Trưởng thành lên anh Chí: Văn hóa đổ lỗi của người Việt và Tại sao Chí Phèo nên được loại khỏi chương trình SGK?
Trưởng thành lên anh Chí: Văn hóa đổ lỗi của người Việt và Tại sao Chí Phèo nên được loại khỏi chương trình SGK?
"Ai cho tao lương thiện?"...Không ai cả, chỉ có anh thôi Chí ạ.

Bài viết thể hiện quan điểm của một độc giả với bút danh Chí Phèo gửi cho Trạm Đọc, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Ban Biên Tập tại Trạm. Trạm Đọc chào đón những góc nhìn nhiều chiều về một vấn đề giúp bạn đọc tiếp cận các cách phân tích thú vị hơn.

Đời là bề khổ, Đức Phật dạy, nhưng dường như thanh niên Chí Phèo quyết không chịu tin. Cuộc đời chàng trai, từ cái lò gạch cho đến lúc đi vào văn học kinh điển (nhưng đang yên ổn thì bỗng nhiên lại bị đề xuất của một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở tận trời Tây Nguyễn Sóng Hiền, đòi loại bỏ khiến cả dư luận bàng hoàng) là một minh chứng hùng hồn cho cảm giác dường như lúc nào cả thế giới cũng chống lại Chí.

Trước những cái tát lia lịa của cuộc đời, phản ứng của Chí là gì? Chửi! "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. ..Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?" Tư duy của Chí là một kẻ đóng vai nạn nhân chuyên nghiệp, than thở, đổ lỗi, căm thù bất cứ lý do gì đã khiến đời hắn nát bét như thế này. Đời lẽ ra phải tốt với mình, đời lẽ ra phải san sẻ hạnh phúc công bằng, đời lẽ ra phải tạo điều kiện cho mình làm người tốt, nếu không thì Chí sẽ trả thù cuộc đời. Đời hại Chí và Chí, chấp nhận làm người bị hại, kiện lại cuộc đời để đòi lại công lý.

Nhưng Chí ơi, nếu có một chân lý không thể chối cãi, thì xin Chí và các bạn lắng nghe: đời vốn dĩ đã không công bằng. Nếu 10 triệu năm trước, tổ tiên chúng ta ngồi chửi bầy sư tử thậm tệ (thay vì chạy đi lấy vũ khí), kêu thán rằng Mẹ thiên nhiên thật bất công (để rồi sau đó bị ăn thịt), thì loài Sapiens chúng ta đã sống đến ngày hôm nay để tranh cãi về Chí Phèo rồi. Đời là một cuộc chiến, đối mặt với nó đi. Và muốn thắng, ít nhất bạn phải nhấc mông lên và làm gì đó đã, chứ không cả ngày ngập trong men rượu rồi ngồi than thở mãi về việc mình là nạn nhân: nào là của cha mẹ, của làng Vũ Đại, của Bá Kiến, hay cả xã hội khốn nạn không chịu thương cái thân Chí.

Nếu các em học sinh được dạy lối "tư duy nạn nhân" này thì hậu quả để lại là gì? Đó là cảm xúc thù hận luôn âm ỉ trong lòng, vì rõ ràng bất cứ lúc nào bạn cũng có thể làm “nạn nhân" và đổ lỗi cho một ai đó, một hệ thống nào đó cho những khiếm khuyết của đời mình. Đó là sự rũ bỏ trách nhiệm cá nhân, phủ định sự tồn tại của quyền tự do lựa chọn của bản thân kể cả trong những hoàn cảnh đời xui khiến mình thành một con quái thú. Đó là sự chối bỏ cuộc sống, thay vì lao vào đời, làm việc với nó để khẳng định giá trị cả cá nhân, thì lại đi thú oán đời và tạo thêm đau khổ.

Con nghèo ư, không phải vì con lười làm việc, mà vì tại cha mẹ đã không sinh con ra ở vạch đích như con Bill Gates (Thù người đã tạo ra mình). Mình ra trường không xin được việc ư, không phải vì mình lười học, dốt tiếng Anh, mà vì hệ thống giáo dục  của Việt Nam thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới. (Thù nhà trường và bộ giáo dục). Mình không có người yêu, không việc làm, không chung cư, lỗi không phải do mình, mà là cái cuộc đời này nó bất công. (Vì vậy mà ta phải trả thù chính sự tồn tại).

Bạn có bao giờ tự hỏi những kẻ xả súng hàng loạt, thay vì tự sát luôn, lại phải đi giết hàng đống người vô tội rồi mới quay lại tự kết liễu làm gì cho rảnh? Lý do không phải chỉ bởi vì hắn uất ức từng cá nhân đơn lẻ, mà triết lý sống đóng vai “nạn nhân” của hắn đã đẩy sự hận thù bên trong lên một ngưỡng mới, trừu tượng hơn: chính là sự tồn tại, chính là bản thân cuộc sống này.

Vậy nên, nếu Chí và chúng ta hiểu được chân lý đơn giản này của Đức Phật, rằng đời là khổ đau, thì thay vì chọn giải pháp là chống cự nó và nạn nhân hóa chính mình (Không! Đời rất đẹp, và chỉ mình tao là đen, nên tao thù), con người sẽ học cách chấp nhận sự thật phũ phàng của cuộc sống này, ngừng diễn vai “kẻ bị hại", giật lấy vô lăng cuộc đời về tay lái mình, và “thay đổi để thay đổi”.

Thế nhưng tại sao người Việt lại hay tung hô một anh hùng mang đầy tư duy nạn nhân và uất hận như anh Chí? Đơn giản vì trong mỗi chúng ta đều có một anh Chí, muốn đẩy trách nhiệm "làm người" cho xã hội chứ không phải mình. Cha đẻ của trường phái phân tâm học, Sigmund Freud, có một nhận xét rất sâu sắc rằng: "Phần lớn chúng ta không thực sự muốn tự do, bởi vì tự do sẽ đi kèm trách nhiệm, và phần lớn mọi người đều sợ trách nhiệm". (đoạn trích dẫn)

Nếu đặt câu hỏi sâu hơn: "Tại sao chúng ta lại sợ trách nhiệm", thì vì lẽ nếu bạn thành công, không sao, nhưng nếu thất bại, thì đời hỏng là do bạn, chính bạn, sống lỗi. Bạn không thể "chuyền bóng" cho ai được nữa, bạn là một đứa "loser". Và không một ai, kể cả anh Chí, có thể tồn tại được lâu với cảm giác “Tôi chính là nguyên nhân cho sự bất tài của mình”. Một khi người ta nhận ra thất bại dường như không phải bên ngoài, mà là do chính lựa chọn của bản thân, thì đó là giây phút tự sát về mặt tinh thần.

"Tao muốn làm người lương thiện, ai cho tao lương thiện?". Chính anh, anh Chí ạ. Quyền làm người, làm lại cuộc đời của anh nằm trong tay anh, không phải trong tay Bá Kiến hay cái làng Vũ Đại. Anh luôn có lựa chọn, trừ khi anh muốn đá quả bóng trách nhiệm sang ai đấy, chọn làm một kẻ nạn nhân khốn khổ, từ chối quyền tác giả để "hoàn cảnh" tự viết nên cuộc đời giúp mình. Mỗi cá nhân một phần nào đều là sản phẩm của xã hội, không tồn tại con người tự nhiên nằm ngoài vòng ảnh hưởng của văn hóa, điều đó đúng. Nhưng không có nghĩa là họ không có lựa chọn.

“Tôi nên tự sát, hay nên uống một cốc cà phê?”, câu nói này được đồn rằng thuộc về triết gia Albert Camus thuộc trường phái triết học hiện sinh. Tại sao mọi sự việc lớn lao như tự sát lại được đặt cạnh một thói quen thường ngày, nhỏ nhặt như uống cà phê? Bởi vì, ngay trong lúc đọc bài viết này, bạn rõ ràng có lựa chọn làm 1 trong 2 công việc đó. Cuộc đời được viết nên bởi một chuỗi những lựa chọn, cho dù bạn có xuất phát điểm như anh Chí hay sinh ra đã nằm ở vạch đích, bạn vẫn luôn có thể tự do lựa chọn (đi kèm với việc chấp nhận trách nhiệm, thay vì đổi lỗi), và tự cho "tao lương thiện".

Trạm Đọc

Tags: