Sự cứu chuộc của gấu bông dành cho tâm hồn
Sự cứu chuộc của gấu bông dành cho tâm hồn
Đã từng có một người bạn như thế, một người bạn nhỏ bé, luôn ở bên ta mỗi khi buồn vui, và "gián tiếp" dạy ta những điều cần thiết trên con đường tập làm người lớn.

Người ta quan sát được rằng trẻ em trong độ tuổi từ 1 tới 12 có sự gắn bó sâu sắc đối với những con thú bông mềm, thường là gấu, thỏ hay là chim cánh cụt. Mức độ gắn bó này có thể rất đáng kinh ngạc. Đứa trẻ có thể ngủ cùng với thú nhồi bông, nói chuyện với nó, khóc trước mặt nó và kể về những điều không bao giờ kể với người khác. Điều ấn tượng thật sự chính là món đồ chơi đồ đó cũng chăm sóc chủ nhân của nó, xưng hô với một giọng điệu ấm áp và trưởng thành hiếm thấy. Trong những lúc khó khăn, nó có thể thuyết phục chủ nhân đừng lo lắng và hãy chờ đợi thời điểm tốt hơn. Nhưng thực tế là, tính cách của thú bông hoàn toàn nhân tạo. Nó đơn giản được hình thành từ sự tưởng tượng của một phần nào đó bên trong đứa trẻ nhằm chăm sóc cho phần còn lại.

 


Nhà phân tâm học người Anh Donald Winnicott là người đầu tiên nghiên cứu một cách nghiêm túc về ngành kinh doanh gấu bông Teddy. Trong một bài nghiên cứu từ những năm đầu thập niên 60, Winnicott mô tả một cậu bé 6 tuổi bị bố mẹ ngược đãi đã trở nên gắn bó vô cùng với một con thú bông nhỏ - món quà của người bà tặng cậu bé. Mỗi đêm, cậu bé sẽ nói chuyện với nó, ôm chặt nó vào ngực và khóc, nước mắt rơi lã chã trên bộ lông mềm màu ghi thẫm. Đó là thứ quý giá nhất cậu bé sở hữu, vì thế nên cậu sẵn sàng từ bỏ tất cả vì nó. Cậu bé tóm gọn lại với Winnicott một câu: “Không ai có thể hiểu cháu bằng chú thỏ này”.

Điều khiến Winnicott hứng thú là cậu bé chính là người đã tạo nên con thỏ, cho nó một tính cách, một giọng nói và cách xưng hô với cậu. Cậu bé tự nói với chính mình - thông qua con thỏ - với một giọng nói đầy yêu thương và cảm thông vốn rất hiếm hoi với cậu.

Mặc dù việc tự nói chuyện với chính mình nghe có chút kì dị, nhưng đó lại là một hành động phổ biến trong suốt cuộc đời của chúng ta. Thường chúng ta hay tự nói với bản thân bằng giọng gay gắt và đầy răn đe. Chúng ta quở trách bản thân vì trở thành kẻ thất bại, hoang phí thời gian hay trở nên hư hỏng. Nhưng, theo Winnicott, một tâm lý khỏe mạnh hay không phụ thuộc vào chính giọng điệu nhẹ nhàng, khoan dung và đầy hi vọng bên trong. Để con người tiếp tục tiến về phía trước, đôi khi một bên não bộ cần phải nói với bên kia rằng: "Phàn nàn như vậy là đủ rồi, ai cũng có thể gặp điều như vậy, không ai có thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra mà…". Đứa trẻ đấy đã tập dượt và sử dụng chính giọng nói khoan dung không thể thiếu được này thông qua con thú nhồi bông.

 


Đến độ tuổi thanh thiếu niên, ta thường bỏ quên chúng vì cảm thấy xấu hổ và muốn trốn chạy cảm giác dễ bị tổn thương. Nhưng, theo Winnicott, những gì chúng ta từng thực hiện với những con thú nhồi bông có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt cuộc đời - bởi lẽ ta thường thấy thất vọng bởi những người xung quanh, những người không có khả năng thấu hiểu, lắng nghe nỗi buồn và đối xử với thái độ tử tế mà chúng ta mong muốn. Vì vậy, những ai muốn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, hãy biết tự nâng niu bản thân bằng cách tạo ra một không gian riêng biệt an toàn và tự khích lệ chính mình. Việc chúng ta không gắn cho “tiếng nói bên trong biết thấu hiểu” này một cái tên như “thỏ trắng” hay “gấu nâu” chẳng thể khiến ta quên được rằng con người ta trưởng thành được như bây giờ là nhờ người bạn lông xù ngày bé đó.

Một cuộc sống trưởng thành thuận lợi đòi hỏi chúng ta phải nhìn ra mối liên hệ giữa những điểm mạnh của bản thân và những giây phút yếu mềm muốn trốn chạy. Một người trưởng thành đích thực cần phải biết dung hòa những điều có vẻ trẻ con, ngượng ngùng hay dễ tổn thương. Chúng ta nên trân trọng những con thú nhồi bông vì vai trò đích thực của chúng: những công cụ giúp chúng ta chập chững tập bước trên con đường học cách chăm sóc chính mình.

 

 

Trạm Đọc

Theo The Book of Life