Tumblr: Phía sau cuộc thanh trừng 18+
Tumblr: Phía sau cuộc thanh trừng 18+
Một phút mặc niệm cho Tumblr, bắt đầu.
Hỡi các anh em, những ngày vừa qua là những ngày buồn với tất cả chúng ta. Phải, điều gì khiến các anh em thấp thỏm âu lo bấy lâu nay, điều gì phải đến cuối cùng cũng đã đến: Chỉ trong chưa đầy 1 tuần nữa, Tumblr sẽ cấm toàn bộ nội dung 18+. Nó sẽ rũ sạch mình, và thay đổi mọi hành vi xem/trao đổi/chia sẻ/”hộp” những hình ảnh trần tục (trong vô thức, tôi xin nhấn mạnh là vô thức) của tất cả 592348xx anh em (và chị em) trên toàn nhân loại.

  

Tumblr đúng là cái mạng xã hội có số phận lênh đênh nhất Internet

Nhưng tôi và các anh em đâu phải là những người hẹp hòi và nông cạn đến thế, nếu gào mồm lên chỉ vì mất nguồn xem ảnh đẹp. Cái lý do tôi ngồi đây tâm sự tuổi hồng với các anh em hôm nay, đó là ảnh hưởng thực sự của Tumblr, đồi trụy và Internet. Quyết định trên của Tumblr làm chúng ta phải một lần nữa ngẫm lại về khái niệm “riêng tư” và “kết nối” trên Internet, rằng mọi nội dung trên đó chẳng hề tự do như chúng ta vẫn tưởng, và công nghệ đang đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc kiểm soát nền tảng số.

 

 

Động 18+ mang tên Tumblr…

 

 

Có điều này tôi không biết các anh em có ngẫm ra không, nhưng tôi thì thấy tức cười chết được: Trong bản thông cáo báo chí của mình, Tumblr lý giải “nội dung người lớn” mà họ sẽ cấm “chủ yếu bao gồm ảnh, video, ảnh động có các cơ quan sinh dục của con người, đầu ngực của phụ nữ; và toàn bộ nội dung – bao gồm ảnh, video, ảnh động và tranh ảnh minh họa – mô tả những hành vi tính dục”. Tôi thấy tức cười bởi, bản thông cáo dài tới 538 từ này đáng lẽ chỉ cần rút gọn thành một từ duy nhất mà thôi – Khiêu dâm.

 

Phải, Tumblr có thể là mái nhà hội tụ của các nhà văn “mầm non”, các diễn đàn anime hay hội cuồng chụp hình đồ ăn thức uống, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng các nội dung khiêu dâm chính là một trong những yếu tố tạo nên tên tuổi của mạng xã hội này. Sáng hôm đọc được tin dữ, một anh bạn đã thở dài cám cảnh với tôi rằng: Tumblr bỏ 18+, cũng chẳng khác gì McDonalds bỏ đi món hamburger đặc sản.

Tumblr đã quyết định khai tử chính điều đã làm nên thương hiệu của nó

Vậy tại sao Tumblr lại tự “chặt chân” mình? Một phần động lực có lẽ là muốn khống chế sự lan truyền của những sản phẩm ấu dâm. Cái này tôi tin rằng các anh em cũng bức xúc không kém gì tôi hay Tumblr. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, thay vì mướt mồ hôi (và chi ra hàng tấn tiền) để đi kiểm soát độ tuổi của những người xuất hiện trên các ấn phẩm đồi trụy, reset lại tất cả có vẻ là một lựa chọn dễ dàng hơn nhiều cho Tumblr.

 

 

Hay nơi trú ẩn của những cá thể dị biệt?

 

 

Nhưng ở Tumblr không chỉ tồn tại những động cơ xấu xa như thế. Nơi đây còn là một thiên đường cho những người không có khả năng kết nối tính dục theo những cách “thông thường”. Một người anh em khác, vốn là thành viên lâu năm của “cub” – cộng đồng các cậu trai đồng tính sở hữu dáng người trung bình (ý là không sáu múi cũng chẳng béo phì) từng viết cho tôi: Những nội dung người lớn trên Tumblr là nơi đầu tiên cho cậu thấy những dáng người hết sức đa dạng của nam giới. Không đâu ngoài Tumblr, mà những người dùng không sở hữu vóc dáng chuẩn-từng-milimet lại dám thoái mái đăng hình lên để tán thưởng bản thân cả. 
Tumblr là nơi tất cả chúng ta được là chính bản thân mình mà không cần filter hay Photoshop

Cũng hệt như cách mà Twitter đã giành quyền được tôn trọng và chú ý cho cộng đồng người dùng da màu của họ, Tumblr đã trở thành không gian để những người có xu hướng tính dục “lệch chuẩn” được cất tiếng và chia sẻ. Từ những gã rậm lông đến những người đang mắc HIV, từ song tính đến khuyết tật, Tumblr luôn có chỗ cho tất cả mọi người.

 

 

Quyền riêng tư liệu có tồn tại trên Internet?

 

 

Thực tế này còn khiến tôi và các anh em phải trăn trở về hai vấn đề còn to tát hơn thế, không chỉ nằm trong khuôn khổ của Tumblr hay luật pháp. Thứ nhất là cộng đồng người dùng của Tumblr vốn không chỉ gồm mấy gã amateur như tôi và các anh em, mà còn có công sức đóng góp và chọn lọc rất lớn của những tình nguyên viên tích cực.

 

Ngày 17/12 tới, khi toàn bộ nội dung 18+ đều bị giới hạn riêng tư và mất quyền chia sẻ, thì cũng đồng nghĩa với việc những nhóm cộng đồng này sẽ đến hồi kết thúc. Và mọi nỗ lực của họ cũng theo đó mà tan thành mây khói.

Hơn 65 triệu người dùng Tumblr đang tuyệt vọng lưu trữ lại mọi thứ

Đây có lẽ cũng là dấu chấm hết của những nội dung được tạo bởi chính người dùng trên nền tảng mạng xã hội. Có một điều mà tôi cần chia sẻ: Khi tôi và các anh em tạo nên những nội dung nhằm thỏa mãn nhu cầu chia sẻ cho mình, thì cùng lúc đó, nó cũng đang góp phần mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Phố Wall và Thung lũng Silicon. Thế nhưng những người đã tạo nên nguồn lợi nhuận (là chúng ta đây) lại chẳng có được chút ảnh hưởng, hay quyền lực nào trong nền tảng số, và cũng chẳng có lấy một sự hỗ trợ nào nếu những gì họ đã cống hiến bị cướp đi. Những nội dung được chia sẻ chính là tài sản cá nhân của người dùng, nhưng trên mạng xã hội, nó bị coi như “của công” và bị kiểm soát – cũng như lấy đi – không thương tiếc.

Xin chia buồn nhé, những người anh em

Và thêm một thực tế nữa mà chúng ta phải đối mặt: Từ bao giờ mà những mối quan hệ, những xúc cảm riêng tư, dù là tình yêu hay tình dục của chúng ta lại gắn liền với mạng xã hội đến thế? Hỡi những người anh em tán gái bằng Tinder, chat trên Facebook, hóng hót với Twitter và sống ảo cùng Instagram của tôi, hãy thử tưởng tượng một ngày những gã khổng lồ trong làng công nghệ đóng cửa, và họ nghiễm nhiên bán đi mọi hình ảnh và câu chữ của các anh em với giá hàng tỷ tỷ đô la, trong khi các anh em không được một xu mẻ nào, các anh em sẽ làm gì?

 

 

Tumblr – giọt nước tràn ly

 

 

Ngay cả khi nói ra những điều trên, tôi cũng hiểu rằng thật chẳng dễ dàng để các anh em từ bỏ những ứng dụng này trên điện thoại. Nền tảng số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cách mà chúng ta tương tác với thế giới, dù là trong công việc, cuộc sống đời thường hay những gì thầm kín nhất. Thậm chí những mạng lưới cộng đồng đó còn âm thầm chi phối ngược lại chúng ta.

 

Và khi sức mạnh của mạng xã hội được củng cố đủ mạnh, thì những người chủ của nó cũng sẵn sàng bất chấp mọi thứ để đạt được lợi nhuận tối đa, dẫu cho điều đó phản bội chính những người hình thành nên chúng. Tôi và các anh em đang trở thành vật cản của họ, và dù họ có phải hi sinh vài người trong số chúng ta, thì nó cũng chỉ là vài thiệt hại bên lề trong một cuộc thanh trừng với những gì phi pháp.

Trong cuộc chiến lợi ích này, chúng ta đã nắm chắc phần thua

Đồng tình với quyết định của Tumblr, cây bút của tờ New York Times – bà Jenna Wortham đã viết: Việc khuyến khích phát triển những cộng đồng có chung thiên hướng tính dục thiểu số trên mạng xã hội như Tumblr là một xu hướng đáng ghê tởm đang ngày càng lan rộng. Nó là biểu hiện của một điều khoản mà tất cả chúng ta đều ngấm ngầm thừa nhận trên mạng Internet. Và nếu để ý kỹ ra, các anh em sẽ thấy những động thái siết chặt nội dung 18+ không chỉ đến từ Tumblr.

Ngay từ hồi tháng ba, website rao vặt hàng đầu – Craiglist đã phải đóng cửa danh mục đồ chơi người lớn trước sức ép từ các dự luật Cấm mua bán tình dục Đấu tranh ngăn chặn các hành vi mua bán tình dục trực tuyến. Các dự luật này yêu cầu mọi mạng lưới thông tin như mạng xã hội phải chịu trách nhiệm hình sự cho mọi hành vi tình dục phi pháp diễn ra trên nền tảng của mình. Ngay cả ông lớn Facebook cũng đã thiết lập những tiêu chuẩn cộng đồng mới, trong đó “giới hạn những nội dung tạo điều kiện, khuyến khích hoặc điều phối các hoạt động tình dục người lớn”, ngăn chặn các cuộc thảo luận xoay quanh tình dục và cấm tuyệt đối các từ lóng hoặc ngôn ngữ mang hơi hướng này.

Mạng xã hội đã không còn là vùng đất của tự do

 

 

Và những ranh giới mơ hồ của Thung lũng Silicon

 

 

Nhưng xin các anh em đừng quá phiến diện sau khi đọc những lời trên. Thực tế thì Tumblr cũng đang cố gắng để mọi chuyện diễn ra tích cực nhất có thể. Theo họ thì hình ảnh bầu ngực của người phụ nữ có thể vượt qua được chế độ kiểm duyệt mới của Tumblr nếu nó liên hệ với việc sinh con, cho con bú, hoặc liên quan với những vấn đề sức khỏe đặc biệt như ung thư vú hay phẫu thuật chuyển giới. Tumblr cũng tuyên bố rằng họ chấp nhận những hình ảnh khỏa thân nếu nó mang tính thời sự - chính trị hay nghệ thuật, như trong điêu khắc hay tranh minh họa.

 

Vậy theo các anh em, với những hình ảnh bộ phận sinh dục nam hay nữ, ranh giới nào là phù hợp? Hay hình ảnh nào thì mang tính thời cuộc, hình ảnh nào mang tính nghệ thuật? Hình nào là khoe thân mà hình nào là tuyên truyền sức khỏe? Biểu hiện tính dục nào là được chấp nhận, biểu hiện nào không? Rốt cuộc người ta cũng chưa hiểu, tiêu chí thẩm định của Tumblr là gì.

Tiêu chí nào để Tumblr phán xét chúng ta?

Một bức ảnh chụp những người tuyên truyền đẩy lùi dịch AIDS với áo phông in dòng chữ Im lặng nghĩa là chết đã bị gắn cờ cảnh báo cách đây vài ngày. Một bức vẽ nhẹ nhàng với hình ảnh hai cậu trai ôm nhau cũng chịu số phận tương tự. Và có lẽ, những nội dung như thế sẽ sớm bị xóa bỏ chứ không chỉ là cảnh cáo nữa, như nhiều trang mạng xã hội trước đây đã làm. Trong một bài đăng, CEO của Tumblr - Jeff D’Onofrio đã nhận định rằng việc lọc bỏ những nội dung không phù hợp là một nhiệm vụ chẳng hề đơn giản. Theo ông, công cụ kiểm duyệt của Tumblr chưa thể cho kết quả chính xác 100%, nhưng họ sẽ cố gắng hết sức để người dùng có trải nghiệm tích cực nhất có thể.

Những hình ảnh này không còn phù hợp với Tumblr?

 

 

Tạm kết

 

 

Thời gian sẽ có câu trả lời cho tất cả, nhưng câu chuyện thanh trừng 18+ của Tumblr đã cho chúng ta thấy được phần nào quyền lực mềm khổng lồ của văn hóa, những âm mưu bòn rút tiền bạc và cái – mà nhà triết học Michel Foucault gọi là “quyền lực sống” - của các công ty công nghệ đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Khi con người chúng ta ngày càng gắn kết với mạng xã hội và sẵn sàng chia sẻ lên đó những gì riêng tư nhất, thì quyền lực của những ông lớn công nghệ lại càng lớn, và dĩ nhiên, công cuộc kiểm duyệt lại càng gắt gao hơn.

 

Nhưng đó chỉ là những giới hạn lỏng lẻo và đầy tính chủ quan, thậm chí còn mang đậm mùi chính trị. Và tôi nói cho anh em nghe, thung lũng Silicon là nơi cuối cùng trên Trái đất này có đủ khả năng để phán xét đời ta.

Theo The Atlantic

Vân Anh (dịch & phóng tác)

 

Tags: