Tìm đường tuổi 20s – Tuổi trẻ  lạc đường để tìm được lối đi
Tìm đường tuổi 20s – Tuổi trẻ lạc đường để tìm được lối đi
Không cần nói những điều vĩ đại, Thùy Trang (Thường được biết đến với biệt danh Trang Domino) vẫn có thể truyền lửa cho những người trẻ bằng những câu chuyện “ai cũng có” của tuổi 20s trong cuốn sách mới nhất của cô.

 

Nếu bạn muốn lập kế hoạch và tìm đường đi để trở thành một người nhất định phải thành công, đừng đọc cuốn sách này, hãy đọc Nếu tôi biết được khi còn 20.

Nếu bạn muốn biết tại sao người ta cứ nói mãi về tuổi 20s như thể những năm tháng rực rỡ nhất đời người như thế, và liệu có đúng thật như vậy không?, hãy đọc Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn.

Và còn không ít những cuốn sách khác (rất xuất sắc và nổi tiếng) viết về lứa tuổi này, chưa kể “Tuổi 20” là đề tài không dứt của rất nhiều cuốn tiểu thuyết, ở mọi vùng lãnh thổ quốc gia.

Vậy Tại sao bạn (và tôi) và rất nhiều người khác lại chọn đọc cuốn sách này?

 

1. Vượt lên chính mình: Dẹp khẩu hiệu đi, cái bạn cần là một bản kế hoạch

 

 

Đây là Thùy Trang năm 18 tuổi: người ta bảo Trang phát âm tiếng Anh kém và không có năng khiếu. Cô bạn thân khi được nghe kể về ý định ứng tuyển vào Đại sứ quán Mỹ đã khuyên cô chân thành “Thôi đừng mất công mày ạ!”. Vốn là một người nhút nhát, lại chưa từng có thành tích nào nổi bật, gáo nước lạnh này đẫ làm cô càng thêm tủi thân.

Có lẽ câu chuyện trên đã quen thuộc với hầu hết chúng ta, bởi không ai tránh khỏi lúc hoảng sợ khi phải đối diện với hạn chế của bản thân, kể cả những người có vẻ tự tin, nổi bật nhất. Đó là lúc ta cảm thấy bất lực với chính mình, thấy bản thân thật vô dụng rồi trở nên giận dữ vì chẳng biết phải làm sao để thoát khỏi cảm giác bế tắc ấy. Không dám làm việc gì vì sợ bản thân kém cỏi sẽ làm hỏng việc. Không dám làm gì vì sợ bị phán xét, bị chê cười và sợ tổn thương cái tôi mong manh. Đó chính xác là cảm xúc của Thùy Trang trước đây.

Trong hành trình tìm đường của mình, bên cạnh lòng dũng cảm cần có khi phải đầu tranh với cảm xúc tiêu cực, Thùy Trang còn trang bị cho mình một thứ vũ khí đặc biệt: kế hoạch hành động. Những khẩu hiệu có thể kích thích ta vượt qua nỗi sợ lúc ban đầu, nhưng chưa đủ để dẫn ta tới thành công. Chỉ khi tạo ra được kế hoạch với từng mục tiêu cụ thể, ta mới hiểu được mình cần làm gì để không nản lòng khi vấp phải sự cố ngoài ý muốn. Ứng tuyển vào Đại sứ quán Mỹ khi chưa hề có thành tích gì nổi bật trong CV, Thùy Trang vẫn được lựa chọn bởi kế hoạch chuẩn bị rất cẩn thận của mình. Và càng đọc thêm những câu chuyện Trang kể, ta càng thấy rõ hơn bí quyết thành công của cô gái nhỏ bé này: giữ vững niềm tin và luôn chuẩn bị kỹ càng.

 

Khi khao khát đủ nhiều và nỗ lực đủ lớn, khi mình hướng đến hành động và giải pháp thay vì bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực, tôi tin bạn sẽ chinh phục được mọi con đường mình muốn đi.

Dường như, tự bản thân mỗi người đã biết con đường mình muốn đi, nhưng có những người đang bị rào tự ti, nghi ngại chính mình cản bước. Đó là lý do ta nên ngừng do dự và bắt tay làm luôn những thứ mình muốn. Thùy Trang cũng vậy, nếu ngày đó quyết định không nộp hồ sơ xin học bổng tại Mỹ chỉ vì nỗi sợ xác xuất đỗ quá thấp, thì cô đã không thể chạm tới mơ ước bấy lâu của mình.

Và thật ra, một khi đã hạ quyết tâm kéo căng cánh cung để bắn đi mũi tên mang tên “hành động”, bạn sẽ bị cuốn theo mũi tên ấy và không còn thời gian cho nỗi lo sợ vô ích.

 

2. Để thành công, đừng rẽ ngang khi gặp chướng ngại vật

 

Chương 7 của cuốn sách Trang dành để tâm sự về ngã ba đường mình đã phải đối mặt năm 24 tuổi. Sau khi dốc hết can đảm vượt qua khủng hoảng khi trượt khỏi vị trí mơ ước tại một tập đoàn lớn, Thùy Trang chập chững khởi nghiệp với trung tâm dạy tiếng Anh của riêng mình. Chặng đường khởi nghiệp nhiều khó khăn, đỉnh điểm là lúc tình hình tài chính xấu đi, không đủ học viên để mở lớp, những cộng sự dần ra đi vì muốn tìm một công việc ổn định, bản thân Thùy Trang cũng chịu áp lực từ gia đình – những người lo lắng cho tình trạng bấp bênh này và muốn cô “vui thể được rồi, giờ phải nghĩ đến sự nghiệp lâu dài.” Đúng lúc ấy, Trang nhận được lời mời làm việc hấp dẫn từ tập đoàn từng từ chối cô, cũng từng là ước mơ suốt thời sinh viên.

Ngày trước tôi cũng nghĩ bọn nhóc chúng tôi sướng thật, bao nhiêu cơ hội thú vị để được bay cao bay xa. Chỗ này không tốt, vẫn còn cả trăm ngàn nơi khác tuyệt vời hơi. Nhưng rồi về sau tôi mới nhận ra sự thật đau lòng rằng: càng nhiều lựa chọn, người ta càng dễ dánh mất hạnh phúc. Càng nhiều lựa chọn, chúng tôi càng rối trí không biết đâu là con đường tốt nhất và phù hợp nhất để đi. Kể cả thời điểm quyết định được hướng đi tưởng là “ngon lành”, chúng tôi vẫn thấy thật khó để tâm huyết và hết mình với nó khi xung quanh vẫn còn rất nhiều những con đường khác, biết đâu lại có thể tốt hơn.

Vào thời điểm buộc phải chọn, tất cả mọi người xung quanh Thùy Trang đều muốn cô gật đầu với lời mời nọ, kể cả người anh trai cũng từng khởi nghiệp giống Trang nhưng không thành công, sau đó đã có một sự nghiệp vững vàng tại một tập đoàn lớn. Dường như điều mà ai cũng kỳ vọng ở những người trẻ tuổi đã có ít nhiều thành tựu như Thùy Trang là tương lai rộng mở với một vị trí hoành tráng và mức lương cao ngất ngưởng, và chuẩn mực này đã dần ngấm vào nhiều người trẻ khiến họ đua nhau chạy theo mà quên không hỏi bản thân liệu đó có phải là điều họ thật sự muốn làm.

Nhưng với Trang, thành công không nằm ở đích đến mà là việc nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trên đường đi tới đích. Trải nghiệm chưa đủ nên dễ thích, dễ bỏ là thói quen rất nguy hiểm. Người ta chỉ nhìn vào mặt hào nhoáng của thành công mà quên mất ngả đường nào cũng ẩn chứa cả cơ hội và thách thức, vì không có đường tắt đi tới đích. Trong cuốn sách của mình, Thùy Trang tâm sự chân thành về những mối trăn trở giằng xé trong đầu khi đưa ra quyết định: sẽ đi đến cùng với dự án khởi nghiệp chính mình tạo ra và từ chối cơ hội đầy hấp dẫn của tập đoàn nọ.

 

3. Kết

 

Tuổi 20s của Thùy Trang chưa bao giờ là con đường thẳng tắp mà ngược lại, đó là những năm tháng đầy biến động với thành công xen lẫn khủng hoảng liên tiếp. Tuy mỗi người có những năm tháng 20s của riêng mình, nhưng có lẽ có những vấn đề đã trở thành trăn trở chung của thế hệ: làm thế nào để ứng tuyển với CV thiếu kinh nghiệm trong môi trường đầy cạnh tranh, làm thế nào để bỏ thói nhanh chán và chọn được con đường mình muốn theo đuổi, làm sao để không bị cuốn theo đám đông và khẳng định giá trị của riêng mình,…

Bạn sẽ phải tự mình giải đáp những câu hỏi trên, nhưng tin vui là bạn không cô độc. Bạn sẽ tìm thấy một cô gái cũng đang loay hoay với cuộc đời trong Tìm đường tuổi 20s.

 

>>> Đọc thêm: Trích dẫn chương 8 cuốn sách Tìm đường tuổi 20s.

 

Trạm Đọc

Tags: