TRƯỞNG THÀNH: Các chu kỳ bảy năm của cuộc đời
TRƯỞNG THÀNH: Các chu kỳ bảy năm của cuộc đời
Trên thực tế, không nên phân chia đời người thành giai đoạn tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi già - sự phân chia đó rất không khoa học bởi vì sau mỗi bảy năm, một thời kỳ mới sẽ bắt đầu, một bước đi mới sẽ được thực hiện.
Osho - Trưởng Thành - Chạm Tới Bầu Trời Nội Tâm Của Bạn
(40 lượt)

Cuộc sống có một mô thức nội tại và sẽ rất có ích nếu bạn hiểu mô thức này. Theo các nhà sinh lý học, cứ bảy năm một lần, cơ thể và tâm trí sẽ trải qua một cơn khủng hoảng và một sự thay đổi. Cứ mỗi bảy năm, tất cả tế bào trong cơ thể sẽ thay đổi, sẽ được thay mới hoàn toàn. Trên thực tế, nếu bạn sống đến bảy mươi tuổi, tuổi thọ trung bình của con người, cơ thể của bạn trải qua mười lần chết đi. Mọi thứ thay đổi sau mỗi bảy năm - giống như sự thay đổi của các mùa trong năm. Một vòng đời như vậy hoàn tất trong bảy mươi năm. Từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, vòng đời đó được hoàn thành trong bảy mươi năm và bao gồm mười giai đoạn.

 Trên thực tế, không nên phân chia đời người thành giai đoạn tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi già - sự phân chia đó rất không khoa học bởi vì sau mỗi bảy năm, một thời kỳ mới sẽ bắt đầu, một bước đi mới sẽ được thực hiện.

 

TRONG BẢY NĂM ĐẦU ĐỜI

 

Trong bảy năm đầu đời, đứa trẻ coi bản thân mình là trung tâm, như thể nó là trung tâm của thế giới này. Cả gia đình đều xoay quanh đứa trẻ. Mọi nhu cầu của nó đều được đáp ứng ngay lập tức, nếu không, nó sẽ ăn vạ, giận dữ, la hét. Nó sống như vua, như một vị hoàng đế thật sự - cha mẹ, người giúp việc và cả gia đình tồn tại chỉ vì nó. Và tất nhiên, nó nghĩ thế giới rộng lớn ngoài kia cũng diễn ra theo cách như vậy... Nếu bạn hỏi các nhà tâm lý học, họ sẽ nói rằng trong bảy năm đầu đời, đứa trẻ luôn ở trong trạng thái tự thỏa mãn bản thân, tự hài lòng với chính mình...

 

SAU BẢY NĂM ĐẦU ĐỜI

 

Sau bảy năm đầu đời, có một sự đột phá. Đứa trẻ không còn coi mình là trung tâm nữa; nó trở nên lệch tâm, theo đúng nghĩa đen của từ này... Đứa trẻ hướng tới những người khác. “Người khác” này trở thành một hiện tượng quan trọng - bạn bè, đồng đội… Giờ đây, đứa trẻ không quan tâm quá nhiều đến bản thân; nó hứng thú với người khác, với một thế giới rộng lớn hơn. Nó bước vào cuộc phiêu lưu để biết “người khác” này là ai. Hành trình đi tìm câu trả lời bắt đầu.

Sau bảy năm đầu đời, đứa trẻ trở thành một người chất vấn tuyệt vời. Nó thắc mắc về mọi thứ. Nó trở thành một người đầy hoài nghi vì hành trình đi tìm câu trả lời của nó đã bắt đầu. Nó đặt ra hàng triệu câu hỏi. Nó khiến cha mẹ đau đầu muốn chết với mớ câu hỏi của nó, nó trở thành nỗi phiền toái. Nó cảm thấy hứng thú với người khác, và mọi thứ của thế giới này đều khiến nó tò mò. Tại sao cây cối lại có màu xanh? Tại sao Thượng đế tạo ra thế giới? Tại sao chuyện này lại thế này chứ không thế khác? Nó ngày càng trở nên giống một triết gia hơn - đặt câu hỏi, hoài nghi và không ngừng tìm hiểu mọi thứ.

[…] Các nhà phân tâm học và tâm lý học gọi giai đoạn bảy năm thứ hai này là giai đoạn chỉ quan tâm tới người cùng giới tính.

 

SAU MƯỜI BỐN NĂM

 

Sau mười bốn năm, cánh cửa thứ ba mở ra. Các bé trai không còn quan tâm đến các bé trai khác; các bé gái cũng không còn quan tâm đến các bé gái khác. Chúng lịch sự nhưng không quan tâm. Đó là lý do tình bạn nảy sinh từ năm bảy tuổi đến mười bốn tuổi là tình cảm sâu sắc nhất, bởi vì tâm trí khi đó chỉ quan tâm tới người đồng giới và tình bạn như vậy sẽ không bao giờ xảy ra một lần nào nữa trong đời. Những người bạn đó sẽ mãi là bạn của nhau, đó là một mối liên hệ sâu sắc. Bạn cũng sẽ thân thiện với người khác, nhưng đó sẽ chỉ là mối quan hệ quen biết chứ không phải là một hiện tượng sâu sắc như những gì xảy ra trong giai đoạn từ năm bảy tuổi đến năm mười bốn tuổi.

[…]

Năm mười bốn tuổi là một bước chuyển mang tính cách mạng. Bản năng giới tính trở nên chín muồi, đứa trẻ bắt đầu suy nghĩ theo năng lượng tình dục; những mơ tưởng về tình dục bắt đầu hiện rõ trong giấc mơ. Cậu bé sẽ trở thành một Don Juan, bắt đầu tán tỉnh. Trong nó xuất hiện thơ ca, tình cảm lãng mạn. Nó đang bước vào thế giới.

 

Ở TUỔI HAI MƯƠI MỐT

 

Ở tuổi hai mươi mốt, nếu mọi thứ diễn ra bình thường và chàng trai trẻ không bị xã hội ép buộc làm điều gì đó phi tự nhiên, nó bắt đầu quan tâm đến tham vọng hơn là tình yêu. Nó muốn sở hữu một chiếc Rolls Royce, một dinh thự. Nó muốn thành công, muốn trở thành một Rockefeller, một nguyên thủ quốc gia. Các tham vọng trở nên nổi trội; toàn bộ mối bận tâm của thiếu niên là nỗi khát vọng tương lai, ước muốn thành đạt, làm thế nào để thành công, để cạnh tranh và để vượt lên giữa cuộc tranh đấu.

Giờ đây, chàng trai trẻ không chỉ đang bước vào thế giới tự nhiên, mà còn đang dấn thân vào thế giới con người, vào chốn thương trường. Giờ đây, nó đang bước vào thế giới cuồng điên. Giờ đây, thương trường trở thành thứ nổi trội nhất. Toàn bộ bản thể của nó hướng về thương trường - tiền bạc, quyền lực, địa vị.

TỪ NĂM HAI MƯƠI TÁM TUỔI

Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi - tôi đang nói về một hiện tượng tự nhiên trong điều kiện tuyệt đối, chứ thực tế không bao giờ diễn ra như vậy - vào năm thứ hai mươi tám, con người không bao giờ cố bước vào một cuộc sống mạo hiểm. Từ năm hai mươi mốt đến hai mươi tám tuổi, anh ta sống trong một cuộc phiêu lưu; từ năm hai mươi tám tuổi trở đi, anh ta nhận thức rõ hơn rằng không phải mọi khao khát đều được đáp ứng. Anh ta hiểu hơn về việc một số ham muốn là bất khả thi. Nếu là một gã ngốc, bạn có thể tiếp tục theo đuổi những ham muốn đó, nhưng người thông minh sẽ bước qua một cánh cửa khác ở tuổi hai mươi tám. Họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sự đảm bảo và thoải mái, ít quan tâm đến những cuộc phiêu lưu và tham vọng. Họ bắt đầu ổn định. Hai mươi tám tuổi là thời điểm kết thúc giai đoạn sống như một tay chơi ngông nghênh.

Ở tuổi hai mươi tám, các tay chơi trở thành người nệ cổ, những nhà cách mạng không còn là nhà cách mạng nữa; họ bắt đầu ổn định, họ tìm kiếm một cuộc sống thoải mái, có chút số dư trong tài khoản ngân hàng. Họ không muốn trở thành nhà tài phiệt nữa - khao khát đó đã lụi tàn, thôi thúc đó không còn nữa. Họ muốn có một ngôi nhà nhỏ nhưng vững chãi, một mái ấm để dừng chân, một sự đảm bảo, sao cho ít nhất thì họ luôn có một số dư nho nhỏ trong tài khoản ngân hàng. Ở độ tuổi hai mươi tám, họ tìm đến công ty bảo hiểm. Họ bắt đầu ổn định cuộc sống. Giờ đây, kẻ lêu lổng không còn lêu lổng nữa. Anh ta mua nhà và bắt đầu sống trong đó; anh ta trở thành một công dân văn minh. Từ văn minh trong tiếng Anh là civilization, có nguồn gốc từ chữ civis, nghĩa là công dân. Giờ đây, anh ta trở thành một phần của một thị trấn, một thành phố, một thể chế. Anh ta không còn là một kẻ lang bạt. Giờ đây, anh ta không còn tìm đến Kathmandu và Goa[1]. Anh ta không đi đâu nữa - anh ta đã phiêu du đủ rồi, cũng đã biết đủ rồi; giờ đây, anh ta muốn ổn định cuộc sống và nghỉ ngơi một chút.

 

VÀO NĂM BA MƯƠI LĂM TUỔI

 

Vào năm ba mươi lăm tuổi, năng lượng cuộc sống đạt đến đỉnh điểm. Vòng đời của con người đã hoàn thành một nửa và năng lượng bắt đầu suy giảm. Lúc này, anh ta không chỉ quan tâm đến sự đảm bảo và thoải mái, anh ta còn trở thành một Tory - người theo chủ nghĩa truyền thống. Anh ta không những không hứng thú với cách mạng, mà còn trở thành một người phản đối cách mạng. Giờ đây, anh ta kháng cự mọi sự thay đổi, anh ta trở thành người tuân thủ. Anh ta phản đối mọi cuộc cách mạng; anh ta muốn giữ nguyên hiện trạng bởi vì anh ta đã ổn định cuộc sống và nếu có bất kỳ sự thay đổi nào diễn ra thì mọi thứ sẽ bị đảo lộn. Giờ đây, anh ta không đồng tình với những gã ngông, cự tuyệt những kẻ nổi loạn; giờ đây, anh ta thật sự trở thành thành viên của một thể chế.

[…]

Vào năm ba mươi lăm tuổi, con người phải trở thành một phần của thế giới truyền thống. Anh ta bắt đầu tin vào truyền thống, vào quá khứ, vào Kinh Vệ Đà, Kinh Koran, Kinh Thánh. Anh ta tuyệt đối chống lại sự thay đổi bởi vì mọi sự thay đổi đều đồng nghĩa với việc cuộc sống của anh ta sẽ bị xáo trộn; giờ đây, anh ta có nhiều thứ để mất. Anh ta không thể tham gia cách mạng - anh ta muốn bảo vệ… Anh ta ủng hộ luật pháp, tòa án và chính phủ. Anh ta không còn là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ nữa; anh ta hết lòng ủng hộ chính phủ, các quy tắc, điều lệ, kỷ luật.

 

ĐẾN NĂM BỐN MƯƠI HAI TUỔI

 

Đến năm bốn mươi hai tuổi, đủ loại bệnh về thể chất và tâm thần bắt đầu phát ra, bởi vì lúc này, sự sống đang suy giảm. Năng lượng đang di chuyển về phía cái chết. […]Nếu cứ tiếp tục lấp đầy bụng như trước kia, bạn sẽ đối mặt với đủ loại bệnh tật như cao huyết áp, đau tim, mất ngủ, viêm loét - tất cả đều xảy ra ở độ tuổi bốn mươi hai; bốn mươi hai tuổi là một trong những cột mốc nguy hiểm nhất. Tóc bắt đầu rụng và bạc dần. Sự sống đang chuyển thành cái chết.

Và ở độ tuổi bốn mươi hai, lần đầu tiên, bạn bắt đầu thấy tôn giáo trở nên quan trọng. Trước đây, có thể bạn đã có vài trải nghiệm với tôn giáo, nhưng lúc này, lần đầu tiên trong hành trình của bạn, tôn giáo bắt đầu có ý nghĩa quan trọng bởi tôn giáo có mối liên hệ sâu sắc với cái chết. Giờ đây, cái chết đang đến gần và trong bạn nảy sinh khao khát đầu tiên đối với tôn giáo[…]

Xã hội này đẩy họ vào trạng thái bơ vơ; đó là lý do tại sao ở phương Tây có quá nhiều chứng bệnh tâm thần. Phương Đông không có nhiều chứng bệnh như vậy. Tại sao? Bởi vì ở phương Đông, con người vẫn được học đôi chút về tôn giáo. Tôn giáo không bị biến mất hoàn toàn; dù giả dối, dù không chân thật đến mức nào đi nữa, tôn giáo vẫn ở đó, vẫn tồn tại trong những góc nhỏ. Nó không còn xuất hiện ở nơi họp chợ, không còn hiện diện nơi tâm điểm của cuộc sống mà chỉ ở ngay bên lề, nơi có một ngôi đền. Nó nằm ngoài sự huyên náo của cuộc sống nhưng nó vẫn còn đó. Bạn phải bước thêm vài bước để tới được với nó và bạn có thể tới được với nó, nó vẫn tồn tại.

Ở phương Tây, tôn giáo không còn là một phần của cuộc sống. Ở độ tuổi bốn mươi hai, người phương Tây bắt đầu gặp phải các vấn đề tâm lý. Hàng ngàn chứng bệnh thần kinh xuất hiện - và cả các chứng viêm loét. Chứng viêm loét là dấu vết của tham vọng. Một người tham vọng thường bị viêm loét dạ dày, bởi vì tham vọng cắn xé và ăn mòn cơ thể của bạn. Chứng viêm loét không có gì khác với tự ăn mòn chính mình. Bạn căng thẳng tới mức bắt đầu ăn mòn thành dạ dày của mình. Bạn quá căng thẳng, dạ dày của bạn quá căng thẳng tới mức nó không bao giờ có thể thả lỏng được. Mỗi khi tâm trí căng thẳng, dạ dày cũng căng thẳng […]

Ở tuổi bốn mươi hai, một sự đột phá lại xuất hiện. Con người bắt đầu suy nghĩ về tôn giáo, về thế giới khác. Cuộc sống dường như trở nên quá sức và khoảng thời gian còn lại quá ít ỏi - vậy thì làm sao bạn có thể chạm đến Thượng đế, đạt được niết bàn, giác ngộ? Do đó mới có thuyết luân hồi: “Đừng sợ. Bạn sẽ được sinh ra một lần nữa, hết lần này đến lần khác, và bánh xe cuộc sống sẽ không ngừng di chuyển. Đừng sợ. Bạn có đủ thời gian, có đủ sự vĩnh hằng - bạn có thể hoàn thành mục tiêu”.

Đó là lý do cho sự ra đời của ba tôn giáo tại Ấn Độ - Kỳ Na giáo, Phật giáo và Hindu giáo - và cả ba không đồng tình với nhau về bất cứ quan điểm nào trừ sự luân hồi. Cả ba tôn giáo này đều theo đuổi các học thuyết khác nhau, thậm chí còn không thống nhất những nền tảng cơ bản về Thượng đế, bản chất của tự ngã… nhưng lại đồng tình với nhau về thuyết luân hồi - hẳn phải có lý do cho chuyện này[...]

 

BƯỚC SANG TUỔI BỐN MƯƠI CHÍN

 

Khi con người bước sang tuổi bốn mươi chín, cuộc tìm kiếm trở nên rõ ràng; phải mất bảy năm để cuộc tìm kiếm trở nên rõ ràng. Lúc này, lòng quyết tâm trỗi dậy. Anh ta không còn quan tâm đến người khác, đặc biệt là nếu mọi thứ đều thuận lợi - và tôi phải nhắc đi nhắc lại điều này vì mọi thứ không bao giờ thuận lợi - thì ở tuổi bốn mươi chín, anh ta không còn quan tâm đến phụ nữ. Phụ nữ cũng không còn quan tâm đến đàn ông - tuổi bốn mươi chín là độ tuổi mãn kinh. Người đàn ông không cảm thấy thích hoạt động tình dục nữa. Lúc này, tình dục có vẻ hơi trẻ con, hơi thiếu chín chắn […]

Giờ đây, tình trạng ngược lại đang xảy ra ở phương Tây. Ở tuổi bốn mươi chín, các nhà tâm lý học thôi thúc mọi người tiếp tục làm tình, vì nếu không, bạn sẽ đánh mất cuộc đời. Và vì ham muốn tình dục trỗi dậy một cách tự nhiên ở độ tuổi mười bốn, nên ở tuổi bốn mươi chín, nó cũng tự nhiên suy yếu. Nó phải như vậy, bởi vì chu kỳ nào cũng phải có điểm kết thúc.

Trước giai đoạn này, cuộc sống là một gánh nặng quá lớn và anh ta không thể ở một mình; anh ta có nhiều trách nhiệm phải hoàn thành, có những đứa con phải nuôi nấng. Giờ đây, những đứa trẻ đã trưởng thành. Chúng đã lập gia đình - đến năm bạn bốn mươi chín tuổi, con cái của bạn bắt đầu kết hôn, ổn định cuộc sống. Chúng không còn là những tay chơi nữa, hẳn là chúng đang chạm ngưỡng hai mươi tám tuổi. Chúng sẽ ổn định cuộc sống, lúc này, bạn có thể xáo trộn cuộc sống của mình. Lúc này, bạn có thể tiến xa hơn mái ấm của mình, bạn có thể trở thành không gia đình. Ở tuổi bốn mươi chín, con người bắt đầu nhìn về phía khu rừng, hướng vào bên trong, trở thành người hướng nội, ngày càng trở nên thiền định hơn và thường cầu nguyện hơn.

 

Ở TUỔI NĂM MƯƠI SÁU

 

[…] Ở tuổi năm mươi sáu, con người phải trưởng thành đến mức không còn vướng bận các nghi thức xã giao. Những chuyện đó đã kết thúc! Người đó đã sống đủ, đã học đủ; lúc này, anh ta nói lời cảm ơn mọi người và thoát ra khỏi các vướng bận đó. Năm mươi sáu tuổi là thời điểm người đó trở thành sannyasin (Khất sĩ, thầy tu hành khất trong Hindu giáo, dùng để chỉ những người bước vào giai đoạn thứ tư, giai đoạn cuối trong bốn giai đoạn của đời người theo triết lý Hindu giáo) một cách tự nhiên. Người đó đón nhận tinh thần sannyas - tinh thần khất sĩ - người đó buông bỏ, quá trình này diễn ra tự nhiên, như có vào thì phải có ra. Cuộc sống có một lối vào và cuộc sống cũng phải có một lối ra, nếu không, nó sẽ ngột ngạt. Bạn bước vào và không bao giờ bước ra, sau đó, bạn lại nói rằng mình bị ngạt thở, bị khổ sở. Có một lối ra, và đó là sannyas - bạn thoát ly xã hội.

Bạn thậm chí không còn quan tâm đến người khác khi bước sang độ tuổi năm mươi sáu.

 

Ở TUỔI SÁU MƯƠI BA

 

Ở tuổi sáu mươi ba, bạn lại trở thành một đứa trẻ, chỉ quan tâm đến chính mình. Đó chính là mục tiêu của thiền - hướng vào bên trong, như thể mọi thứ khác đã rời xa và chỉ còn bạn hiện hữu. Một lần nữa, bạn trở lại làm một đứa trẻ - tất nhiên, lúc này bạn đã có rất nhiều trải nghiệm sống rất phong phú, rất trưởng thành, hiểu biết với trí thông minh vượt trội. Lúc này, bạn lại trở nên ngây thơ. Bạn bắt đầu hướng vào bên trong. Chỉ còn lại bảy năm, bạn phải chuẩn bị cho cái chết. Bạn phải sẵn sàng chết.

Vậy như thế nào mới là trạng thái sẵn sàng chết? Chết trong trạng thái hân hoan nghĩa là bạn đã sẵn sàng chết. Chết trong hạnh phúc, trong sự hân hoan, sẵn lòng chào đón cái chết chính là trạng thái sẵn sàng chết. Thượng đế đã trao cho bạn cơ hội học hỏi, cơ hội sống, và bạn đã học hỏi. Giờ đây, bạn muốn nghỉ ngơi. Giờ đây, bạn muốn đến với ngôi nhà sau cùng của mình. Đó là một kỳ nghỉ. Bạn đã lang thang trong vùng đất lạ, bạn đã sống với những người xa lạ, bạn đã yêu thương những người xa lạ và bạn đã học hỏi được nhiều điều. Giờ đây, thời khắc đã điểm: hoàng tử phải quay về vương quốc của mình.

Sáu mươi ba tuổi là thời điểm một người hoàn toàn khép mình. Toàn bộ năng lượng di chuyển vào bên trong, hướng vào bên trong. Bạn trở thành một vòng năng lượng, không hướng về bất kỳ nơi nào ngoài chính mình.

Bạn không đọc, cũng không trò chuyện nhiều. Bạn ngày càng im lặng hơn, ngày càng trở về với chính mình hơn, hoàn toàn tách khỏi mọi thứ xung quanh. Năng lượng của bạn dần suy yếu.

 

Ở TUỔI BẢY MƯƠI

 

Ở tuổi bảy mươi, bạn đã sẵn sàng. Và nếu bạn theo đúng trình tự tự nhiên này thì ngay trước khi chết - chín tháng trước khi chết - bạn sẽ nhận biết cái chết đang đến. Giống như đứa trẻ phải trải qua chín tháng trong bụng mẹ, chu kỳ tương tự cũng được lặp lại một cách trọn vẹn, hoàn chỉnh, tuyệt đối. Trước thời điểm cái chết xuất hiện, chín tháng trước đó, bạn sẽ nhận thức được nó. Lúc này, bạn đang bước vào tử cung một lần nữa. Tử cung này không còn ở trong bụng mẹ mà ở bên trong chính bạn […]

Khi bước sang năm thứ bảy mươi, khi bạn sẵn sàng chết - nếu bạn đã sống đúng nghĩa, sống từng khoảnh khắc, không bao giờ trì hoãn sang ngày mai, không bao giờ mơ tưởng về tương lai, nếu bạn đã sống trọn vẹn trong khoảnh khắc bất kể nó như thế nào - chín tháng trước khi chết, bạn sẽ nhận thức được nó. Bạn đã tỉnh thức đến mức có thể thấy cái chết đang đến.

[…] Khi người ta biết ơn tất cả và sẵn sàng cho cái chết, chúc tụng cơ hội mà mình đã được nhận, cái chết trở nên đẹp đẽ. Khi đó, cái chết không phải là kẻ thù mà là người bạn tuyệt vời nhất bởi vì nó là đỉnh cao của sự sống. Nó là đỉnh cao nhất mà cuộc sống có thể đạt được. Nó không phải là sự kết thúc mà là cực đỉnh. Nó trông như kết thúc bởi vì bạn chưa từng biết về cuộc sống - đối với người đã biết về cuộc sống, nó trông như cao trào, đỉnh điểm, đỉnh cao nhất.

Cái chết là cực đỉnh, là sự viên mãn. Sự sống không kết thúc ở cái chết; trên thực tế, sự sống bung nở trong cái chết - nó chính là đóa hoa. Nhưng để biết được vẻ đẹp của cái chết, bạn phải sẵn sàng cho nó, bạn phải học được nghệ thuật của nó.

Bài viết được trích lược từ cuốn Trưởng thành của Osho do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại đây
Tags: