Tư duy tích cực: Gieo hạt giống bình yên, bạn sẽ thu hoạch được vụ mùa điềm tĩnh
Tư duy tích cực: Gieo hạt giống bình yên, bạn sẽ thu hoạch được vụ mùa điềm tĩnh
Đời chia đều cho chúng ta những quả chanh, quan trọng là cách bạn làm gì với nó, chứ không phải là ngồi than phiền rằng quả chanh rất chua.

Trong cuốn sách "Tư duy tích cực - Bạn chính là những gì bạn nghĩ", diễn giả Trish Summerfield, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy giá trị sống tại Việt Nam cho rằng chất lượng cuộc sống phải đi đôi với chất lượng của tư duy.

Tác giả cho rằng tâm trí ta như một khu vườn: Bạn gieo hạt mầm nào, bạn sẽ gặt những quả đấy. Giống như "Ăn gì bổ nấy", nếu bạn chỉ suốt ngày chỉ trích bản thân, phê phán người khác, mang thái độ giận dữ... bạn sẽ không chỉ thấy tệ về mình, mà còn thấy tệ về cả thế giới. Cuộc sống này không buồn cũng không vui, mà tất cả chỉ do cách người ta nhìn nhận nó. Hạnh phúc là khái niệm rất chủ quan, vì nó phụ thuộc vào cách bạn nghĩ về những gì mình có, hơn là những gì bạn thực sự có.

Căn bệnh tai hại nhất là chúng ta thường chỉ thấy vấn đề xuất phát từ ngoài kia, mà không nhận ra tâm bệnh nằm trong mỗi suy nghĩ của mình. “Một suy nghĩ là một hạt giống chờ đợi sự nảy mầm… Suy nghĩ tạo nên những cung bậc cảm xúc và thái độ. Sự kết hợp của những điều này được gọi là ý thức. Ý thức là khả năng suy nghĩ, lập luận và biểu đạt. Tất cả những điều này bắt đầu chỉ bằng một suy nghĩ.” Ta cứ cố mải mê đi tìm kiếm nguyên nhân ở người khác, mà quên mất việc dừng lại để quan sát những dòng suy nghĩ đang chạy lung tung, lang thang khắp ngõ ngách trong tâm trí của mình. Suy cho cùng, tất cả chỉ tại cái đầu mà ra. Như Henry Ford từng nói: “Cho dù bạn nghĩ rằng bạn có thể hay không thể, bạn đều đúng cả.”

Nếu bạn cứ luôn chán đời, bạn sẽ thấy cuộc đời này thật đáng chán. Khi chúng ta đeo lăng kính tiêu cực, mọi thứ sẽ vô cùng xám xịt. Không phải vì bản chất mọi sự như vậy, mà do niềm tin của bạn như thế. Thay đổi thế giới, đơn giản bắt đầu bằng cách bạn nhìn nhận thế giới. Đó chính là sức mạnh của niềm tin mà tác giả muốn nói tới. Nhờ việc gieo niềm tin đúng đắn, bạn sẽ hình thành một tính cách tích cực, và từ đó thay đổi số phận của mình.

Bà viết: “Tin vào các giá trị tinh thần cho phép chúng ta tin vào chính mình. Với sự tin tưởng đó, chúng ta có thể bỏ qua quá khứ và dũng cảm đón nhận những thử thách của cuộc đời để tiến về phía trước. Lòng dũng cảm mang lại cho chúng ta sự tự tin để biết rằng mình có thể đạt được những gì và để có thể đặt ra thêm các mục tiêu mới. Tinh thần tin tưởng vào tương lai tốt đẹp sẽ luôn cho phép ta chiến thắng. Mỗi bước đi của niềm tin sẽ mở ra một chương mới trong cuộc đời chúng ta".

Nhưng tư duy tích cực không có nghĩa là phủ nhận những gì xấu xa, chán ghét, khổ đau và chỉ muốn thấy những gì hợp mắt, đẹp đẽ, dễ chịu. Đấy là một sự phủ định thực tại, thay vì chấp nhận hoàn toàn nó. Đời sẽ luôn không như mơ: Nếu muốn mọi thứ theo ý mình, bạn chỉ có cách mãi ngủ mê. Nhưng nếu bản chất của đời sống là khổ đau, vậy cứ tư duy lạc quan thì có tác dụng gì?

Bởi vậy, cốt lõi của tư duy tích cực theo tác giả là "dựa trên sự quan sát khách quan về thực tại, nhưng không ở mãi trong thực tại đó: bạn nhận ra nó và biến nó thành điều tốt, có lợi, hữu ích. Từ thực tại ấy, bạn tạo ra được điều gì đó, nghĩa là bạn kiến tạo một thực tại của riêng bạn. Tư duy tích cực là hưởng lấy những khoảnh khắc tốt đẹp nhất ở mức trọn vẹn và sáng tạo phù hợp với từng thử thách gặp phải, là học cách chuyển thành những cơ hội". Hay nói cách khác, tìm niềm vui trong nỗi buồn, tìm hy vọng trong sự tuyệt vọng, tìm thấy ý nghĩa trong sự khổ đau, đó là giá trị thực sự mà cuốn sách “Tư duy tích cực” mang đến.

Nhưng nghĩ tích cực thôi chưa đủ. Vì vậy trong chương cuối, tác giả có đề ra một kế hoạch hành động tích cực để bạn thực sự thay đổi. Cuốn sách đề ra 8 nguyên tắc để xây dựng một đời sống tích cực bao gồm: không ngừng học hỏi, học cách kiên nhẫn, trung thực với bản thân, biết tha thứ, khiêm nhường nhưng không quỵ lụy, luôn chân thật, tránh đổ lỗi, và tạo ra sự quân bình.

Suy nghĩ tích cực chỉ giống như thả một hạt giống, bạn cần phải liên tục chăm bón cho chúng bằng những thói quen lành mạnh để đời sống tinh thần có ngày “đơm hoa kết trái”. Những lời khẳng định tích cực mà tác giả gợi ý nên thực hành như "Tôi đang yêu, đáng yêu và được yêu", "Tôi thư giãn và để tâm trí mình lắng dịu", "Tôi tha thứ cho bản thân mình một cách vô điều kiện" sẽ chỉ là lời nói miệng, nếu bạn không áp dụng lý thuyết vào thực hành. Nghĩ tích cực, nói tích cực, làm tích cực và sống tích cực trong từng giây phút, đó mới là thông điệp bao quát mà tác phẩm muốn chúng ta hấp thụ.

Đời chia đều cho chúng ta những quả chanh, quan trọng là cách bạn làm gì với nó, chứ không phải là ngồi than phiền rằng quả chanh rất chua. Suy cho cùng, cốc nước không đầy một nửa, cũng không vơi một nửa. Nó đầy hay vơi là do suy nghĩ của người nhìn mà thôi. Hãy gieo trồng cho tâm trí bằng những hạt giống của sự bình yên, quan tâm, chăm sóc và bạn sẽ thu hoạch được vụ mùa của sự điềm tĩnh, an lành và hạnh phúc.

Độc giả có thể tìm mua cuốn sách "Tư Duy Tích Cực" tại: https://bit.ly/tuduytichcuc-fhs

Tram Đọc | Nguồn ảnh sưu tầm

Tags: