Về Viết & Đọc - Chuyên đề mùa đông 2018
Về Viết & Đọc - Chuyên đề mùa đông 2018
Viết & Đọc là một tuyển tập đa dạng các tác phẩm của nhiều tác giả với những cách nhìn mới mẻ, độc lập, và riêng biệt, trong đó có thể kể đến những tác giả nổi bật như nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Tạ Duy Anh.
Viết & Đọc - Chuyên đề mùa đông 2018
(2 lượt)

Tôi đọc Viết & Đọc - Chuyên đề mùa đông trong cái lạnh ba độ C của vùng núi cao Tây Bắc. Cơn mưa phùn không ngớt cùng với những cơn gió rít làm các

ngón tay tôi như muốn đông cứng lại, nhưng tất cả không ngăn tôi lật tiếp những trang sách.

Đây là một tuyển tập đa dạng các tác phẩm của nhiều tác giả với những cách nhìn mới mẻ, độc lập, và riêng biệt, trong đó có thể kể đến những tác giả nổi bật như nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Tạ Duy Anh. Chuyên đề bao gồm những đề mục chính: Văn xuôi, Ấn tượng 90 ngày, Thơ, Đối thoại, Phê bình và tiểu luận, Văn học nước ngoài, Tư liệu, và Những người nổi tiếng thế giới.

 

 

Có gì trong chuyên mục Văn xuôi?

 

 

Nếu như có những câu chuyện với lời lẽ đơn giản mà để lại trong lòng độc giả nhiều điều thì chính là các tác phẩm văn xuôi của chuyên đề mùa đông lần

này. Đó là những áng văn của các tác giả từ gạo cội như Bình Nguyên Lộc với Rừng mắm đến các tác giả trẻ như Nguyễn Thị Kim Hòa với Trên đồng cỏ.
Rừng mắm bằng những câu văn ngắn gọn, nhẹ nhàng và dung dị mang lại nỗi buồn thương cho những thế hệ đi mở đất cô đơn nhưng đầy dũng cảm như gia đình Cộc. Một anh chàng Cộc giữa chốn mênh mông những mắm những tràm luôn thèm quả xoài ngọt, thèm trái khế chua, thèm bát chè, và trên hết là thèm tiếng người. Giống như mọi đứa trẻ bình thường khác, nó thích vườn tược sum suê hơn là những rừng mắm âm u “vô tích sự”. “Tui muốn đi quá, đi đâu cũng được, miễn ở đó có làng xóm, có người ta.” Và rừng mắm sẽ mãi mãi là vô tích sự trong lòng thằng Cộc nếu như không có một ngày nọ ông nó kể cho nó nghe câu chuyện về cuộc đời cây mắm.

Những con người đi "mở đất" cô đơn nhưng dũng cảm

Kết thúc Rừng mắm, độc giả sẽ lật đến những trang sách tiếp theo để đến với một số bài viết của các tác giả, trong đó có những tác giả đại diện cho thế hệ

hãy còn trẻ, thể hiện quan điểm cũng như suy tư sau khi đọc Rừng mắm vẫn còn nguyên giá trị dù đã được Bình Nguyên Lộc viết sáu mươi năm trước. Trong khi nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng với Rừng mắm, “chỉ có thể đọc trực tiếp văn bản mới thấy được hết cái ý vị của nó.” thì nhà văn Lê Quang Trạng thậm chí còn “thấy mình là Cộc” giữa xóm Ô Heo hiu quạnh nơi chỉ có mỗi gia đình nhà nó.
Cũng trong chuyên mục văn xuôi, chân dung nhà thơ Đặng Đình Hưng được nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha dựng lên như một kỳ nhân bằng chính

những câu chuyện rất đời thường bên những cuộc rượu và những lần bộc lộ bản ngã khi càng uống càng say. Đặng Đình Hưng như một thi sĩ mải đắm mình trong cơn thể nghiệm ở căn buồng “siêu hầm” bất khả xâm phạm của mình để rồi từ đó, ông chiến thắng nỗi cô đơn, thoát khỏi nó, trở thành bạn của nó và cho ra đời những tác phẩm hay.

 

 

Bạn đã quyên những câu chuyện rất “nóng”?

 

 

Chuyên mục Ấn tượng 90 ngày bằng cách nào đó đã làm nóng lại những câu chuyện tưởng như đã “nguội”. Vấn đề Thủ Thiêm qua ngòi bút của nhà văn Tạ

Duy Anh như là một sự đổ vỡ thê thảm của niềm tin, xứng đáng được xếp thứ nhất về mức độ nổi bật trong thời gian 90 ngày qua và rất có thể là cả 90 ngày sắp tới và xa hơn nữa. Điều gì thực sự đã và đang xảy ra ở đó? Đô thị hóa - một cụm từ mà nhiều người rất dị ứng, thực sự có đáng bị bài xích, thậm chí là tuốt tuồn tuột bất cứ thứ gì liên quan đến nó khi mà trên thực tế thì chúng ta chỉ đang làm những gì mà người khác đã làm từ lâu?

Bạn đã quên những câu chuyện rất "nóng"?

Còn nữa, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng qua vấn đề liên quan đến hành vi bán dâm của sinh viên sư phạm đã thẳng thắn chỉ ra rằng bán dâm chỉ là câu chuyện ở bề nổi của tảng băng chìm. Ta hoàn toàn chưa hiểu hết được bản chất của vấn đề khi ta trách nữ sinh kia đi bán dâm và chỉ “chế tài xử phạt” đúng cái tội ấy thôi. Ta cần phải trị đến phần “siêu rễ bền gốc” với biết bao nhiêu là vô lối và hoang mang sâu bên dưới.

Đến lượt mình, khi nói về những cô gái trẻ mang thai đã trực tiếp hoặc gián tiếp giết chết hoặc vứt bỏ con mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trưng ra cho người đọc một thảm họa đáng sợ ngang, thậm chí là hơn cả sự suy tàn và thất bại của nhân loại. Khi bức thành trì cuối cùng là tình mẫu tử sụp đổ, khi mà nhân tính ở nơi vẫn được mặc định là bền vững nhất là “lòng mẹ” không còn, ấy là lúc mà nỗi sợ hãi thực sự đối với nhân loại bắt đầu.

 

 

Bạn gặp ai trong Những người nổi tiếng thế giới?

 

 

Sau đó, vẫn với Viết & Đọc trên tay, bạn đọc có thể tự mình nghiền ngẫm cuộc đối thoại đầy trí tuệ giữa hai vĩ nhân, hai người khổng lồ của nhân loại:

Albert Einstein và Rabindranath Tagore, về chủ đề Sự thật, Tồn tại, và m nhạc. Một là nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời đại, một là nhà thơ đoạt giải Nobel và được phong thánh. Hai ông đã khám phá mối mâu thuẫn lâu đời giữa khoa học và tôn giáo trong bối cảnh một cuộc thảo luận về cuộc phục hưng tri thức Ấn Độ.Trước khi được công bố, cuộc đối thoại đã được đích thân hai ông hiệu chỉnh vì không hài lòng với chất lượng cuộc trò chuyện được dịch lại.

Albert Einstein và Rabindranath Tagore - Hai người khổng lồ của nhân loại

 

 

Vậy còn Thơ thì sao?

 

 

Viết & Đọc giới thiệu tới độc giả những chùm thơ của các tác giả tiêu biểu như Trần Lê Khánh, Ánh Huỳnh hay Cao Xuân Sơn. Những người tổ chức Viết

& Đọc đặc biệt mong muốn độc giả được hạnh ngộ trong “Một bước Vô tận” cùng nhà thơ Lê Khánh.

 

người như lá
từng đôi rụng khỏi cây địa đàng
miên man tìm nhau vô tận
thượng đế sao lại nổi giận
khi vườn bạt ngàn trái cấm tình yêu

 

 

Phê bình và tiểu luận

 

 

Trong chuyên mục này, bên cạnh sự xuất hiện của hai nhân vật đang “cực nóng” trên các trang mạng xã hội là Paul Nguyễn Hoàng và Phạm Lưu Vũ, độc

giả có cơ hội “nhìn” bằng con mắt của giáo sư Antoine Compagnon về năm nghịch lý của tính hiện đại qua trích đoạn “Truyền thống hiện đại, sự phản bội hiện đại”. Độc giả sẽ được dẫn dắt đi từ một phả hệ ngắn gọn của cái mới với tư cách là một giá trị đến từng nghịch lý một.

Giáo sư Antoine Compagnon

Mặt khác, qua Cô đơn ngòi bút, triết gia, thi sĩ Paul Nguyễn Hoàng Đức muốn nhắn nhủ rằng cô đơn là cần thiết đối với con người, “chỉ có con người mới xây dựng nổi cô đơn”. Đặc biệt hơn, là một người viết, là một nhà văn, ta càng phải cô đơn, càng phải xây nên bản ngã của mình một cách độc lập đặc thù nhất. Với tư cách là một người cầm bút, ta thậm chí còn phải sáng tạo ra bản ngã của mình bên trong sự cô đơn, bởi “cô đơn là điều kiện thuần khiết để đào luyện chính mình trước khi tham gia vào cuộc hội nhập nhân loại như một kẻ mang trách nhiệm và bổn phận. Cô đơn là điều kiện riêng rẽ để phản tỉnh chính mình, cũng như xây nên ý thức của mình.”

 

 

Văn học nước ngoài trong Viết & Đọc

 

 

Với mục Văn học nước ngoài, bạn sẽ được thưởng thức những vần thơ của Giáo hoàng Giăng Pôn II - một “thi sỹ của tình yêu và ánh sáng”. Những bài thơ

được tuyển chọn bao gồm từ những bài được sáng tác từ khi ngài còn trẻ cho đến cả những bài được “viết lén” khi ngài đã trở thành Giáo hoàng, vẫn luôn kiên trinh nguyện ngắm và ca ngợi những điều đẹp đẽ giúp mỗi cá nhân vươn tới một cuộc sống đích thực. Ngoài ra, Viết & Đọc cũng trích lại một số chương trong cuốn Đạo đức học sơ yếu, một trong những cuốn sách quan trọng của ngài.

 

 

Tư liệu và Đối Thoại

 

 

Trong khi chuyên mục Tư liệu cung cấp cho đọc giả toàn bộ tám bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ Harry S. Truman năm 1945 - 1946

thì Đối thoại mang đến cho bạn đọc cuộc trò chuyện độc quyền giữa Viết & Đọc với tiểu thuyết gia người Mỹ Larry Heinemann - một cựu chiến binh đã từng tham chiến ở Việt Nam, người đã được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho tiểu thiếu Chuyện chàng lính Paco.

Một phần bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ Harry S.Truman

Vào năm 1971, những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho vị tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên được giải mật đã khiến nhiều người khắp nơi trên thế

giới, trong đó có người Mỹ không khỏi choáng váng và tiếc nuối vì đã bỏ lỡ một cơ hội tránh khỏi cuộc đổ máu đau thương và tốn kém. Qua những bức thư, ta có thể cảm nhận những nỗ lực hết mình với tất cả sự mềm mỏng, khôn khéo của một vị chính khách đại diện cho một dân tộc nhằm tránh cho dân tộc mình một cuộc đối đầu với nước Mỹ. Bên cạnh đó, như một “sự trùng hợp” ngẫu nhiên, trong chuyên mục này, Viết & Đọc mang tới cho độc giả một góc thông tin về vị linh mục Alexandre de Rhodes - người có công “làm ra” chữ quốc ngữ và truyền bá nó để rồi bốn trăm năm sau, một số người Việt đang cố công từng bước xóa bỏ nó đi bằng sự “đổi mới”. 

 

 

Tạm kết

 

 

Bạn đọc hãy ngồi xuống, cầm Viết & Đọc của mùa đông để không chỉ chậm rãi nghiền ngẫm những áng văn thơ đầy ý vị của các tác giả tài năng, mà còn để

cùng nhìn lại và đánh giá đúng hơn các sự kiện nổi bật trong chín mươi ngày qua, một quãng thời gian tuy chưa đủ dài nhưng cũng không quá ngắn để trăn trở cho những vấn đề nhức nhối của xã hội. Tất nhiên, cũng không thiếu những chiêm nghiệm về việc viết và việc đọc mà độc giả có thể tự mình trải nghiệm.

 

Mỹ Hạnh Đàm 

Tags: