[Trích đoạn sách] - Đỉnh cao của nghệ thuật PR bản thân: Hãy làm tốt đến mức mọi người không thể nào phớt lờ được bạn
[Trích đoạn sách] - Đỉnh cao của nghệ thuật PR bản thân: Hãy làm tốt đến mức mọi người không thể nào phớt lờ được bạn
Nếu như bạn không muốn phải ngồi hàng giờ chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển và phấp phỏng chờ đến ngày được gọi đi phỏng vấn thì đây có lẽ là cuốn sách bạn nên đọc. Không những vậy, sau khi gấp cuốn sách này lại, bạn sẽ nắm được bí quyết nếu rơi vào trường hợp vừa mất việc mà vẫn có thể ung dung có ngay một công việc mới từ những người biết đến năng lực của bạn hoặc bạn sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khác để biến những dự án ngoài lề thành nghề nghiệp.

Cuốn sách sẽ giải thích cho bạn thấy vì sao một số người lại dễ dàng tìm được công việc hoặc được người khác sẵn lòng giúp đỡ như vậy. Lý do chính là vì các ông chủ đã biết đến những sản phẩm họ từng thực hiện và khao khát có được các sản phẩm đó. Khi nắm được vấn đề mấu chốt này rồi thì tất cả những việc bạn cần làm là bày sản phẩm của bạn ra mà thôi.

Và dưới đây, Trạm xin trích dẫn một số bí quyết PR bản thân được Austin Kleon tiết lộ trong cuốn sách “Nghệ thuật PR bản thân”:

 

Hãy tìm một cộng đồng tài năng

 

Tác giả khuyên độc giả rằng, mọi người “hãy quên hai chữ thiên tài đi và cố nghĩ xem mình có thể đóng góp gì cho một cộng đồng tài năng. Chúng ta có thể ngừng hỏi mọi người làm được gì cho ta mà bắt đầu tự hỏi chúng ta làm được gì cho họ.

Chưa bao giờ việc gia nhập cộng đồng tài năng lại dễ dàng như trong kỷ nguyên chúng ta đang sống. Internet về cơ bản là một loạt các cộng đồng tài năng liên kết với nhau, chỉ phân tán bởi khoảng cách địa lý. Blog, mạng xã hội, email nhóm, các trang web thảo luận, diễn đàn – đều là một: những địa điểm ảo nơi mọi người tụ tập và tán ngẫu về những vấn đề họ quan tâm. Ở đó, không có vệ sĩ, người gác cổng hay chướng ngại vật nào cản trở mọi người tham gia: Bạn không cần phải giàu có, nổi tiếng hay có một bản CV bóng bẩy, tấm bằng của một trường đại học danh tiếng. Trên mạng, tất cả mọi người – từ nghệ sĩ đến người quản lý nghệ thuật, từ thợ lành nghề cho đến người học việc, từ chuyên gia cho đến những kẻ nghiệp dư – tất cả đều có thể đóng góp thứ gì đó”.

 

Hãy là kẻ nghiệp dư

 

“Dân nghiệp dư có thể không được đào tạo bài bản, nhưng họ dành cả đời để học hỏi và chú trọng học ở môi trường mở để mọi người rút kinh nghiệm từ thất bại và thành công của họ.

Đôi khi, những kẻ a-ma-tơ có nhiều điều để dạy chúng ta hơn cả các chuyên gia. Tác giả C. S. Lewis từng viết “Thông thường, hai cậu học trò có thể giúp nhau giải bài tập hiệu quả hơn giáo viên. Một học sinh có thể giúp bạn của mình nhiều hơn thầy giáo bởi cậu ta biết ít hơn. Khúc mắc mà chúng ta muốn cậu nhóc giải thích cũng là khúc mắc cậu ta vừa gặp phải. Còn chuyên gia thì đã gặp nó lâu nên đã quên mất rồi”. Nhìn một tay a-ma-tơ làm việc khiến chúng ta thêm hứng thú với công việc.

Thế giới đang thay đổi chóng mặt, nó biến tất cả chúng ta thành a-ma-tơ. Ngay cả với những kẻ nhà nghề, cách tốt nhất để sự nghiệp phát triển là giữ lại tinh thần a-ma-tơ và sẵn sàng chấp nhận sự vô danh, bất ổn.

 

 

Bài kiểm tra “Thế thì có gì đặc biệt”?

 

Sau khi chấm điểm và trả bài luận cho sinh viên, một giáo viên đại học của tôi bước lên bục giảng và viết một dòng chữ lớn: “Thế thì có gì đặc biệt?” Sau đó bà ném mẩu phấn xuống và nói, “Hãy tự hỏi mình câu đó mỗi lần nộp một bài luận”. Và bài học đó khiến tác giả luôn luôn ghi nhớ.

Giờ đây, vì bạn muốn sản phẩm bạn đưa lên mạng được sao chép và lan truyền đến mọi ngóc ngách trong thế giới ảo thì bạn đừng đưa những thứ mà bạn chưa sẵn sàng cho tất cả mọi người nhìn thấy. Nhà báo Lauren Cerand nói, “Hãy viết bài như thể tất cả người đọc nó đều có quyền sa thải bạn”.

Hãy cởi mở, chia sẻ những sản phẩm chưa hoàn thiện và không hoàn hảo mà bạn muốn mọi người nhận xét, nhưng đừng chia sẻ tất cả mọi thứ.

 

Không có cái gọi là thú vui tội lỗi

 

Khoảng 20 năm trước, một người quét rác ở thành phố New York tên là Nelson Molina bắt đầu thu nhập những tác phẩm nhỏ và những vật kỳ lạ mà người ta vứt đi trên lộ trình quét rác của mình. Bộ sưu tập Bảo Tàng Rác của ông được trưng bày trên tầng 2 của Trung tâm Vệ sinh Môi trường trên phố East 99thvà giờ nó bao gồm một nghìn bức tranh, hoạ báo, ảnh, nhạc cụ, đồ chơi và đủ thứ thập cẩm khác.

“Bới rác” là một trong những công việc của nghệ sĩ – tìm kiếm báu vật trong rác thải của người khác, lục lọi trong những mảnh vụn văn hoá, để ý những thứ mà mọi người bỏ qua, và tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những vật mà người khác vứt đi, dù vì bất cứ lý do nào.

Chúng ta đều thích những thứ mà người khác cho là vô giá trị Bạn phải thực sự can đảm mới có thể mãi yêu rác của mình, bởi thứ làm cho chúng ta trở nên duy nhất chính là sự đa dạng và phong phú của tầm ảnh hưởng, những con đường khác biệt chúng ta chọn để trộn lẫn những phần văn hoá mà xã hội coi là “cao sang” và “thấp hèn” lại với nhau. Khi tìm được những thứ bạn thực sự yêu thích, đừng để bất kỳ ai làm bạn cảm thấy tồi tệ về điều đó.

Minh Phương 

Tags: