Từ Sâu cho đến Bướm: 3 giai đoạn trên con đường tìm kiếm lẽ sống.
Từ Sâu cho đến Bướm: 3 giai đoạn trên con đường tìm kiếm lẽ sống.
“Càng đeo mặt nạ và vào vai diễn của một kẻ khác, chúng ta càng xa rời chính bản thân ta.”

Tuổi trưởng thành là khoảng thời gian thử thách nhận thức của chúng ta và thúc đẩy ta thay đổi cách mình đang sống hiện tại. Những thay đổi này có thể bắt đầu một cách đơn giản từ cách đặt những câu hỏi sơ bộ như:  “Mình nên đi nghỉ ở đâu?” cho đến những câu hỏi sâu hơn như: “Hiện tại mình là ai” và “Mình sẽ muốn trở thành người thế nào trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời?”

Mặc dù cuộc hành trình hoặc phiêu lưu của mỗi người là duy nhất, không ai giống ai, song vẫn có sự tương tự trong những thách thức mà cuộc đời mang đến mà bất cứ ai cũng phải đối mặt, đặc biệt là khi ta tìm kiếm cho những lẽ sống thực sự, tìm kiếm cho mục đích tồn tại của bản thân. Một cách sáng tạo để nhìn vào quá trình chuyển đổi cuộc sống giữa các giai đoạn trưởng thành là hiểu những bài học đến từ thiên nhiên, mà ở đây- vì niềm yêu thích đặc biệt với loài bướm, tôi sẽ lấy ví dụ là hành trình của con sâu bướm xuyên suốt giai đoạn chuyển đổi từ chiếc kén thô kệch thành chú bướm lộng lẫy tuyệt trần.

Giai đoạn Sâu bướm

 

(Ảnh Pinterest.com)

 

Khi được sinh ra và nở thành con, sâu bướm đón nhận cuộc đời và tận hưởng những điều nó có, bận rộn và vui thích với những hoạt động hàng ngày của mình. Khi đến tuổi nhất định, sự thay da diễn ra vài lần để thích ứng với đà phát triển của nó. Điều này tương tự với cuộc sống của chúng ta, nơi chúng ta bận rộn với các hoạt động hàng ngày, được hướng dẫn bởi sự hiểu biết của chính bản thân về những sự mong đợi được đặt nơi ta và vai trò mà ta đang “diễn” trong xã hội. Những vai trò này được định hình bởi nhiều điều kiện văn hóa, kết quả là chúng ta được mọi người công nhận, có được sự đảm bảo về an ninh, quyền lực, tiền bạc và cảm giác “thuộc về”, một cảm giác “không lạc lõng”. Nhưng theo thời gian, chúng ta cảm thấy cần phải thay đổi công việc, các mối quan hệ, thậm chí gia đình để thích ứng và chuẩn bị cho sự trưởng thành tiếp theo của ta một cách đủ đầy.

Tuy nhiên, thường có những điều khiến ta cảm thấy bị ràng buộc giữa ta và xã hội, kết quả là ta mất đi hứng thú với điều mà trước đây từng có ý nghĩa với ta- bao gồm công việc, các mối quan hệ xã hội, hoặc các hoạt động giải trí tinh thần. Chúng ta đánh mất ngọn lửa cuồng nhiệt, ám ảnh về tuổi già và luôn cảm thấy  thời gian đang cạn kiệt. Chúng ta nhận ra những vai trò mà ta từng đóng được điều hòa bởi chính gia đình và xã hội. Điều chúng ta đã, đang và sẽ làm luôn là điều mà họ mong đợi, sống theo ước mơ của người khác, không tự do và không thực sự được là chính mình. Và khi điều đó được nhận ra, sự tức giận và oán hận có thể xuất hiện.  Lúc này tùy theo mỗi cá nhân khác nhau sẽ có cách phản ứng khác nhau: sẽ có người tiếp tục, giả vờ rằng không có điều gì thay đổi trong suy nghĩ của bản thân, họ sẽ sắp xếp lại cuộc sống mình như hôn nhân, công việc, nhà cửa; sẽ có người rút lui, xoa dịu nỗi oán hận một cách thầm lặng, hoặc tệ hơn là bế tắc và lâm vào cảnh nghiệp ngập; và sẽ có người can đảm đứng lên, đối đầu với xã hội và giữ vững niềm tin của mình về bản ngã cá nhân, chiến đấu cho cuộc sống thật sự của họ.

Đối với nhiều người, đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn Ủ kén

 

(Ảnh Pinterest.com)

 

 

Bước vào giai đoạn tiếp theo, con sâu bướm treo ngược mình trên cành cây, bao phủ và cô lập bản thân bằng các lớp tơ mỏng dệt quanh người, và bất động trong suốt quãng thời gian trải qua một loạt thay đổi trong kén của chính mình.

Đây cũng chính là giai đoạn mà ta nhận ra cuộc sống của mình thay đổi theo cách mà lối sống cũ không còn phù hợp nữa. Chúng ta đã đi qua giai đoạn sâu bướm- giai đoạn mà ta sống theo đúng với điều kiện và nhu cầu xã hội, và bây giờ chúng ta tìm kiếm cho một kết nối sâu sắc hơn, tìm kiếm cho những tiếng nói riêng từ bên trong: trái tim ta, lồng ngực ta, cảm xúc của ta- tìm kiếm cho một mối liên kết với chính bản thân mình.

Cái kén của sâu bướm đại diện cho không gian bảo vệ ta trong thời gian chuẩn bị cho sự chuyển đổi- một thời gian để thích nghi và tìm ra tất cả những gì còn thiếu. Hiển nhiên rằng, nó là một phép ẩn dụ. Chúng ta không thể hoàn toàn tách biệt khỏi cuộc sống của mình- cái kén chỉ là một khái niệm siêu hình nơi ta rút dần khỏi các hoạt động xã hội từ công việc, bạn bè…để tập trung tìm hiểu những gì không phù hợp với ta và điều mong muốn trong tương lai.

 Khi giai đoạn kén đi qua giai đoạn cân bằng của nó và bắt đầu thay đổi, nó tạo ra một giai đoạn thử thách thực sự với mỗi người, vì đó chính là lúc ta dần xa rời cuộc sống từng có để bện nên sợi liên kết với con người thực sự bên trong chúng ta. Con người không thể tập trung vào quá nhiều việc một lúc, đặc biệt khi nó liên quan đến các điều trừu tượng vô hình, khi ta rời bỏ xã hội để tập trung tìm hiểu bản thân, ta có thể cảm thấy như  mình đang mất pương hướng, mạo hiểm đánh đối các mối quan hệ xã hội và nhận thức của mình, lo sợ rằng nếu lơi tay buông bỏ một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của mình, ta có thể sẽ đưa ra những lựa chọn sai lầm, và giai đoạn ủ kén này khó được đảm bảo thành công.

Nhưng có điều gì đó đang khuấy động trong chúng ta. Ta sẽ nhận ra mình cần phải sắp xếp lại các sự kiện của quá khứ trong bối cảnh thích hợp hơn để có thể bước vào cuộc sống mới, chuẩn bị sẵn sàng cho những trải nghiệm mới. Trong thời gian này, chúng ta nhận được những thử thách để đối đấu với chính bản thân mình, để khám phá ra những khía cạnh đang tiềm ẩn trong tâm hồn và để phát triển theo một hướng mới. Chúng ta rồi sẽ nhận ra rằng mình đang sống trong hai thế giới- thế giới cũ (nơi không còn phù hợp nữa) và thế giới mới, nơi vẫn chưa rõ ràng, tường minh với ta trong thời điểm hiện tại.

Một số người bước vào giai đoạn ủ kén nhưng sau đó lại nhanh chóng trở lại giai đoạn sâu bướm, có lẽ đấy là do sự sợ hãi dấn thân và sự cuồng nhiệt tuổi trẻ vẫn còn những tàn lửa mấp máy. Tuy nhiên, bên cạnh những người rồi sẽ bục kén bay đi, vẫn còn đó những kẻ mắc kẹt mãi mãi trong chiếc kén của mình suốt quãng đời còn lại. Vì sợ, họ sợ thay đổi, sợ những điều đang chờ đợi phía trước, họ bỏ qua và phớt lờ tiếng gọi trong tim, ngại ngần và không muốn tiến về tương lai, ngại ngần không dám tung cánh trên bầu trời.

 

Giai đoạn Phá kén và vỗ cánh trên trời xanh.

(Ảnh Pinterest.com)

Quá trình biến đổi từ chiếc kén xù xì sang một cánh bướm xinh đẹp là đại diện cho sự rũ bỏ những thứ đã cũ, bảo vệ điều bên trong, để lại những gì không còn cần thiết cho sự giải phóng thứ bên trong đã được hình thành trọn vẹn. Tin tưởng và từ bỏ một số điều cho quá trình biến đổi giúp cho con bướm sẵn sàng dấn thân vào cuộc sống mới. Mặc dù vẫn cần chút thời gian cho đôi cánh trở nên cứng cáp hơn, con bướm giờ đây đã có thể tự do bay lượn, có được một góc nhìn rộng hơn về thế giới xung quanh. Điều này tương tự với cách ta giải phóng chính mình để sống một cuộc sống thực sự, không còn bị đè nặng đôi vai bởi những nhu cầu xã hội và sự mong đợi của người khác.

Và có một điều thú vị đáng để lưu ý rằng tiềm năng cho một con sâu tiến hóa thành bướm luôn nằm sẵn trong chuỗi DNA của nó từ lúc ban đầu. Điều đó có nghĩa rằng con sâu bướm vẫn song hành cùng với con bướm nhưng tồn tại ở một hình thức khác, một kỹ năng khác, và với một nhận thức cao hơn về chính nó và môi trường xung quanh. Theo một cách tương tự, vận mệnh của ta đã được cấy ghép bên trong ta- chúng ta chỉ là không nhận ra điều đó và có thể luôn cố che đậy, ngăn chặn vận mệnh đó xảy ra.

Càng từ bỏ nhiều, ta càng kết nối hơn với bản chất thực sự của mình, bản chất cối lõi, cái đích thực của việc mình được sinh ra và tồn tại. Và càng xác thực ý nghĩa sống, ta càng dễ chấp nhận bản thân hơn, chúng ta không còn cố gắng chú ý quá nhiều vào những điều người khác nghĩ về ta, ám ảnh về những điều ta đạt được, số tiền ta có trong tài khoản ngân hàng hoặc con người mà xã hội mong  muốn ta trở thành.

Bằng cách sống một cuộc sống ít bị ràng buộc, chúng ta sẽ dễ dàng để hiểu lẽ sống thực sự của cuộc đời mình và hiểu bức tranh toàn cảnh của cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều có cuộc hành trình độc đáo với những trở ngại độc đáo trên con đường chông gai đi tìm cái tôi bản thân. Mỗi người trong ta đều tìm thấy ý nghĩa theo những cách khác nhau khi ta cảm nhận và dấn thân vào cuộc sống với những trải nghiệm.

Hãy luôn nhớ rằng cuộc sống của bạn chỉ thực sự “sống” khi nó dạy bạn cách hiểu bản thân và sau đó là bộc lộ bản chất thực sự bên trong. Chấp nhận và buông xuôi theo quá trình biến đổi, vì đó là hành trình duy nhất và tồn tại dành cho bạn…từ một con sâu bướm bé nhỏ yếu đuối cho đến cánh bướm lộng lẫy xinh đẹp trên bầu trời!

Theo Psychologytoday.

Nam Sơn biên-dịch.

 

Tags: