Toạ đàm ra mắt sách “Phan Văn Khải – nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu”: Chân dung một con người vĩ đại
Toạ đàm ra mắt sách “Phan Văn Khải – nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu”: Chân dung một con người vĩ đại
Vào 9h sáng nay (22/6/2018), Công ty cổ phần Văn hoá Truyền thông Sống, thương hiệu sách tác giả Việt của Alphabook đã phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC) và Thư viện Hà Nội tổ chức buổi ra mắt cuốn sách “Phan Văn Khải – Những hồi ức đặc biệt” kết hợp cùng toạ đàm “Lãnh đạo kỹ trị và chiến lược phát triển” tại hội trường tầng 2, Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu, Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời như TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ; ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TƯ; chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 

Cuốn sách Phan Văn Khải – Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu bao gồm nhiều bài viết về cuộc đời, sự nghiệp của nguyên Thủ tưởng Phan Văn Khải qua góc nhìn của những người thân cận, báo chí và những người dân thường từng có cơ hội gặp ông.

Sách gồm 3 phần chính:

Phần I “Nhà lãnh đạo kỹ trị” tập hợp những bài chia sẻ từ những người từng làm việc với nguyên thủ tướng về những đóng góp, dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của ông.

Phần II “Những năm tháng ra biển lớn” kể về những đóng góp của ông trong các hoạt động đối ngoại, nổi bật nhất là chuyến công du Mỹ vào ngày 19-6-2005 theo lời mời của Tổng thống Bush. Chuyến thăm lần này đã tạo ra tiền đề cho sự phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Một số kết quả đáng chú ý trong chuyến thăm có thể kể tới như: lễ ký kết với Boeing, đặt nền móng cho việc thúc đẩy đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với quyết định gia nhập WTO của Việt Nam…

Phần III “Những kỷ niệm đời thường” khắc hoạ chân dung ông “Hai Khải” qua lời kể của những người từng trực tiếp chăm sóc ông như nhân viên nấu ăn, lái xe, thợ cắt tóc... Lật giở từng trang sách, người đọc thực sự cảm phục sự dung dị và thấm đẫm tình người qua nhiều câu chuyện mà các nhân chứng đã chia sẻ.

Có thể nói, khi gấp cuốn sách lại, người đọc có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc đời, những đóng góp và trên tất cả là một nhân cách vĩ đại của cố Thủ tưởng Phan Văn Khải. Ông là nhà lãnh đạo tận tuỵ, suốt đời vì nước vì dân, thẳng thắn, không trốn tránh trách nhiệm và luôn sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến của mọi người xung quanh, một người chất phác như bao người con Nam Bộ khác.

Ông Trần Đức Nguyên và bà Phạm Chi Lan, hai chuyên gia, từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, viết trong lời giới thiệu sách như sau: “Ông từ trần và hình ảnh những chiếc bàn thờ giản dị được đặt dọc đường, cùng những giọt nước mắt chân tình của những người dân bình thường khi tiễn đưa Ông về yên giấc ngàn thu tại mảnh vườn quê nhà đã nói lên nhiều điều về tình cảm thật của người dân đối với một nhà lãnh đạo, mà mấy ai có diễm phúc được như vậy!”.

Buổi toạ đàm “Lãnh đạo kỹ trị và chiến lược phát triển” được chia thành hai phần gồm “Những hồi ức về cố Thủ tướng Phan Văn Khải” và “Nhà lãnh đạo kỹ trị”. Ở phần đầu tiên, các bạn trẻ tham dự thực sự xúc động khi lắng nghe cảm nhận của các vị khách mời trước tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ra đi. Ngoài ra, các khách mời cũng chia sẻ chân thành về tư duy đổi mới – hội nhập và những dấu ấn của ông Phan Văn Khải trên cương vị Thủ tưởng chính phủ như ổn định kinh tế vĩ mô, ban hành Luật doanh nghiệp (1999), khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thành đàm phán WTO, ký kết hiệp định thương mại Việt Nam (BTA),…

Ở phần hai của cuộc toạ đàm, xoay quanh chủ đề “như thế nào là nhà lãnh đạo kỹ trị và sự cần thiết của lãnh đạo kỹ trị trong bối cảnh phát triển hiện nay”. Khi được hỏi về phẩm chất cần phải có của một nhà lãnh đạo kỹ trị, bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Cách tốt nhất để các nhà lãnh đạo khiến mọi người phải tâm phục, khẩu phục, đi theo mình là nên học theo cách ông Phan Văn Khải đã làm, đó là lắng nghe tối đa: lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và đông đảo quần chúng”.

Jenny

Tags: