Văn học tuổi 20: 'Cỏ dại thênh thang' – Khúc à ơi nơi mộng biệt
Văn học tuổi 20: 'Cỏ dại thênh thang' – Khúc à ơi nơi mộng biệt
“Cỏ dại thênh thang” là tập truyện ngắn gồm 11 câu chuyện nhỏ giản dị về cuộc đời, thủ thỉ về phận người với những u buồn mất mát, những cuộc chia ly, những quẩn quanh mù mịt, những niềm tin le lói… ẩn sau giọng văn thủ thỉ dịu dàng của tác giả Bùi Tiểu Quyên.

 

 

Những kiếp độc hành cô đơn

 

 

Nhân vật chính của tập truyện, đa phần là những người trẻ. Ở độ tuổi đôi mươi, họ có những tiếc nuối đau đớn của quá khứ, có những biến động của hiện tại, và chông chênh niềm tin vào tương lai. Trong truyện ngắn cùng tên “Cỏ dại thênh thang”, đó là một chàng trai mang niềm đau bị mẹ ruột ruồng bỏ, quê cha vô định, đến mẹ nuôi cũng đột ngột rời xa anh không một lời từ biệt. Ở “Bơi qua sông” lại là một cô gái trẻ tràn đầy nhiệt huyết với nghề giáo nhưng rồi thực tế tàn nhẫn khiến cô cay đắng vỡ mộng. Trong “Khúc mộng à ơi” lại là khúc hát ru về tình mẫu tử thiêng liêng, khi người mẹ trẻ kể về những đổ vỡ hôn nhân, niềm an yên bên cô công chúa nhỏ, và những tiếc nuối ngày không còn mẹ.

Có cùng một chủ đề “Cỏ” nhưng khác hẳn cách kể đầy ma mị, ám ảnh của 2 tiểu thuyết đã xuất bản là “Cỏ đồi Phương Đông” và “Cỏ lau vạn dặm”, những trang viết của Bùi Tiểu Quyên trong “Cỏ dại thênh thang” gợi đến người đọc nhiều trăn trở, suy nghĩ về kiếp người qua lối kể dịu dàng và nhẹ nhàng hơn. Ngay cả oan hồn trong “Mộng biệt”, câu chuyện duy nhất có tính liêu trai trong tập truyện cũng không khiến cho người ta kinh sợ lắm. Đọng lại là chút dư âm buồn thương về một số phận không may trong vô vàn những khiếp độc hành cô đơn trên đường về xa ngái.

 

 

Quê nhà ngóng đợi

 

 

 “Làng Hạ”, “thôn Đàn”… các địa danh gợi niềm xưa cũ, nơi có mảnh đất bao dung che chở cho mấy mẹ con qua những tháng năm nghèo khổ (“Chùa xưa”), chốn chôn nhau cắt rốn mà nhân vật tôi vô thức tìm về (“Mộng biệt”), hay quê hương Nam trung bộ đau đáu trong nỗi nhớ của kẻ tha hương ngày Tết (“Vút lên một tiếng đàn”). Từ miền Nam, đến miền Trung rồi ngược ra phương Bắc, những chốn quê nghèo được Bùi Tiểu Quyên khắc họa đầy chân thực và xúc động. Ở đó không chỉ là những mảnh đất in đậm dấu tích thời thơ trẻ, những trận đòn roi, những lần chết hụt. Ở đó, khắc sâu trong tim người trẻ, là người mẹ tảo tần hôm sớm (“Chùa xưa”, “Khúc mộng à ơi”, “Bơi qua sông”), người cha lặng lẽ trầm ngâm (“Hoa thanh long”, “Mộng biệt”), người ông giỏi giang khiêm nhường (“Cây”). Những người thân ấy luôn yêu thương và dang rộng vòng tay đón những đứa con xa lầm lạc trở về.

Chỉ có điều, họ về quá trễ hoặc không thể trở về được nữa, chỉ còn lại niềm day dứt khôn nguôi vì chốn xưa vẫn còn mà người đã khuất trong từng nấm đất.

 

 

Niềm tin như nắng lên

 

 

Thế nhưng vượt khỏi những u uẩn buồn thương, vẫn thấy các nhân vật của Bùi Tiểu Quyên mạnh mẽ với một niềm tin ươm màu nắng. “Bàn chân con sẽ đi rất xa…”, người cha trong “Cỏ dại thênh thang” đã viết cho đứa con trai mới sinh của mình như thế khi anh đã đủ dũng cảm đối mặt với quá khứ, thấu hiểu về nguồn cội, về sự tái sinh. Cũng thế, không đầu hàng trước những va vấp tàn nhẫn của cuộc đời, cô giáo trẻ trong “Bơi qua sông” đã tự mình bơi qua dòng đời với niềm tin mang màu đỏ rực rỡ của cánh phượng vỹ. Là bà cụ đã hơi lãng đãng ngồi tỉ mẩn khâu số điện thoại lên áo cho chồng, để ông đi lạc người ta còn biết mà tìm (“Bên kia dốc”), hay cô con gái sau những thành công và hào quang, trở về với cha già trong khu vườn xanh mát, thư thả ngắm hoa thanh long nở, mơ về ngày xuất khẩu trái thanh long đi khắp thế giới (“Hoa thanh long”)

“Viết là để trao đi niềm tin và mộng ước lớn, rằng chúng ta sẽ luôn tìm thấy hạnh phúc lấp lánh từng ngày – giữa mong manh vĩnh hằng…” – Tác giả đã từng nói như thế.

 

Đôi nét về tác giả:

 

Bùi Tiểu Quyên -  Tác giả bộ truyện Cỏ đồi Phương Đông(NXB Văn Hóa Văn Nghệ, Giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà Văn Tp.HCM 2014); Cỏ lau vạn dặm(NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2015); tạp văn Nửa đêm nằm nhớ, Những cánh cửa đều mở(NXB Trẻ, 2016 - 2017)

 

“Những mùa xuân cũ, mùng Một nào cả nhà tôi cũng ở bên cạnh nhau, mừng tuổi ba mẹ rồi đi chúc Tết ông bà. Nhà nghèo nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, những lời chúc tụng. Năm tháng ấy tôi không nghĩ gì xa xôi về cái Tết ở thành phố, không ao ước cũng không so sánh. Bờ tre ngọn cỏ bông hoa trong vườn, con cá dưới ao là đã đủ đầy. Cả thôn xóm đều quây quần bên những vuông sân nấu nồi bánh chưng bánh tét, nhà ai có món ngon lại chia sẻ với nhà hàng xóm. Quê ngọt lành đến từng hạt sương mai…”

Trích “Cỏ dại thênh thang” – Bùi Tiểu Quyên - Tập truyện ngắn dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: