Tóm lại là, Gutenberg có phải ông tổ nghề in?
Tóm lại là, Gutenberg có phải ông tổ nghề in?
Phần lịch sử chưa được nhắc đến của Trung Quốc và Triều Tiên về con chữ rời.
Khi thấy một tác phẩm được gọi là “Cuốn sách được mọi người công nhận là có giá trị nhất trong tất cả các cuốn sách in”, bạn nghĩ đó sẽ là cuốn sách như thế nào?

Nếu là Margaret Leslie Davis, hẳn bạn sẽ biết rõ câu trả lời. Cuốn sách được xuất bản vào tháng 3/2019 của bà - The Lost Gutenberg: The Astounding Story of One Book’s Five-Hundred-Year Odyssey (Tạm dịch: Câu chuyện đáng kinh ngạc về hành trình 500 năm của một cuốn sách) đã được mở đầu bằng câu mô tả trên. 

Cuốn sách kể lại câu chuyện về bản sao của Kinh thánh Gutenberg - một trong số ít những bản còn sót lại của quyển Kinh thánh được Johannes Gutenberg in vào 450 năm trước. Trong suốt những năm của thế kỷ 20, Gutenberg được biết đến nhiều với tư cách là người phát minh ra máy in (một thành tựu trong nhiều dự án khởi nghiệp của ông), phòng thí nghiệm lưu trữ, người bán đấu giá và nhà sưu tập.

Davis đã trích dẫn câu nói mà Mark Twain viết trong một lá thư mừng sự kiện khai trương Bảo tàng Gutenberg vào năm 1900 vì cảm thấy nó “cực kỳ phù hợp”. “Thế giới ngày hôm nay như thế nào” - Mark Twain viết, “tốt xấu đều do Gutenberg. Mọi thứ đều có thể quy về xuất phát điểm này…” Thật vậy, làn sóng mới do Gutenberg tạo ra từ lâu đã được xem là một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại - làn sóng mở cửa cho Cải cách Tin lành, thời Phục Hưng, cuộc cách mạng khoa học, sự ra đời của giáo dục phổ thông và hàng ngàn thay đổi khác liên quan đến mọi khía cạnh cuộc sống mà chúng ta biết ngày nay. 

Johannes Gutenberg (bên phải) tại nơi làm việc

Vấn đề duy nhất là gì?

Những lời ca tụng này, trên thực tế lại không quá phổ biến và bản thân Gutenberg cũng không phải là cội nguồn của in ấn. Thay vào đó, những bước chuyển biến quan trọng để dẫn đến cuộc cách mạng công nghệ in ấn sau này đã bắt đầu từ Đông Á, do các quý tộc Trung Quốc, phật tử Triều Tiên và hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn thực hiện. Và trong phần lịch sử mà Davis chỉ ghi lại rất ngắn gọn, thì công việc của họ thậm chí còn bắt đầu trước khi Gutenberg được sinh ra vài thế kỷ.

Trong quy trình in truyền thống, các mảnh kim loại có chữ nổi viết ngược gọi là con chữ rời, được xếp vào một cái khuôn, phủ một lớp mực và in lên giấy. Sau khi lấy tờ giấy đó ra, ta lập tức có một trang giấy in. Lặp lại quy trình này với nhiều trang giấy hơn, ta có một cuốn sách - đó chính là một bản in. Lại tiếp tục thêm vô số lần nữa, ta đã có những cuốn sách được sách in hàng loạt. 

Máy in được cho là phát minh của Gutenberg vào khoảng năm 1440, tại thành phố Mainz nước Đức. Nó bắt đầu bén rễ ở châu Âu vào những năm 1450 nhờ vào cuốn Kinh thánh nói trên. Tất nhiên, sách đã có mặt ở châu Âu từ rất lâu trước đó, nhưng chỉ dừng lại ở những bản chép tay mà chủ yếu chỉ thành phần giáo sĩ mới có thể tiếp cận được. Việc sản xuất sách hàng hoạt đã làm nên cuộc cách mạng hóa châu Âu vào những năm cuối của thập niên 1440, cùng với khả năng đọc, viết được cải thiện đã làm thay đổi tôn giáo, chính trị và lối sống trên toàn thế giới.

Chí ít thì đó là những gì được kể trong hầu hết tài liệu, bao gồm phần lớn cuốn The Lost Gutenberg của Davis. Nhưng ở phần cuối cuốn sách, có một câu thừa nhận khởi đầu của lịch sử in ấn đã xảy ra từ rất lâu trước đấy: “Kiểu chữ rời là phát minh của người Trung Quốc vào thế kỷ 11, được dân tộc Triều Tiên cải tiến vào năm 1230 trước khi gặp được điều kiện giúp nó nở rộ ở châu Âu - thời của Gutenberg.”

Bảng chữ nổi được khắc ngược.

Câu nói trên không chỉ giảm bớt tầm quan trọng mà còn tường thuật sai những gì đã xảy ra.

Công nghệ in ấn bắt đầu tại Trung Quốc vào khoảng năm 800. Kỹ thuật in lúc đó bao gồm việc khắc nổi toàn bộ trang văn bản trên một bề mặt gỗ, phủ một lớp mực rồi in lên trang giấy. Vào khoảng năm 971, các nhà in ở Chiết Giang, Trung Quốc đã cho in một bộ sách Phật giáo gọi là Tam Tạng Kinh bằng những bản khắc gỗ này, gồm 130.000 tấm gỗ (mỗi tấm gỗ dùng cho một trang). Sau này, họ đã cố gắng tạo ra phiên bản sơ khai của các con chữ rời - bao gồm việc ứng dụng thành công hệ chữ tượng hình khắc trên gỗ nhưng lại gây ra những bất tiện. Họ còn thử làm ra các ký tự bằng gốm, nhưng ý tưởng này nhanh chóng bị loại bỏ.

Trong khi đó, quá trình du nhập hàng hóa từ đế chế Trung Hoa đã mang những phát minh này đến với các nhà cai trị của Triều Tiên - hay còn gọi là vương quốc Cao Ly. Những người này có vai trò quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của lịch sử in ấn. Nhưng câu chuyện của họ thì nặng nề hơn khi quá trình đổi mới đi cùng với việc bị xâm lược.

Đầu tiên, vào năm 1087, một nhóm người du mục Khiết Đan đã cố gắng xâm lược bán đảo Triều Tiên. Điều này đã thúc đẩy chính quyền Cao Ly áp dụng phương pháp in khắc gỗ để tạo ra bộ Tam Tạng Kinh của riêng mình, có lẽ là để bảo tồn bản sắc phật giáo quốc gia trước nguy cơ xâm lược. Nỗ lực này là một điềm báo. Trong khi cố gắng giữ lại ý tưởng và kỹ thuật in cho hậu thế, thì những kẻ xâm lược cuối cùng cũng kéo đến. Trong thế kỷ 12 và 13, vị thủ lĩnh Mông Cổ là Thành Cát Tư Hãn đã tạo ra đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trải dài từ bờ biển Thái Bình Dương cho đến Ba Tư. Sau khi ông qua đời năm 1227, người kế vị là Oa Khoát Đài đã tiếp tục công cuộc chinh phục đến những vùng đất mà Thành Cát Tư Hãn chưa thể chạm tới. Năm 1231, Oa Khoát Đài ra lệnh xâm lược Triều Tiên. Chỉ một năm sau, quân đội Mông Cổ đã tiến đến thủ đô. Như một phần của cuộc chinh phạt, người Mông Cổ đã đốt bản in Tam Tạng Kinh của Triều Tiên thành tro bụi.

Vương triều Cao Ly ngay lập tức cho in lại cuốn sách mới. Theo một tài liệu của Thomas Christensen, cuốn sách được ví như “những lời cầu nguyện gửi đến các vị Phật, nhờ sức mạnh của họ bảo hộ đất nước khỏi quân xâm lược Mông Cổ” nhưng đồng thời nó cũng được thực hiện với mục đích bảo tồn văn hóa của một triều đại. Điều này rất quan trọng, nhất là khi cuộc tấn công của người Mông Cổ còn tiếp diễn trong 28 năm nữa.

Việc in lại bản Tam Tạng Kinh của các nhà sư Triều Tiên phải đến năm 1251 mới hoàn thành. Và trong thời gian đó, giới cầm quyền cũng bắt đầu mở rộng việc in các cuốn sách khác. Năm 1234, bộ trưởng dân sự Choe Yun Ui đã được yêu cầu in một văn bản Phật giáo. Nhưng cuốn sách này quá dài và sẽ tốn một lượng khắc gỗ khổng lồ, vì vậy Choe đã đưa ra một giải pháp thay thế dựa trên phát minh trước đó của Trung Quốc. Đó là khi các con chữ rời bằng kim loại xuất hiện. Choe đã dùng một phương pháp tương tự như đúc tiền đồng để làm ra các ký tự bằng kim loại. Sau đó, ông sắp xếp các mảnh ký tự này vào khung, phủ mực và ép lên giấy. Với phương pháp này, sau khi in xong ông có thể sắp xếp lại các ký tự mà không cần phải đục thêm cả khối gỗ. Với tốc độ nhanh hơn, dự án này đã hoàn thành trước bộ Tam Tạng Kinh một năm.

Việc tìm ra điều này có ý nghĩa rất lớn. Gutenberg được cho là đã tạo ra các miếng kim loại nhỏ khắc những chữ cái viết ngược, sắp xếp chúng vào khung, phủ mực lên và ép vào tờ giấy để in sách nhanh hơn. Nhưng Choe đã làm những điều đó, và thậm chí còn làm sớm hơn 150 trước khi Gutenberg được sinh ra.

Có lẽ Choe Yun Ui mới là cái tên cần được nhớ đến chứ không phải Gutenberg.

Tuy nhiên, ngành in sách ở Triều Tiên không có được tốc độ phát triển nhanh như những cuốn sách của Gutenberg vào 200 năm sau. Trong hoàn cảnh đang bị xâm lược, sáng chế của người Triều Tiên gặp phải trở ngại lớn. Ngoài ra, chữ viết của Triều Tiên thời đó vẫn dựa trên nền tiếng Trung Quốc và sử dụng một số lượng lớn ký tự khác nhau. Điều này cũng làm chậm lại quá trình đúc và lắp ráp các mảnh kim loại. Và điều quan trọng nhất chính là những nhà cầm quyền Cao Ly chỉ tập trung việc in ấn cho giới quý tộc.

Triều Tiên cho phục hồi khung chữ kim loại 600 tuổi, từng được dùng để in Jikji - cuốn sách cổ nhất được in bằng con chữ rời. Nguồn: Báo Chosun

Có thể công nghệ in ấn đã được lan truyền từ Đông sang Tây. Hốt Tất Liệt là cháu trai của Thành Cát Tư Hãn và là người lập nên nhà Nguyên ở Trung Quốc. Vì thế, ông được tiếp cận với công nghệ in ở cả Trung Quốc và Triều Tiên. Có thể ông đã chia sẻ kiến thức này với em trai là Hốt Liệt Ngột - khi đó đang cai trị mảnh đất Ba Tư thuộc đế chế Mông Cổ. Có lẽ đó là cách công nghệ in của vùng Đông Á di chuyển hàng ngàn dặm đến phương Tây. “Người Mông Cổ thích sử dụng công nghệ của mình ở mọi nơi họ đặt chân đến và biến chúng thành một phần của văn hóa địa phương dù chúng có hay không được thừa nhận.”, David Robinson - giáo sư lịch sử châu Á của Đại học Colgate giải thích. 

Hơn nữa, có thể người Mông Cổ còn mang công nghệ in này qua lãnh thổ châu Âu, bao gồm cả Đức. Từ năm 1000 - 1500, đế chế Mông Cổ đã liên tục xâm lược châu Âu và tạo ra cơ hội trao đổi Đông - Tây hiếm có. Christopher Atwood, giáo sư nghiên cứu Á - Âu tại Đại học Indiana, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Nói chung, nếu một thứ gì đó đi từ Đông Á (đến phía Tây), thì thật khó tưởng tượng nếu không có bàn tay của người Mông Cổ.” 

Còn ở châu Âu, Johannes Gutenberg cuối cùng cũng bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Đó là dự án kết hợp công nghệ khá giống với những con chữ rời của Choe Yun Ui, được cải tiến để đẩy nhanh tốc độ in phục vụ cho thương mại. Công việc kinh doanh này đã ngốn của ông hàng chục năm để đi đến thành công và rồi lại khiến ông phá sản. Nhưng theo Davis trong The Lost Gutenberg, lịch sử ngành in có nhiều khoảng trống. Gutenberg là một trong số đó. Ông đã không kể câu chuyện của chính mình trong các tài liệu ông in ra. Không có bất kỳ ghi chú nào được tìm thấy cho đến ngày nay. Những người Mông Cổ, Duy Ngô Nhĩ và chính phủ ở Đông Á lại càng không.

Tất nhiên, việc đặt dấu chấm hỏi cho giai đoạn lịch sử này không phải vô nghĩa. Nếu cho rằng Gutenberg đã tự mình phát minh ra máy in, bỏ qua cả một lục địa và nhiều thế kỷ trước đó, cũng như quá trình du nhập của công nghệ, thì đó là một suy nghĩ viển vông. Trong một cuộc nghiên cứu về các kỹ thuật của Gutenberg, lập trình viên máy tính Blaise Aguera y Arcas đã chỉ ra điều này thật kỳ lạ: “Thật sai lầm khi cho rằng một công nghệ có thể được tạo ra một cách hoàn chỉnh ngay từ đầu. Bất kỳ ai làm về công nghệ đều biết quá trình không phải như vậy.”

Để ghi nhận dấu ấn, tác giả Davis cũng nhắc đến điều tương tự, nhưng lại lý giải theo cách này: “Có lẽ, hình ảnh của Gutenberg giống như một thiên tài đơn độc đã biến đổi cả một nền văn minh lâu đời, bởi vì những gì xảy ra sau đó quá hoành tráng đến mức nó gần như là một thần thoại và cần được ghi nhận như một câu chuyện về cội nguồn.”

Nhưng Davis đã không làm rõ nhiều thành tựu khác về in ấn trong The Lost Gutenberg. Bà chỉ nhắc đến Trung Quốc vài lần và Triều Tiên đúng một lần - còn câu chuyện của người Mông Cổ, người Duy Ngô Nhĩ và những người có trong lịch sử in ấn nhưng không theo đạo Thiên Chúa thì hoàn toàn không được nhắc đến.

Bà chưa bao giờ giải thích rằng Kinh thánh Gutenberg không hề được ca ngợi là cuốn sách quan trọng nhất trong lịch sử. Bản in của Kinh thánh cũng không thuộc hàng những cuốn sách cổ nhất được tạo ra bằng cách in chữ rời còn tồn tại cho đến ngày nay. Thay vào đó, cuốn sách cổ nhất trong danh sách này là Baegun Hwasang Chorok Buljo Jikji SImche Yojeo của Triều Tiên (Tạm dịch: Tuyển tập những lời dạy thiền hay nhất của các tu sĩ Phật giáo). Nó có từ năm 1377 và chính là điểm khởi đầu cho nghiên cứu về nguồn gốc của các con chữ rời.

Ở Triều Tiên, cuốn sách này cùng nhiều cuốn sách cổ khác được xem là niềm tự hào quốc gia và xếp vào hàng những cuốn sách quan trọng nhất. Nhưng chỉ trong thời gian gần đây, chủ yếu là trong thập kỷ trước, góc nhìn của họ và những người châu Á tạo ra công nghệ in mới bắt đầu được thừa nhận. Hầu hết mọi người - kể cả Davis, người đã từ chối một cuộc phỏng vấn với nhận xét: “Tôi e rằng mình không thể nói gì thêm về chủ đề in ấn cổ”  - vẫn không biết toàn bộ câu chuyện.

Thanh Trần | Theo lithub.com

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Những tư tưởng tạo nên bước nhảy vọt kỳ diệu của Nhật Bản

 Cuốn sách gối đầu giường về ban nhạc huyền thoại nhất thế kỷ XX

Niềm tin mù quáng hay mất niềm tin: Bạn đang đeo loại kính nào?

Tags: