Tuổi 20 đi chữa bệnh trầm cảm cho mèo
Tuổi 20 đi chữa bệnh trầm cảm cho mèo
Vào một ngày mùa đông đã cũ, đứa bạn thân bảo tôi hãy nuôi một con mèo. Nói chưa dứt lời và thậm chí còn không chờ tôi đáp lại, nó đã vạch ra một danh sách những đồ tôi cần mua và giục tôi đi mua ngay. Đó là tầm cuối chiều ở Manzi, con bạn bỏ luôn cốc trà vừa gọi và dành lấy phần thanh toán tiền. Tất cả những gì tôi làm chỉ là ớ á liên hồi rồi ngoan ngoãn làm theo.
Linh - bạn thân tôi, thuộc dạng “tăng động” đặc biệt, lời nói của con bé còn nhanh hơn cả suy nghĩ của tôi. May mắn là có nhiều chuyện Linh nghĩ giống tôi, và vì thế như lời Linh bảo là không cần tốn nửa ngày suy nghĩ cho một việc rõ ràng đến thế. Việc nuôi mèo này là một ví dụ. Cái buổi tối đó khi Linh mang cái “bọc” bé xíu nhưng ấm áp và đầy dễ thương từ nhà Linh ra, tôi biết là Linh đã (lại) đúng.

 

Linh gọi đó là mèo Lê. Nhà Linh không cho nuôi mèo nên Linh đã nài nỉ tôi nuôi dùm (Linh dùng từ “nài nỉ” này khi kể cho đám bạn chung). Lê là một bé mèo nhị thể đen trắng vài tháng tuổi có tính cách nghịch ngợm. Lê như một quả cầu màu đen và là một mối đe dọa với mọi thứ bằng thủy tinh trong nhà. Lê cũng thích trò nhảy lên móc quần áo và bám vào những bộ quần áo đang đung đưa, báo hại tôi mấy lần bị mẹ mắng vì quần áo bị sờn rách. Lê cũng rất thích bóng. Linh đến nhà tôi hay mang quà cho Lê là một quả bóng nhựa be bé. Con bạn sẽ thả quả bóng xuống đất để cho Lê đuổi theo. Tuy rằng không phải hôm nào cũng êm ả như vậy. Có một hôm Linh cầm quả bóng nắm thẳng vào con mèo tội nghiệp và xụt xịt một câu gì đó. Tội nghiệp mèo Lê và tội nghiệp cả Linh, hôm đó Linh thất tình.

Tôi và mèo Lê thân với nhau theo kiểu hiền lành hơn và vì thế, tốn thời gian hơn. Tôi hay xoa đầu và xoa bụng cho Lê, nhưng Lê hay cắn vờn vào tay tôi, và điều này làm tôi sợ. Chúng tôi vẫn “quẩn quanh” nhau đúng nghĩa: Lê vẫn thường chạy theo tôi mỗi khi tôi đi từ phòng này sang phòng khác. Nhưng những sự thân mật thì thường diễn ra rất ngắn ngủi: tôi xoa đầu Lê, Lê nằm bệt ra và cắn vào tay tôi, tôi giật tay lại và bỏ đi. Không quá 10 giây! Điều này khác với em gái tôi, con bé thường tung hứng Lê cả tiếng và thường con mèo phải tìm cách “chạy trốn” khỏi con em trời đánh của tôi.

Đối với tôi, Lê là sinh vật dễ thương nhất nhà. Tuy nhiên những thứ dễ thương thường có đôi (và nên có đôi). Sau đó tầm 1 năm, con em tôi mang về một chú mèo khác và đặt tên là Cát. Lê không còn là sinh vật bé nhỏ quan trọng nhất nhà, và giờ đây chú mèo của tôi hay nằm ở tấm đệm chân cầu thang và nhìn mọi người trong nhà xúm vào mèo Cát. Lúc này Lê đã là mọt chú mèo 2 tuổi khá bụ bẫm (con em tôi rất hào phóng đồ ăn!) và không “trẻ con” như hồi trước. Đến giờ khi hồi tưởng và viết những dòng này, tôi nhận ra rằng mọi thứ đều lớn lên. Đến cả một chú mèo cũng lớn lên!

Trái với sự tưởng tượng của chúng tôi, mèo Lê với mèo Cát có vẻ không thân thiện. Khi được cho ăn mèo Lê thường đứng “khì khì” mèo Cát và một lí do nào đó mà chỉ loài mèo mới hiểu, mèo Cát sẽ chạy đi và nhường mèo Lê ăn trước. Em tôi đã chia ra 2 bát thức ăn và đặt cách xa nhau nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Lê sẽ ăn hết thức ăn của mình và đẩy Cát ra khỏi bát đồ ăn và ăn chúng. Thậm chí ngay cả khi bát đồ ăn bản thân chưa hết, Lê cũng bỏ dở và chạy đến “gây sự” với Cát. Em tôi lên án mèo Lê là “xấu tính”, và cương quyết “đền bù” cho mèo Cát của con bé bằng cách cho… ăn vặt bất cứ khi nào con bé có thể. Tôi thấy cách đó không hợp lý lắm, nhưng vì sao hai con mèo không thể hòa thuận thì chúng tôi không hiểu. Tôi nghĩ mèo Lê “ghen” với mèo Cát, cũng giống như người ghen với người vì những cái “vật chất” vậy.

Tôi kể chuyện này cho Linh. Linh quan tâm đến việc loài mèo cũng ghen, bởi vì Linh cũng đang ghen. Cụ thể là Linh thích một cậu, tử tế với cậu, thế mà cậu bạn đó lại hững hờ với Linh và tử tế với “một con quỷ cái khác”. Vậy là vài tháng sau đó chúng tôi dành thời gian trong những tiết luật đại cương để tìm đọc về tâm lý động vật. Lí do là vì thầy giảng giọng đều như ru ngủ. Lí do quan trọng hơn là Linh đã thuộc lòng môn này. Linh có niềm say mê (đến ám ảnh) về công lý và đã tự học nhiều môn trước cả khi bắt đầu môn đó. Đây là điều tôi phục về Linh: rõ ràng và luôn mãnh liệt.

Một ngày, chúng tôi tìm được một bài viết về cách động vật bày tỏ cảm xúc. Đại để là khi con người không thể làm chủ hành vi của mình, họ sẽ cho rằng đó là tại cảm xúc. Đối với động vật, những loài không thể bày tỏ cảm xúc bằng từ ngữ và lời nói, những cảm xúc này thường mang tính tổng quát và dễ nhận ra hơn loài người. Điều đó có nghĩa là khi một con lừa thấy sợ, nó sẽ ngẩng cổ cao lên và bắt đầu đung đưa. Khi một con chó thấy vui, nó sẽ vẫy đuôi. Khi một con mèo khó chịu về một con mèo khác, nó sẽ nhìn chằm chằm vào con mèo đó.

Chúng tôi cũng tìm được những đơn thuốc để chữa bệnh tâm lý cho động vật. Khi tìm đọc những đơn thuốc và lời chỉ dẫn trên đó, chúng tôi đoán rằng mèo Lê đang lo lắng và cảm thấy bất an. Vốn “lo lắng” và “bất an” là những từ chỉ dùng cho con người, nhưng những thuật ngữ chuyên môn quá phức tạp nên chúng tôi “kê đơn” cho mèo Cát như vậy. Linh bảo: mèo cũng như người, khi sống với người thì phải đối xử với mèo theo chuẩn mực của con người, tức là có bệnh phải khám. Nhưng bác sĩ tâm lý cho người còn hiếm nữa là bác sĩ tâm lý cho mèo? Chúng tôi đã đến một trung tâm chăm sóc thú y ở Láng, nhưng mọi thứ có vẻ vô vọng.

Những ngày đó, Linh hay đến nhà tôi nhiều hơn. Linh hay nấu cơm cùng tôi, và hay làm cho tôi món xíu mại sốt bông mà Linh đã luyện đến mức thượng thừa. Thời tiết đang từ thu về đông và Linh mặc áo sơ mi dài tay ra ngoài như áo khoác. Linh hay về lúc chiều và hay bỏ quên sơ mi ở nhà tôi. Cả tôi và mèo Lê đều thích những cái áo sơ mi của Linh. Tôi phải gấp gọn áo của Linh cất vào trong tủ để tránh mèo Lê nghịch áo. Nhiều năm sau kể lại, tôi vẫn bảo Linh rằng tôi vẫn giữ áo sơ mi của Linh trong ngăn tủ và vì thế tôi vẫn giữ tuổi trẻ của Linh – tuổi trẻ của 2 chúng tôi ở một nơi an toàn. Những buổi chiều thu Hà Nội gió và nắng đung đưa tôi đưa Linh ra đầu ngõ, nhìn Linh nhảy lên xe và nghe lời hẹn “mai lại đến”, tôi thấy mọi thứ thật bình yên.

Đó là đầu năm tư. Chúng tôi sắp ra trường. Mèo Lê được 2 tuổi và mèo Cát chưa được 1 tuổi. Chúng tôi dành những buổi chiều để nói về thùy não, về phần đệm, về amygdalae, về adrenaline, về mọi thứ liên quan đến căng thẳng, bất an, lo lắng của động vật. Chúng tôi hiểu được rằng một con chó sẽ liếm chân khi bồn chồn và gà nuôi ở Mỹ được cho sử dụng một loại thuốc chống lo âu để thịt được ngon hơn. Ngạc nhiên thay, chúng tôi nói với nhau tất cả những điều đó trên sân thượng của tòa nhà chúng tôi theo học, vừa nói vừa nhìn xuống đường Nguyễn Chí Thanh, nhìn sang trường Ngoại Giao ở xa xa. Tôi và Linh đều hiểu một điều: chúng tôi nói về động vật, về mèo Lê, về mèo Cát… chỉ để chúng tôi không phải nói về bản thân. Mỗi tuần chúng tôi đều háo hức với những kế hoạch chữa bệnh mới cho mèo Lê. Chúng tôi đã mua một loại thuốc tên là Prozan – vốn vẫn được dùng cho động vật. Nhưng cuối ngày hôm đó chúng tôi quyết định không dùng. Chúng tôi thống nhất là mèo Lê vẫn đang lớn lên, và vì thế, sự hung hăng này là “diễn biến tâm lý” chứ không phải bệnh.

Thời gian trôi. Tôi ra trường, đi làm, đi xa khỏi Hà Nội. Cát giờ đã là một công chúa mèo xinh đẹp, cục cưng của nhà tôi. Lê trong một ngày không nắng không mưa đã bỏ chúng tôi mà đi. Tôi kể với Linh khi biết tin. Linh bảo với tôi rằng mèo Lê đã trưởng thành, đã trở thành một “mèo hảo hán”, và rằng hãy chúc phúc cho cậu ta trên đường bôn ba giang hồ. Tôi biết ơn Linh vì lời nói đó rất nhiều. Tôi kể cho Linh về suy nghĩ của tôi: Tôi nghĩ rằng động vật có cảm giác về thời gian. Lúc để đến, lúc để đi, lúc để yêu thương. Chỉ khi nghĩ về điều gì đó trong quá khứ và hi vọng điều gì đó trong tương lai, con người – hay động vật nói chung, sẽ có cảm xúc.Linh chê tôi chưa già đã triết lý. Nhưng tôi biết khi nghĩ về điều này, Linh mới là đứa mất ngủ, chứ không phải tôi.

Khi nghĩ lại những điều này, tôi nhận ra rằng việc gắn mắc Lê là “tăng động” “trầm cảm” đã thay đổi mọi thứ trong cách tôi suy nghĩ về hành vi của mèo. Lúc đầu tôi thấy thật phiền: mèo Lê đổ đồ ăn ra sàn, bắt nạt mèo Cát, phá giấc ngủ của tôi… Bây giờ khi đã đi xa, tôi nhận ra rằng việc nghĩ về những thứ đã qua làm tôi thấy mình trưởng thành hơn. Lê không chỉ là một mèo. Ở trong tuổi trẻ của chúng tôi, Lê là “thứ” gì đó để yêu thương. Và thật may, tôi, Linh, hay mèo Lê, đã có với nhau trọn vẹn sự yêu thương đó.

Jenny

Tags: