Toàn quyền Đông Dương - Lát cắt tái hiện Việt Nam dưới một thời Pháp thuộc
Toàn quyền Đông Dương - Lát cắt tái hiện Việt Nam dưới một thời Pháp thuộc
Cộng đồng kiều dân ở Đông Dương không khác nào cảnh cá chậu chim lồng cộng thêm khí hậu tai ác đến dễ khiến người ta bực mình. Trong điều kiện như vậy, các cuộc đàm tiếu ác ý về ngài Toàn quyền lại càng có dịp lan tỏa rộng.

Trích đoạn độc quyền trên Trạm Đọc đến từ cuốn từ "Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương"

Cộng đồng kiều dân ở Đông Dương không khác nào cảnh cá chậu chim lồng cộng thêm khí hậu tai ác đến dễ khiến người ta bực mình. Trong điều kiện như vậy, các cuộc đàm tiếu ác ý về ngài Toàn quyền lại càng có dịp lan tỏa rộng.

“Không một quận nào ở Pháp giống với xứ thuộc địa này, nơi mà mỗi người cần phải ở đúng vị trí theo cấp bậc, thứ hạng và thẩm quyền của mình”, Charles Meyer đã nhận định như vậy. Cảnh tù túng khắc nghiệt này trong đời sống xã hội khiến Đông Dương trở thành một thế giới nhỏ bé nhưng bất an, nơi mà tâm trạng căng thẳng và bực bội luôn ngự trị như Charles Lemire đã phân tích rất kỹ vào năm 1877:

“Việc ngày nào cũng phải nhìn những khuôn mặt quen thuộc, ngày nào cũng lặp lại những thói quen như nhau, ngày nào cũng chứng kiến những lợi ích cùng kiểu hay tầm thường, ngày nào cũng va chạm những tính cách giống nhau mà phẩm chất chẳng được người ta chú ý, còn sự thô lỗ thì nhanh chóng được người ta cảm nhận, rồi sự trêu trọc bị biến thành những cú đâm dao, tất cả trở thành nguyên nhân đầu tiên khiến đầu óc bị kích thích và hằn học, và chẳng mấy chốc khiến cho mối quan hệ đời thường trở nên không thể chấp nhận được.”

Và Raoul Postel bổ sung thêm:

“Thay vì bàn về các sự kiện hay tin tức thường bị bưng bít giữ kín thì những bộ óc tỏ ra phấn khích với việc đơm đặt những chuyện quái dị nguy hiểm: tôi chưa từng chứng kiến đám đông dân chúng nào dễ bị kích thích một cách vụng về như đám đông dân chúng ở Sài Gòn.

Tất cả mọi điều, tuyệt đối là tất cả mọi điều đều trở thành đề tài cho những đàm tiếu hay những lời độc địa được rỉ tai: những buổi dạ tiệc và vũ hội, những cơ may cho người này và những chuyện không may đối với người khác, những mối bất hòa và những sự giải hòa, những bộ quần áo lố lăng và những ứng xử này nọ. Raoul Postel tiếp tục phân tích:

“Sài Gòn đúng là thành phố ngồi lê đôi mách và quẩn quanh xó nhà: ở đâu người ta cũng có thể đàm tiếu và nói xấu về mọi chuyện và về tất cả mọi người. Các viên chức và các quan tòa vì không có chuyện hệ trọng để làm nên lê la tìm chấy rận trên đầu người khác, nhưng chính vợ của các vị này mới là những người xâu xé nhau. Người ta chẳng kiêng nể ai cả và tôi không tin rằng có một phụ nữ chính trực nào đó có thể sống được ở đây một thời gian mà thanh danh chưa hề bị xâm phạm theo một cái cách nào đó [...]. Xét cho cùng, thư nặc danh đã trở thành chuyện bình thường và có vẻ như người ta nhận được nó khá thường xuyên.”

Những bữa tiệc chính thức ở Phủ Toàn quyền cứ mười lăm ngày lại diễn ra một lần và đó quả là dịp tốt để những sự ác ý, độc địa sinh sôi nảy nở và lan truyền, vì đó là nơi “người ta vừa khiêu vũ vừa uống rượu, nơi người ta vừa đi lại vừa hút thuốc, nơi mà người ta không chừa thứ gì được hút hít ở đây: mùi của Manille hay của Long-than, bia gạo hay những chuyện ngồi lê đôi mách của đàn ông, cả đức độ của đàn bà.” Cái xã hội ăn chơi này dù là chính thức hay riêng tư thì dẫu sao cũng không gây ảo tưởng: bởi Đông Dương quả là một thuộc địa khiến nhiều người chán chường. Chính sự nhàm chán vốn trở thành thực tế thường ngày đối với những kiều dân đến từ chính quốc giải thích nhiều hành vi xã hội của họ ở thuộc địa khi đó đồng thời cũng khiến họ tha hóa cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế mà ánh hào quang và đôi khi là sự thái quá của bản thân ngài Toàn quyền nên được phân tích đánh giá dựa trên các dữ liệu này, dữ liệu không hề có tác dụng như tình tiết có tính giảm nhẹ mà đúng hơn chúng như là chìa khóa để lý giải và nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo hơn.

Thực tế tại Đông Dương rất khác so với kiểu “truyền thuyết về thuộc địa” và về quầng sáng mà nó tỏa ra. Thực tế sau là hiển nhiên: người ta uống rượu nhiều, người ta uống quá nhiều rượu. Raoul Postel nhận định:

“Rượu vang, rất cần thiết cho người lính, cũng cần thiết không kém cho viên chức, những vị ngoài ra không bỏ qua rượu áp-xanh, rượu véc-mút hay rượu cô-nhắc khi có dịp. Trong mọi buổi tiệc tùng, rượu sâm-panh lúc nào cũng chiếm vị trí thống soái; bọt hồng của nó kích thích những bộ não âu sầu nhờ vào sức nóng ghê gớm mà nó tạo ra.”

Charles Fourniau nhận định một cách chính xác như sau:

“Việc giải quyết các vấn đề tại Đông Dương phần lớn phụ thuộc vào biến động chính trị ở chính quốc. Tuy nhiên, điều này không khiến yếu tố cá nhân vốn chi phối sự quản lý những vị thống đốc kế tiếp nhau hay đúng hơn là những ê-kíp lãnh đạo bị biến mất, vì thực tế phụ thuộc chặt chẽ vào độ căng thẳng giữa hai thái cực quyền lực này.”

Ngoài công việc luôn đầy ắp mà ông luôn dành hết tâm trí và sức lực, các báo cáo và thư trao đổi của ông ít bộc lộ về sở thích cá nhân khi phục vụ tại Đông Dương. Cũng ít chi tiết về đời sống xã hội, sự hòa nhập của vợ ông, việc đi học của các cô con gái. Hélène Doumer, cô con gái hai mươi tuổi của ông, vào ngày 7 tháng Chín năm 1901, đã cưới một viên chức có danh tiếng ở thuộc địa là Pierre Émery tại Cap Saint-Jacques. Không một dấu tích nào, cũng chẳng có một lời ghi chú nào liên quan tới ngày tháng này trong các thư trao đổi của ngài Toàn quyền mà cuộc sống gia đình và riêng tư có vẻ như được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Có khả năng là ngài Toàn quyền, vốn nổi tiếng là rất cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo hoàn thành sứ mệnh được giao phó và tiếp tục sự nghiệp chính trị tại chính quốc hơn là để ý tới chuyện thì thào bên lề nên chỉ quan tâm không đáng kể tới những chuyện đám tiếu ác ý này. Điều viết dưới đây về ông có thể đúng:

“Paul Doumer [thâm nhập] những phe nhóm, không bao giờ hoàn toàn [thuộc về] họ, vì ông không phải là kiểu người mà một hội nhóm có thể tóm, bẻ gãy và chi phối.”

Nhưng đồng thời, ông hẳn cũng đã rất khó khăn để tránh xa những kẻ đơm đặt. Thực vậy, dẫu không hề muốn nhưng ông đã trở thành mục tiêu của những chuyện đàm tiếu, vì hành động mạnh mẽ của ông luôn là dịp để chẳng mấy chốc khiến dư luận đàm tiếu không chỉ ở thuộc địa mà còn ở chính quốc. Trong một bầu không khí bao quanh mình như vậy, sinh hoạt xã hội của ngài Toàn quyền và phu nhân mà chính vị thế của họ dù có muốn hay không đã đặt họ vào giữa cái thế giới thu nhỏ kia hẳn đã không hề lúc nào cũng được đơn giản và bình yên... Thực vậy, chính chức vụ của ông đã đặt ông - vị danh chính ngôn thuận nắm quyền tối cao được nền Cộng hòa trao, ở vị trí cao nhất của một tiểu thế giới thuộc địa có tính chất đặc thù, cái thế giới được tổ chức dựa trên những lề thói, tập tục, và chẳng mấy chốc theo những truyền thống, và theo như những ngôn từ của Raoul Girardet được định hình theo “một cấu trúc được phân cấp, được thiết lập một cách nghiêm khắc và theo một cách phân chia quan hệ chặt chẽ.” Vốn là sĩ quan hải quân giống như Pierre Loti, Claude Farrère phơi bày toàn bộ cái thế giới thuộc địa này trong cuốn tiểu thuyết Les Civilisés (Những người được khai hóa), sau này mang lại cho ông giải Goncourt gây tranh cãi đúng năm cuốn sách được xuất bản, năm 1905:

“Cần thiết làm tha hóa một xã hội mà ở đó chuẩn mực đạo đức của xã hội phương Tây đã sụp đổ. Cần có sức nóng ẩm gay gắt của Sài Gòn, nơi mà mọi thứ tan chảy dưới ánh nắng mặt trời: nguồn năng lượng, đức tin, và cả ý thức về cái thiện và cái ác.”

Do bị các nghĩa vụ đại diện khá nặng nề ràng buộc, tức là đại diện hàng đầu của người Pháp tại Đông Dương, nên ngài Toàn quyền và phu nhân buộc phải hoàn toàn coi trọng vai trò của viên chức phụ trách hoạt náo cho cộng đồng kiều dân từ chính quốc, rồi của các vị phụ trách tổ chức hoạt động văn hóa và vui chơi được coi là hoạt động chính thức và hoành tráng (các vũ hội lớn, các buổi bán hàng từ thiện), các hoạt động đôi khi phù phiếm nhưng dẫu họ có muốn hay không thì vẫn là phần cấu thành nhiệm vụ của họ. Louis Salaün lưu ý rằng “ngài Toàn quyền dành quá nhiều thời gian cho một công việc đáng kể để ông còn có nhiều thời gian cho vai trò đại diện.”

Chẳng mấy chốc, khiêu vũ vốn giúp hóa giải các căng thẳng xã hội chiếm vị trí hàng đầu, từ đó, trong bữa tiệc không thể thiếu những điệu nhảy quadrille, mazurka, valse và polka... Trong Phủ Toàn quyền, “khán phòng thực sự và duy nhất là phòng khiêu vũ: ở giữa là một tòa tháp lớn”, và “đâu đâu cũng tổ chức vũ hội lộng lẫy: vũ hội chính thức, dạ vũ thân mật hơn, khiêu vũ sau tiệc tùng; gần như tối nào người ta cũng khiêu vũ.”

“Toàn bộ Hà Nội” khẩn trương cho bữa tiệc chính thức vào ngày 14 tháng Bảy tại Phủ Toàn quyền, một ngày trọng đại của năm, ngày mà ngài Toàn quyền “rất chỉn chu và rất làm chủ bản thân cũng như làm chủ thế giới xung quanh mình” tiếp đón khách, trong bộ áo redingote trang trọng, để lộ phần cổ và ngực áo trắng, đeo thêm dải băng ba màu cờ tương phản với bộ trang phục nhiều kiểu của các vị khách tham dự, đa số mặc váy. Tương tự như vậy, chiếc mũ màu đen của ông nổi bật so với một ngàn lẻ một kiểu mũ, nào là khăn quấn, nào là mũ képi với mũ shako, mũ cứng kiểu thuộc địa, nào là chiếc mũ nón rộng hay mũ rộng vành như chiếc bánh tráng phẳng trên đầu của những tay lính bản xứ thuộc địa. Nước Pháp tiếp đón Bắc kỳ chứ không có chuyện ngược lại. Cái quan điểm của nền Đệ Tam Cộng hòa về vấn đề thực thi quyền hạn nhà nước theo kiểu hoàng gia này thật là kỳ lạ...

Charles Meyer nhận định rằng lễ tiệc chính thức này “mỗi năm trở nên trang trọng hơn”. Trong không khí chung lịch thiệp, kiểu cách, quần áo và trang phục nghiêm túc, Đông Dương háo hức ăn mừng sự tráng lệ của vương quốc. Đàn ông sà xuống bàn chơi bài, những phu nhân nghiêm túc của những viên chức hay kiều dân1 từ chối khiêu vũ và chỉ trỏ những quý bà quý cô “hoặc do không biết, hay do không thèm quan tâm tới quy tắc này nọ cùng bíu vào cánh tay của một bạn nhảy.”

Về vai trò của phụ nữ tại Đông Dương, đối với đa số “phụ nữ tư sản tỉnh lẻ đáng kính” vì rỗi việc nên theo chồng làm viên chức, sĩ quan hay thương nhân, Charles Meyer quan sát thấy:

“Họ có các phẩm chất gia đình và giữ nề nếp. Họ không hề được chuẩn bị hay sẵn sàng tham dự vào đời sống xã hội thuộc địa đang chờ đón. Chính vì thế mà khi vừa tới nơi, họ chỉ chăm chú lo thiết lập lại cái không khí gia đình êm ái và có phần tẻ nhạt mà họ vừa rời xa. Hẳn là họ hoàn toàn có lý khi có những cử chỉ này khi bầu không khí xung quanh, những sự xa hoa vật chất hoàn toàn khác lạ. Họ sẽ bước vào một thế giới đầy quyến rũ không còn những vướng bận lo toan đời thường. Trước hết là niềm vui thích được phục vụ, được săn đón và khen nịnh, được cảm thấy mình là trung tâm của những ánh mắt mời mọc từ cánh đàn ông. Rồi là niềm vui được khám phá cái thú an nhàn cho phép họ được mộng mơ hay đàm tiếu, thậm chí phiêu lưu vào những mối tình vụng trộm.”


Dân chúng ngày càng kêu ca về một chính quyền tài tử chỉ toàn là “kẻ cạo giấy” thiếu thận trọng, những kẻ thông qua báo cáo của mình vẽ ra cho chính quốc một hình ảnh lung linh về chính mình, hình ảnh thực ra là lừa dối...

Những báo cáo thường dối trá, làm dịu tính nghiêm trọng khiến chính quốc chỉ được thông tin một phần và bị cắt gọt

Được cho là phải trình bày các sự việc nổi bật diễn ra tại Đông Dương, báo cáo chính trị thường kỳ được Paul Doumer gửi về Bộ bảo hộ của mình thường miêu tả một tình trạng êm ả với giọng điệu đầy lạc quan, tới mức thông tin mà chính quốc nhận được chỉ rất hạn hẹp. Các báo cáo này có vẻ như khô khan, lúc nào cũng chỉ toàn là những chuỗi câu, đôi khi chẳng có nghĩa lý gì:

“Tình hình chính trị ở thuộc địa vẫn tuyệt vời. [...] Dân chúng rất yên ổn và tập trung vào công việc thường ngày.”

“Thời kỳ vừa rồi đã diễn ra êm ả tới mức chúng tôi chẳng có chuyện đáng lo nào để thuật lại. [...] Tình hình y tế khá mãn nguyện. [...] Xứ sở hoàn toàn yên ả, tới mức dường như chẳng có gì khiến phải lo chuyện bất ổn xảy ra cả.”

“Tình hình chính trị lúc nào cũng tốt đẹp.”

“Các vị quan đứng đầu các tỉnh cùng ghi nhận tinh thần tích cực của dân chúng và tình hình yên ổn tuyệt đối trong toàn cõi.”

“Thái độ của dân chúng theo chúng tôi hoàn toàn tuyệt vời.”
Vân vân và vân vân. Các đánh giá về khí hậu thời tiết: “Nhiều đợt mưa đổ xuống trong hai tháng vừa qua đã mang lại ích lợi cho ruộng đồng lớn chưa 

Thực tế lịch sử và thực tế đời sống hàng ngày đương nhiên hoàn toàn khác xa với các miêu tả được làm dịu đi kiểu này.

“Trường học Doumer”: Ngài Toàn quyền tài năng Paul Doumer với uy danh và quyền lực như cây cao bóng cả đối với nhiều thế hệ viên chức cấp cao thuộc địa tại Đông Dương

Albert Sarraut1, người giữ vị trí Toàn quyền Đông Dương hai nhiệm kỳ, từ năm 1911 tới năm 1914 và từ năm 1916 tới năm 1919, trước khi làm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa có vẻ như là vị thừa kế chính thức của Paul Doumer, là môn đệ và cũng là người tán dương trung thành nhất của ông. Albert Sarraut đã dành cho Paul Doumer những lời ngợi ca thật rung cảm:

“Vị Tổng công trình sư của chúng ta giờ đã ở rất xa chúng ta rồi: ông đã ở đầu kia của thế giới, ở châu Á. Bằng đôi bàn tay vạm vỡ của mình, ông đã tạo nên công trình tuyệt diệu này: một Đông Dương thống nhất. Ông đã tạo ra một nước Pháp tại châu Á. Ông đã kiến thiết và tổ chức đế chế của chúng ta tại vùng Viễn Đông. Đó chính là công trình của ông và là đỉnh cao vinh quang của ông.”

Các vị Toàn quyền kế tiếp ngay sau Paul Doumer như Paul Beau (1902-1908), Anthony Klobukowski (1908-1911) và Albert Sarraut (1911-1914), “mà cái bóng của Paul Doumer có phần nào làm cho lu mờ”3 đúng ra chỉ tiếp tục hoàn thiện hoặc điều chỉnh phần nào bộ máy đã được ông tạo lập mà thôi chứ không hề thay đổi đường hướng và cấu trúc cơ bản. Suốt cả nhiệm kỳ của mình, họ vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc các đường hướng lớn do Paul Doumer để lại, nhất là ý chí nhất quyết không để Bộ Ngoại giao chi phối cũng như ý chí liên tục tái khẳng định vị thế ưu tiên của Hà Nội so với Paris về quan điểm đường lối. Xét trong chiều hướng này thì nhiệm kỳ Toàn quyền đầu tiên của Albert Sarraut (1911-1914) thiết lập tại khu vực nam Trung Quốc các cơ quan mật vụ tỏ ra như một hành động trái với chính sách của Paul Doumer.

Nhà sử học người Mỹ là David G. Marr nhận định rằng, nếu như Paul Beau về mặt trí tuệ tỏ ra cởi mở hơn với những yêu sách đề ra của Phan Châu Trinh - một thủ lĩnh phong trào canh tân của Việt Nam, sự cởi mở mà vị tiền nhiệm Paul Doumer có lẽ chưa bao giờ thể hiện được, thì các cải cách của Paul Beau vẫn có tính thất thường và ít thuyết phục, bởi vì theo David G. Marr ông này không có được “tầm vóc chính trị và quản lý của Doumer.”

Chưa kể các vị kế nhiệm Paul Doumer cũng phải đối đầu với một phong trào yêu nước mới đang trong thời kỳ trứng nước, phong trào sinh ra từ sự bất bình của dân chúng đối với bộ máy được Paul Doumer thiết lập, sự bất bình bị bộ máy cai trị và thuế má nặng nề làm tăng lên. Chính vì vậy mà các vị này phải quản lý mọi hậu quả về mặt xã hội và chính trị do chính sách thuế hà khắc của Paul Doumer để lại. Nếu như Paul Doumer là “kiến trúc sư tài năng của hệ thống đánh thuế [kéo dài] cho tới phút cuối” thì Paul Beau, rồi đến Anthony Klobukowski “[phải lau dọn] lớp vữa thừa khi hệ thống này được áp dụng, và họ làm vậy có phần không mấy thiện chí.” Charles Fourniau đã nhận định như vậy trước khi đưa ra kết luận chính đáng sau: “thời kỳ hậu Doumer [xem ra] chẳng hề dễ dàng.”

Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo bài viết review chuyên sâu về cuốn sách này để hiểu hơn tác phẩm tại đây!
Đặt mua sách"Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương" ngay tại: http://bit.ly/2TEXtyf

Tags: