Văn học tuổi 20: “Cánh đồng ngựa” – Tuổi trẻ như những chú ngựa hoang, bị cầm tù trên đồng cỏ của chính mình
Văn học tuổi 20: “Cánh đồng ngựa” – Tuổi trẻ như những chú ngựa hoang, bị cầm tù trên đồng cỏ của chính mình
Lấy cảm hứng từ sự tái sinh của loài ngựa hoang quý hiếm Pzrewalski trên đồng cỏ Mông Cổ, Cánh Đồng Ngựa là một tác phẩm lạ lùng kể về cuộc sống của những người trẻ trong những trống rỗng và dằn vặt với nỗi cô đơn của chính mình.

 

 

Những cái chết ám ảnh bởi lời nguyền đồng cỏ

 

 

Đó là một câu chuyện buồn, mở đầu bằng cái chết, tiếp diễn bằng cái chết và kết thúc cũng bằng cái chết.  Như một thứ virut lây lan, chị gái của Lê – nhân vật chính của câu chuyện, người bạn của chị gái Lê, cô gái tên M - cô bạn đặc biệt của Lê, và cả Lê nữa, tất cả họ, đều chọn tự tử làm phương tiện chấm dứt đời mình nhanh nhất, êm ả nhất, để lại những khoảng trống rỗng vô định không phương hướng cho người ở lại.

Giống như những chú ngựa hoang đẹp đẽ phiêu bạt trên đồng cỏ đầy nắng gió, họ là những thanh niên trẻ có nghề nghiệp ổn định, giỏi giang, biết cách tận hưởng cuộc sống. Nhưng đồng cỏ đã không còn nguyên sơ và êm ả như nó vố dĩ tồn tại, đồng cỏ đã xuất hiện những vết bánh xe lăn chà nát sự bình yên, với những kẻ săn ngựa lăm lăm khẩu súng trong tay. Đồng cỏ trong tâm tưởng của nhân vật cũng thế, ẩn chứa nhiều sự bất an, nhất là vào những quãng nghỉ khi thành phố đã lên đèn, hoặc những  ngày cuối tuần trống rỗng thường khiến con người ta suy tư, mộng mị và hoảng hốt. Sự bất an đó có thể đến từ những ám ảnh của quá khứ, khi Lê và chị mang con tim nhiều tổn thương vì gia đình không còn nguyên vẹn, cha bỏ đi và mẹ cũng không còn; khi Hei phải sống trong những con phố người Hoa chật hẹp và ngột ngạt cùng người mẹ cam chịu lặng im, như con sâu không bao giờ dám thoát ly khỏi cái kén ấm áp; khi K bức bối vì không tha thứ được cho người mẹ phản bội của mình... Sự bất an đó ập đến cấp kỳ trong hiện tại, khi chị của Lê không chống cự được cái hố đen sâu thẳm cuốn phăng mọi thứ trong tâm hồn. Cả K, Hei, và Lê nữa, khi cảm giác sợ hãi và cô độc biết mất, cảm giác sung sướng và ấm áp cũng chẳng còn, họlúc nào cũng cảm thấy trống rỗng. Ngay cả trong mơ cũng phải đối diện với những nỗi mơ hồ, cô đơn và những khoảng không đen ngòm sâu hoắm không gì có thể khỏa lấp.

 

 

Như loài ngựa hoang đẹp đẽ, có những cái chết là để tái sinh

 

 

Tạm rời những dòng  tự sự trĩu nặng tâm tư, thoát khỏi những giằng xé của các nhân vật, xen lẫn trong tác phẩm là những trang viết đẹp đẽ nên thơ về một thảo nguyên mênh mông, nơi đồng cỏ bạt ngàn và ráng chiều thì đẹp mê hồn. Trong khung cảnh lãng mạn đó, những chú ngựa hoang Mật Ong, Hạt Dẻ, Bạch Lộ hiện ra thật dũng mãnh, oai vệ. Nhưng rồi tất cả đều không thoát khỏi cái chết. Xác con ngựa vàng óng nằm im lìm trên thảm cỏ xanh mướt, đẹp đẽ và sáng lấp lánh, để rồi nơi đống tro tàn mọc lên thứ hoa màu trắng khiêm nhường dịu dàng dưới nắng. Đó chính là kiếp luân hồi, là sự tái sinh.

Như những chú ngựa hoang thuần khiết luôn lao nhanh về phía trước, những con người trẻ trong “Cánh đồng ngựa” cũng đã rướn người lên, tự lao mình qua những khoảng trống tối tăm chống lại sự vô vị mất mát. Với K và M, đó là cuộc đi đến một vùng đất mới, đắm mình vào những thứ đẹp đẽ, khi choáng ngợp, lúc êm ả để tìm quên. Với Hei, đó là những cuộc phiêu lưu nghiên cứu về loài ngựa trên thảo nguyên mênh mông. Với Lê, đó là thời gian cho những ký ức đẹp đẽ êm đềm về cha, về chị. Cuối cùng, cô gái cũng dám đối diện và tha thứ cho cha mình, học cách chấp nhận cái người đàn ông cao lớn trong ký ức đã mất đi, thay thế bằng người đàn ông gầy gò đầu bạc đang lặng yên nhìn mãi về phía biển.

Tất cả bọn họ ra đi tìm niềm an ủi, rồi lại trở về, vì họ nhận ra tất cả giải pháp đều là chạy trốn thực tại. Liều thuốc tác dụng nhất chính là đối diện với bản ngã của chính mình, đọc ra được nỗi lòng của bản thân, tập tha thứ cho mình và tha thứ cho người khác. Trong đống tro tàn đổ nát của nỗi đau, cuối cùng, họ cũng học được cách tái sinh.

 

Tác giả:

Nguyên Nguyên
Sinh ngày 01.08

Sở thích: Chụp ảnh, vẽ, đọc sách

Thần tượng văn chương: Raymond Carver

 

Trích đoạn tác phẩm

“Những nhân vật luôn bị giam trong những mê cung của thực tại, những thế lực vô hình bủa vây xung quanh họ. Và khi ấy họ phải tự tạo cho mình một thế giới riêng biệt, nhưng cũng chính điều đó khiến họ lạc lõng và trống vắng vô cùng. Họ cứ mải miết kiếm tìm mà ruốt cuộc chẳng thấy gì, điều họ muốn vươn tới, chạm tới ngày một xa rời họ, khiến họ chán chường.

Mình nghĩ nhiều khi mình cũng có tâm trạng đấy. Cái thế giới riêng mình tạo ra, nó khiến mình cảm thấy cô dơn và trống vắng. Thế nên mình có cần phải khuấy động nó lên không? Mình đã tự nhủ như thế. Thoạt nhiên, chính suy nghĩ đó khiến mình cảm thấy nôn nao khó chịu. Mình chẳng thể khuấy động cái gì trong thế giới trống rỗng ấy.

Mình thực sự muốn có một thứ sức mạnh, thứ sức mạnh đủ lớn và đột ngột ập đến. Mình sẽ bắt đầu khuấy động mọi thứ trước khi nguồn năng lượng đó tiêu biến đi, như khi tiếng nhạc cất lên và những vũ điệu sẽ bắt đầu từ đấy, nó sẽ không kết thúc trước khi tiếng nhạc dứt hẳn ở những nốt cuối cùng. Nhưng sau hàng trăm những ý nghĩ điên rồ đó thì mọi thứ phơi bày ra trước mắt chỉ là sự lặng im mà thôi.

Chỉ là sự im lặng mà thôi.”

Trích “Cánh đồng ngựa” – Nguyên Nguyên; Truyện dài dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức.

 Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: