Triết Lí Sống Trong “Hoàng Tử Bé”
Triết Lí Sống Trong “Hoàng Tử Bé”
Khi người đọc tiếp cận sách này, họ như được là chính họ, họ tìm ra được điều bổ ích từ chính cái họ cần. Phải biết mình cần gì thì mới sửa đổi được, còn không cứ mắc kẹt mãi không sao thoát ra được cái mê cung thế gian này.

Antoine De Saint-Exupery là nhà văn Pháp và cũng là phi công. Vì là nhà phi công nên cảm hứng sáng tác của ông xuất phát từ những chuyến đi của mình. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là ‘‘Hoàng Tử Bé’’, nói về cuộc gặp gỡ kì lạ giữa phi công bị rơi xuống sa mạc với cậu bé người hành tinh. Một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, thú vị nhưng đằng sau nó là cả một bầu trời mới. Khiến cho người đọc bị cuốn theo mạch tình huống, họ tò mò tại sao lại sử dụng dụng những hình ảnh, ngôn ngữ giản dị của trẻ con để mô tả triết lý sâu xa của đời người.

Bằng việc sử dụng những từ ngữ giản dị, gần gũi, dí dỏm, thuần khiết, hướng về tuổi thơ, ông đã thành công trong việc xây dựng tình huống độc đáo, thú vị. Khiến tất cả mọi người say mê, không chỉ trẻ nhỏ thích mà còn cả người lớn. Vì hầu như tranh vẽ là do chính tay ông, qua ngôn từ cũng như cách xây dựng đã toát lên rất nhiều bài học cho mỗi người chúng ta.

1. Sự sáng tạo của trẻ con và thế giới của chúng

Mở đầu tác phẩm, tác giả nói đến bức tranh hồi nhỏ của mình, đó là bức tranh đầu tiên về con trăn nuốt con voi và chờ tiêu hóa. Ông liền đưa cho người lớn xem nhưng họ lại nghĩ đó là cái mũ. Ông tức lắm nên vẽ bức khác nhưng ông bị nói là như lần trước, và lần này thì buộc phải dừng việc mà họ cho là vô ích này lại. Chúng ta thấy đấy, thế giới của trẻ nhỏ vô cùng phong phú, ảo diệu, thú vị, chúng luôn tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời trong suy nghĩ. Có khi chúng còn tạo ra một môi trường mới, phong cách mới. Nhưng người lớn như chúng ta lại khác, luôn nghĩ chúng phiền phức, không tập trung vào học, chỉ lo vẽ vời, mà không chịu nhìn sâu vào bên trong tâm hồn để cảm nhận chúng như thế nào. Từ đó, chúng cảm thấy cô đơn và không còn ai để nói chuyện
‘‘Tôi cứ sống cô độc như vậy, chẳng có một ai để chuyện trò thật sự, cho tới một lần gặp nạn ở sa mạc sahara … ông làm ơn vẽ cho tôi một con cừu’’
Tác giả đã vẽ một chú cừu cho Hoàng Tử, nếu mà đưa cho người lớn thì chắc chắn lại nghe những điều như trước đó. Nhưng không với sự ngô nghê vốn có của một đứa trẻ Hoàng Tử lại vui mừng, đắc ý với tấm hình này lắm ‘‘Đúng là cái mà tôi muốn đấy! Ông nghĩ có cần nhiều cỏ cho con cừu này không ạ?’’
Đó mới chính là cái mà người lớn của chúng ta khó có thể đồng cảm được với trẻ nhỏ. Có những việc dù người lớn không hiểu và cho đó là trò vô bổ của trẻ nhỏ, nhưng đối với chúng, đấy là tất cả những cảm nhận, quan sát bằng cả trái tim và tâm hồn thơ ngây của mình. Chúng luôn luôn đi vào không gian kì ảo để nhìn nhận mọi thứ.

2. Triết lí về tình yêu

Hành tinh của Hoàng Tử rất nhỏ nhưng lại có một bông hồng rất đẹp, đẹp đến nỗi cậu không muốn mất đi, cậu cứ luôn lo sợ rằng chú cừu sẽ ăn mất bông của cậu. Vì cậu tin lời bông hoa ấy nói: ‘‘chỉ có mình cô là bông hoa duy nhất’’, cậu luôn chăm sóc, trò chuyện cùng cô. Khi cậu đến một nơi khác, có hàng ngàn bông hoa khác xuất hiện, cậu mới ngạc nhiên. Lúc đó cậu cảm thấy ‘‘Và em cảm thấy rất đau khổ. Đoá hoa của em đã đã kể với em rằng nàng là duy nhất trong giống nòi của nàng khắp trong vũ trụ. Và ở đây có đến năm nghìn đoá giống như nhau, chỉ mới trong mỗi một khu vườn’’.
Đã bao giờ nghĩ rằng tình yêu của bạn dành cho ai đó cũng giống như thế này chưa? Nếu có, thì tôi nghĩ rằng người đó cũng không quá đặc biệt, mà là do chúng ta đã gặp người ấy sớm hơn những người khác và công sức của chúng ta dành cho họ cũng nhiều hơn những người khác. Thời gian chúng ta bên họ, chúng ta thuần hóa được họ, và đặc biệt chúng ta đã có trách nhiệm với họ ngay từ lần đầu tiên.

3. Triết lí về sự lãnh đạo tập thể

Hành tinh thứ nhất mà Hoàng Tử đến rất lạ, ở đó chỉ có duy nhất một ông vua ngồi trên‘‘một cái ngai hết sức giản dị mà vẫn oai vệ, vận đồ lông chồn màu đỏ tía’’, mà không có bất kì một thần dân nào khác. Khi vừa nhìn thấy Hoàng Tử: “Ồ! Kia là một thần dân!”. Cậu Hoàng Tử vô cùng ngạc nhiên không hiểu được vì sao ông vua ấy lại có thể nhận ra mình khi chưa từng gặp mình. Nhưng với suy nghĩ ngây của một đứa trẻ cậu không biết rằng, đối với các ông vua mọi người ai cũng là thần dân.
Qua tình huống này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng mặc dù ông là vua của một nước nhưng có tầm nhìn hạn hẹp, vội vàng khi đưa ra những nhận định khi chưa suy xét kĩ. Ông đưa ra những yêu cầu kì quặc và bắt Hoàng Tử phải tuân lệnh mình. Điều này đồng nghĩa với việc, là người có quyền hạn trong tay nhưng lại không có tầm vóc để trị vì chính “vương quốc” của mình, bảo thủ luôn đặt ra những điều kì quặc và bắt người khác phải thực hiện cho bằng được. Vì vậy, có nắm trong tay quyền lực đến đâu đi chăng nữa nhưng sử dụng không đúng mục đích, không có năng lực để sử dụng thì cũng không thể nắm quyền được bất kì ai, bất kì điều gì, mà chỉ cô độc một mình như ông vua của tình huống trên.

4. Triết lí về bản chất con người – cố chấp

Cậu Hoàng Tử đến với hành tinh này, cậu lại không thấy nhà cửa, người dân nào sinh sống, chỉ thấy một cây cột đèn và người thắp đèn. Lúc thì “thắp đèn lên”, “lúc thì chào buổi tối”, và cứ như thế công việc qua ngày qua ngày. Hoàng Tử hỏi thì ông nói đây là “ mệnh lệnh”, dù tôi muốn ngủ nhưng không thể.
Người thắp đèn như là đại diện cho sáng tối, ông luôn miệt mài chăm chỉ thắp sáng cho hành tinh. Mặc dù, ông thực sự rất muốn có một giấc ngủ trọn vẹn nhưng vì “mệnh lệnh”, ông đành phải gác lại những nhu cầu thiết yếu cảu cá nhân để thực hiện mệnh lệnh đó. Phải chăng, trong suy nghĩ của ông không chỉ có mệnh lệnh mà còn có ý nghĩ nào khác cho một điều quan trọng. Ông là người hướng về cộng đồng, ông đặt lợi ích chung của cộng đồng lên cả lợi ích của bản thân. Dù công việc có là “mệnh lệnh” đi chăng nữa thì ngủ vẫn quan trọng hơn, chúng ta nên dành nhiều thời gian cho bản thân đừng vì tham lam mà quên đi sức khỏe của bản thân mình.
“Hoàng Tử Bé” là một tác phẩm thành công nhất của Antoine de Saint-Exupéry. Tác phẩm không chỉ thành công về mặt ngôn ngữ hay hình ảnh, mà sách còn thành công về mặt triết lí. Ông xây dựng những tình huống tuy giống trẻ con, nhưng phản ánh sự thật rằng người lớn đã lãng quên thế giới. Họ luôn chạy theo những điều xa xỉ, luôn luôn lãng phí thời gian vào điều vô ích. Họ thường sẽ không suy nghĩ, mà quyết định vội vàng, để rồi đưa ra quyết định không đúng đắn. Nhưng có một điều họ không bao giờ biết rằng, chính khoảng thời gian ấy là thời gian chúng ta nên sống chậm lại, nhìn lại cuộc đời, tìm lại chính mình trong cuộc sống.
Chính trẻ con đã tạo ra một thế giới mà ai cũng muốn trở về, vì trẻ con vô tư, không cần phải nghĩ ngợi nhiều, không cần lo lắng, vui vẻ hết hôm nay, mai lại buồn, lại vui. Nhưng khi lớn lên rồi, cảm xúc không tự nhiên như vậy được, muốn cười cũng không được vì có quá nhiều thứ ập tới. Khi người đọc tiếp cận sách này, họ như được là chính họ, họ tìm ra được điều bổ ích từ chính cái họ cần. Phải biết mình cần gì thì mới sửa đổi được, còn không cứ mắc kẹt mãi không sao thoát ra được cái mê cung thế gian này.

Tác giả: Lương Nguyễn Xuân An – Nguồn: Văn học 365

Tags: