Văn học tuổi 20: 'Những đứa con cổ tích' – Cuộc phiêu lưu giành cho những tâm hồn thuần khiết
Văn học tuổi 20: 'Những đứa con cổ tích' – Cuộc phiêu lưu giành cho những tâm hồn thuần khiết
Nếu bạn còn tin vào thế giới của cô Tấm, nàng tiên, Lý Thông và chú Cuội, hãy đọc quyển sách này. Còn nếu bạn còn hoài nghi, hay hoàn toàn không tin vào cổ tích, chẳng sao cả, hãy nhâm nhi quyển sách như là một món ăn thú vị. Nó sẽ khiến bạn hoàn toàn thỏa mãn khi mặc sức thả tâm hồn phiêu lưu trên những vùng đất lạ thường, trong những trang viết sinh động và cũng rất đáng yêu.

 

 

Nếu lỡ đi lạc vào thế giới của cổ tích, bạn sẽ sống ra sao?

 

 

Tác giả đã để cho nhân vật Đường trả lời câu hỏi này. Cô gái trẻ mới đôi mươi vô tình bị xô ngã vào thế giới cổ tích. Ở nơi đó, cô gặp gỡ những con người, vốn là nhân vật đặc biệt quen thuộc trong truyện cổ như Tấm Cám, Lý Thông, chú Cuội, Sọ Dừa…, trong một vùng đất cũng thật mơ hồ là Đàng Đông trọng văn và Đàng Tây trọng võ.

Trải qua những phút giây đầu tiên bỡ ngỡ và lo lắng vì bị ném vào một vùng đất hoàn toàn xa lạ có lối sống và văn hóa khác biệt, Đường dần dần tập thích nghi. Cùng với Quân, người anh “hờ” nóng nảy cộc cằn và Vỏ Dưa, cậu trai trẻ có tâm hồn thánh thiện thích nấu bếp, Đường dấn thân vào chuyến hành trình qua các vùng đất lạ lùng. Từ thôn Tầm nơi có chị em Đặng Hương chất phát hiền hậu và cụ lý gian xảo chuyên bắt chẹt dân lành, đến kinh thành Thái Ninh đang dần chết nơi có Tể tướng Sọ Dừa và nàng Út. Cuộc phiêu lưu tiếp diễn đến những vùng đất xa hơn là xứ Thuận Thiên, với cuộc đụng độ hoàng hậu Tấm mưu kế thâm sâu và cô công chúa đỏng đảnh nhiều toan tính Lưu Phượng. Mang trong người chiến thú Bạch Đằng, Đường trở thành một nhân tố không thể thiếu cho chuyến hành trình về đến điểm kết là chợ Cà Sa, nơi có vùng đất Thi Nhân mà cô hằng mong được đặt chân tới.

Bằng giọng kể trong trẻo, các nhân vật trong câu chuyện hiện lên rất đời. Đường bị cuốn vào một thế giới những tưởng giản đơn nhưng hóa ra lại nhiều khúc mắc, khi các nhân vật cổ tích không phải chỉ đóng mỗi một vai chính diện hay phản diện. Nội tâm phức tạp, lòng người khó dò, những hỉ nộ ái ố, mưu kế gian xảo, lòng tham không đáy, sự phản trắc không ngờ… tất cả là thứ gia vị giúp câu chuyện trở nên thú vị và hấp dẫn.

 

 

Những vần thơ dẫn lối đến vùng đất thi nhân

 

 

Bạch Đằng đã kể một câu chuyện đời trong một thế giới cổ tích với một văn phong duyên dáng, câu từ trong sáng, tiết tấu nhanh, nhiều cao trào được đẩy lên đỉnh điểm. Thú vị còn ở chỗ xen lẫn trong các đoạn dẫn mượt mà lại là những vần thơ theo thể loại dân gian, những bài vè vui tai và những câu lục bát rất có hồn. “Gió chiều thổi áo cà sa. Bóng dài trên đất lại ra yếm đào”; “Lòng tin một đấu mấy đồng? Tôi đây đổ vốn gánh gồng buôn chơi”. “Ao tù nằm mộng đại dương, có con cá nhỏ tìm đường ra khơi...

Xuyên suốt hành trình là sự dẫn lối của những vần thơ đưa Đường đến vùng đất lãng quên. Như số phận trêu ngươi, thứ ám ảnh Đường, gây nên tội lỗi khiến cô không thể tha thứ cho mình cũng chính là những vần thơ oan nghiệt. Vì nó mà cô bạn học của Đường tự tử, Đường bị ông ngoại đuổi ra khỏi nhà, chấm dứt tuổi trẻ đang tươi vui đẹp đẽ bằng những năm tháng thanh xuân đầy cô đơn vô nghĩa. Khi bị Quân kéo vào thế giới cổ tích, cũng chính những bài vè do Đường đầu têu đã khiến cả thầy lý nanh nọc độc ác phải hóa điên.

Trong khi Quân tìm cách chống lại sự quên lãng của người đời đối với gia đình Phạm Tùng, thì Đường chấp nhận tất cả để được đến với vùng đất ước - vùng đất Thi Nhân, nơi ở của Nhị Thập Bát Tú, vùng đất được chúc phúc. Cô gái cất công kiếm tìm liều thuốc lãng quên cho những tội lỗi của mình. Liệu cuối cùng, những vần thơ nơi vùng đất thi nhân có giúp cô gái trẻ đạt được mục đích, hay chính Đường phải tự giải cứu để đổi lấy sự thanh thản của chính mình?

 

Tác giả:

Bạch Đằng
Sinh năm 1991
Chuyên gia tưởng tượng nhưng vẫn đứng trên mặt đất.

"Tôi muốn viết nên những câu chuyện giả tưởng về hoàn cảnh, chân thật về con người, tạo thành một thế giới thần kỳ với các yếu tố văn hóa thuần Việt."

 

Trích đoạn tác phẩm:

“Gió chiều thổi áo cà sa
Bóng dài trên đất lại ra yếm đào.
Tôi biết bốn người chúng tôi đến nơi này đều có mục đích riêng. Có phức tạp như anh Quân, lớn lao như chị Vạn Mai, đơn giản như Vỏ Dưa và cũng có mục đích mơ hồ như của tôi.
Tôi muốn đến nơi bị nguyền rủa này để tìm đường tới vùng đất được chúc phúc, vẫn thường gọi là vùng đất thi nhân. Tôi nghĩ ở đó mình có thể quên đi tất cả những lỗi lầm và tìm lại niềm vui đã đánh mất, dù rất nhiều người nói với tôi đó chỉ là truyền thuyết mà thôi. Nhưng họ không biết rằng, bản thân họ và thế giới này đối với tôi đã là truyền thuyết rồi.”

Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: