Thợ xăm ở Auschwitz - Lựa chọn thái độ sống vượt qua nghịch cảnh
Thợ xăm ở Auschwitz - Lựa chọn thái độ sống vượt qua nghịch cảnh
Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn và con người trả giá cho chọn lựa ấy. Nhân vật Lale trong tiểu thuyết “Thợ xăm ở Auschwitz” luôn chọn cách sống nhân hậu và tử tế, kể cả khi anh sống trong nghịch cảnh, thậm chí đối mặt với cái chết. Chính sự tử tế của Lale, phẩm cách của Lale đã giúp anh vượt qua ranh giới sống chết để được trở về.

“Thợ xăm ở Auschwitz” được viết dựa trên lời kể trực tiếp của một người sống sót thoát khỏi trại tập trung của Đức quốc xã. Trong số nạn nhân lớn đến không tưởng tượng nổi của Holocaust, mỗi người đều là một cá nhân với một câu chuyện độc nhất vô nhị. Với cách viết thẳng thắn mà không trần trụi, hầu hết sự kiện được kể lại giống như trong thực tế, nữ tác giả Heather Morris đã mang đến một câu chuyện đầy xúc động và lôi cuốn về hành trình của Lale trong trại tập trung, và về tình yêu thời thế chiến II.

Những người yêu nhau và bạn bè chí cốt gọi nhau bằng tên riêng. Đức quốc xã gọi họ bằng con số. Tên riêng gắn liền với sự sống, còn con số gắn liền với cái chết. Thợ xăm Lale đã xăm mã số tù lên tay của biết bao người, trong đó có người con gái mã số 4562 có đôi mắt khiến anh nhớ mãi. “Tôi xăm mã số lên tay trái Gita, và cô ấy xăm tên mình lên trái tim tôi” - chính tình yêu trong những tháng ngày không thể biết được tương lai ấy là động lực để Lale thêm quyết tâm “tránh xa những suy nghĩ u tối” và “sẽ làm tất cả những gì có thể cho người phụ nữ đang ngồi trước anh đây”.

Để rồi, khi cái chết cận kề, giữa những cơn đói rét thường xuyên và việc lao động nặng nhọc mỗi ngày, khủng khiếp hơn là phải chứng kiến những tội ác xung quanh thì Lale, bằng trí thông minh, sự nhẫn nại, lòng tự trọng và nhân hậu của mình, đã luôn tìm ra những kẽ hở nhỏ nhất để chính mình tồn tại trong trại tập trung, và để từ đó giúp đỡ mọi người. Không biết bao lần cố ngăn dòng nước mắt, không biết bao lần nuốt hết tủi nhục, không biết bao lần mỗi khi xăm lại tự hỏi "tại sao mình phải làm thế này với đồng loại", nhưng cuối cùng với Lale, “cứu một người là cứu cả thế giới”.

Điều đặc biệt ở "Thợ xăm ở Auschwitz" là thông tin về câu chuyện có thật đáng kinh ngạc của Lale, bao gồm các hình ảnh, bản đồ, tài liệu liên quan, cũng như cuộc đời của hai nhân vật chính đằng sau tiểu thuyết.

Ngay khi vừa ra mắt lần đầu vào năm 2018, cuốn sách đã gây tiếng vang tại Mỹ, đoạt giải thưởng Audie Award năm 2019 và lọt vào danh sách bestseller của New York Times với lượng bán ra trên một triệu bản. "Thợ xăm ở Auschwitz" sau đó đã được dịch sang 17 thứ tiếng, bán bản quyền đến 43 quốc gia. Tại Việt Nam, "Thợ xăm ở Auschwitz" được giới thiệu bởi dịch giả Lan Huế, do Nhã Nam và NXB Văn học liên kết xuất bản.

Theo Hanoimoi.com.vn

Tags: