Vì sao hồn ma của REBECCA vẫn chưa thôi ám ảnh sau 80 năm?
Vì sao hồn ma của REBECCA vẫn chưa thôi ám ảnh sau 80 năm?
“Rebecca” là một cuốn tiểu thuyết ám ảnh nổi tiếng của Du Maurier trong văn đàn, theo cả hai nghĩa tốt lẫn xấu. Ngay từ khi ra đời, cuốn sách đã bị Victor Gollancz – người xuất bản của Du Maurier – quảng cáo sai lệch là một “câu chuyện tình yêu mãnh liệt”. Chính điều này đã khiến cho cái chất văn chương riêng biệt của bà bị vùi dập thậm tệ bởi vì bị hiểu lầm là một tiểu thuyết gia “lãng mạn”.
Hơn 80 năm qua, “Rebecca” vẫn là cuốn tiểu thuyết đã gây ám ảnh và mê hoặc nhiều thế hệ độc giả - những người cảm thấy mình luôn bị cuốn hút để trở lại dinh thự Manderley u ám một lần nữa. Tác phẩm cũng nhiều lần được chuyển thể cho sân khấu và màn ảnh - nổi tiếng nhất là phiên bản của Alfred Hitchcock vào năm 1940. 
“Rebecca” ( 1940)

Tại sao “Rebecca” vẫn có thể giữ được sức hút và thách thức độc giả đến tận hơn 80 năm sau?

"Đêm qua tôi mơ thấy mình đến Manderley một lần nữa" là câu mở đầu cho “Rebecca”. Câu văn đắt giá này đã tạo nên một bầu không khí bí hiểm, trong đó những giấc mơ trở thành ác mộng, ám ảnh bám rễ trong tâm trí - và một ngôi nhà bí mật với cảm giác chân thực như bất kỳ ai đã từng đặt chân vào đó, cho dù là họ còn sống hay đã chết. Dường như không có gì trong cuốn tiểu thuyết này mà ở đó du Maurier, một nhà văn có khả biên soạn tình huống tài ba, luôn đi trước một bước, giật dây và làm chúng ta ngạc nhiên hết lần này đến lần khác.

Câu chuyện gây ấn tượng mạnh với sức gợi đa hình thù từ dinh thự Manderley bí ẩn. Đặc biệt là hình bóng của nàng Rebecca, hào nhoáng và đầy tai tiếng. Lời kể về nàng đã dẫn dắt chúng ta buộc phải đi sâu vào điều tối tăm bên dưới vẻ hào nhoáng, vốn dĩ được che đậy lại một cách khéo léo. Đó là điều mà nhà viết tiểu sử Tatiana de Rosnay của Du Maurier đã miêu tả về Rebecca “ sự hung bạo ngầm và vẻ gợi dục kìm nén.”

 

Một cảnh trong “Rebecca” (2020)

 

“Rebecca, luôn là Rebecca. Tôi không bao giờ nên thôi trở thành Rebecca ”, quý bà de Winter thứ hai than thở. Nàng ta giống như một sinh vật mềm mỏng và nhút nhát, người nhiều lần bị lu mờ bởi người tiền nhiệm sôi nổi và hấp dẫn của mình. Nhưng sau đó nàng lại trầm ngâm: “Có lẽ tôi đã ám ảnh cô ấy khi cô ấy ám ảnh tôi”, phủ định niềm tin mạnh mẽ trước đó của nàng. Cô gái trẻ với lòng nhiệt huyết và tự tin, giờ đây lại thu mình trước người quản gia khó tính là bà Danvers, và buộc phải đối mặt với áp lực sống dưới cái bóng của Rebecca, nữ hoàng khuất bóng quyến rũ của Manderley, người mang một giọng nói vô hình nhưng đầy ma lực, đứng sau điều khiển toàn bộ mạch truyện.

Nàng ta có thể bắt đầu bằng cách nói với chúng ta rằng “sẽ không hề có bất kỳ sự hồi sinh nào… Vì Manderley không còn là của chúng ta nữa. Manderley đã không còn nữa ”. Nhưng chính bằng sức mạnh của trí tưởng tượng cuồng nhiệt và mãnh liệt của nàng, dinh thự Manderley đã hiện hữu rõ rệt trước mắt chúng ta, khiến bất cứ ai cũng đều muốn đánh mất chính mình để mà tự nguyện bước xuống lòng đường ngoằn ngoèo dẫn vào bên trong hàng rào sắt, bị khuất phục bởi những cây đỗ quyên đỏ máu khổng lồ, đồng thời bị hấp dẫn bởi một khao khát khó cưỡng, mong muốn lật tung những gì ẩn giấu phía dưới ngôi dinh thự đầy bí mật trong viển vông của Du Maurier.

Niềm đam mê của nàng ta dành cho Manderley được truyền cảm hứng từ niềm khao khát của chính du Maurier đối với mái ấm của bà ở Cornish: Dinh thự Menabilly. Lần đầu tiên phát hiện ra nó, nơi này được bà miêu tả "giống như người đẹp ngủ trong truyện cổ tích" , và đang chờ được ‘đánh thức’ bởi một trái tim gan dạ với tia nắng khai hoang trong bà . Du Maurier bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết trong cái nóng ẩm ướt của Alexandria, Ai Cập, nơi mà bà đã đi cùng chồng mình, Frederick Browning, trong một chuyến đi quân sự, bỏ lại Cornwall yêu dấu nhưng vẫn bị "chiếm hữu" bởi ngôi nhà. Ngay cả khi tình nhân của bà là Browning đang lén lút với người thứ ba. 

 

Du Maurier và các con của bà tại Menabilly

Năm năm sau khi Rebecca được xuất bản, du Maurier nhận ra ước mơ được sống ở Menabilly, bà đã thuyết phục chủ sở hữu cho bà thuê nó, nhưng thực tế thì ngôi nhà vĩnh viễn không bao giờ thuộc về nữ tác giả và bà rất đau lòng bị buộc phải rời đi 1969. Giống như Manderley, Menabilly đại diện cho cả tình yêu và sự mất mát, một dinh thự đầy sức sống một thời nhưng cuối cùng, du Maurier không bao giờ có được nó và bà cũng không thể nào quay trở lại.

Du Maurier đã mô tả “Rebecca” như một “nghiên cứu về lòng ghen tị” - và sự ghen tị đó len lỏi vào tận trái tim, không chỉ của bà de Winter, mà cả bà Danvers và Maxim de Winter nữa.

Maxim de Winter – gã đàn ông với vẻ lịch lãm chết người.

Một mã từ được yêu thích trong ngôn ngữ bí mật của du Maurier với những người thân thuộc là thuật ngữ “menace” – thường được sử dụng để miêu tả một cá thể không chỉ hấp dẫn mà còn có chút đe doạ . Và những “menaces” như Rebecca de Winter vừa khiến người ta thấy thu hút và dè chừng theo một nghĩa ngang nhau. Ngay sau khi cô nàng nhân vật chính đồng ý với lời cầu hôn kém lãng mạn của chàng Maxim ở Monte Carlo: “Tôi đang yêu cầu em kết hôn với tôi, đồ ngốc” – cũng là lúc mà nàng ta bắt gặp một cuốn sách có ghi chữ viết tay đặc biệt của Rebecca. Bị dằn vặt trong nỗi lo âu về cuộc hôn nhân  tương lai của chính mình, nàng ta không chỉ xé bỏ trang giấy ra từng mảnh, mà còn đốt nó, hài lòng khi con chữ cái “R” tan thành tro bụi. Những tưởng mình đã có thể tiêu huỷ được hình bóng của Rebecca, quý bà De Winter kế nhiệm quay trở về Manderley và nhận ra người vợ quá cố của Maxim không hề dễ dàng bị dập tắt như vậy.

Phần lớn vẻ “ menace” đe dọa của Rebecca bắt nguồn từ nỗi ám ảnh của người quản gia là bà Danvers, người luôn trông coi và giữ gìn căn phòng cũng như đồ vật thuộc về Rebecca, chăm chút cho bộ lông nhung và chiếc váy ngủ mỏng manh, gợi lên những ký ức khó cưỡng về một bóng hồng ma mị, nổi loạn từng sinh sống trong dinh thự Manderley. Trong một phân đoạn của cuốn tiểu thuyết, bà Danvers đã dò hỏi Người vợ kế bằng một câu thì thầm lạnh gáy “Cô có nghĩ là người chết sẽ quay lại và dòm ngó người sống không?”  “Đôi khi tôi tự hỏi liệu cô ấy có đang nấp đâu đó trong Manderley và theo dõi vợ chồng hai người hay là không.”

Diễn viên Armie Hammer trong vai Maxim de Winter - “Rebecca” (2020)

Nhưng chính Maxim, vị chủ nhân của Manderley, mới là nhân vật nguy hiểm nhất trong cuốn tiểu thuyết này, chứ không phải là Rebecca, người được hình dung như một con quỷ cái khát máu. Ngay cả bà Danvers, người đã ra tay cám dỗ nàng De Winter kế nhiệm, cũng phải đứng vị trí thứ hai sau Maxim. Cách đối xử của người đàn ông này với Rebecca - người không chỉ phản bội anh ta mà còn sỉ nhục anh ta- càng khiến cho độc giả bị ớn lạnh hơn khi chứng kiến người vợ kế thờ ơ và đồng thuận với những gì mà anh ta đã làm. Maxim de Winter còn đáng sợ hơn nhiều so với những lời đồn về hồn ma của người vợ trước.

“Rebecca” là một cuốn tiểu thuyết ám ảnh nổi tiếng của Du Maurier trong văn đàn, theo cả hai nghĩa tốt lẫn xấu. Ngay từ khi ra đời, cuốn sách đã bị Victor Gollancz – người xuất bản của Du Maurier – quảng cáo sai lệch là một “câu chuyện tình yêu mãnh liệt”. Chính điều này đã khiến cho cái chất văn chương riêng biệt của bà bị vùi dập thậm tệ bởi vì bị hiểu lầm là một tiểu thuyết gia “lãng mạn”. Từ đó, Rebecca cũng liên tục bị chỉ trích bởi những nhà phê bình, cho rằng nó là một câu chuyện làm màu, sáo rỗng và cẩu thả.

Thế nhưng, cứ mỗi khi chúng ta quay về Manderley, sau 80 năm, và bước vào thế giới mộng mơ sống động và nguy hiểm của nó, “bí mật và im lặng như mọi khi”, không thể không tán dương sức sáng tạo và tài năng hiếm có của du Maurier.

Chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi hồn ma của Rebecca, và chúng ta cũng không muốn như vậy

Điền Nguyên| Theo The Conversation

Tags: