Tự giải thoát bản thân khỏi những thứ khiến bạn xao nhãng
Tự giải thoát bản thân khỏi những thứ khiến bạn xao nhãng
Chỉ hy vọng rằng bạn sẽ thực hiện được bước đầu tiên sau khi đọc bài viết này.

Những ngày này mọi người ai cũng than phiền về sự xao nhãng mà công nghệ số mang lại, vì thế mà các vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Cách chúng ta sử dụng thời gian trong ngày chính là cách chúng ta dành thời gian cho cuộc sống, và nếu bạn đánh mất quá nhiều thời lượng vào những thứ vô nghĩa thì nguy cơ là bạn có thể sẽ chết trong hối tiếc. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhiều hơn là phần lớn những kẻ than phiền này (có thể bao gồm cả bạn) lại chẳng hề tắt thông báo trong điện thoại.

Đúng vậy, họ cứ liên tục phàn nàn rằng mình chẳng có bao nhiêu thời gian để làm việc và chăm sóc bản thân, hay mình bị mất tập trung tại chính văn phòng. Nhưng họ lại có trong tay điện thoại, máy tính liên tục có thông báo tin nhắn đến, hay ai đó vừa đăng trong nhóm kín, hoặc một người bạn thân vừa đăng ảnh và tag bạn vào, cũng có thể là một vài lời mời kết bạn gửi đến. Cứ mỗi lần như vậy, họ lại bị thôi thúc mở điện thoại ra xem có gì mới, có gì hay ho, và kết quả là “chỉ một phút thôi”  nhưng đã trôi qua hết cả buổi chiều.


Tôi có vài lời khuyên cho những người này. Có lẽ bạn cũng đoán được đó là gì. Hãy tắt ngay thông báo trong điện thoại của bạn đi. Tất cả các thể loại thông báo từ các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo,... đến những ứng dụng có sẵn trong máy mà bạn chẳng bao giờ động đến. Bạn phát bực với sự xao nhãng, nhưng lại chọn vất điện thoại trong túi mặc kệ nó đang  rung bần bật vì những thông báo mới đến. Và mọi người sẽ nhìn chằm chằm vào bạn với vẻ mặt giống như Angela Merkel trong buổi họp báo với Donald Trump hồi tháng Ba vậy.

Nếu chỉ là đấu tranh tạm thời để lấy lại sự tập trung thì những thông báo này cũng chỉ giống như chùm trái cây đang treo lơ lửng ngay sát dưới đất. Chỉ một thời gian thôi là từng trái sẽ rụng xuống và thối rữa ngay dưới chùm quả.

 

Sống chung với những thông báo này đồng nghĩa với việc bạn phải phân bổ sự chú ý của mình cho một danh sách những người từ thân, quen đến lạ.

 

Ai sẽ khiến bạn để ý đầu tiên, tương tác với ảnh của họ, trả lời email của họ ngay lập tức? Ai là người khiến bạn phát điên khi cả ngày lẫn đêm đăng những thứ vớ vẩn làm rác thông báo của bạn? Và ai sẽ là người bạn bỏ qua, không thèm kiểm tra mỗi khi có thông báo đến?

Dĩ nhiên vẫn có cách khác để thay thế: chỉ kiểm tra những thông tin quan trọng, đặc biệt email nếu như thiết bị của bạn cho phép. Thông báo nổi trên điện thoại và máy tính cho phép bạn nhận tin trong khi vẫn đang làm việc khác. Hay nếu dùng Gmail, hãy thử sử dụng chức năng “Open Compose Window” sẽ giúp bạn viết email mà không mở hòm thư và chuyển hướng chú ý đến những thư rác. Đương nhiên là những cách này sẽ không đảm bảo hiệu quả tuyệt đối được.

Như nhà triết học người Australia Damon Young đã chỉ ra trong cuốn sách Distraction (tạm dịch: Xao nhãng) của ông rằng chúng ta đôi khi lại có thú vui tội lỗi là yêu thích những sự gián đoạn mà ta luôn cho rằng mình rất ghét, bởi lẻ chúng ta đâu bị ai đối chất về việc nó có ích cho bản thân mình hay không.

Nhưng nếu không tự hỏi câu hỏi đó, chúng ta lại đánh mất quá nhiều thời gian của bản thân. Đây là một thử thách vô cùng khó khăn. Nhưng bước đầu luôn dễ dàng: hãy tắt thông báo của bạn đi!

 

Trạm Đọc

Theo The Guardian

Tags: