Tính cách người hai miền Việt Nam qua quan sát của các tác giả phương Tây thế kỷ 17
Tính cách người hai miền Việt Nam qua quan sát của các tác giả phương Tây thế kỷ 17
Theo Samuel Baron, cư dân Việt ở Đàng Ngoài từ thế kỷ 17 đã khổ sở vì mê tín. Trong khi đó, giáo sĩ Christoforo Borri đánh giá dân Đàng Trong có tính cách phóng khoáng và lịch sự, hòa nhã nhất trong các nước Á Đông.

Ghi chép của hai tác giả này được tổng hợp trong cuốn Việt Nam thế kỷ 17, do hai nhà Việt Nam học là Olgar Dror và K.W.Taylor tập hợp và chú giải kỹ lưỡng. Sách vừa được NXB Đà Nẵng và Omega Plus ra mắt độc giả, với bản dịch của dịch giả Hoàng Tịnh Thủy.

Christoforo Borri là một tu sĩ dòng Tên người Ý, đã đi truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1618 đến 1622. Còn Samuel Baron có bố là người Âu, mẹ là người Việt, sinh ở Đông Kinh (Hà Nội) trong những năm 1630. Khi lớn lên, ông trở thành thương nhân hoạt động tại kinh thành nước Đại Việt trong khoảng thời gian từ 1670-1680.

Cả Borri và Baron đều ghi chép kỹ lưỡng về vùng đất mà mình sinh sống. Các ghi chép của họ chính là những nguồn sử liệu sớm nhất về nước ta được dịch sang tiếng Anh.

Trong con mắt của người châu Âu thế kỷ 17, Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai quốc gia độc lập với thiết chế nhà nước, kinh tế, xã hội và văn hóa riêng biệt. Do đó, cư dân của mỗi vùng đất này cũng có những nét tính cách, văn hóa khác hẳn nhau.

Người Đàng Trong: Hòa nhã và phóng khoáng

Ghi chép của cả Borri và Baron đều khá dày dặn, bao gồm nhiều mục như địa lý, tự nhiên, sản vật, chính quyền, quân sự, phong tục… Các ông cũng dành khá nhiều phần để ghi lại những cảm nhận về tính cách của cư dân đất Việt.

Theo cha Borri, thì cư dân Đàng Trong về bản chất là những người lịch sự và hòa nhã nhất trong các nước Á Đông. Một mặt, những cư dân này đánh giá một cá nhân rất cao dựa trên lòng quả cảm, tính hào hiệp, mặt khác họ xem việc để bản thân mình hành xử theo dục vọng là đáng hổ thẹn.

Sự mến khách và gần gũi của cư dân miền Nam đất Việt được cha Borri ghi nhận rõ nét: “Trong khi tất cả các nước Á Đông khác xem người Tây dương như đám ngoại đạo báng bổ, căm ghét và bỏ chạy khi chúng tôi tiếp cận họ thì ở Đàng Trong mọi chuyện ngược lại. Dân chúng túm tụm kéo đến hỏi chúng tôi nhiều điều, mời mọc ăn uống và nhanh chóng đối đãi thân tình, lịch thiệp với chúng tôi”.

Phát hiện đặc điểm này của cư dân Đàng Trong, mà với tư cách một nhà truyền đạo, cha Borri đã nhận xét: “Đây quả là tình thế thuận lợi để rao giảng Phúc âm”.

Ông cũng cho rằng, bối cảnh sống dễ chịu và chan hòa tình người là căn nguyên khiến người dân nơi đây sống hòa thuận với nhau. Họ đối xử qua lại thân thiết như anh em trong nhà dù có thể chưa từng gặp mặt hay quen biết trước đó. Nếu như một người được hưởng một món gì đó thì dù có ít ỏi nhường nào, người đó cũng nên chia lại cho người xung quanh, bằng không sẽ bị xem là loại ti tiện nhất trên đời.

Cư dân Đàng Trong cũng được khen là thiện lương, hào phóng cưu mang đối với người nghèo khó. Ai từ chối bố thí cho người đã mở lời xin sự giúp đỡ sẽ bị xem như phạm phải tội tày trời.

Phép lịch sự của cư dân Đàng Trong cũng được vị giáo sĩ người Ý đánh giá cao, đặc biệt là việc họ luôn tán dương phong tục của người ngoại quốc, khâm phục các học thuyết nước ngoài và ưa thích chúng hơn cả giáo lý của mình. Theo ông, điều này hoàn toàn khác với người Trung Hoa.

Người Đàng Ngoài: Sôi nổi, dễ kích động và rất mê tín

Sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, ông Baron nhận xét người Đàng Ngoài có bản tính hoạt động, thiên về sôi nổi, dễ kích động (dẫu có phần hèn nhát) hơn là ôn hòa, hiền lành. Họ khó có thể duy trì bầu không khí yên lặng hòa thuận nếu như không được quản lý bằng bàn tay cứng rắn, vì họ thường hay mưu phản và khởi phát những cuộc nổi loạn.

Thực tế, nạn mê tín (mà dân nghèo luôn mắc phải) đã làm đậm rõ hơn nét tính cách xấu xa này, càng dễ đẩy họ vào tình thế hiểm nghèo hơn không kém gì tham vọng.

Tác giả cũng cho rằng, người dân Đàng Ngoài cũng dễ mắc phải những dục vọng tệ hại hơn, là sự ghen tị và ác ý, thậm chí lên đến mức độ cực đoan. Người dân cũng luôn khăng khăng cho rằng chẳng đâu bằng nhà họ, cũng như không hề kính nể những người đã từng viễn du ra nước ngoài và kể lại điều tai nghe mắt thấy ở xứ người.

Cư dân Đàng Ngoài được khen là nhanh trí và giỏi ghi nhớ, có thể làm tốt mọi việc được giao nếu được đào tạo bài bản. Họ ham học nhưng không phải vì sở thích riêng mà bởi đó là con đường dân đến công thành danh toại

Phần lớn nông dân ở làng quê đều là người chất phác, đơn giản và dễ bị lừa gạt bởi thói nhẹ dạ và mê tín quá mức của chính mình. Người Đàng Ngoài cũng có một đặc điểm đặc biệt là tốt xấu rạch ròi.

Khi phân tích về tinh thần học tập của người Đàng Ngoài, tác giả cũng nhận định rằng, tổ tiên của chúng ta không giỏi về triết học tự nhiên, không giỏi toán hay thiên văn.

Khác với phong tục của cư dân miền Bắc ngày nay, vào thế kỷ 17, Baron cho rằng người Đàng Ngoài hiếm khi thăm hỏi người ốm. Còn khi có cuộc thăm hỏi lẫn nhau, thì thường diễn ra vào buổi chiều.

Là một người phương Tây, Baron luôn cảm thấy khó chịu khi thấy những đám gia nhân theo hầu các vị có quyền hay có tiền người Việt cư xử rất vô phép, tục tĩu, hỗn láo vô phép tắc, lại thường xuyên ăn trộm luôn bất cứ món đồ nào của gia chủ mà chúng mó tới được.

“Không có gì phải bàn cãi khi cho rằng Đàng Ngoài là một dân tộc riêng rẽ tự tách biệt mình với người Trung Quốc”, Baron kết luận một cách dứt khoát.

Lê Tiên Long - Trạm đọc

Tags: