Trong tâm trí kẻ khác
Trong tâm trí kẻ khác
Đọc sách hư cấu có thể tăng cường mối ràng buộc xã hội của bạn và thậm chí thay đổi cả tính cách.

Chúng ta nhận ra nhân vật Long John Silver của Robert Louis Stevenson nhờ vào sự hiện diện oai vệ của anh ta, khuynh hướng khắc kỉ, và anh ta bị mất chân trái, cái chân bị cưa ngay bên dưới hông. Mặc dù chúng ta nghĩ chúng ta biết về một Silver tinh nghịch, nhưng các nhân vật như anh ta thì không tồn tại ở cõi nhân gian này, như chính Stevenson đã thừa nhận trong tờ Longman’s Magazine năm 1884. Ông ta mô tả các nhân vật hư cấu giống như sự tuần hoàn – là những vật trừu tượng. Các nhà khoa học dùng sự tuần hoàn để giải quyết các bài toán vật lí, và nhà văn và độc giả đều dùng các nhân vật hư cấu để nghĩ về con người trong thế giới xã hội. 

Các nhà tâm lí học đã từng chế giễu vai trò của tác phẩm hư cấu có trong việc thấu hiểu con người bởi vì đó là điều nguỵ tạo. Nhưng trong 25 năm qua, các nhà tâm lí học tri nhận đã phát triển tầm nhận thức mới về ý nghĩa của các câu chuyện. Giống như mô phỏng máy tính giúp ta hiểu được tri giác, việc học và tư duy, thì các câu chuyện là dạng mô phỏng giúp độc giả hiểu được không chỉ những nhân vật trong sách mà còn hiểu được tính cách con người nói chung. Vào năm 1986, nhà tâm lí học Jerome Bruner, hiện đang làm việc tại trường New York University School of Law, biện luận khá thuyết phục rằng câu chuyện là một phương thức khác biệt và quan trọng của tư duy. Nó giải thích cặn kẽ quan niệm của chúng ta về con người hoặc về những tác nhân như người và khám phá làm thế nào các chủ ý đó lại đụng với thực tại.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc đọc truyện không phải là phương tiện để thoát khỏi thế giới xã hội, mà thật sự cải thiện những kĩ năng xã hội của bạn bằng cách giúp bạn hiểu rõ hơn về thực thể con người. Tiến trình thâm nhập vào thế giới tưởng tượng của câu chuyện hư cấu sẽ tạo dựng nên sự đồng cảm và cải thiện khả năng tiếp nhận quan điểm người khác. Hành động cầm cuốn sách tưởng chừng như đơn độc ấy lại là bài tập rèn luyện về mối tương tác với con người. Nó có thể mài giũa trí lực xã hội của bạn, để khi bạn đặt sách xuống thì bạn có thể chuẩn bị tốt hơn cho tình bằng hữu, sự cộng tác, thậm chí cả tình yêu.

Mặc dù người ta thường đọc sách một mình, nhưng các độc giả truyện hư cấu không cô đơn. Thực tế là họ có khuynh hướng có nhiều hậu thuẫn xã hội hơn là những độc giả của sách phi hư cấu.

Mô phỏng xã hội

 

Từ lâu trước khi máy tính được sáng chế ra, các câu chuyện vận hành như là những thế giới ảo thực thụ. Năm 1594, William Shakespeare nhận ra rằng vở kịch là một thứ rất thiết yếu để tái tạo môi trường xã hội – ông đã dùng cụm từ “giấc mộng” Trong vở A Midsummer Night’s Dream (Giấc mộng đêm hè), các nhân vật của Shakespeare sống ở một vùng đất tưởng tượng mà ở đó việc nhỏ giọt nước ép của “một đoá hoa tây phương bé nhỏ” vào mắt của người ngủ sẽ khiến cho người đó phải lòng với người đầu tiên mà anh hay cô ta thấy được khi tỉnh giấc. Trong thế giới giấc mộng này, nước ép từ hoa khởi sinh cho sự chọn lựa người bạn đời. Giáo sư Anh ngữ Elaine Scarry của trường Harvard University cũng phát triển chủ đề giấc mộng trong cuốn sách Dreaming by the Book. Bà biện luận rằng thay vì chỉ phân phát ra những mô tả về thế giới, thì một nhà văn viết truyện hư cấu thành công là người đưa ra “các chỉ dẫn” để khởi sự một dạng giấc mộng trong tỉnh thức.

Nhưng sự đắm chìm vào truyện hư cấu không cần thiết phải được cảm thức như một hành vi đơn độc. Vài năm trước, Raymond A. Mar, rồi sau đó một sinh viên tốt nghiệp khoa tâm lí học trường University of Toronto, đã quyết định truy vấn lại quan niệm thường thấy rằng người ta đọc nhiều truyện hư cấu là những con mọt sách rút lui khỏi xã hội và dùng tiểu thuyết như là lối thoát thực tại. Dựa trên ý tưởng về mô phỏng xã hội, mà tôi đã mô tả trong hai bài báo công bố vào thập niên 1990, Mar muốn biết liệu những người đọc nhiều truyện hư cấu có thật sự đạt được những kĩ năng xã hội tốt hơn những người đọc ít hoặc không đọc truyện hư cấu. Ông lí giải, tựa như người phi công thực hành trong những máy mô phỏng chuyến bay, thì con người có thể có được trải nghiệm xã hội bằng cách đọc truyện hư cấu.

Cùng với những đồng nghiệp tại Toronto, các nhà tâm lí học Jacob Hirsh, Jennifer de la Paz và Jordan Peterson, Mar và tôi đánh giá thói quen đọc sách của 94 người lớn, riêng biệt theo hai lĩnh vực hư cấu và phi hư cấu.Sau đó chúng tôi tiến hành thí nghiệm những người tình nguyện dựa theo hai loại kĩ năng xã hội: nhận thức cảm xúc và tri nhận xã hội. Với cái đầu, chúng tôi yêu cầu những người tham gia nhận diện trạng thái cảm xúc của một người từ các bức ảnh chụp chỉ đôi mắt (hình 2). Với dạng sau, những người tham gia trả lời các câu hỏi về đoạn phim quay một số người đang tương tác nhau – ví dụ, “hai đứa trẻ nào, hay không đứa nào, trong đoạn phim này thuộc về người lớn kia?” Trong nghiên cứu này, công bố năm 2006, chúng tôi phát hiện rằng người ta đọc càng nhiều truyện hư cấu, thì họ nhận thức được cảm xúc trong đôi mắt tốt hơn và, phần nào đó, họ còn diễn giải được các dấu hiệu xã hội chính xác hơn. Những kết quả này rút ra được kết nối vững chắc đầu tiên giữa đọc truyện hư cấu với kĩ năng xã hội, mặc dù chúng tôi chưa chắc được liệu đọc truyện hư cấu có gây ra những khác biệt cá nhân thế này hay liệu những khác biệt như thế đã tồn tại ngay từ đầu.

Khả năng con người đọc được vẻ mặt từ bức hình chụp chỉ có đôi mắt phản ánh các kĩ năng xã hội của người đó. Những người hâm mộ truyện hư cấu làm tốt nhiệm vụ này.
Tự kiểm tra bản thân tại đây: www.glennrowe.net/BaronCohen/Faces/EyesTest.aspx

Một năm sau, Mar công bố một phần chứng cứ trực tiếp hơn ủng hộ cho ý tưởng đọc truyện hư cấu có thể cải thiện năng khiếu xã hội. Mar giao nhiệm vụ cho 303 người lớn đọc một truyện ngắn hoặc một bài tiểu luận từ tờ báo New Yorker. Rồi ông cho toàn bộ mấy người đó làm bài kiểm tra về lập luận phân tích hoặc xã hội. Cái đầu tiên bao gồm những vấn đề lí luận ở dạng phát ngôn; cái sau yêu cầu mọi người rút ra kết luận từ các viễn cảnh xã hội theo giả thuyết. Những ai đọc truyện thì làm bài kiểm tra tốt hơn, tính theo trung bình, về mặt lập luận xã hội so với những người đọc tiểu luận phi hư cấu, điều này gợi ý rằng truyện hư cấu trang bị cho họ cách nghĩ về thế giới xã hội. Ngược lại, điểm số về lập luận phân tích là như nhau đối với cả hai nhóm.

 

Do vậy, thậm chí chỉ đọc truyện hư cấu một chút thôi cũng có thể tạm thời cải thiện kĩ năng xã hội của một người.

 

 

Một quan điểm mới

 

Những kĩ năng xã hội tốt cần có một tâm thức luận (theory of mind) phát triển tốt. Thỉnh thoảng còn được gọi là khả năng đọc tâm thức, tâm thức luận là khả năng tiếp nhận quan điểm người khác, tiếp nhận các kiểu mẫu tinh thần của người khác, và để hiểu rằng người khác có thể có niềm tin và chủ ý khác với chính bạn. Trẻ con bắt đầu đạt được khả năng này vào khoảng bốn tuổi, khi chúng có thể tách rời những gì mà người khác biệt với những gì tự chúng biết. Tâm thức luận tiếp tục phát triển xuyên suốt cuộc đời. Khả năng đánh giá cảm xúc từ những bức hình chụp chỉ đôi mắt có mối tương quan với các kĩ năng tâm thức luận, và khả năng đồng cảm cũng vậy. Trong nghiên cứu năm 2006, với bài kiểm tra biểu lộ của mắt, đã cho thấy rằng con người càng đọc nhiều truyện tiểu thuyết, thì họ thiết lập nên các kiểu mẫu tinh thần của người khác tốt hơn.

Dù vậy, mối liên hệ giữa đọc truyện hư cấu và năng lực xã hội chỉ có thể phản ánh sự ham thích đối với truyện hư cấu giữa những người có kĩ năng xã hội tốt. Tức là, ngấu nghiến tiểu thuyết có thể là kết quả, chứ không phải là nguyên do, của việc có một tâm thức luận mạnh mẽ. Để kiểm tra khả thể này, năm 2009, chúng tôi công bố một nghiên cứu lặp lại nghiên cứu trước đó với một nhóm riêng biệt gồm 252 người lớn. Lần này chúng tôi đo lường những đặc điểm tính cách thuộc cái gọi là Bộ Năm Quan trọng (the Big Five): tính hướng ngoại, sự cân bằng cảm xúc, tính cởi mở đối với các trải nghiệm, tính dễ chịu và sự chu đáo. Chúng tôi cũng đánh giá các mạng lưới xã hội của họ (hậu thuẫn xã hội), mức cô lập xã hội và sự cô đơn.

Những người ghi điểm cao ở đặc điểm về tính cởi mở đối với các trải nghiệm thực sự đọc nhiều truyện hư cấu hơn một chút so với những ai ghi điểm cao ở những đặc điểm khác. Nhưng khi chúng tôi kiểm soát đối với điều này – loại trừ đi theo thống kê cái xu hướng này và những tác động của những khác biệt cá nhân khác – chúng vẫn phát hiện một mối quan hệ lớn và ý nghĩa giữa lượng truyện hư cấu mà người ta đọc với khả năng đồng cảm và tâm thức luận; như thể là việc đọc truyện hư cấu cải thiện các kĩ năng xã hội, chứ không phải theo cách ngược lại.

 

Hơn nữa, những cá nhân nào hầu như chỉ đọc truyện hư cấu thì không cô đơn.

 

Thật vậy, họ ít bị cô lập xã hội hơn và có nhiều hậu thuẫn xã hội hơn những ai phần lớn chỉ đọc sách phi hư cấu.

Năm 2010, Mar cùng với các nhà tâm lí Chris Moore của trường Dalhousie University ở Halifax và Jennifer Tackett của trường University of Toronto, đã thực hiện tiếp nghiên cứu đối với người lớn với 55 đứa trẻ mẫu giáo. Họ phát hiện rằng những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học này nghe càng nhiều truyện hư cấu và xem càng nhiều phim hư cấu, thì chúng làm năm bài kiểm tra tâm thức luận dành cho trẻ con tốt hơn. Trong một bài kiểm tra như thế, một đứa trẻ được người ta cho xem một nhân vật người lớn đồ chơi và một bức hình củ cà-rốt và một cái bánh qui. Đứa trẻ được hỏi nó thích món ăn nào hơn, và rồi người ta bảo nó rằng nhân vật đồ chơi kia thích món khác. Thế rồi đứa trẻ sẽ trả lời câu hỏi thuộc về tâm thức luận: Nhân vật đồ chơi muốn một món ăn, vậy thì món nào nhân vật đồ chơi đó sẽ chọn? Để trả lời đúng, trẻ con phải đưa ra câu trả lời khác với mong muốn của chúng.

Mặc dù điểm số ở những bài kiểm tra này đạt kết quả tốt hơn ở những đứa trẻ xem truyện và xem phim nhiều hơn, nhưng lại không cao hơn ở những đứa trẻ xem truyền hình nhiều. Lí do có thể nằm ở chỗ các chương trình truyền hình mở ra ít chủ đề và đề tài hơn vốn cần để tạo ra quan điểm nhân vật. Chúng ít thử thách người xem hơn trong việc giải thích hành vi nhân vật, ví dụ vậy, hoặc phân tích nguyên nhân cho một kết quả mà nhân vật chính không ngờ tới.

Những phát hiện góp nhặt được của chúng tôi cung cấp hậu thuẫn ngày càng tăng lên cho giả thuyết rằng đọc truyện tiểu thuyết sẽ làm cho sự phát triển các kĩ năng xã hội dễ dàng hơn bởi vì nó cung cấp trải nghiệm suy nghĩ về người khác. Tức là, chúng tôi nghĩ đặc điểm xác định của truyện hư cấu không phải là nó đuợc dựng nên mà nó là về con người, hay giống người, những sinh vật và chủ ý của chúng cùng sự tương tác. Đọc truyện hư cấu rèn luyện con người ở địa hạt này, giống như đọc sách phi hư cấu về, như là, di truyền học hay lịch sử sẽ tạo nên kiến thức sâu rộng ở những lĩnh vực đó.

Để kiểm tra giả thuyết này đầy đủ hơn, chúng tôi dự kiến cho người ta đọc chỉ truyện hư cấu hoặc chỉ sách phi hư cấu trong vài tháng. Chúng tôi sẽ đo lường mức nhận thức xã hội của cả hai nhóm trước và sau thời gian đọc sách. Nếu lí thuyết của chúng tôi đúng, thì những độc giả truyện hư cấu sẽ cho thấy cải thiện vượt bậc về mức đo lường xã hội, và điểm số của họ sẽ tăng lên nhiều hơn so với những ai tiếp xúc chỉ với sách phi hư cấu.

 

Nhập vai

 

Truyện hư cấu có được sức mạnh của nó từ sự kết nối cảm xúc của độc giả với các nhân vật trong truyện – chỉ một từ, đó là sự đồng cảm. Các nhà khoa học đã truy nguyên một số khía cạnh của ràng buộc đó trong não bộ. Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2004, nhà thần kinh học Tania Singer và đồng nghiệp của trường University College London đã phát hiện, bằng cách dùng chụp cộng hưởng từ chức năng, rằng các khu vực trong não bộ như phần não hình chóp phía trước (anterior insula) và vùng vỏ não vành đai trước (anterior cingulate cortex) được kích hoạt khi chúng ta có cảm giác đau và khi ta biết rằng có ai đó mà ta yêu thương đang trong tình trạng đau đớn. Những khu vực này dường như liên quan đến các khía cạnh cảm xúc của sự đau đớn.

Sự đồng cảm về cảm xúc, vốn là điều then chốt trong những mối quan hệ hàng ngày của chúng ta, cũng sẽ khiến ta hình dung bản thân sống như các nhân vật khi ta đọc truyện hư cấu. Thực tế thì những lần quét não gần đây tiết lộ một điều rằng chúng ta đồng hoá những gì nhân vật trải nghiệm bằng cách tự phản chiếu những cảm giác và hành động đó cho chúng ta. Trong một nghiên cứu công bố năm 2009, các nhà tâm lí học Nicole Speer, Jeremy Reynolds, Khena Swallow và Jeff Zacks của trường Washington University ở St. Louis đã yêu cầu 28 tình nguyện viên nằm trong máy quét chụp cộng hưởng từ và đọc truyện ngắn, truyện này được trình bày từng từ một trên màn hình. Khi đối tượng đọc đuợc nhân vật chính đang làm gì đó, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng bộ não của người đọc phản ứng như thể anh ta hay cô ta đang thực hiện cùng một hành động như thế. Khi những từ ngữ trong đoạn văn nói về việc nhặt lên hay bỏ xuống một món đồ – ví dụ như, “Raymond đặt cây bút chì xuống” – thì bộ não sẽ kích hoạt những vùng liên hệ với việc dùng tay nắm giữ và thả ra một món đồ. Những khu vực này bao gồm vùng bàn tay của khu vực tiền vận động (hoạch định cho dây thần kinh vận động) và của khu vực vỏ não cảm giác thân thể (somatosensory cortices).

Những nhà nghiên cứu khác cố hướng đến việc làm thế nào mà truyện hư cấu có thể tác động vào các tiến trình não bộ chi phối tâm thức luận. Nếu sự kể chuyện làm tăng khả năng thấu hiểu người khác, thì những vùng não bộ có liên hệ đến việc dõi theo câu chuyện sẽ nằm chồng lên những vùng được tạo ra cho các tác vụ liên quan tâm thức luận. Để kiểm tra ý tưởng này, đầu năm nay (2011), Mar, hiện đang làm việc ở trường York University tại Toronto, công bố một bản đánh giá xác suất về 86 cuộc nghiên cứu quét não bộ mà tại đó những người tham gia phải thông hiểu được câu chuyện, thực hiện một tác vụ tâm thức luận dựa trên câu chuyện hoặc thực thi một tác vụ tâm thức luận vốn không dính dáng đến câu chuyện. Bằng cách đối chiếu với những vùng não bộ xuyên suốt các cuộc nghiên cứu, Mar xác định được một nhóm lớn các cấu trúc trải rộng khắp các vùng tách biệt nhau trong não bộ mà toàn bộ ba tác vụ dường như đã tạo ra chúng. Những vùng này, ông kết luận, hình thành một “mạng lưới tâm thức hoá hạt nhân” (core mentalizing network) khiến cho việc thông hiểu các sự kiện tinh thần của kẻ khác trong cuộc sống cũng như trong truyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Những nghiên cứu như thế hậu thuẫn cho ý tưởng khi ta đọc truyện hư cấu ta gạt ra một bên mối bận tâm của chính mình, hoạch định và lao vào những mối bận tâm của nhân vật chính trong truyện. Làm như vậy cho phép ta hiểu được các sự kiện trong truyện từ góc nhìn của nhân vật. Chúng ta không thật sự trải nghiệm những cảm xúc của nhân vật – rốt cuộc, nhân vật chỉ là một thứ trừu tượng.

 

Nói đúng hơn, chúng ta có cảm giác về những cảm xúc của chính mình nhằm đáp lại những khao khát, những hành động và những tình huống được nhà văn mô tả.

 

Cái cung cảm xúc này khiến chúng ta tiếp tục giở các trang sách hoặc dính chặt vào màn hình.

Việc đọc truyện hư cấu tạo dựng khả năng thấu cảm của con người và cải thiện khả năng thông hiểu trạng thái tinh thần của người khác. Một “mạng lưới tâm thức hoá hạt nhân” trong não bộ tạo nên kĩ năng sau.

Thay đổi tính cách

 

Các phản ứng cảm xúc trong não bộ đối với những tác phẩm văn chương tuyệt vời thì còn làm nhiều chuyện hơn là hàn gắn kết nối với một tính cách không hề tồn tại – chúng thậm chí có thể làm thay đổi cảm nhận của người đọc về cái bản ngã. Trong một nghiên cứu năm 2009, Peterson và tôi, cùng với các nhà tâm lí học ở Toronto Maja Djikic và Sara Zoeterman, đã ngẫu nhiên phân công cho 166 người đọc một truyện ngắn của Anton Chekhov có nhan đề “Người phụ nữ với con chó nhỏ” hoặc là đọc một phiên bản khác của truyện đó mà Djikic đã viết lại theo phong cách báo cáo phi hư cấu. Trong truyện, có một ông chủ ngân hàng tên là Gomov gặp một người phụ nữ trẻ, Anna, tại nơi nghỉ mát ở bờ biển Yalta nước Nga khi cô nàng đang dẫn chó đi dạo. Hai người bắt đầu gian díu nhau. Sau khi họ về nhà với chồng hoặc vợ, thì họ ngạc nhiên là mối tình gian díu ấy không chịu phai mờ đi trong tâm trí họ. Gomov và Anna gặp hết lần này đến lần khác và khao khát được kết hợp với nhau, nhưng câu chuyện kết thúc mà không có cách giải quyết. Phiên bản của Djikic, được viết dưới dạng một báo cáo từ phiên toà li dị, chứa đựng hính xác lượng thông tin và cùng độ dài cũng như mức độ khó trong việc đọc. Độc giả đánh giá nó cũng thú vị như truyện của Chekhov, dù cho không nghệ thuật bằng.

Trước và sau khi đọc hai đoạn văn bản, những người tham gia thí nghiệm thực hiện bài kiểm tra tính cách đo lường đặc điểm của Bộ Năm Quan trọng và đánh giá cường độ khi họ cảm nhận mười loại cảm xúc khác nhau – buồn, lo âu, vui, v.v.. Khi được đối chiếu với những người đọc bản báo cáo, những người đọc truyện trải qua một thay đổi tính cách nhỏ nhưng có thể đo đếm được. Những người tham gia thí nghiệm thay đổi theo những cách khác nhau: một số trở nên cởi mở nhiều hơn hoặc ít cởi mở hơn, ví dụ vậy, trong khi đó số khác thì dễ chịu nhiều hơn hoặc ít dễ chịu hơn sau khi tiếp xúc câu chuyện. Mức độ thay đổi tính cách diễn ra song song với số lượng thay đổi cảm xúc mà một người trải nghiệm trong lúc đọc. Cũng như với những tác phẩm văn chương tuyệt vời khác, truyện của Chekhov khiến cho người ta nghĩ và cảm giác theo những cách thức mới, nhưng những cảm giác và tư duy cụ thể mà nó gợi lên thì tuỳ thuộc vào độc giả.

Dường như chỉ có phiên bản truyện mới khiến cho độc giả thấu cảm với Gomov và Anna. Các thuộc tính của truyện hư cấu chào mời sự đồng cảm với các nhân vật theo cái cách mà phi hư cấu thường không làm được. Những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại dường như có thể tạo nên sự cảnh báo trong một cấu trúc tính cách ổn định thường xuyên. Mặc dù những thay đổi tính cách chúng tôi phát hiện ra có thể chỉ là tạm thời, nhưng khi người ta bỏ nhiều thời gian đọc truyện hư cấu hơn thì nói chung họ có thể trở nên cởi mở hơn và cảm thức tốt hơn về người khác.

Chúng tôi có thể thường nghĩ đến câu chuyện như là một sự đánh lạc hướng. Nhưng cái cách mà ta dấn thân vào các câu chuyện liên quan đến những tiến trình tinh thần y như những tiến trình làm cho ta có khả năng tương tác với người khác trong cuộc sống thường ngày. Thâm nhập vào những thế giới mô phỏng của các câu chuyện và đi vào tâm thức của các nhân vật trong đó sẽ làm thay đổi chúng ta. Bởi vì chúng có sức mạnh tác động lên tâm thức, nên các câu chuyện có thể hữu ích trong việc phát triển các kĩ năng tương tác giữa con người với nhau và mối quan hệ giữa trẻ con với người trưởng thành. Và bất kể tuổi tác bạn bao nhiêu, việc ngồi cuộn người lại trong chiếc ghế bành với một quyển tiểu thuyết có thể làm cho tâm thức của bạn – và cả đời sống xã hội – tốt lên một chút.

 

Phụ lục: Câu chuyện diễn ra trong trí não

Bộ não đáp lại truyện hư cấu như thể người đọc đang cảm giác hoặc hành động giống như nhân vật trong truyện. Các nhà khoa học cho thấy mối tương quan giữa các đoạn văn bằng cách trình chiếu bằng máy quét chụp cộng hưởng từ (fMRI) các hoạt động của não bộ. Vùng não trán trước (prefrontal cortex), khu vực phía sau trán liên quan đến việc thiết lập mục tiêu, phản ứng khi nhân vật khởi sự một mục tiêu mới. Vùng não thái dương, ở hai bên bộ não, phản ứng với những chuyển biến và những hành động hướng đến mục tiêu của nhân vật. Những phần khác phản ứng với những ám chỉ về thời gian, hoặc về sự thay đổi về vùng không gian của nhân vật hoặc những tình huống với đồ vật, phù hợp với vai trò thường lệ của chúng.


Trạm Đọc

Theo Keith Oatley / Scientific American Mind

Duy Đoàn chuyển ngữ / Theo Chiecnon

Tags: