Tự bạch - Cuộc trò chuyện với Thiên Chúa và những ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực: Triết học, Tâm lý học và Thần học
Tự bạch - Cuộc trò chuyện với Thiên Chúa và những ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực: Triết học, Tâm lý học và Thần học
Tự bạch (Confessions) dưới nghi thức thú tội quen thuộc thường gặp ở các tín đồ Kitô giáo hóa ra ẩn chứa một cuộc trò chuyện thú vị và sâu sắc giữa Thánh Augustine và Thiên Chúa.

Cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, hay cuộc thăm dò nội tâm chính mình

Không chỉ là chiêm nghiệm lại cuộc đời và kiểm điểm những lỗi lầm của cá nhân Augustine từ thuở bé (còn vô tri) cho đến khi lớn dần lên thành một con người có ý thức và biết tư duy, luận lý để dùng khả năng đó nhằm bào chữa cho tội lỗi của mình, mà cuộc trò chuyện này còn gửi gắm những tìm sâu của Augustine về các tầng nghĩa sâu sắc đối với những gì ông nghiệm ra từ Kinh Thánh, về ký ức (và cơ chế ghi nhớ của con người), về thời gian, về con người, về tình yêu (thánh thần) ở dạng 3D và cả ở ngoài thế giới 3D.

Và bởi “Con ở ngoài con, trong khi Chúa ở trong con”, liệu chăng ta nên hiểu rằng Augustine đã thực hiện một cuộc thăm dò nội tâm đầy thú vị và triệt để – bằng cách vận dụng chính Kinh Thánh và “Lời” Chúa để tìm sâu vào trong chính mình, để hiểu hơn về Chúa và ý nghĩa hành trình sống của một con người!?

Tác phẩm kinh điển có sức ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực: Triết học, Tâm lý học và Thần học

Trong giai đoạn lịch sử Tây Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Đế chế La Mã sụp đổ, Augustine không cố gắng để tìm hiểu những gì đang xảy ra mà thay vào đó, trong cuộc tìm kiếm sự ổn định, ông cố gắng hình dung một xã hội hòa bình, hoàn hảo phản ánh nền Cộng Hòa của Plato. Từ đó đã khơi dậy trong ông mối quan tâm tới tâm lý học khi ông cố gắng dung hòa niềm tin Cơ đốc mới của mình với thế giới xung quanh và kết hợp sự trừu tượng của Plato với chủ nghĩa thực dụng của Aristotle. Augustine đã gặp khó khăn trong việc dung hòa sự giàu có về tinh thần mà giáo lý Cơ đốc giáo hứa hẹn với những đau khổ dữ dội mà ông nhìn thấy xung quanh mình.

Xung đột này đã khiến ông quan tâm đến việc nghiên cứu tâm trí con người, bởi vì ông tin rằng tâm trí là giao diện giữa thần thánh và trái đất, điều mà ông đã chỉ ra trong cuốn sách “Tự bạch”. Thông qua một đường hướng nội tâm, ông lý luận rằng việc nghiên cứu tâm trí sẽ cho phép ông hiểu được những điều thiêng liêng. Bằng nhiều cách, Augustine là nhà triết học đầu tiên đề xuất rằng con người có một 'cái tôi bên trong', tin rằng một người khỏe mạnh cần có sự thống nhất bên trong nếu không sẽ dẫn đến bệnh tật. Được đào tạo về hùng biện, Augustine đã sử dụng “Tự bạch” của mình để kể lại cuộc đời và những cuộc đấu tranh của chính mình, nhưng ông đã khéo léo sử dụng điều này để vẽ nên một bức tranh rộng lớn hơn, rằng một cá nhân có thể thoát khỏi chủ nghĩa duy vật từ đó tìm thấy tâm linh và sự cứu rỗi.

Là một người theo chủ nghĩa tân Plato, Augustine đã đề cập đến nhiều lĩnh vực dựa trên tâm lý học pha trộn với triết học và thần học. Ví dụ, ông đã đề cập đến động cơ của trẻ sơ sinh cũng như trí nhớ, nguồn gốc của đau buồn, những ham muốn của con người. Augustine đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh thường coi mình là trung tâm và không có nhận thức về mặt xã hội. Không những thế nỗi sợ hãi bị trừng phạt là rào cản đối với việc học ở trẻ em. Bởi vì nỗi sợ hãi bị trừng phạt đã kiềm chế sự tò mò - điều mà ông tin đó là cách học dễ dàng nhất. Khi thảo luận về nỗi đau và cảm xúc nói chung, ông miêu tả nó như một phần trong ý tưởng rộng lớn hơn về sự hỗn loạn nội tâm và cuộc chiến giữa Chúa và bản thân. Augustine xem xét cơ thể và tâm trí: cả hai đều cần thiết để tạo nên một con người với trí óc cao hơn và thể chất thấp hơn.

Augustine đã đề cập đến những vấn đề có tính chất vượt thời đại về con người với những suy tư, chiêm nghiệm đầy sâu sắc. Tầm ảnh hưởng sâu rộng của Augustine trong dòng chảy tư tưởng, trong văn hoá phương Tây và nhân loại bắt nguồn từ sự sáng tạo độc đáo trong tư tưởng. Nó có sức sống kỳ lạ dù đã trải qua hàng nghìn năm với những thăng trầm của lịch sử vẫn còn vẹn nguyên giá trị và trở thành tấm gương để chúng ta soi mình để trở thành phiên bản tốt hơn. Theo Augustine, mục đích tối thượng của con người là có được hạnh phúc và tự do thực sự. Đây cũng là mục tiêu mà cho tới nay chúng ta vẫn đang theo đuổi.
 
Trạm Đọc tổng hợp
Tags: