Văn học tuổi 20: “Wittgenstein của thiên đường đen” - Anh muốn làm điều gì trước khi chết?
Văn học tuổi 20: “Wittgenstein của thiên đường đen” - Anh muốn làm điều gì trước khi chết?
Một tác phẩm lạ, độc đáo viết về sự sống và cái chết, về kiếp luân hồi và sức mạnh của tình thân ở Thiên đường đen - nơi tận cùng thế giới.

 

 

Những số phận bị cuộc đời xô dạt vào nhau ở Thiên đường đen

 

 

Câu chuyện kể về Bô, một thanh niên tuyệt vọng sau cái chết của người anh yêu thương nhất. Từ hố sâu đen tối đối mặt với nỗi đau của sự chia lìa, anh bơi qua biển để đến với thành phố Lê, một khu cấm địa hoang tàn sau vụ nổ hạt nhân kinh thiên động địa, nơi dành cho những kẻ muốn cả thế giới bị hủy diệt, nơi dành cho những ai muốn chết.

Tới Lê, Bô không những không thể chết mà còn gặp được gia đình của mình. Ở đó có Mẹ, nhà khoa học viện trưởng Viện Nghiên cứu Lai tạp Sinh học Cấp tiến của thành phố Lê, sau vụ nổ bom, thế giới quanh bà trở lại con số 0 tròn trĩnh khi cô con gái 19 tuổi, rồi cả chồng và cả chó cưng đều rời bỏ bà để ra đi về miền miên viễn. Có Lúk, cậu em trai mang trong mình nhiều vết sẹo của tuổi thơ bất hạnh và thời niên thiếu lang bạt kỳ hồ, người đã vớt Bô từ biển cả và mang Bô về nhà bên Mẹ. Có Bố, một cụ già câm nhỏ thó, đen đúa, “hôi rình” được Bô và Luk “nhặt” được từ trong mớ đổ nát của thành phố, lúc nào cũng cười “ơ hơ i khi” trong chuỗi ký ức của riêng mình. Tất cả bọn họ, đều là những tâm hồn “cô độc tuyệt đối, đau khổ tuyệt đối, những kẻgối đã mỏi, chân đã chùn, mắt đã nhàu và tim đã rã, sống nương nhờ vào nhau, vô thức chọn bãi lầy nguyên tử này làm nơi dừng chân cuối cùng”.

 

Rồi một ngày, đến cả tổ ấm nơi Thiên đường đen cũng mất

 

 

Đó là ngày mà mọi người nhận được thư thông báo dời đi, vì chính quyền sẽ làm một cuộc san bằng tất cả thành tro bụi để chuẩn bị cho một cuộc tái thiết mới. Người Mẹ, sau tất cả mọi sự cố chấp và lời thề sẽ trụ mãi với thành phố Lê, đã quyết định bước lên chiếc thuyền của những ni cô già. Quyết định của Mẹ để lại trong lòng Bô những câu hỏi lớn, cả sự tổn thương và mất mát vì phải chia lìa thêm lần nữa, những xúc cảm tưởng như đã biến mất sau cái chết của Che, người anh yêu hơn tất cả chính ai khác trong quá khứ.

Tạm biệt và vĩnh biệt, những cuộc chia ly cứ thế đến, không ngăn được như điều tất yếu. Những cuộc chia ly mang theo trong lòng nó những vết thương khó lành. Có người chọn sống với chuỗi hồi ức, có người gạt hết để làm lại, có người tìm đến cái chết và sự siêu thoát. Cũng có người buông xuôi để mặc thân thể cho biển cả cuốn đi. Cuối cùng, điều còn lại vẫn chính là dòng hồi ức đẹp đẽ và miên viễn. Mà suy cho cùng, hồi ức cũng chính là thứ nhân vật vẽ ra chính lúc này, ngay bây giờ, là mọi kỷ niệm yêu thương và tất thảy những gì khiến người ta nhớ đến, là kết quả của cuộc sống hiện tại, chứ không phải là của một cái chết nhẹ nhàng quá dễ dàng để chấm dứt tất cả.

“Tôi từng tuyệt vọng, còn giờ thì không, tôi chỉ thấy trống hoác và thanh thản. Thế giới vẫn khét mùi tàn bạo, nhưng ta hoàn toàn có thể chọn quên thế giới.”

 

 

Đằng sau những trang văn gai góc, là chuỗi suy tư về tuổi trẻ và cuộc đời

 

 

Đằng sau những được và mất, tuổi trẻ còn lại gì? Có phải tất cả đều là ảo ảnh, như màn sương đêm bao phủ lấy tất cả nhân vật, giơ tay ra là bóng tối, là đại dương rộng lớn đen ngòm. Đến chúa tể của đại dương giờ cũng chỉ còn lại là một cái xác thối rữa, nằm chơ vơ trên bờ biển và trở thành bữa đại tiệc cho hàng ngàn sinh vật phù du khác.

Thế nhưng, cảm thức được sống vẫn vô cùng mãnh liệt trên từng trang văn. Những sự tái sinh, những lần hạnh ngộ. Nơi thiên đường đen chết chóc, trẻ con đã cất tiếng khóc chào đời, mầm sống vẫn lên xanh rờn như sức trẻ của chú bê con Tô Tô mỗi lần rúc tìm vú mẹ. Lần đầu tiên, Bô sống được nhờ những điếu thuốc Mẹ đưa, nhờ thứ hợp chất nicotin để lãng quên mọi mất mát. Lần thứ 2, sau khi tưởng chết chìm giữa đại dương, hai anh em Bô và Lúk thực sự hạnh phúc với đôi cây xúc xích và túi trà chanh, mớ đồ ăn “giản dị như một con thỏ nhảy trên bãi cỏ”. Và giấc ngủ say buông bỏ hết mọi đau đớn của quá khứ, như đứa trẻ ở Niết bàn, bên gia đình mà Bô hằng yêu mến. Suy cho cùng, tình thân vẫn là thứ có sức mạnh vô biên, nó khiến người ta tồn tại và phải tồn tại, cho dù đang ở trong mõm trống hoác đen ngòm của cá voi hay nơi tận cùng thế giới.

“Chúng tôi sẽ chết. Nhưng  chúng tôi sẽ sống vĩnh hằng. Nếu không thể từ chối luân hồi, thì đành vui lòng mà buông xuôi theo dòng chảy sâu thẳm của vũ trụ mà thôi.”

 

Tác giả:

Maik Cây – Nguyễn Phương Anh
Sinh vào nửa sau thập kỷ 80

 

Trích đoạn tác phẩm

“Trời đã tạnh mưa, chỉ còn vài giọt nước to đọng lại trong kẽ lá thỉnh thoảng rơi xuống gõ lên đầu một cái boong mát lạnh. Lúk cõng tôi trên lưng vì tôi quá say hoặc quá lười, còn Mẹ và Bố dìu nhau đi phía trước. Mẹ lẩm bẩm hát một bài hát kỳ lạ thời xưa, và bố nắm nhẹ bàn tay bà, thỉnh thoảng đập khe khẽ như an ủi hay nhắc nhở điều gì. Có một ngôi chùa lớn bị bỏ hoang ngay gần đây. Đôi khi tôi và Lúk vẫn đến thắp hương quét dọn và ngồi thiền dưới chân phật bà nghìn mắt nghìn tay trong những tháng ngày êm ái. Giờ chúng tôi đến để thắp nén hương cuối cùng, và xem vài bộ phim, vì Lúk không tìm nổi một chỗ nào khả dĩ chiếu phim trong khu nhà kính của Bố. Thật kỳ lạ, khấn vái và xem phim, hai điều ấy sao mà lạc lõng như hai hòn đảo nằm trên hai đại dương tách biệt. Nhưng chúng đã đến với nhau, bởi biết đâu đấy, dưới đáy biển sâu, những hòn đảo cũng có chân, và chúng đã đi bộ như Abramovic và Ulay vượt Vạn Lý Trường Thành để nói lời tiễn biệt.”

Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: