[Tiếng pháo nổ một thời] Nguyễn Tuân - Một người cha về quê ăn Tết
[Tiếng pháo nổ một thời] Nguyễn Tuân - Một người cha về quê ăn Tết
Những dòng viết trong tập truyện "Nguyễn" ra mắt năm 1945 gợi về một làn sương khói của cái tết xưa trước những năm giải phóng, đồng thời bộc lộ nét tài hoa và tinh tế trong tâm hồn Nguyễn thời trai trẻ.
Hình ảnh phòng khách ngày tết tại một gia đình quyền quý ở Hà Nội xưa

Tặng Đỗ Đức Thu

Chiều hai mươi chín tết, vợ chồng anh bạn trước khi đáp chuyến tàu cuối cùng về quê, đã bảo Nguyễn:

- Cái đó tùy anh. Nếu anh muốn ăn tết ở đây để "tìm cảm giác của tha phương", thì cái nhà này bao giờ cũng vẫn là nhà của anh. Sẵn đầy tớ, sẵn rượu thuốc, giò bánh và cá kho và trầm hương. Nếu anh đổi ý kiến sau khi vợ chồng tôi đi rồi thì anh cứ về. Hay là về? Cũng nên về nhà, Nguyễn ạ. Đã mấy năm, anh không ăn tết ở nhà, anh không thấy để phiền cho thân quyến hay sao? Nhưng nếu anh về, anh làm ơn gửi nhà lại cho ông cụ Tư bên hàng xóm nhá. Dặn qua ông cụ mấy tiếng. Thôi đến giờ tàu rồi, vợ chồng tôi đi, và gửi lời chúc anh ăn tết cho . . .cho được... thôi chúng tôi đi.

Đêm ấy, Nguyễn uống rượu cảm khái trong một căn nhà bạn đã về quê.

Trang bìa tập truyện "Nguyễn" (1945)


Đứng trên bao lơn, Nguyễn chếnh choáng nhìn xuống cái nhộn nhịp của đêm tết Tỉnh thành. Nửa chai đã cạn.

Chỉ có rượu vào mà thơ không thấy ra, Nguyễn khoác áo ra đường. Trời rét đã khuyên chàng chỉ nên đi bộ, mỗi bước dài đủ tám mươi phân. Nguyễn thèm hút thuốc chưa guộn nhồi trong một cái tẩu thuốc mà nồi hút phải sâu lòng. Chàng rẽ vào một hiệu tạp hóa thực phẩm của Khách Phúc Kiến, tìm thuốc và tẩu thuốc. Hộp thuốc lá thơm thái nhỏ mất một đồng bảy hào. Cái tẩu thuốc chỉ có một đồng. Nguyễn nhớ tiếc cái thời phong lưu xưa cũ, trong nhà, trên giá tẩu, lúc nào cũng có đến năm sáu cái tẩu đủ kiểu, cầm đến cứ nhẹ như không và hút không nóng cổ.

Đứng ở đầu ngã ba, chàng bảo người bán cà phê rong pha cho một cốc cà phê đặc. Thói quen đã bảo chàng ngậm một ngụm cà phê không bỏ đường chún nước đắng vào ruột tẩu để tôi cái tẩu mới.

Nguyễn dừng trước tủ kính một hiệu giầy, ngắm lô giầy dép trẻ con. Rặt giầy trẻ con. Thật là một thế giới chân ấu trĩ. Chàng thấy lòng rung động, nhớ đến lũ con chàng không biết bây giờ đang ngủ hay là đang làm những trò gì ở nơi xa vắng ấy. À, còn hai hôm nữa thì chúng thêm một tuổi và bố chúng thì kém đi một tuổi giời. Nguyễn hút một mồi thuốc tắt, cau mặt đánh một cây diêm mà mắt vẫn không rời khỏi lô giầy tí ti xinh xắn. Chàng lẩm bẩm làm một cái tính nhẩm. Thằng Tuyền mười một tuổi... Con Khuyên... tám tuổi. Con Tương. . . Thằng Cháu. . . Con Hưởng. . . Cộng cả lại chúng nó được đúng ba mươi tuổi. Một mình chàng cũng ba mươi tuổi. Tam thập nhi lập. Lập cái gì? Lập công? Lập đức? Lập ngôn? Hay là lập dị như người ta thường bảo chàng? Ô! Thế sự! Nhớ đến tên lũ con, chàng lại buồn cười cho ông nội sao đặt tên cho cháu toàn đặt chữ đôi.

Một phiên chợ tết thời bao cấp


Đọc nghe Tàu quá. Cái con Tiêu Tương bằng tí tẹo thế mà ông nội cũng đã tìm chữ cho cháu gái dùng làm biệt tự Tiêu Tương tự là Sở Đò? Nguyễn nhớ đến một câu thơ Chinh phụ. Những cái tên cùng một bộ thủy, đẹp như thế này, chẳng biết mai sau có đứa nào làm nên cái trò trống gì không?... Lại còn có những người lúc được hiển đạt - họ được hiển đạt vì ở một quê hương toàn người mù họ còn được cái may, có một con mắt mở - lại muốn xóa bỏ khỏi tấm căn cước, nơi giấy khai sinh một cái tên rất bố cu mẹ đĩ tố cáo một nguồn gốc quá ti tiện.

Nguyễn đã quay gót rảo bước được một quãng rồi mà hình ảnh lũ con chàng vẫn ám ảnh hoài. Chàng giở lại hiệu giầy ấy, đòi mua luôn một lúc năm đôi giầy trẻ con đủ màu da láng xanh đỏ đen nâu.

- Thưa ông chân các cháu số mấy? - Người chủ hiệu giầy tủm tỉm hỏi.

Nguyễn lúng túng. Chàng nhớ cách đây sáu tháng, một lần vội vã tạt về nhà, chàng đã lấy bút chì xanh khoanh kiểu chân lũ con vào một tờ bìa. Nhưng tìm đâu cho ra cái tấm bìa ấy bây giờ? Và nếu có tìm được thì chưa chắc đã dùng để làm mẫu cho đúng được. Sáu tháng rồi, chúng nó nhớn như thổi. Vợ Nguyễn viết thư ra cho chồng, thường lúc nào cũng viết một câu như thế đề vào lời tái bút.

- Này ông hàng giầy này, con tôi đứa đầu lòng mười một tuổi, đứa nhỏ nhất đứng cuối sổ là hai tuổi. Tôi có tất cả năm cháu. Nhà tôi cứ hai năm ở cữ một lần, ông liệu mà xếp giầy. Rộng một chút cũng không sao.

Nguyễn bưng bọn giầy ấy về nhà, đi qua hiệu tạp hóa chú Khách ban nãy còn mở cửa, chàng mua luôn một cối pháo toàn hồng và một chai rượu Cognac, thứ nhỏ và mình lọ dẹp. Cái dáng lọ ấy bỏ vào túi áo trong ba đờ suy tiện và xinh quá. Có thể đem theo luôn trong mình để lúc lỡ gặp vui hoặc gặp buồn ở giữa đường, người ta chỉ phải ngậm lấy cổ lọ và tu đánh ực một ngụm rất gọn ghẽ.

Thằng đầy tớ chưa đi ngủ. Nó đang ngồi phá trận với một cỗ bài tổ tôm đã mòn hết góc cạnh và mất cả hình vẽ. Nguyễn bảo nó đốt ngay cối pháo trong nhà.

Trong khói đặc như mây thung lũng, lửa pháo dệt những sợi sáng nhanh tựa chớp. Tiếng pháo nổ xé không khí gian phòng kín vương mùi diêm sinh ngạt. Trong bài trí của khói diêm đứng im không chịu đi đâu và xác pháo trụy lạc ở mặt thềm, Nguyễn ngồi ngắm lũ giầy trẻ con. Chàng ngừng uống rượu để hút tẩu thuốc. Rượu và thuốc đem vào đầu Nguyễn một cơn thiên đầu thống nặng trĩu. Và đến lúc chàng mở mắt dậy trên trường kỷ lạnh tụt mất cả nệm phá Lào, chàng nhìn cửa tay áo cháy thủng một lỗ to bằng quả cam đường. Miệng chàng chát xít một mùi tàn tro. Đồng hồ đeo tay của Nguyễn chết từ lúc hai giờ đêm.

Xa xa tiếng tiu cảnh leng keng. Chẳng biết có phải là tiếng vọng một đám lễ tất niên một nhà hàng xóm chậm trễ không?

Nguyễn đánh thức thằng nhỏ dậy:

- Con bỏ cái va li trên đầu tủ xuống, lau bụi đi... Đây cậu cho đồng bạc giữ lấy mà ăn Tết. Cậu đi vắng nên trông nhà nhiều hơn là đi chơi. Cậu mợ con ngoài giêng có ra sớm, con nói cậu phải vắng nhà độ mấy hôm.

- Cậu lại không ăn Tết ở Hà Nội?

- Ừ! Con nhớ để cái đĩa pha lê ra giữa bàn nhà ngoài cho những bạn của cậu mợ con đặt danh thiếp nhá.

Một tấm cửa sáng mở rọi đúng vào một đêm tuế mộ mò mò. Gió đêm thổi thốc vào miệng thằng nhỏ đang: "Lậy cậu về. . . " với một giọng buồn tiếc. Cậu Nguyễn lại cũng về quê nữa!

Nguyễn đặt chân ra ngoài hè cũng không biết lúc ấy là mấy giờ. Đêm hai mươi chín tết rạng ngày ba mươi, trời tối như trát mực tàu. Ngược làn gió nay mai sẽ giao thừa, chàng lần về nẻo ga.

Một hình ảnh Ga Hà Nội xưa


Mấy người phu đổi thùng chậm trễ, tay lòng thòng cầm cái thứ đèn chụp làm bằng vỏ chai rượu ty cưa đáy, túm tụm ở cửa một ngõ ngang bàn nhau ngày mai nấu chung một nồi nước nóng có ngâm hạt mùi già để tẩy mình cho hết cái ô uế, trong một năm giữ việc vệ sinh chung cho thành phố.

Trên con tàu, Nguyễn móc củ thủy tiên vào cái mấu sắt ở trần toa. Lúc sáng hửng thì hoa ấy, đêm qua còn ngậm cười, đã toạc nở hai đóa giữa quãng Phố Tía - Cầu Guột trong con tàu tết trườn trên đường sắt dài. Hoa chớm nở đượm một mùi thơm của sự được đổi rời. Nguyễn nhìn ra cửa sổ tàu, nhìn con đường nhựa thiên lý song song đánh bạn với con đường sắt. Và trên đường, có một quả hồ lô máy đang ì ạch nuốt từng tấc đường dài. Người phu lục lộ làm phần đường đã cho chở cả lên xe lăn một cái hòm mới gỗ nhuộm màu nước vàng và hai man vàng sét. Nguyễn ngùi ngùi nhìn lại cái bóng người hèn mọn đang lùi xa lại với con lăn trong đám cỏ cây gần thay hết lớp lá già cũ. Đường nhựa, dưới trời mưa phùn rỉ rả, bóng và lạnh như một thỏi thép rộng bản. Sớm ba mươi Tết, Nguyễn nhận ở hình ảnh người phu đường ấy cả ý nghĩa sự quyến luyến của con người ta đối với phần hương và cố lần mò về góp mặt cho kỳ được với quê hương mặc dầu mình chỉ là một mẩu đời tủn mủn chẳng đáng nên góp vào đâu tất cả. Mà Nguyễn thì đã hơn gì người phu phần đường kia(!)

Còn nửa chai Cognac con giắt theo, Nguyễn dốc nốt, chàng xuống ga về nhà, ngửi cái mùi vôi mới quét ở ngoài cổng. Chàng uể oải bước vào nhà, đứng ngắm mẹ đang chỉ bảo người lấy trấu đánh bóng bộ đồ đồng ngũ sự. Mẹ Nguyễn thở dài một tiếng, rồi cúi luôn mặt xuống. Ông cụ đẻ ra Nguyễn đi vắng, mang các cháu nhớn lên chơi chùa. Vợ Nguyễn đi chợ, thằng Tuyền bận đi họp bạn Sói Con.

Nguyễn cảm thấy hình như không một ai có ý chờ mình về. Mấy kỳ Tết, chàng có về đâu mà chờ với đợi. Chàng về Tết, nói cho cùng, cũng chỉ như một người đi tù về. Tủi tủi và rầu rầu. Nguyễn thấy mình có trở về nhà trong ngày long trọng này thì cũng chỉ là vì một thói quen đã cũ.

Không về thì không đành lòng mà về tới thì . . . ối dào . . . ?

Chàng vào cái buồng cũ đầy mùi ẩm mốc, chui luôn vào chăn bông ngủ một giấc say, trả nợ cho mắt phải thao láo vì mấy đêm thao thức trước ngày về. Con Hưởng đang ngủ say quá. Nằm cạnh con gái út hai tuổi, chàng thấy ấm, ấm hơn cái lồng ấp có than hồng.

Chàng ngủ không biết mấy giờ. Lúc mở mắt dậy, thấy có những cái gì vương vướng chung quanh mình. À, ra con Tiêu Tương và lại cả thằng Cháu nữa. Hai đứa nhỏ này chui vào chăn tự bao giờ. Nguyễn lắng thấy ngoài cửa sổ khép có những tiếng quen quen đang nói chuyện. Đúng tiếng thằng Tuyền nó đang hỏi mợ nó:

- Cậu đã về đấy mợ?

- Ừ, con bảo em Khuyên khẽ chứ để cậu ngủ. Thôi con không phải thay quần áo nữa. Cứ để nguyên cả quần áo sì cút đấy, đợi cậu dậy rồi ra mà khoe luôn. Cậu đã thấy con mặc lối Hướng Đạo đâu?

Một lát lại có tiếng cha nói với mẹ:

- Thôi bà đừng nói gì với nó nữa.

- Tôi tưởng năm nay nó lại cứ ăn tết với những bạn nó.

- Thì đạo bằng hữu cũng đáng phải kể trong ngũ luân chứ? Nhưng thôi, tôi cúng rồi đấy, bà lên cúng đi để cho các cháu nó lễ... Cái thằng ấy thế mà tốt số. Năm nay nhà mới giết lợn gói giò làm chả, thì nó về. Mà không biết nó ở đâu về, xem ra mệt nhọc thế.

Nguyễn thấy trong mình đang dào dạt những tình cảm mới lạ. Rồi Nguyễn phàn nàn cho mình đã không đem được tí gì về nhà gọi là góp vào cái tết trong gia đình. Một chút hối lỗi buồn bã này làm gì đã đủ. Con Tiêu Tương đã trở dậy. Nó cười ngay. Và khoe luôn với Nguyễn cái ống tre bỏ tiền của nó đã đầy nặng. Nguyễn mới nhớ ra mình đã để đồng xu cuối cùng của mình vào lòng tay người phu xe kéo từ ga về ban nãy. Con Tiêu Tương giơ ra cái đôi tất trắng sạch nhưng mà cũ. Nguyễn vụt nhớ đến lũ giầy dép của trẻ con, mở va li ướm cho con Tiêu Tương một đôi hơi lỏng một chút. Thằng Cháu cũng choàng dậy và mếu máo:

- Thế của con đâu? Cậu có mua cho Cháu không? Có mua que đan và cuộn len để chị Khuyên đan áo cho con không?

Nguyễn gật liều và chàng vừa ngáp vừa nhớ lại tất cả những lần vợ ở cữ thì chàng đều không có mặt ở nhà.

Chàng cảm thấy mình chỉ là một đứa ích kỷ quá và không xứng đáng tí nào đối với cái độ lượng của tất cả già trẻ và người bạn lứa đôi kia. Chàng thấy mình đã nghĩ đến mình nhiều quá đến nỗi quên hẳn những nguồn sống chung quanh gần nhất.

Đêm giao thừa ấy, lúc cúng ở giữa trời, ông cụ thân sinh ra Nguyễn lắng đêm, hóa vàng và lúc nghe thấy mèo kêu sau lúc pháo các nhà đón Xuân đã tắt bèn nói với Nguyễn đang lom khom trút rượu ở bàn cúng:

- Mèo kêu rậm rú. Năm nay rồi động rừng, rồi dữ rừng lắm đây, Cả ạ. Không nên đi các vùng xa.

Tết Nguyên Đán Kỷ Mão. [1]

Nguyễn Tuân, tập truyện Nguyễn (1945)

[1] Tết Kỷ Mão là Tết Nguyên đán 1939.

Tiếng pháo nổ một thời là cái tên chung cho bộ sưu tập những tác phẩm khắc hoạ tập tục ngày tết tại Việt Nam thời kỳ trước giải phóng (1945) từ các tác gia, tác giả nổi bật đương thời, gửi tặng bạn đọc nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải mã Chùa Đàn của Nguyễn Tuân: Nghi lễ hiến thân cho nghệ thuật

Cuộc thi viết "Vị tết năm ấy"

Nỗi u sầu trong Patrick Modiano (1)

"Nỗi buồn chiến tranh" - viết về chiến tranh thời hậu chiến, từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp (1)