Ứng dụng công nghệ xuất bản trực tuyến vào sách nói
Ứng dụng công nghệ xuất bản trực tuyến vào sách nói
Sáng 15/6, tọa đàm với chủ đề “Công nghệ xuất bản trực tuyến” được Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp một ứng dụng sách nói có bản quyền tổ chức.

Tại tọa đàm, bà Thái Minh Châu - Giám đốc Đối ngoại ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos - thông tin thị trường xuất bản điện tử trên thế giới được định giá có doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2019 (trước thời điểm dịch bệnh) và con số này sẽ đi lên mạnh mẽ với tốc độ 25% trong giai đoạn 2020-2027.

Sách nói trở thành lựa chọn phù hợp cho nhiều bạn trẻ bận rộn. Ảnh: Lê Vượng.

 Dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới thị trường sách nói, sách điện tử theo hướng tích cực. Mức tăng trưởng sẽ vượt xa so với dự kiến. Theo dự báo, trong vài năm tới, doanh thu có thể lên đến 15 tỷ USD.

Không nằm ngoài xu hướng xuất bản trên thế giới, ở Việt Nam, Fonos, Voiz FM và các đơn vị làm sách điện tử, sách nói khác cũng đang có những chuyển biến tích cực.

Bà Thái Minh Châu cho biết trong 2 năm đại dịch, Fonos tập trung sản xuất nội dung âm thanh số. Hiện đơn vị này có trên 500 đầu sách nói trên ứng dụng và số lượng bản quyền sách đã lên tới gần 1.000. Đây đều là sách bán chạy trên thị trường. Có thể kể đến các cuốn như Sapiens: Lược sử loài người, Đắc nhân tâm, Cây cam ngọt của tôi, Nhà giả kim

Trong năm 2021, doanh thu của của đơn vị này tăng trưởng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước với hơn nửa triệu người dùng và trên 100 voice talent thu âm giọng đọc.

Với sự trợ giúp của công nghệ, ứng dụng sách nói hiện nay còn có phần tóm tắt sách, phân tích hành vi người dùng để đưa ra gợi ý sách. Ảnh: Fonos.

Cũng trong tọa đàm, TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho hay hiện chưa có giáo trình đào tạo chính thức về quy trình xuất bản sách nói hay sách điện tử.

Là một trong những người dìu dắt thế hệ làm công tác xuất bản trong tương lai, TS Thùy Dương nhận thấy sinh viên chuyên ngành Xuất bản điện tử (khoa Xuất bản) còn gặp khó khăn về nơi thực tập, kiến tập nghề nghiệp, bởi các đơn vị làm xuất bản điện tử chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện chưa có nhiều.

Bên cạnh những khó khăn đó, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng điểm thuận lợi là khoa đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các đơn vị xuất bản trong việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình giảng dạy.

Công nghệ phát triển, nhưng theo TS Vũ Thùy Dương, điều cần làm của sách nói là chọn giọng đọc của voice talent chứ không nên dùng trí tuệ nhân tạo (AI), để đảm bảo cảm xúc chạm đến trái tim người nghe.

Về lợi ích của sách nói, bà Thái Minh Châu cho biết: “Chúng ta có thể cất kệ sách lớn của mình vào một ứng dụng sách nói nhỏ gọn. Mục tiêu chính của chúng tôi là đem lại kiến thức, nguồn cảm hứng, giải trí cho những người bận rộn”.

Cùng các đơn vị xuất bản trong nước, Fonos mong muốn đẩy số lượng đầu sách/người/năm lên 12 cuốn. Để làm được điều này, ứng dụng cung cấp phần tóm tắt sách (nói về những điểm chính trong cuốn sách đó), giúp người dùng tham khảo ấn bản phù hợp sở thích trước khi nghe.

Theo Zing News

Tags: