Tôi đọc 50 trang sách mỗi ngày
Tôi đọc 50 trang sách mỗi ngày
Từ một người không đọc nổi vài trang sách mỗi ngày, giờ đây tôi đã có thể ngồi một chỗ đọc sách cả ngày.

Đã có thời điểm tôi không đọc nổi dù chỉ vài trang sách trong một ngày, nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Tôi có thể ngồi lỳ một chỗ cả ngày chỉ với một cuốn sách và một ly nước mà không biết chán là gì. Tại sao lại có sự thay đổi như vậy? Không phải vì tôi thần thánh hóa chuyện này lên, thực ra, sự thay đổi bắt đầu từ việc chúng ta đọc và suy ngẫm. Tôi muốn chia sẻ với mọi người về cách đọc của mình.

Tôi sẽ cảm thấy rất thư giãn khi cầm một cuốn sách mới và nghiền ngẫm nó cả ngày. Tôi thường dành 30 phút đến một tiếng chỉ để đọc sách mà không làm thêm gì cả. Thói quen đó thường được thực hiện vào sáng sớm hoặc đêm khuya. Hai khoảng thời gian này cực kỳ yên tĩnh và sẽ giúp bạn vừa đọc, vừa suy ngẫm. Không phải là suy nghĩ về cuộc đời này mà là về những thứ trong sách ta mới đọc được.

Tôi đã lớn lên, trưởng thành hơn rất nhiều nhờ các trang sách ấy, đã có thêm nhiều kiến thức thú vị mà hóa ra trước giờ mình đã hiểu sai. Càng đọc, tôi mới càng thấy con người thật nhỏ bé so với thế giới ngoài kia và kiến thức chỉ như một giọt nước giữa một đại dương tri thức mênh mông. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào và tự tin về bản thân, trong tôi luôn có cảm giác bản thân thật mỏng manh, còn quá nhiều điều mình chưa biết.

Tôi thường sử dụng các loại bút nhớ nhiều màu trong suốt quá trình đọc. Tôi tin rằng chúng sẽ giúp bản thân mình có động lực đọc lại vào lần sau. Trước hết, tôi đánh dấu lại những đoạn quan trọng, những câu luận điểm và những dữ kiện chính. Màu sắc nổi bật sẽ giúp bạn cảm thấy thích thú và khiến cuốn sách trở nên nổi bật hơn. Các bạn có thể đọc tới vài chục trang nhưng chỉ cần vài cái dòng ghi nhớ được đánh dấu là bạn có thể hiểu được mấy chục trang ấy đang nói gì?

Để không cảm thấy tự chán nản khi đọc sách, tôi thường duy trì thói quen chỉ đọc 30-50 trang cho một cuốn sách có kiến thức quá hàn lâm rồi sẽ đánh dấu lại những ý chính. Sau đó, tôi sẽ để cách một ngày và đọc lại chừng ấy trang. Sau đó, tôi lại tiếp tục đọc thêm 30-50 trang nữa, và lặp đi lặp lại quá trình như vậy. Đó là cách đọc sách rất hiệu quả mà mình áp dụng cho những cuốn chuyên khảo và công trình khoa học có tính hàn lâm cao. Còn đối với những cuốn viết theo văn phong bình thường, mọi người đều đọc được thì tôi sẽ duy trì đọc 50 trang mỗi ngày cho một cuốn.

Để duy trì được thói quen đọc sách mỗi ngày, tôi đã tự làm cho bản thân cảm thấy phải thích thú và muốn cầm nó đọc mỗi buổi sáng. Đâu là lý do? Đâu là biện pháp? Thật ra rất đơn giản, tôi đã tự thiết kế một không gian nhỏ và sắp xếp những cuốn sách lên đó. Tôi xếp chúng hằng ngày, sửa soạn cho chúng mỗi đêm, trang trí vài bông hoa mỗi khi có dịp đặc biệt. Điều này khiến không gian nhỏ của tôi trở nên thơ mộng và lãng mạn. Nó thu hút bản thân tôi phải duy trì việc chăm lo và cầm những cuốn sách lên đọc mỗi ngày. Nhờ đó, tôi cảm thấy thư giãn, tự cảm thấy bình yên đến lạ lùng.

Có nhiều khi, tôi còn không chăm sóc bản thân nhiều như chăm sóc các cuốn sách. Tôi thậm chí còn bị ám thị khi có người muốn mượn những cuốn sách của mình, tôi có cảm giác bất an và lo sợ người kia sẽ không chăm lo và giữ gìn các sách đó cẩn thận.

Ảnh minh họa

Từ việc đọc sách, tôi đã tự chuẩn hóa nội dung để áp dụng phù hợp với việc học tập. Tôi không học thuộc lòng tất cả những gì mình đã đọc được, thay vào đó chỉ nhớ những dữ kiện quan trọng, cần thiết nhất. Mọi kiến thức sẽ được sắp xếp theo mô hình mạng nhện. Từ đó, cứ nhắc đến một sự kiện, hiện tượng, nhân vật, tôi sẽ có thể truy xuất từ các dữ kiện có sẵn để lấy thông tin. Điều này vô cùng hữu hiệu khi càng lớn, càng lên cao thì lượng kiến thức lại càng nhiều và rộng mở.

Thậm chí, tôi thường ghi ra những gì đọc được mà bản thân cảm thấy quan trọng vào một cuốn sổ. Trước mỗi giờ học trên trường, tôi vẫn dành tối thiểu 20 phút để hệ thống lại toàn bộ kiến thức trước khi đi học. Điều này giúp tôi cố định và kéo những kiến thức đã học quay trở về, tránh cho chúng nó chạy trốn khỏi bộ nhớ.

Có lẽ nhờ điều này, mà các bài tiểu luận hay nội dung thi viết thường được tôi sắp đặt ý rất nhanh. Càng đọc, tôi mới càng thấy có nhiều lối văn phong mà bản thân cần học hỏi. Cách để tối ưu hóa là áp dụng ngay những gì vừa đọc vào trong bài thi, tiểu luận của mình. Như đã trình bày, nhờ việc đánh dấu những ý chính của sách, nên bài viết của tôi cũng có sự tương đồng khi trình bày luận điểm, phân tích, kết luận rất rõ rang, mạch lạc.

Khi bản thân đọc nhiều, tôi mới cảm thấy mình lớn lên từng ngày. Ở thời điểm công nghệ 4.0 như ngày nay, các bản pdf hay các trang sách điện tử có tỷ lệ tăng lên đáng kể và được nhiều người yêu thích. Nhưng với tôi, sách bản mềm luôn có một điều gì đó hấp dẫn và hay ho hơn nhiều so với khi bạn đọc ở trên máy tính, điện thoại. Tôi thích chúng vì là của riêng mình, được tự tay chăm sóc và thích cảm giác được cầm trên tay một cuốn sách hay.

Đối với tôi, ngoài gia đình, bạn bè, thì sách là người bạn không bao giờ bỏ mình mà ra đi. Mặc cho những sóng gió, mặc cho những thay đổi, chúng vẫn nằm trên kệ, đợi tôi về và cầm nó lên thưởng thức. Mỗi buổi sáng sớm vừa thưởng thức ly cà phê, vừa cầm một cuốn sách; hay giữa đêm khuya tĩnh mịch vừa uống một ly nước ấm, vừa đọc một kiến thức mới, điều đó thật yên bình và hạnh phúc làm sao.

Theo Nguyễn Tuấn Hùng - VnExpress

Tags: