Văn học tuổi 20: “Người lạ” - Những trí thức lạc loài xứ thiên đường
Văn học tuổi 20: “Người lạ” - Những trí thức lạc loài xứ thiên đường
Được viết bởi một tác giả trẻ đang là nghiên cứu sinh ngành Xã hội học tại Thuỵ Điển, tác phẩm khắc hoạ lát cắt về cuộc sống của những trí thức đang học tập và làm việc ở Bắc Âu, cùng những nỗi buồn mênh mang và những khoảng trống vô bờ của kiếp nhân sinh.

 

 

Trong thế giới đang sống, vĩnh viễn mãi là người lạ

 

 

An Lê là nghiên cứu sinh ngành xã hội học cho một trường đại học của Thuỵ Điển. Cuộc sống của cô gái trẻ tại đây gói gọn trong phạm vi phòng làm việc của trường đại học và phòng trọ thuê, đắm mình trong văn hoá Âu Mỹ, với niềm đam mê nghiên cứu khoa học cùng những người bạn đến từ năm châu. Những tưởng An đã đã trở thành một phần của đời sống quen thuộc đó nhưng rồi, cô nhận ra rằng có quá nhiều khác biệt trong thói quen hành xử, quan điểm hay phong cách sống, cả những mối quan tâm, những điều ưu tiên... tại môi trường cô đang sống và cả từ bạn bè cô đã quen thân. Sự khác biệt đó không khỏa lấp theo thời gian mà trái lại, ngày càng khắc sâu thêm và để lại trong lòng cô những khoảng trống rỗng và những nỗi hoang mang vô cùng lớn.

Bằng giọng văn giàu tự sự với nhịp điệu trầm lắng, pha chút u buồn, những trang viết của Mai Thảo Yên mang lại cho người đọc nhiều nỗi ưu tư. Phương Tây, bầu trời mơ ước của bao người, chốn thiên đường của tự do, bình đẳng, bác ái nhưng vẫn tồn tại rất nhiều rào cản cho những người nhập cư như An, như Prisha, như Hằng, như Nhật. Không chỉ là những bất an đến từ những cơn đau dạ dày quặn lên cồn cào khi An phải một mình đối mặt chờ đợi và học cách chấp nhận hệ thống y tế quan liêu cứng nhắc, đó là những cơn đau vô hình khiến An day dứt: Nỗi cô đơn nơi xứ lạ, những người đồng nghiệp mãi mãi không thể thấu hiểu và chia sẻ bởi khác biệt hoàn cảnh xuất thân quá lớn, nỗi bấp bênh không chốn nương thân khi nghề nghiệp không còn. Đó còn là những rạn vỡ lần mòn trong tình yêu của cô gái trẻ, khi mà thứ cô cần làm không phải là tranh đấu để bảo vệ và vun đắp tình yêu, mà chính là tìm cách thoát khỏi nó, chạy trốn nó.

 

 

Như con thuyền không neo buộc, phía trước sẽ là đại dương bao la

 

 

Cứ như thế cho đến lúc, An cảm thấy trong lòng mình tất cả hoài bão đã phôi pha. Đó là khi cô chứng kiến cô bạn đến từ Ấn Độ đã phải từ bỏ tất cả để trở về quê nhà, tìm lại sự thoải mái trong một đôi giày đã cũ, còn hơn cố đặt chân vào một đôi giày mới đẹp đẽ nhưng được một chút là đau đớn. Đó là lúc cô nhận ra sự chua chát của những nghiên cứu sinh sống tha hương như vợ chồng Hằng, cố gắng hết sức để có nhà tại Thụy Điển nhưng cuối cùng cũng phải chuyển chỗ vì công việc bấp bênh. Cuộc sống của họ nơi xứ lạ như con thuyền vô định, không tìm ra nơi đậu bến. Sự ổn định và cảm giác an yên nơi quê người chỉ là giả tạo, còn quê nhà, liệu có chỗ cho những đứa con xa xứ tìm về hay chỉ còn là chốn thiêng liêng trong chuỗi hoài thương ký ức?

Khi nhận ra mình đã trở thành người lạ, cuối cùng nhân vật phải học cách chấp nhận mình vĩnh viễn là kẻ lang thang độc bước với sự lựa chọn của đời mình, trở thành một tinh cầu cô đơn tự do xoay vần trong vũ trụ bao la. An đã dũng cảm nhìn thẳng vào cuộc sống, bình an chấp nhận nó như là nó vốn phải như thế. Những nỗi chênh chao của tuổi trẻ vẫn còn đó, niềm hoang mang và sự cô đơn, những cái giá phải trả khi đã đặt chân vào giới học thuật… Như con thuyền cần đại dương để thỏa sức vẫy vùng, thế nên, dù bến bờ mù mịt, dù mang trên mình nhiều vết xước của tuổi trẻ, họ, những người trẻ ấy không thỏa mãn ở vùng nước yên tĩnh, vẫn sẽ luôn sẵn sàng cho những chuyến hành trình, dù biết rằng phía trước có thể là giông tố.

 

MAI THẢO YÊN


Hiện đang là: Nghiên cứu sinh ngành Xã Hội Học tại Đại Học Uppsala, Thụy Điển.
Những tác giả văn học yêu thích: Ursula Le Guin, Paul Auster, Đoàn Minh Phượng.

 

Trích đoạn tác phẩm:

“Trong những buổi chiều đó, An nghĩ mình cũng như một con thuyền neo ở bến cảng, hạnh phúc nhìn ngắm những gian hàng, những con cá còn vương mùi biển nằm phơi mình trên những tấm trải nhựa, rồi hòa mình vào sự ồn ã rộn ràng của người qua kẻ lại. Nhưng buổi chiều hôm nay, khi chỉ còn An một mình trên bậc thang này, khi thanh âm rõ ràng nhất không đến từ tiếng sóng nước đập vào bờ cuồn cuộn, mà đến từ sự trống trải trong lòng, cô lại thấy mình như một chiếc thuyền đã rời bến. Ở giữa khơi xa, con thuyền này cần những ngọn gió sau lưng, sóng biển bốn bề, và cảm giác lao mình về phía trước để thấy mình toàn vẹn. Kể cả khi không rõ điểm đến là đâu. Kể cả khi có thể chẳng có điểm đến nào dành cho nó. An có thể đi đến rất nhiều chân trời, nhìn ngắm cuộc sống muôn màu ở những bến cảng khác nhau, nhưng về sau cùng, cô vẫn cần có biển cả, cần có sự lênh đênh này, để nhìn thấy chính mình.”

Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: