứ nhất đối với Sisyphus, kế hoạch tạm thời thành công của anh ấy (giúp loài người thoát khỏi sự ép buộc của cái chết) có gì đó cao cả, không cần ân hận vì việc thực hiện nó đã dẫn đến đau khổ.

Thứ hai, trong khi hì hục lôi cục đá lên đỉnh đồi thì phải đổ mồ hôi đến mức khó mà nghĩ đến cảnh ngộ hiện tại của mình; mặc dù những khoảnh khắc như thế này của cuộc đời Sisyphus ắt hẳn không dễ, nhưng nó chịu được vì Sisyphus không có thời gian, cũng không có xu hướng suy nghĩ nhiều về nó. Thứ ba, khi đang đứng trên đỉnh đồi xem cục đá lăn xuống dốc thì (theo Camus) “chúng ta thậm chí có thể hình dung ra Sisyphus có hạnh phúc của riêng mình". Có thể nói trong một ý nghĩa nào đó chủ nghĩa hiện sinh không chỉ hoà hợp với tinh thần khắc kỷ (theo đó sự tự do nội tâm có thể chống lại, ngay cả bù đắp, mỗi ràng buộc về mặt thể xác). Hơn nữa nó có điểm chung với tinh thần duy mỹ (coi cuộc đời như là loạt hình ảnh chuyển động không cần đánh giá về mặt đạo đức hay tình cảm nào hết).

Thời khắc hiện tại vui buồn thế nào chăng nữa, làm sao sống chung với nó cho thật thoải mái, tự do? Có lẽ cái mấu chốt là từ bỏ khái niệm thông thường về thời gian, hoặc mở rộng nó theo kiểu mà được nhà triết học Áo Wittgenstein tóm tắt lại một cách vừa phức tạp vừa rất đẹp:

“Nếu chúng ta sống vĩnh cửu trong ý nghĩa là vượt thời gian, chứ không phải theo nghĩa là sống một thời gian dài vô hạn thì ai sống trong thời khắc hiện tại là người sống vĩnh viễn.” 

Nói ít cô đọng hơn Wittgenstein một chút: phương án đầu tiên là nhìn thời gian trên khía cạnh một cuộc đời thật dài, mục đích sống đại khái là được thọ 90 hay 100 tuổi bằng cách sống thật khỏe, thật cẩn thận (chắc là cần đến nhiều may mắn và gen di truyền tốt nữa). Một phương án khác là cách nhìn thời gian khác của những người muốn sống tỉnh táo trong thời khắc hiện tại đến độ quan niệm thứ nhất không còn ý nghĩa nữa với họ. Tất nhiên người theo chủ nghĩa hiện sinh thì chọn góc nhìn thứ hai.

Trên thực tế, “ăn ở với thời khắc hiện tại" có nghĩa thứ nhất là không bị ám ảnh bởi quá khứ, không ân hận quá mức. Khỏi nghĩ đến chuyện chúng ta bị kẻ khác xúc phạm hay hành hạ, đừng cắn rứt lương tâm hay cảm thấy tội lỗi quá mức. (Như một nhà văn Pháp khác từng nói, rất trong tinh thần chủ nghĩa hiện sinh - chúng ta đã thú nhận hành động xấu thì không nên áy náy về nó nữa.)

Thứ hai là khỏi bị thôi miên bởi hình ảnh mờ ảo của tương lai: đừng hy vọng mù quáng về sự thành đạt cá nhân hay sự tiến bộ thế giới luôn luôn nằm phía trước hoặc (ngược lại nhưng tương tự) đừng tin quá vội vàng loài người đang trên đà chuốc lấy thảm hoạ. Một số nhà triết học có ảnh hưởng lớn trong sự hình thành của chủ nghĩa hiện sinh, bao gồm cả Camus và Nietzsche, muốn quay trở lại với một huyền thoại Hy Lạp cổ khác theo đó Hy Vọng, được nhiều người coi là một món quà các vị thần dành cho loài người, thực ra là một căn bệnh, thậm chí là bệnh nan y vì nó đã không được “thả lỏng” vào thế giới rộng lớn như các loại bệnh khác, mà được giữ và nuôi bên trong trái tim của con người.

Vì sao vậy? Công nhận sự hy vọng là yếu tố định hướng trong cuộc sống, tạo ra động cơ mạnh mẽ để con người sống tiếp và phấn đấu. Nhưng nó cũng là yếu tố ràng buộc, khiến cho con người làm lơ, bác bỏ thời khắc hiện tại, hoặc coi rẻ những điều họ hiện đang trải nghiệm, hoặc chỉ coi những điều họ hiện có là phương tiện dẫn đến một mục đích tốt đẹp hơn hẳn trong tương lai.

Thứ ba, khỏi phải bận tâm quá nhiều đến hậu quả tiềm ẩn của những gì mình làm, nhất là ấn tượng mình gây cho thiên hạ. Người theo chủ nghĩa hiện sinh cứ cho rằng cách ta băn khoăn quá nhiều về những điều người ta nghĩ về mình (về địa vị, năng lực, sắc đẹp, mức độ thành công hay thời trang, vv) phần lớn là vô căn cứ; đại đa số người chủ yếu quan tâm đến việc của riêng họ, vì vậy họ không hề để ý đến ta đến độ có thể bào chữa cho sự bận tâm của ta. Muốn theo chủ nghĩa hiện sinh thì phải đấu tranh để khỏi làm đầy thời khắc hiện tại với nỗi sợ hãi vô lý kiểu này. (Và một người Việt Nam muốn theo thì chắc là phải bớt sĩ diện rất nhiều!)

Thứ tư, việc coi trọng thời khắc hiện tại đòi hỏi ta nói năng và hành động tự do trong thời khắc hiện tại, tức không bị lây nhiễm những tật xấu rất phổ biến như nói với mọi người những điều ta đoán họ muốn nghe, theo các loại “kịch bản" có sẵn. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng rất nhiều người có thói hư nói đi nói lại, và hành động theo, những từ ngữ sáo rỗng và ý kiến nhạt nhẽo lưu hành vẩn vơ ngoài xã hội mà không hề có ý nghĩa cá nhân với mình. (Lần này người Việt Nam phải tranh đấu để giàu tưởng tượng hơn trong cách ăn nói và hành vi, và nhất định phải từ bỏ thói quen bám theo đáp án sẵn và bài văn mẫu.)

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là không hành động theo những nguyên tắc đạo đức quá cố định, không cần kính trọng truyền thống vô điều kiện hay phục tùng quyền lực không phê phán. Chủ nghĩa hiện sinh dứt khoát gác qua một bên các đánh giá dựa trên những nguyên tắc được cho là chân lý bất di bất dịch. Nhưng nó không nhất thiết phải dẫn đến một phong cách sống phi luân lý. Khác với tất cả cái nhìn trắng đen rạch ròi về thế giới, chủ nghĩa hiện sinh gợi ý chúng ta nên sử dụng đủ loại giá trị một cách càng linh hoạt và càng tự do có thể, như hoạ sĩ dùng bảng màu đa sắc, nhằm mục đích phản ứng mọi tình huống khác một cách thích hợp và mới mẻ, không chỉ căn cứ vào các khuôn mẫu hành vi đã học.

Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ triết học ở Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về những quan điểm thú vị của Cameron tại đây

Cameron Shingleton

Tags: