Tóm Tắt Sách: Nền Dân Trị Mỹ
Tóm Tắt Sách: Nền Dân Trị Mỹ
Cuốn sách hay nhất từng được viết về cả những điểm tốt và xấu của nền dân trị Mỹ

 

Chương 1: Bề mặt địa hình của Bắc Mỹ

 


Tóm tắt
 
Bắc Mỹ được chia thành hai vùng lớn, miền Bắc và miền Nam. Ở miền Bắc, các con sông lớn giao vào nhau và có rất nhiều hồ to. Ở nửa Nam, có hai dãy núi chạy song song, là dãy Allegheny và dãy núi Rocky. Khoảng không gian nằm giữa hai dãy núi là thung lũng sông Mississippi, với những vùng đồng bằng đất đai màu mỡ.
 
 
Người Anh-điêng hoang dã, tự chủ và dưng dưng trước sự giàu sang. Họ hiền lành và mến khách trong hòa bình nhưng tàn nhẫn trong chiến trận. Họ có "sự dũng cảm bất tận" và một "tâm hồn kiêu hãnh". Họ có vào Chúa, nhưng được gọi là "những người nguyên thủy", so với những người xây gò bí ẩn (Mound builder) đã gây dựng một nền văn minh biến mất ở thung lũng, chỉ để lại di sản không gì ngoài những gò đất vĩ đại.
 
Phân tích
 
Đây là một chương thú vị bởi vì nó giới thiệu hình ảnh minh họa về nước Mỹ trước khi nó được khai phá. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc mô tả một cách khách quan hoàn toàn, Tocqueville vang vọng định kiến và thái độ của dân châu Âu văn minh, xuất hiện trong hầu như mọi tác giả người Âu viết về nước Mỹ.
 
Dân châu Âu có thói quen mô tả những vùng đất rộng lớn như trống rỗng, coi nhẹ quyền của những dân bản xứ ở đây. Tocqueville giải thích, "Những người Anh-điêng chiếm được vùng đất đó nhưng không sở hữu đất. Chính nhờ nông nghiệp mà con người chiếm sở hữu đất đai. Thế nhưng những cư dân đầu tiên của châu Mỹ lại sống bằng săn bắn". Tocqueville đề cập rằng những bộ lạc rất can trường và để lại nhiều ấn tượng, nhưng suy cho cùng họ chỉ là "những kẻ man rợ" lang thang khắp chốn, chứ không sở hữu hay cải tạo nơi đất đai mình sinh sống.
 
Hiểu biết sai lầm căn bản và thiếu sự coi trọng những khu vực người Mỹ bản địa kéo dài đến tận thế kỉ 20. Người châu Âu chỉ biết đến sự sở hữu, các thành phố và nông nghiệp như là mối quan hệ với mẹ đất. Người Anh-điêng tôn thời đất như người mẹ linh thiêng và cố sống chan hòa với nó. Họ đã chia sẻ quá nhiều thứ với người da trắng nhưng vẫn không thể hiểu nổi tại sao người châu Âu lại muốn rào đất cho mục đích tư lợi.
 
Tocqueville sử dụng lại lý lẽ để giải thích những người Anh-điêng biến mất của thế kỉ 19 lãng mạn: rằng những kẻ man rợ cao quý này xứng đáng bị xóa dấu vết bởi vì "những định kiến cố hữu, thèm muốn không kiểm soát, những tật xấu, và có lẽ hơn hết, đạo đức hoang dã, "tất cả" góp phần sự diệt vong không thể tránh khỏi của họ." Chính tạo hóa, ông nói, đã cho phép người Anh-điêng tận hưởng nước Mỹ "cho một mùa," chờ đợi "con người văn minh" để vào thế chỗ họ.
 
Góc nhìn này có vẻ rất nhẫn tâm và mang đậm tính dân tộc nhưng là quan niệm phổ biến về người Mỹ bản địa cho tới những năm 1970. Người Anh-điêng được coi là một chướng ngại của sự phát triển, và thời của họ đã tận. Họ đã từng có cơ hội phát triển đất đai, và giờ họ phải bước sang một bên để đón nhận văn minh. Tocqueville quên chỉ ra rằng "một mùa" của người Anh-điêng trên mảnh đất với vai trò là người chăm sóc đã kéo dài tới vài nghìn năm. Ai mà dự đoán được rằng những kẻ văn minh kéo đến có thể thực sự làm cạn kiệt nguồn tài nguyên "bất tận" của thung lũng Mississippi trong vòng ít hơn 200 năm được chứ?
 
Những người đắp gò bí ẩn mà Tocqueville đề cập là những nền văn minh tiền sử xuất hiện từ 3000 TCN co tới thế kỉ 16 SCN ở thung lũng Mississippi, đã tạo ra những gò đất bí ẩn, nhưng không để lại chút tung tích nào.
 

 

Chương 2: Về điểm xuất phát và tầm quan trọng của nó với người Mỹ gốc Anh

 

 

Tóm tắt 
 
Người Mỹ gốc Anh tất thảy đều nói cùng một ngôn ngữ và sinh ra cùng nơi (nước Anh), nơi chịu rất nhiều đau thương do các cuộc đấu tranh phe cánh hàng thế kỉ. Do đó, người Anh phải phụ thuộc vào sự bảo vệ của luật pháp để đem lại tự do, giá trị họ thấu hiểu hơn bất kì quốc gia châu Âu nào. Những người đến định cư mang theo mình lý tưởng tự do trong khuôn khổ luật pháp, quyền cộng đồng, và ý tưởng quyền tối cao của nhân dân được du nhập bởi dòng họ Tudor. Chính trong cuộc các cuộc xung đột tôn giáo ở châu Âu thời kì Cải cách mà rất nhiều người Anh đã tìm cách thanh lọc đời sống đạo đức của mình bằng cách tìm một ngôi nhà mới ở nước Mỹ.
 
Người Pháp và Tây Ban Nha cũng mang theo mình những mầm mống của nền dân chủ, mà khi một người rời nước mẹ, họ cũng trở nên ngang hàng với những người di cư đến Tân Thế Giới khác. Cho dù có một số kẻ cố gắng tạo lập nền quý tộc trị trên mảnh đất Mỹ, "nhưng đất Mỹ tuyệt đối không chứa chấp giới quý tộc điền địa". Nguyên do là người ta mất rất nhiều công sức để khai hoang và cải tạo đất. Đất được chia thành các nông trang nhỏ để mình người sở hữu canh tác. Tất cả các thuộc địa của Anh dường như phát triển tầng lớp hạ và trung lưu, không phải thượng lưu. 
 
Tuy nhiên người Mỹ gốc Anh cũng có sự khác biệt lớn mà đến nay vẫn không trộn lẫn phụ thuộc vào nơi họ định cư ở phương Nam hay phương Bắc. Thuộc địa đầu tiên là ở Virginia năm 1607; động lực chính là tìm kiếm của cải, và nạn nô lệ sớm thịnh hành. Nhưng chế độ nô lệ "làm ô uế lao động con người; nó gây ra nạn lười biếng trong xã hội, và cùng với đó là tình trạng ngu dốt và tính kiêu ngạo, là sự nghèo đói và thói trưng diện." Đây là cuộc sống đặc trưng của các bang phía nam.
 
Tuy nhiên, người Anh ở phương Bắc, thuộc New England, lại mang đến nền tảng của lý thuyết xã hội giúp phát triển chính phủ Mỹ về sau này. New England tự hào bởi những người sáng lập thuộc tầng lớp dân Anh tự lực, ra đi cùng gia đình của mình để xây dựng một cuộc đời mới. "Họ dứt bỏ khỏi chăn êm đệm ấm ở tổ quốc cũ để nghe theo tiếng gọi của một nhu cầu thuần trí tuệ", chứ không phải vì sự giàu có. Những người theo Thanh giáo này không chỉ có một học thuyết tôn giáo, mà có rất nhiều ý tưởng chính trị như lý thuyết dân chủ và chủ nghĩa cộng hòa. Họ muốn cầu nguyện thiên Chúa trong sự tự do. Tocqueville trích lại từ một bản khế ước chính trị của người Thanh giáo năm 1620, ngay lập tức thông qua một điều khoản cam kết giữa tất cả những người dân di cư lên thành phố Plymouth rằng "tất cả chúng con thỏa thuận sẽ lập thành một tổ chức xã hội chính trị" với "các luật lệ bình đẳng và công bằng" vì "lợi ích chung".
 
Những khẩn địa của Anh quốc có nhiều tự do và tự chủ chính trị hơn các thuộc địa châu Âu khác. Các khẩn địa ở New England "thực hành quyền quản trị" "như thể sự trung thành duy nhất của họ là trước Chúa". Các chính phủ tự quản này dựa trên phần lớn những luật lệ trong Kinh Thánh, với các ý tưởng chính yếu là "hành động có trật tự và sống tốt đời đẹp đạo".
 
Nếu bạn nhìn vào lịch sử châu Âu cùng thời đó (1650), bạn sẽ thấy sự thắng lợi của chế độ quân chủ tuyệt đối ở mọi nơi. Trong khi đó, trong một góc hẻm của thế giới, một "nền dân chủ mờ mịt" đang bén rễ. Những người Mỹ này kết hợp hài hòa giữa đam mê tôn giáo, chính trị và phú quý. Tâm hồn con người được tự do khám phá và vì vậy, những thể chế chính trị "dường như rất mềm dẻo, có thể định hình và kết hợp một cách dễ dàng"
 
Phân tích
 
Tocqueville định nghĩa các loại chính phủ khác nhau. Quân chủ tuyệt đối, hay sự cai trị của đức vua với quyền lực đất đai tuyệt đối trong tay, là mô hình chuẩn mực ở châu Âu khi nước Mỹ được sáng lập. Cộng hòa (Latin, res publica, hay công vụ) là một chính phủ được điều hành bởi người dân, đặc biệt là thông qua các bộ luật. Dân chủ (dân làm chủ) là một loại cộng hòa, trong đó mọi người có tiếng nói bình đẳng trong chính phủ và ai ai cũng bình đẳng trước luật pháp.
 
Trong tất cả các quốc gia châu Âu, Anh quốc dường như đóng góp tích cực cho sự phát triển dân chủ ở Tân Thế Giới. Tocqueville trích dẫn đóng góp của nhà Tudor, ám chỉ vua Henry thứ 8 (1491-1547), trong việc thúc đẩy chủ nghĩa quốc gia hiện đại và chủ quyền tổ quốc bằng việc chia tách với Giáo Hoàng ở Rome và tự mình thành lập Nhà thờ Anh (English Church) năm 1534. Henry tự làm luật và quy định bên ngoài luật Công giáo, phi tập trung hóa ảnh hưởng ở Nhà Thờ trong Cuộc Cải cách Tin lành (1517-1648). Những đặc điểm của đạo Tin Lành khi đề cao lương tâm cá nhân lên trên uy quyền là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của nền dân chủ hiện đại.
 
Tocqueville sau đó chỉ ra mầm mống của nền dân chủ Mỹ khởi phát phần lớn từ những định cư theo Thanh giáo ở New England. Những ý tưởng về chính phủ tự trị của họ được mang theo từ Anh và áp dụng ở Tân Thế Giới. Họ là những tầng lớp trung lưu, và thậm chí khi một số ngươi định cư cố thành lập một nền quý tộc mới, một việc xảy ra thường xuyên ở phương Nam, thì nó đã không hoạt động được. Tocqueville cho rằng, chế độ quý tộc sinh ra khi những đại gia đình sở hữu rất nhiều đất và truyền lại cho con cháu. Nước Mỹ lại là nơi có những đồn điền nhỏ và mỗi cá nhân phải tự cải tạo đất đai của mình.
 
Cùng lúc đó, động lực kiếm tiền phổ biến ở các khẩn địa phía Nam lại chỉ là mục đích phụ với người phương Bắc. Những người theo Thanh giáo thực hiện những nguyên tắc tự do tín ngưỡng. Ý tưởng dân chủ thấm nhuần trong giáo lý là chiếc chìa khóa của một chính phủ Mỹ lý tưởng.
 
Tocqueville thảo luận những điểm lợi và hại của các dạng dân chủ kiểu Thanh giáo, sau này trở thành nền tảng của chế độ dân chủ Mỹ. Những người định cư tập trung vào đạo đức, nhưng không may thay họ lại thiếu mất nguyên tắc khoan dung tôn giáo, do họ thường hành quyết liên tiếp những người theo giáo phái khác. Họ viết lên "những bộ luật tuyệt diệu và chèn ép" được bỏ phiếu một cách dân chủ bởi cả cộng đồng. Người ta có thể nghĩ về những người theo Thanh giáo ở Boston trong cuốn sách Chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne, nơi nền dân chủ của đa số biến thành kẻ chuyên chế với thiểu số thông qua sự đàn áp tôn giáo.
 
Mặt khác, những nguyên tắc hiến pháp vĩ đại hiện tại đều được vẽ nên từ các xã hội tại New England, ví dụ, sự tham gia của người dân trong công vụ; bỏ phiếu thuế má và các vị trí cơ quan nhà nước; và xét xử bởi bồi thẩm đoàn. Những khẩn địa này được tự xây dựng quân đội với các tướng lĩnh của riêng họ (nguyên mẫu của vệ binh quốc gia).
 
Nói tóm lại, những người New England đã phát triển mô hình chính phủ tự điều hành, trong đó các công xã là hạt nhân của các quyền lợi tập thể, trách nhiệm chung chia, thảo luận công cộng và quá trình ra quyết định. Ở đó có những con người sáng dạ và được giáo dục tốt cùng quản trị và viết nên những bộ luật với nhiều kiến thức lý thuyết tiến bộ. Các công xã làm đường và ghi chép sổ sách. Họ cũng áp đặt giáo dục công bắt buộc, nuôi dưỡng sự tự do dân sự.
 

 

Chương 3: Trạng thái xã hội của người Mỹ gốc Anh

 


Tóm tắt
 
Người Mỹ gốc Anh ở phương Bắc (New England) có bản tính dân chủ ngay từ đầu. Giới quy tộc duy nhất ở đó là giới có đầu óc. Tuy nhiên, ở phía Nam, những người sở hữu đất, thông qua lao động nô lệ, phát triển một xã hội bất công hơn, mặc dù không quá giống kiểu quý tộc châu Âu, mà chỉ mang tính nhất thời. Những người chủ đất không có những lao động tá điền và chế độ bảo trợ.
 
Tocqueville cho rằng luật thừa kế không chỉ là một luật dân sự; nó có hậu quả về mặt chính trị. Nó có thể nhanh chóng sản sinh ra chế độ quý tộc bằng cách tập trung tài sản vào bàn tay một vài người, hoặc nó cũng có thể phân phối và chia tài sản đều giữa những người con trong gia đình.
 
Nếu đất được chia đều, khi mỗi người chủ đất chết đi đều có một "cuộc cách mạng nhà đất". Những phần chia trở nên nhỏ hơn, và những gia tài kếch xù sẽ bị tiêu tan. Tuy nhiên, chế độ quyền con trưởng, trong đó bất động sản chỉ được truyền lại cho người con cả, lại thúc đẩy cảm giác dòng tộc trên mảnh đất bởi vì cơ ngơi vẫn được duy trì. Luật phân chia đều sẽ có tác động lớn lên những giới tích trữ đất đai. Ở Pháp, quá trình phá hủy những khối bất động sản đang diễn ra, và Tocqueville trong vào Hoa Kì để xem lại xu hướng này sẽ đi tới đâu.
 
Chỉ sau 60 năm dưới quản lý của chính phủ Mỹ, những mảnh đất lớn đã bị chia nhỏ do luật thừa kế và người dân thì phải tự đi học việc để trang trải cho cuộc sống. Địa vị nối dõi bị phá bỏ. Trong nước Mỹ vẫn có của cải, nhưng "nó luân chuyển với tốc độ chóng mặt". Tài sản không được truyền sang các thế hệ khác thông qua quyền con trưởng. Những khu định cư ở miền Tây là nơi có nền dân chủ đạt tới giới hạn cao nhất khi mọi thứ phải bắt đầu từ tay trắng và chưa có xã hội nào.
 
Ở Mỹ, tất nhiên cũng có những người ngu dốt nhưng may mắn thay lại cũng tồn tại những người có học. Mọi người đều có thể trải nghiệm giáo dục, nhưng rất ít người chỉ chuyên làm việc trong ngành tri thức. Tương tự thế, có rất ít người Mỹ siêu giàu; tất cả đều phải làm việc để kiếm tiền. Không có giới quý tộc để viện trợ cho những thu vui chữ nghĩa tao nhã; ở Mỹ "ta bắt gặp vô thiên lủng các cá nhân có cùng một khối lượng khái niệm gần ngang nhau về tôn giáo, lịch sử, khoa học, kinh tế chính trị, luật pháp và chính quyền." Tuy nhiên, nước Mỹ lại bình đẳng hơn nhiều quốc gia khác.
 
Bình đẳng phải được chính trị hóa, từ những động lực cả tốt lẫn sau trong trái tim con người. Họ ước trở nên tiến bộ hơn và thành công hơn. Họ cũng có một nhu cầu xấu xa khác là kéo những người khác xuống một chuẩn mực thấp hơn, để khiến cuộc chơi công bằng. Vì vậy, tự do không phải là động lực chính của người Mỹ; "bình đẳng mới là thần tượng của họ"
 
Trong trạng thái bình đẳng khi không một ai có thể bảo vệ sự độc lập của anh ta, mọi người phải hợp sức cùng nhau để bảo vệ quyền tự do. Rất ít quốc gia từng thành công trong nỗ lực này, nhưng người Mỹ đã trốn thoát khỏi sự chuyên chế thông qua "các giá trị đạo đức của họ để thiết lập và duy trì quyền lực tối thượng của người dân"
 
Phân tích
 
Tocqueville đang cố đánh giá nền dân chủ một cách khách quan để hiểu tiến trình dân chủ của quốc gia ông sẽ diễn ra như thế nào. Mặc dù người Mỹ theo Thanh giáo ở phía Bắc mang theo mình các nguyên tắc dân chủ, và người phía Nam dường như là những quý tộc tiềm năng, chỉ trong một vài thế hệ, xu hướng san phẳng đã trở thành chủ đạo trong tất cả xã hội Mỹ do luật thừa kế.
 
Bằng cách không cho những khối đất động sản khổng lồ tiếp tục nằm trong tay một vài người thông qua chế độ quyền con trưởng như truyền thống châu Âu, nơi chỉ những người con trai cả mới được thừa kế và duy trì gia tài dòng họ, người Mỹ đã cho phép sự chia đều quyền thừa kế giữa tất cả những người con. Vì vậy, đất đai được chia nhỏ sau khi họ chết, và tất cả con cháu đều buộc phải tự mình làm việc để nuôi sống bản thân.
 
Vốn là một quý tộc tận hưởng đặc quyền, đặc lợi nhờ giai cấp của mình, và bây giờ chứng kiến những cơ ngơi và dòng họ Pháp tan vỡ, Tocqueville có cảm thấy hơi sốc khi nhìn vào những kết quả của bình đẳng ở nước Mỹ. Ít nhất thì họ cũng không có xuất sắc trong mảng nhân văn, ông viết. Người Mỹ không dốt, nhưng cũng không có thú theo đuổi học hành hay nghệ thuật đến nơi đến chốn bởi vì tất cả đều phải kiếm sống. Hầu hết không nghèo, nhưng cũng lại không có các gia đình siêu giàu hay đại gia đất để làm tạo ra giới lãnh đạo.
 
Hiệu ứng cào bằng tất cả có những tác động tích cực cũng như tiêu cực. Ai cũng muốn có cơ hội hợp pháp và tự nhiên để tiến bộ. Nhưng cũng có ham muốn vị kỉ để kéo sức mạnh của người khác xuống mẫu số chung nhỏ nhất. Làm mọi người cùng nhỏ bé và yếu ớt như nhau cũng rất nguy hiểm về mặt chính trị khi có thể dẫn cả xã hội đến nguy cơ chuyên chế đám đông. Tuy nhiên, người Mỹ, nhờ phẩm chất đạo đức và mối quan tâm của mình đến chính trị, đã tìm được đường thoát khỏi khó khăn này, để thiết lập quyền tối thượng của người dân.
 

 

Chương 4: Về nguyên lý nhân dân tối thượng ở nước Mỹ

 

 

Tóm tắt
 
Trong hầu hết các quốc gia, ý chí của người dân sẽ bị lợi dụng bởi những kẻ chuyên quyền hoặc bị cất kín. Ở Mỹ, quyền tối thượng của người dân được thừa nhận và quy định bởi luật. Trong những ngày còn làm thuộc địa, nguyên tắc này chi phối một cách bí mật ở các chính phủ địa phương. Một khi cuộc cách mạng Mỹ nổ ra, nó được luật hóa, bỏ phiếu công bằng cả bởi những người bị đụng chạm quyền lợi nhiều nhất. Trái khoáy thay, bang Maryland, nơi mà tầng lớp quý tộc bám rễ nhiều nhất, lại là nơi đầu tiên áp dụng phổ thông đầu phiếu.
 
Tocqueville ghi lại rằng một khi quyền bầu cử được mở rộng, nó cần phải bao phủ nhiều hơn tới những người đang đòi hỏi quyền lợi, "bởi vì sau mỗi lần thỏa hiệp thì sức mạnh của dân chủ lại tăng lên". Nguyên tắc nhân dân làm chủ có thể đã từng được thực thi tại Athens, nơi mà các điều luật được tạo ra bởi người dân, hoặc bởi chính phủ đại diện được chọn qua bầu cử toàn quốc, như ở nước Mỹ. Trong nước Mỹ., "xã hội tự quản trị mình vì lợi ích của mình". Quyền lực nằm trong tay tất cả.
 
Phân tích
 
Tocqueville cương quyết, "Người dân nắm quyền trong thế giới chính trị Mỹ giống như vị thần cai quản vũ trụ". Phép so sánh này diễn đạt chính xác sự tôn thờ và ngưỡng mộ gần như mang tính tôn giáo về ý tưởng một chính phủ "của dân, do dân, và vì dân" như Lincoln diễn đạt. Người Mỹ chấp nhận nguyên tắc tối thượng này như một điều kiện tự nhiên, bởi vì như Tocqueville đã đề cập, ngay cái lúc mà một số quyền đã được cấp cho một số người, những người khác dần dần sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn. Điều này đã được kiểm chứng trong lịch sử Mỹ khi các nhóm dần dần được nguyên tắc nhân dân làm chủ bảo vệ như: nô bộc, các nhóm sắc tộc, và phụ nữ. Dân chủ tự nuôi nấng chính mình.
 
Các sự kiện đương đại trong thế giới dường như minh chứng thêm các quan sát của Tocqueville cách đây 176 năm. Ngày càng nhiều các quốc gia thèm khát quyền làm chủ của người dân và sẵn sàng biểu tình, thậm chí là hi sinh để có được những quyền đó. Như ông lường trước, dân chủ là một hiện tượng lây lan và không thể bị dừng lại. Đó là lý do ông muốn khám phá ra nguyên lý của nó để kiềm chế làn sóng này không gây ra sự hỗn loạn.
 

 

Chương 5: Cần thiết phải nghiên cứu những gì đã xảy ra ở các bang riêng rẽ trước khi nói đến chính quyền liên bang.

 


Tóm tắt
 
Hiến Pháp nước Mỹ có hai cấp độ quản trị đặc trưng, gần như tách bạch và độc lập: chính quyền bang, hình thành trước, và chính quyền liên bang, hình thành sau. Chính quyền bang là quy tắc, chính quyền liên bang là ngoại lệ.
 
Tocqueville cho rằng, công xã là hình thức liên kết mang tính tự nhiên tới mức nó "dường như được thoát thân từ chính bàn tay của Chúa". Các công xã được thành lập ở địa phương bởi những người dân, "tự sản xuất'. "Sức mạnh của các dân tộc tự do nằm ngay trong lòng các công xã"
 
Ông đặc biệt nghiên cứu công xã ở New England, nơi người dân là cội nguồn của quyền lực, và theo dân chủ trực tiếp, chứ không phải đại diện. Nó rất khác với hệ thống của Pháp, nơi có một thị trưởng nắm quyền trong công xã. Ở Mỹ, quyền hành pháp được đặt vào tay những người được bầu chọn, thi hành mệnh lệnh của người dân. Có rất nhiều các quan chức địa phương nên quyền lực được chia sẻ. Mỗi cá nhân đề có tiếng nói và cơ hội ngang nhau để tham gia.
 
Các cá nhân chấp nhận kiểu chính phủ này không phải bởi cảm giác thấp hèn, mà muốn phối hợp với người khác để đảm bảo tự do của họ. Họ chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa và là những người phán quyết lợi ích tốt nhất cho mình. Xã hội chỉ có thể ngăn cản họ nếu họ đe dọa đến lợi ích của chung.
 
Công xã là mối quan hệ của một cá nhân đến chính quyền trung ương. Nó không lấy quyền lực từ đó mà từ bỏ một phần quyền lực cho chính quyền để đổi lấy sự bảo vệ và những công việc hành pháp cần thiết. Bang không có quyền can thiệp vào những chuyện nội bộ của chính quyền địa phương. Các công xã New England tạo ra tinh thần vì cộng đồng lớn lao trong trái tim người dân bởi vì quyền lực được phân bổ, cho nên ai ai cũng có lợi ích cá nhân trong đó.
 
Có hai cách để tạo ra trật tự: giới hạn quyền lực của xã hội hoặc phân bổ quyền lực đều cho mọi người. Chia đều quyền lực có thể tạo ra tình trạng vô chính phủ ở một vài nơi, nhưng ở Mỹ lại không như vậy nhờ việc đề cao luật lệ và trật tự. Mỹ là vùng đất của luật, nhưng luật lại nằm trong tay rất nhiều người để thực thi nó. Không có gì mang tính phân cấp hay tập trung trong hiến pháp Mỹ.
 
Ở Mỹ cũng có sự phân chia quyền lực: hành pháp, lập pháp và tư pháp. Những quyền lực này cần được cân bằng, mỗi cột trụ kiểm soát lẫn nhau.
 
Bạn càng đi về phía Nam đất nước, ảnh hưởng của công xã càng giảm, và quyền lực của quận và thẩm phán ngày càng tăng lên. Tuy nhiên cả công xã lẫn quận đều hoạt động dựa trên nguyên tắc quyền tối thượng của người dân; họ tự chăm lo quyền lợi của mình. Ở mọi nơi, chức năng hành pháp được kiểm tra bởi bộ máy tư pháp.
 
Mỗi chính phủ bang có một Thượng viện, cơ quan lập pháp với một số chức năng hành pháp và tư pháp; và một Hạ Viện, cơ quan lập pháp không có nhiệm vụ hành pháp và có quyền lực tư pháp rất nhỏ. Những thống đốc bang được bầu cử đại diện cho sức mạnh hành pháp của bang, có quyền phủ quyết luật và là người điều hành quân đội.
 
Ở nước Mỹ, không có chuyện chính phủ Trung ương quản lý mọi thứ như ở châu Âu; quyền lực cấp địa phương và cấp bang quan trọng hơn nhiều quyền lực cấp quốc gia. Không có quan đội thường trực lớn nào đe dọa các công dân.
 
Phân tích
 
Tocqueville vào thời ông ngưỡng mộ nước Mỹ nhất vì chính phủ địa phương ở cấp công xã và cấp bang, nơi các nguyên tắc dân chủ lần đầu tiên được phát triển và thực hành mạnh mẽ nhất bởi bản thân người dân. Ông nghĩ Mỹ cực kì phi tập trung và cho rằng đó là thứ thức đẩy sự tham gia của nhân dân vào công việc chính trị.
 
Chính phủ Mỹ đã thay đổi đáng kể từ dịp ông quan sát nó. Chính phủ liên bang hiện nay có nhiều quyền lực hơn, và quân đội Mỹ đã trở nên mạnh mẽ nhất trong thế giới. Cuộc tranh luận giữa các quyền của bang và chính phủ liên bang ngày càng gay gắt sau lần thăm của Tocqueville, về vấn đề nô lệ, cuối cùng cũng dẫn tới cuộc Nội Chiến.
 
Ông chỉ ra những kết quả tốt của phương pháp công xã, và sau đó tiếp tục bàn về cấu trúc của chính phủ bang. Không giống như hệ thống châu Âu, nơi có một viện dành cho giới quý tộc và một viện được bầu dân chủ, nước Mỹ chia nhánh lập pháp thành hai viện nhằm mục đích kiểm soát các bè phái chính trị. Ông thảo luận nguyên tắc kiểm soát và cân bằng trong chính phủ Mỹ, cho thấy cách các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp giữ trật tự bằng cách trông chừng lẫn nhau. Quyền lực vừa được chia sẻ vừa được phân chia, để có tránh được sự chuyên chế.
 
Ông dành nhiều thời gian để thảo luận nguyên tắc tập trung hóa chính phủ và liệu nó tốt hay xấu. Có hai kiểu tập trung hóa - tập trung hóa luật pháp khi các điều luật được áp dụng cho tất cả mọi người, và tập trung hóa hành chính khi chính phủ có sức mạnh cưỡng chế và tụ tập ở một nơi. Khi hai loại này nằm cùng nhau như dưới thời Vua Louis 16 của Pháp, bất công sẽ diễn ra.
 
Tập trung hóa hành chính tạo ra trật tự có thể ngăn cản sự tiến bộ. Phi tập trung hóa quá mức, mặt khác, lại tạo ra sự tắc trách, như tác giả đã để ý thấy ở nước Mỹ với các vấn đề không được sự quan tâm đúng mực của nhà nước. Tuy nhiên, kể cả thế, "Không có quốc gia nào trên thế giới mà các công dân lại nỗ lực vì lợi ích chung" như cho giáo dục, tín ngưỡng, và duy trì đường xá như ở Mỹ. Nếu quyền lực ở nước Mỹ "có gì đó hoang dã" ít nhất thì nó cũng "mạnh mẽ". Sự tham gia của người dân địa phương khiến nền dân trị luôn sống động, và theo ông thì điều đó còn quan trọng hơn sự hiệu quả.
 
Khi Tocqueville quan sát hệ thống nước Mỹ, nó vẫn còn khá yếu trong nhánh hành pháp, một vấn đề sẽ thay đổi lớn lao, bởi vì sức mạnh hành pháp của chính phủ tiếp tục lớn mạnh, đặc biệt trong thời kì chiến tranh, loạn lạc, và trở thành nhánh mạnh nhất trong thế kỉ 20. Tuy nhiên, năm 1835, tác giả cảm thấy rằng sự bảo vệ nước Mỹ khỏi vấn nạn chuyên chế đã đặt nền móng cho các thể chể của nó, cho các nhánh kiểm soát và cân bằng, và cho sức mạnh hành pháp phi tập trung của nó.
 

 

Chương 6: Về quyền tư pháp ở Hoa Kỳ và tác động của nó đến đời sống chính trị của xã hội.

 


Tóm tắt
 
Mặc dù Tocqueville đã chứng kiến các nền cộng hòa khác, ông chưa bao giờ trông thấy một hệ thống tư pháp như ở nước Mỹ. Ông phát hiện rằng trong hầu hết các quốc gia nhánh tư pháp có vai trò rất bị động. Các thẩm phán chỉ đơn giản quyết định các trường hợp mang đến cho họ dựa theo đạo luật. Tuy nhiên, ở Mỹ, các pháp qua có quyền lực chính trị to lớn trong đó họ ra quyết định dựa trên Hiến Pháp hơn là theo luật định. Họ có thể tuyên bố các điều luật là vi hiến.
 
Ở Pháp, hiến pháp làm ra không để thay đổi và ở Anh, nó có thể được điều chỉnh bởi Nghị viện. Tuy nhiên, ở Mỹ Hiến Pháp là "công trình đứng riêng, trong đó nó đại diện cho ý chỉ của toàn thể người dân, có sức áp chế lên các nhà lập pháp không khác gì các công dân". Nó là nguồn gốc của mọi uy quyền.
 
Vì vậy các quan tòa có quyền lực giải thích Hiến pháp. Nó là luật của mọi luật và được mọi luật khác tham chiếu. Nếu một thẩm phán thấy một luật vi hiến, ông ta có thể tự chối phê chuẩn nó như một điều luật, vì vậy "rất ít luật có thể thoát khỏi sự phân tích phê phán ngay từ bản chất, bởi vì hiếm có bộ luật nào lại không đụng chạm đến một lợi ích riêng và những người khiếu kiện không thể hoặc không được viện dẫn ra trước các phiên tòa".
 
Tocqueville thấy rằng phương pháp kiểm tra luật này của người Mỹ, bằng việc mang các vụ kiện riêng tư ra trước tòa, thay vì đấu đá chính trị giữa các đảng, "là có lợi nhất cho sự tự do và trật tự công cộng". Trong một đất nước tự do như Mỹ, không ai đứng trên luật pháp, bao gồm cả các quan chức được bầu.
 

 

Chương 7: Việc phán xử chính trị ở Hoa Kỳ

 

 

Tóm tắt
 
Phán xử chính trị nghĩa là quyết định được tuyên bố bởi một tổ chức chính trị tạm thời được trao quyền phán xử. Ở Mỹ, Hạ viện có thể buộc tội và Thượng viện có thể trừng phạt các quan chức phạm tội. Tuy nhiên, những vụ xét xử chính trị như thế có thể khiến các quan mất ghế, trong khi ở châu Âu tòa án chính trị có thể áp dụng luật hình sự. Chỉ một bồi thẩm đoàn dân sự ở Mỹ có thể trừng phạt quan chức sau khi đã bị bãi nhiệm.
 
Phân tích
 
Tòa án chính trị ở châu Âu mang tính răn đe với hình phạt nghiêm khắc hơn, và nó vi phạm ý tưởng phân chia quyền lực bằng cách để nhánh lập pháp có quyền phán xử và trừng phạt kẻ phạm tội. Hệ thống Mỹ bảo tồn sự chia rẽ quyền lực, bởi vì lập pháp chỉ có thể cắt chức một ai đó chứ không thể trừng phạt họ. Hình phạt cho người giữ chức vụ nhà nước có thể không nặng, nhưng chính sự nhẹ nhàng trong hệ thống Mỹ mới đảm bảo công lý, bởi vì cắt chức là biện pháp trừng phạt bởi ý kiến số động, một dạng truất quyền. Vì vậy nó tạo nên "ảnh hưởng ôn hòa và thường xuyên". Kiểu xét xử bằng ý kiến công chúng này là dạng phán xử chính trị tạo nên "thứ vũ khí đáng sợ nhất từng được đặt trong tay số đông".
 

 

Chương 8: Về hiến pháp liên bang Hoa Kỳ

 


Tóm tắt
 
Chương dài này, dưới các đề mục nhỏ tiếp đây, bàn về cách chủ quyền quốc gia được trao quyền cho các chính phủ liên bang, cơ quan có quyền lực cao nhất.
 
Lịch trình hình thành hiến pháp liên bang:
 
Ngay từ ban đầu, có hai xung lực nhắm đến các chính phủ ở các thuộc địa: một hướng tới lợi ích địa phương của nơi đó (công xã, bang) và một hướng tới sự thống nhất của tất cả các lợi ích chống lại những kẻ thù chung (liên bang). Một khi Cuộc chiến Cách Mạng kết thúc, liên hiệp ban đầu kết thúc với một bản hiến pháp gần như vô dụng. Tocqueville ca ngợi quốc gia mới vì đã bỏ đi hiến pháp quốc gia đầu tiên của mình để tự xem xét lại đất nước và quyền lực liên bang trong 2 năm. Hội nghị hiến pháp, được George Washington chủ trì, "chứa đựng những đầu óc tinh tú và nhân cách cao quý nhất từng được xuất hiện ở Tân Thế Giới". Những nhà lãnh đạo này đã viết nên một bản hiến pháp mới, dựng lên chính phủ liên bang năm 1789, và đến giờ vẫn đang hoạt động.
 
Tóm tắt sơ qua bản hiến pháp liên bang Hoa Kỳ
 
Vấn đề đầu tiên là cân bằng giữa chủ quyền liên bang và chủ quyền của các bang. Liên bang được định nghĩa rất cẩn thận, và những gì ghi không được làm được dành lại cho các bang. Các bang là luật chung, chính phủ liên bang mang tính chất ngoại lệ. Tòa án tối cao liên bang có nhiệm vụ duy trì sự cân bằng quyền lựa giữa 2 bên.
 
Quyền hạn của chính phủ liên bang
 
Chính phủ liên bang có thể tuyên bố chiến tranh, ngừng chiến, quản lý hệ thống tiền tệ, thư từ, đường xá quốc gia, có thể thu thuế, và có thể tiếm quyền chính phủ bang trong những trường hợp mà sự liên hiệp bị đe dọa
 
Quyền lập pháp của chính phủ liên bang
 
Có sự thỏa hiệp giữa hai viện lập pháp, được lập trên các nguyên tắc khác nhau. Có hai ý tưởng về liên bang để khởi đầu. Một số muốn thấy liên đoàn các bang độc lập sẽ gặp nhau như trong quốc hội. Một nhóm khác muốn thấy một quốc gia được thành lập.
 
Trong kế hoạch đầu tiên, đa số các bang, chứ không phải đa số dân chúng sẽ tiến hành làm luật như kế hoạch số hai. Thượng viện trở thành cơ quan mà mỗi bang có quyền ngang nhau với hai nghị sĩ. Hạ viện là cơ quan có số đại biểu tỉ lệ với số dân của mỗi bang. Điều này dẫn đến một nghịch lý là thiểu số trong Thượng viện có thể chống lại đa số trong Nghị viện, tuy nhiên Tocqueville cho rằng sẽ có quá nhiều quyền lực trong ý chí của người dân mà quyền lực của đại đa số người dân trong Hạ Viện sẽ không thể bị ngăn chặn mãi. Cuối cùng, mục đích của Hiến Pháp Liên Bang không phải là phá bỏ quyền lực của các bang, mà là kìm hãm nó.
 
Về quyền hành pháp
 
Hiến Pháp cố gắng tạo ra quyền lực hành pháp phụ thuộc vào đại đa số nhưng chỉ đủ mạnh để hoạt động trong giới hạn của mình. Tổng thống được bầu nhưng không hoàn toàn độc lập. Ví dụ, Nghị viện giám sát mối quan hệ của ông với các nước ngoài và các quan chức mà ông chỉ định. Nghị viện có thể ngăn chặn một vài hành động của ông, nhưng không thể khiến ông làm theo ý họ. Luôn luôn có sự đấu tranh giữa Tổng thống và Ngành Lập Pháp, nhưng ngài Tổng thống có quyền phủ quyết treo.
 
Vị trí Tổng thống của Hoa Kỳ khác như thế nào với vị trí ông vua lập hiến ở nước Pháp?
 
Tổng thống chỉ đơn thuần là người thực thi pháp luật, trong khi Vua Pháp là một phần của nhánh lập pháp. Nhánh hành pháp ở Mỹ bị giới hạn hơn ở Pháp: "Người Mỹ có một chính phủ liên bang và người Pháp có một chính phủ quốc gia".
 
Chủ quyền được định nghĩa là quyền làm ra luật, và ông vua có một phần chủ quyền đó bởi vì các bộ luật sẽ vô giá trị nếu ông ta không phê chuẩn chúng. Tổng thống là bầu bốn năm, trong khi ngôi vua được trả truyền con nối. Ông vua cũng đứng trên pháp luật, trong khi Tổng thống thì không. Tổng thống luôn phải chịu "sự giám sát ghen tị".
 
Tổng thống có quyền lực lớn trong mối quan hệ ngoại giao và chỉ huy quân đội, nhưng quân đội nước Mỹ lúc đó rất yếu và còn bị chia cắt với phần còn lại của thế giới bởi đại dương. Ở Pháp, một ông vua không thể cai trị mà không có sự ủng hộ của ngành lập pháp, nhưng Tổng thống Mỹ vẫn có thể điều hành được công việc kể cả khi ông không nhận được đa số trong quốc hội. Tuy nhiên, ý kiến công luận nắm quyền trong cả hai quốc gia, như ở Pháp, sẽ có các cuộc cách mạng nếu người dân cảm thấy bất mãn.
 
Về việc bầu Tổng thống
 
Một hệ thống bầu cử sẽ nguy hiểm nếu nhánh hành pháp quá quyền lực, bởi vì nó sẽ dụ dỗ những kẻ tham vọng chạy vào ghế nóng. May mắn thay, vị trí Tổng thống mang tính "tạm thời, bị giới hạn, và không đứng trên tất cả". Trong một nền quân chủ, vị Vua luôn luôn cai trị chính phủ, nhưng ở Mỹ chính phủ dừng hoạt động gần thời gian bầu cử khi tất cả sự chú ý tập trung vào việc bầu cử. Do đó nó gây ra sự bất ổn trong chính phủ. Mỗi cuộc bầu cử Mỹ giống như một cuộc cách mạng; tuy nhiên, "sự bầu cử Tổng thống là nguyên nhân của khuấy trộn, nhưng không phải sự đổ vỡ".
 
Tổng thống được chính thức lựa chọn gián tiếp thông qua các đại diện của Cử Tri Đoàn từ mỗi bang bỏ phiếu như một bồi thẩm đoàn vào cùng một ngày. Có cả bầu cử phổ thông, và hai phương pháp này cùng nhau đảm bảo rằng đa số sẽ đưa ra lựa chọn của mình đúng lúc. Các cuộc bầu cử là thời gian của đam mê và phấn khích mãnh liệt. Việc cho phép các Tổng thống tái nhiệm có thể tạo ra sự tham nhũng, bởi vì Tổng thống là "một công cụ dễ dàng trong tay của đám đông," có gắng làm hài lòng dân chúng thay vì là một chính trị gia thực thụ.
 
Về các tòa án liên bang
 
Các tòa án là một sức mạnh lớn lao ở Mỹ. Liên bang phải được bảo đảm các bộ luật. Một cách mà đất nước làm điều này là thông qua sức mạnh cơ bắp; một cách khác là dùng sức mạnh đạo đức. Mục đích lớn nhất của công lý là không thể để quyền lực thuộc về kẻ mạnh. Các tòa án bang không phù hợp cho việc bảo đảm các luật liên bang dó sự mâu thuẫn lợi ích.
 
Tòa án tối cao được tạo ra để quyết định các vấn đề quốc gia, với các thẩm phán được bổ nhiệm bởi Tổng thống và chấp thuận bởi Thượng viện. Họ được bổ nhiệm trọn đời để giúp họ có thể trở nên độc lập. Tòa án tối cao là một gọng kìm với quyền hành của các bang, nhưng thường không can thiệp vào công việc của bang trừ khi nó ảnh hưởng tới cả đất nước.
 
Tòa án tối cao xét xử những vụ việc có liên quan đến các đại sư, hai bang mâu thuẫn với nhau, chuyện hàng hải, các câu hỏi về hiến pháp, vấn đề luật liên bang, và luật bang vi phạm quyền công dân. Phần lớn tòa án tối cao lắng nghe các vụ việc của các cá nhân hơn là của các bang để tránh những mâu thuẫn về chủ quyền chính trị.
 
Tòa án tối cao là sức mạnh tư pháp có tính áp chế nhất, cao nhất ở đất nước, có thể xét xử mọi trường hợp, và do đó có quyền lực chính trị lớn, bởi vì nó có thể ngăn chặn các quyền lực bang. Không có bảy (sau này là chín) Thẩm phán tòa án tối cao, "Hiến pháp sẽ là những chữ chết". Miễn là mọi người tôn trọng luật, "Sức mạnh của họ sẽ rất lớn, nhưng là sức mạnh của ý chí người dân". Một thẩm phấn tòa án tối cao phải là một chính khách liêm chính.
 
Hiến pháp liên bang đứng cao hơn hiến pháp của các bang ở chỗ nào?
 
Hiến pháp liên bang đứng cao hơn hiến pháp của các bang khi xây dựng luật bởi vì các nhà lập pháp liên bang đã làm cho nó có vị trí cao. Những tác giả của Hiến pháp liên bang sống trong thời kì hỗn loạn khi luôn có sự đấu tranh giành quyền lực tối thượng. Họ là những con người rất mực yêu nước, được lựa chọn vì phẩm giá của họ hơn là sự nổi tiếng. Họ "có một cái nhìn bình tĩnh và sâu sắc hơn lên quốc gia của mình" và quyết định rằng nõi sợ lớn nhất là sự lạm dụng tự do. Họ yêu tự do và vì vậy tạo ra những giới hạn trong hiến pháp thông qua sự cân bằng quyền lực, thứ có thể có (hoặc không) hiện diện trong các bản hiến pháp bang. Tóm lại, "Hành xử của chính quyền liên bang công bằng và ôn hòa hơn của các bang; nó có sự khôn ngoan và cẩn trọng hơn"
 
Phân tích 
 
Có một vài tiểu mục trong chương này, hầu hết cung cấp những bình luận của Tocqueville về Hiến Pháp Mỹ. Ông so sánh và đối chiếu giữa hệ thống liên bang Mỹ với các đất nước khác, như Thụy Sỹ và Hà Lan, thấy rằng hệ thống của nước Mỹ mạnh mẽ hơn.
 
Các liên bang khác có quyền lực rất yếu, nhưng Hiến pháp Mỹ đã độc đáo tạo ra cấu trúc quan trị nằm giữa chính phủ quốc gia và liên bang; nghĩa là nước Mỹ thực sự giống như một chính phủ quốc gia hơn là sự tập hợp lỏng lẻo giữa các bang.
 
Chính phủ liên bang của Mỹ khác biệt ở chỗ đối tượng quản trị của nó là các công dân chứ không phải các bang. Người Mỹ vì vậy là công dân vừa của bang vừa của đất nước. Đây là "một sự khám phá vĩ đại trong khoa học chính trị hiện đại". Nó là một kiểu liên hiệp mới. Tocqueville thấy hệ thống chính phủ liên bang Mỹ vừa bảo được lợi ích của một quốc gia nhỏ, thúc đẩy tốt nhất tự do và dân chủ, vừa có lợi ích của một quốc gia lớn, đem lại sự thịnh vượng, cơ hội, và những đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Trong một chính phủ quốc gia lớn, các bộ luật quá thống nhất ngăn cản sự tiến bộ, nhưng một liên bang lại có lợi thế của cả sự đồng nhất và đa dạng, của quốc gia lớn và nhỏ đồng thời. Sự phân chia chủ quyền giữa bang và liên bang cũng mang lại sự bảo đảm cho tự do.
 
Mặc dù ông coi hệ thống hiến pháp Mỹ là mô hình hoàn hảo nhất từng tồn tại, nó sẽ không hoạt động được ở mọi nơi. Ví dụ, Mexico đã cố sử dụng mô hình liên bang Mỹ và không thể thành công. Hệ thống Mỹ rất phức tạp với hai hệ thống quyền tối cao, bang và liên bang. Sự thành công phụ thuộc nhiều hiều việc giáo dục các công dân tự quản trị, bởi vì ranh giới giữa nhà nước và liên bang trên lý thuyết rất khó phân biệt, mặc dù Tocqueville thấy thậm chí những người dân Mỹ bình thường nhất cũng dường như hiểu sự phân chia này thật sự.
 
Tuy nhiên, Tocqueville thấy một điểm yếu của hệ thống Mỹ đó là vấn đề chính trị tiềm tàng của quyền tối cao kép, bởi vì nếu luật liên bang mâu thuẫn với luật bang, nội chiến có thể sẽ xảy ra. Không may thay điều này dã diễn ra trong một thời gian ngắn trong lịch sử nước Mỹ, mà qua đó quyền lực Liên bang được củng cố.
 
Những bình luận của Tocqueville về những mối nguy hiểm của quá trình bầu cử rất chính xác. Những mô tả thú vị của ông và sự sục sôi đất nước trong thời bầu cử khiến người người muốn hỏi xem ông sẽ nghĩ gì về cuộc bầu cử tốn kém, khốc liệt trên mặt trận truyền thông ngày nay. Ông coi các cuộc bầu cử như một sự sao lãng khỏi công việc quản trị, và điều này đã được kiểm chứng khi các quan chức được lựa chọn dành quá nhiều thời gian đi vận động.
 
Như đã đề cập trước đây, sức mạnh của chính phủ liên bang, quyền lực của tổng thống và ngành hành pháp, quân được, đều được mở rộng đáng kể từ thời của Tocqueville. Ông nghĩ rằng nước Mỹ thành công bởi vì nó cô lập khỏi thế giới và không phải chịu tổn hại chiến tranh hay bị nước lớn đàn áp. Thời đó, nước Mỹ chỉ chan chứa đầy hi vọng, nhưng vẫn chưa là bá chủ thế giới như ngày nay.
 

 

Phân tích biểu tượng

 


Đất nước như một đứa trẻ, một con người hay một cơ thế
 
"Cơ thể chính trị" là một ẩn dụ chính trị cổ thường được sử dụng bởi Tocqueville. Biểu tượng này được Shakespeare và các nhà văn thời Phục Hưng khác sử dụng để so sánh một đất nước với cơ thể con người với ông vua là phần đầu và thần dân là chân tay. So sánh này được sử dụng thường xuyên để miên tả nước Mỹ bởi những người như Thomas Paine trong cuốn sách cổ vũ cách mạng, nhấn mạnh rằng thuộc địa Mỹ từng là đứa trẻ của bà mẹ Anh quốc, đang lớn lên và cần sự độc lập.
 
Thomas Paine nói về phong cảnh trù phú của nước Mỹ như "ngôi nhà của một đất nước vĩ đại, nhưng vẫn chưa sinh ra". Ông tiếp tục sử dụng hình tượng này trong chương 2. Ông nói giống như cách khám phá tâm tính của một con người, nếu ai đấy muốn tìm hiểu đặc điểm của một quốc gia, họ phải quay lại thời thơ ấu. Nước Mỹ là đất nước hiện đại duy nhất mà "sự tăng trưởng tự nhiên và hiền hòa của xã hội" có thể quan sát được từ ấu thơ cho tới lúc trưởng thành. Ông muốn hiểu "tính cách dân tộc" bằng việc quan sát thời khai sinh và nguồn gốc của quốc gia đó, bao gồm cả nước mẫu quốc. Dân chủ bản thân nó là một đứa trẻ cần được giáo dục, bởi vì người ta đã bỏ đi "bản năng hoang dã của mình, và dân chủ đã lớn lên như những đứa trẻ không có sự chỉ bảo của cha mẹ, mà nhận sự nuôi dạy trên đường".
 
Nước Mỹ vì vậy là một con người tập thể. Ông cũng sử dụng ẩn dụ này với đám đông. Đa số là một con người tập thể, và giống như đức vua, đa số có thể trở thành kẻ bạo chúa. Tuy nhiên, "các quốc gia không già đi như con người" và có thể hồi xuân thông qua những thế hệ mới. Giáo dục trong đó là chìa khóa.
 
Nước Mỹ như một thiên đường hay hoang mạc
 
Tocqueville sử dụng những biểu tượng quen thuộc khác về nước Mỹ. Ví dụ Tân thế giới không thực sự "mới" hơn châu Âu, nhưng người châu Âu cảm thấy nó còn khá hoang sơ, và trong một vài trường hợp được so sánh với thiên đường, và có lúc lại là một hoang mạc. Trong chương 1, Tocqueville đề cập rằng người châu Âu đầu tiên đến Tây Ấn và Nam Mỹ, ban đầu tựa như một thiên đường nhiệt đới, nhưng chết chóc và bệnh dịch lại nằm ẩn giấu, như con rắn phá hoại vườn địa đàng với Adam và Eve. Sau đó, họ tìm thấy Bắc Mỹ, một nơi rất khác với những bờ biển dữ dội, các rừng cây, và bộ tộc bản địa. Tocqueville đi theo những quan niệm châu Âu thời bây giờ khi mô tả Nam Mỹ và Tây Ấn như thiên đường đầy khoái lạc nhưng cũng đầy chết chóc, trong khi Bắc Mỹ "dường như được tạo ra để trở thành nơi tụ tập trí tuệ, còn Nam Mỹ là mảnh đất của những vui sướng thân xác".
 
Ông mô tả thung lũng Mississippi "là nơi cư ngụ tuyệt vời nhất mà Chúa đã chuẩn bị cho con người; nhưng tuy nhiên có thể nói trong hiện tại nó không khác gì một hoang mạc hùng vĩ". Người châu Âu thường coi nước Mỹ là "một hoang mạc vĩ đại" và hình ảnh này mang theo mình rất nhiều ý niệm triết học. Ban đầu, họ nghĩ đó là nơi "bị bỏ hoang," bởi vì người bản địa ở đây không được tính đến. Họ là dân du mục chưa được thuần hóa hay không sở hữu đất đai, vì vậy nước Mỹ không thuộc về họ. Họ không phát triển một nền văn minh. Họ vì vậy là những kẻ man rợ.
 
Một nghĩa khác của "hoang mạc" là sự rộng lớn. Với những người tiên phong đi lại bằng xe ngựa trên lực địa, nước Mỹ là một mảnh đất hoang phí không có văn minh và rất khắc nghiệp. Các đồng bằng chứa đầy những bụi cỏ cao tới ngục giống như những đại dương được mở rộng. Nước Mỹ với những bờ biển "rất phù hợp cho thương mại và công nghiệp; những con sống rộng và sâu; thung lũng sông Mississippi...dường như chuẩn bị để là nhà của một đất nước vĩ đại". Nhưng nhờ cải tạo và phát triển đất đai mới biến nó thành ngôi nhà vĩnh viễn, và đó là cách duy nhất để biến nó từ một hoang mạc thành một thiên đường thực sự.
 

 

Phân tích chủ đề

 

 

Cuộc cách dân chủ trên toàn cầu
 
Tocqueville lặp lại nhiều lần trong cuốn sách điều mà ông tuyên bố trong phần giới thiệu: "nền dân chủ thống trị các cộng đồng người Mỹ dường như đang nhanh chóng vươn lên quyền lực ở châu Âu... một cuộc cách mạng dân chủ vĩ đại đang xảy ra giữa chúng ta". Tác giả thừa nhận rằng rất nhiều người không hạnh phúc về cuộc khởi nghĩa này, bởi vì họ đã gắn bó vởi hình thức quản trị khác, như ở Pháp, nơi nền chế độ vua-tôi và quý tộc vẫn đang đấu tranh mạnh mẽ để chống lại những xung lực dân chủ mới. Tocqueville bản thân ông cũng có những cảm giác hỗn hợp về dân chủ bởi vì ông là một nhà quý tộc, tuy nhiên một điều ông chắc chắn khi xem xét lại lịch sử là: "Sự phát triển dần dần của nguyên tắc bình đẳng... là một thực tế do Chúa định đoạt... nó mang tính phổ quát, nó tồn tại lâu dài và sẽ thóat khỏi mọi sự can thiệp của con người". Ông minh chứng, từ thời cổ đại đến thế giới hiện đại, cách tất cả các thể chế - nhà thờ, chính phủ, và ngành thương mại - liên tục trải qua quá trình dân chủ hóa cho phép ngày càng nhiều người tham gia quản lý đời sống của mình và thành lập sự bình đẳng xã hội. Loại công lý này cho người dân dường như là ý chí của Chúa, và vì vậy sẽ rất vô ích nếu cố chống lại một sức mạnh lịch sử đã được Chúa định đoạt.
 
Nền dân chủ phải được chỉ dẫn và Quyền lực của đa số phải được kiểm soát
 
Dân chủ có thể rất lành tính và được Chúa chấp thuận, nhưng nó là một lực lượng tự nhiên hoang dã giống như gió và bão phải được kiểm soát thông qua các bộ luật và chính phủ. Trong nền quân chủ, cũng có sự kiểm soát của nhóm quý tốc lên đức vua. Tương tự, quyết định theo đa số cũng cần được kiểm soát, nếu không sẽ xuất hiện sự chuyên chế bởi một đám đông thay vì một cá nhân. Tocqueville thấy rằng những nhà lập quốc Mỹ đã rất minh mẫn trong các kĩ thuật chính trị sáng tạo của mình khi ban đầu trao quyền lực cho đám đông và sau đó đặt lên nó các gọng kìm, khiến nó không thể lạm dụng quyền lực.
 
 
Tocqueville cảnh báo rằng một trong những nguy hiểm lớn nhất với nền dân chủ là sức mạnh vô hạn của đa số. Hai vấn đề lớn nhất là ngành lập pháp và ý kiến công luận. Ngành lập pháp rất dễ bị tác động bởi ý chí số đông, Tocqueville nói. Đó là lý do tại sao họ được bầu với nhiệm kì ngắn hạn. Nhánh khác của chính phủ, ngành hành pháp (tổng thống hay thống đốc bang), và hệ thống tư pháp hay tòa án, là những kiểm soát lên các bộ luật được tạo ra bởi quy tắc đa số, nhưng trong năm 1835, những nhánh này vẫn còn rất yếu so với ngành lập pháp: "quyền lực được thực thi bởi ngành lập pháp là tối thượng".
 
Điều tệ nhất, ông cho rằng, là "uy quyền đạo đức của số đông" trong nước Mỹ, dựa trên ý tưởng rằng ý chí tập thể không thể sai. Nước Mỹ tin rằng không chỉ vào quyền lực đa số mà còn ý kiến đa số. Điều này tạo ra một hoàn cảnh nguy hiểm, vì nó giới hạn tư duy tư tưởng và biểu đạt. "Tôi chưa từng biết đến quốc gia nào mà có ít sự tư duy độc lập và tự do thỏa luận thực sự [như ở nước Mỹ]".
 
Một khi mùa bầu cử qua đi, dân chúng lại im lặng, và rất có rất ít cơ quan chỉ trích, bởi vì báo chí Mỹ, ông than phiền, không phải là phương tiện của những tư tưởng nghiêm túc. Đa số, Tocqueville khẳng định, có thể sai lầm và bất công: "Đa số chỉ là cá nhân tập thể, người mà ý kiến và lợi ích thường đối lập với những người khác, bị coi là thiểu số". Một ví dụ lịch sử của trường hợp này là dân Boston theo Thanh giáo, khi họ đưa ra các bộ luật cực kì sai trái và đàn áp, thông qua bởi phiếu bầu đa số. Rất nhiều ví dụ có thể tìm thấy trong cộng đồng thiểu số ở Mỹ, những người không có quyền hay tiếng nói.
 
Còn tiếp
 
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Novel Guide