Trận chiến định mệnh Stalingrad nhìn từ khía cạnh con người
Trận chiến định mệnh Stalingrad nhìn từ khía cạnh con người
Sách "Stalingrad - Trận chiến định mệnh" khắc họa chân thực, thảm khốc về chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời đặt vấn đề nghiêm túc về hòa bình nhân loại.
Trận Stalingrad là một trận đánh lớn diễn ra trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, giữa một phe là quân đội phát xít Đức cùng đồng minh và phe kia là Hồng quân Liên Xô. Hai bên quyết đấu để giành quyền kiểm soát thành phố Stalingrad (nay là Volgograd) ở miền Tây Nam nước Nga. Trận đánh diễn ra từ ngày 17/7/1942 đến ngày 2/2/1943, thường được đánh giá như một bước ngoặt quan trọng và bước đầu làm xoay chuyển cục diện trong chiến tranh thế giới thứ 2, thậm chí là một trong những bước ngoặt lớn nhất của nền quân sự thế giới vào thế kỷ XX.

Trong 200 ngày sinh tử của trận Stalingrad, nhiều cuộc không kích trực tiếp vào dân thường đã diễn ra. Gần 2.2 triệu người trực tiếp tham gia trận chiến, trong đó 1.8-2 triệu người bị thương, bị bắt hoặc bị giết. Stalingrad kết thúc với chiến thắng oanh liệt của quân dân Liên Xô và là thất bại toàn diện của quân xâm lược Đức.

Nội đô Stalingrad (Ảnh: Itar-Tass)

Đã có nhiều cuốn sách viết về trận chiến vĩ đại này, nhưng Stalingrad - Trận chiến định mệnh của Antony Beevor thiên về khía cạnh con người trong cuộc chiến. Cuốn sách do Trịnh Huy Ninh chuyển ngữ, mới được xuất bản tại Việt Nam.

So với các sử gia và các tác giả sách khác, Antony Beevor có lợi thế khi tiếp cận được kho tư liệu mật của Liên Xô cũ. Tác giả hóa thân thành một phóng viên chiến trường và thuật lại hành xử của con người ở cả hai phe.

Trong cuốn Stalingrad - Trận chiến định mệnh, tác giả đã khắc họa sự khốc liệt nơi chiến trường Stalingrad. Mỗi chương, mỗi phần là những miêu tả, thông tin chân thực đến rợn người: Cảnh đổ nát hoang tàn sau một trận đánh; những xác chết chất đống thối rữa; cái chết của những người lính trẻ ở cả hai chiến tuyến, những cái chết dần trong đau đớn thể xác vì đói rét, chấy rận và bệnh tật, vì tê liệt do bị đối phương tra tấn tinh thần...

Nhà thơ Tyuchev đã viết: "Nước Nga, không thể hiểu bằng lý trí". Và trận Stalingrad cũng không thể hiểu theo cách lý giải thông thường. Bởi vậy trong cuốn sách, giữa khung cảnh tàn nhẫn chiến tranh, vẫn có những câu chuyện cảm động.

Tác giả nói về nỗi nhớ quê nhà da diết của những người lính hai chiến tuyến khi đối diện với cái chết; những bức thư không giấu được nỗi tuyệt vọng đắng cay.

Bộ binh Liên Xô bám trụ trong đống đổ nát của Stalingrad (Ảnh: ww2today.com)

Cuốn sách không mô tả trận chiến như một bản hùng ca, không tập trung vào những khía cạnh bề nổi của trận chiến. Đối tượng chính trong sách không phải phe Đức Quốc xã, cũng không phải Hồng quân Liên Xô. Nhân vật chính trong sách là con người. Nội dung của sách là tái hiện bức tranh lịch sử về trận đánh vĩ đại bậc nhất với âm hưởng chủ đạo là tính nhân văn chạm tới góc sâu nhất của con người. 

Bởi vậy, trận đánh được tái hiện qua sự quan sát đống đổ nát của một người lính: “Tại nơi này, như một lời Phúc âm thường chạy qua đầu tôi: Không một hòn đá nào còn tồn tại sau tất cả. Ở đây, đó là sự thật”. 

Sự khốc liệt nơi chiến trường được viết: “Giờ đây Stalingrad trông chẳng khác gì một nắm xương đen bị cháy rụi. Thứ duy nhất còn tồn tại là chiếc đài phun nước có tượng các em bé nhảy múa xung quanh. Có vẻ đây là một kỳ tích sau khi hàng nghìn trẻ em đã bỏ mạng trong các đống đổ nát quanh thành phố này”.

Tính phi nghĩa của chiến tranh được thể hiện qua bức thư một trung úy Đức viết cho vợ: "Anh thường tự hỏi mình, tất cả việc này là vì cái gì? Loài người điên dại cả rồi sao?".

Stalingrad - Trận chiến định mệnh nhận nhiều lời khen ngợi. Tác giả Vitali Vitaliev viết trên The Guardian: "Tôi cảm thấy cứ như thể đang đọc thiên sử thi kinh điển về chiến trận Chiến tranh và Hòa bình vậy".

Tác giả Antony Beevor - sử gia quân đội, nhà văn Anh.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên Bang Nga - đánh giá tác giả Antony Beevor đã có một cách tiếp cận thông minh và độc đáo khi tái hiện Thế chiến II, một trong những sự kiện lịch sử trọng yếu quyết định nên diện mạo mới của thế kỷ XX.

"Ông đã chọn tái hiện trận Stalingrad, trận chiến có ý nghĩa chiến lược đặc biệt với ý nghĩa như một tấm bản lề khép mở hai giai đoạn của cuộc Thế chiến, thậm chí còn được xem là bước ngoặt của nền quân sự thế giới thế kỷ XX”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhận xét.

Theo Thượng tướng, điểm đặc biệt thứ hai làm nên giá trị đặc sắc của tác phẩm sử học này giữa muôn vàn tác phẩm về Thế chiến II, đó chính là góc nhìn: "Việc đặt góc nhìn từ chính người trong cuộc đã mang đến cách quan sát đa chiều đầy tính nhân văn, cảm động và vì thế hết sức sâu sắc về sự kiện lịch sử kinh điển của thế kỷ này". 

 

Đôi nét về tác giả:

Antony Beevor là sử gia, nhà văn người Anh. Ông từng phục vụ trong quân ngũ. Xuất ngũ, ông bắt đầu viết sách, chủ yếu là các tác phẩm nghiên cứu về các cuộc chiến nổi tiếng trong lịch sử hiện đại.

Ông là giáo sư thỉnh giảng các bộ môn lịch sử, văn học Hy-La cổ đại và khảo cổ học tại các trường đại học ở London, Anh. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Stalingrad - Trận chiến định mệnh và Berlin: Sự sụp đổ năm 1945. Các tác phẩm của ông đã được dịch sang 30 ngôn ngữ.

 

Xem thêm: Stalingrad: Sau máu lửa, hoang tàn và cái chết

 

Theo Zing.vn

Trạm Đọc chia sẻ

 

Tags: lịch sử