Thiên Nga Đen - The Black Swan
Thiên Nga Đen - The Black Swan
Tôi khuyên các bạn khi đọc cuốn sách này phải có sự tự tin rất lớn, vì tác giả sẽ đập tan nát vào lòng tin của chúng ta. Ông ấy chĩa vào sự tự tin của các độc giả rất nhiều, và sau một hồi làm ta lung lay, ông ấy lại bảo, cái đó rất quan trọng.

Vào một ngày mưa mát thời tiết, trời nắng hanh hanh, và bạn sẽ phải đối đầu với vài thảm kịch trong kinh doanh của bạn, lúc đó là lúc thích hợp viết về Thiên Nga Đen.

 

Tôi cứ lầm tưởng rằng đó là tên một bộ phim vừa nổi tiếng với cô nhận giải Oscar cùng với cái bụng bầu trên bục lãnh giải. Nhưng hoá ra, đi trước sự kiện đó vài chục năm, nó lại liên quan đến một ông triết gia khó chịu tên là Karl Popper.

 

Tất cả sự kiện xảy ra trước khi tôi viết bài này đều nhắm chỉ về điểm tự phát, điểm thôi thúc tôi ngồi vào máy tính và gõ vài dòng gần như trao đổi, thảo luận, trò chuyện, và có khi bắt bẻ ông Nassim Nicholas Taleb- một ông hay nhấn mạnh rằng ông ấy đang làm nghề lái xe Limousine. Thật sự thì ông ấy thích mình là một triết gia Limousine.

 

Khái niệm này hoàn toàn là phát minh của ông Taleb. Cũng nói thêm rằng, toàn bộ cuốn sách này, có rất nhiều phát minh của ông ấy, một loạt tên gọi, từ ngữ không hề có trong từ điển. Sáng tác ra và dịch nghĩa chúng, và thuyết phục chúng ta tin rằng chúng có lợi cho cuộc sống của chúng ta là điều tác giả cuốn sách sẽ làm.

 

Còn bao nhiêu phần trăm bạn bị thuyết phục phụ thuộc vào bạn có đủ sức mạnh tư duy để theo kịp các lí thuyết vừa có vẻ toán học, vừa mang dáng dấp logic hay không. Nói chung, để bắt giò ông này không dễ. Bạn có thể tra cứu hình ảnh tác giả và bạn suy luận dựa trên kinh nghiệm giao tiếp, trên sách vở bói toán để xem bao phần tác giả này nói sự thật, và bao phần còn lại là không thật, là niềm tin áp đặt niềm tin, là cách thức thống trị cách thức.

 

 

Chuyện này thì nằm ngoài khả năng của tôi, lẫn tác giả, có khi lẫn cả bạn, nếu bạn không chú tâm, hoặc không hứng thú với việc “nếu toàn thể thiên nga đều màu trắng, thì một con mang đủ tố chất của thiên nga trắng, nhưng nó màu đen, nên gọi nó là gì?”.

 

Kiểu câu hỏi này cũng chưa khó, nếu bạn có một thư viện đầy sách, những cuốn sách giá trị với bạn là những cuốn bạn chưa đọc, vậy đến lúc nào đó, một thư viện đầy giá trị đối với bạn là một thư viện bạn chưa đọc một cuốn nào, đúng không? Chắc bạn sẽ nói tôi đang bẫy bạn. Thư viện để tra cứu, không phải để đọc, cho nên một thư viện giá trị là một thư viện có nhiều thông tin liên quan đến đề tài nghiên cứu của bạn.

 

Liệu chúng ta nên nói tiếp về thư viện và giá trị thư viện hay chúng ta quay lại nói tiếp về Thiên Nga Đen?

 

Bạn mà đi theo đường dẫn tôi vừa dẫn bạn đi về thư viện và giá trị thư viện là bạn sẽ bị mắng ngay đang chú ý vào tiểu tiết mà không bao quát hết các sự kiện khác. Tôi cũng phải nói với bạn rằng trong Thiên Nga Đen, bạn rất dễ lạc đường, vì các ví dụ minh hoạ, cái nào cũng đặc sắc cả. Đặc sắc đến mức, bạn có thể ngưng đọc cuốn sách và đi lấy kính lúp soi vào ví dụ, tiếp tục chơi với nó trong một thời gian nữa.

 

Có hai loại người, theo tác giả này, một là loại kết nối được các điểm, và loại không thể kết nối các điểm bất kể trình độ hay hiểu biết. Vấn đề đặt ra là các điểm gì trong mọi mặt của cuộc sống? Các điểm đó có nhô lên hay chìm khuất, làm sao nhận dạng? vân vân.

 

Rất khó để tiêu hoá những khái niệm mà tác giả này đưa ra. Nhưng rất dễ rơi vào một mối nhợ ông ấy đặt ra. Ví dụ. Chúng ta luôn có xu hướng chứng thực những điều chúng ta nghĩ, hơn là chứng minh chúng ta sai. Đơn giản, chứng minh chúng ta sai là chứng minh chúng ta còn kém cỏi, ai làm chuyện đó?

 

Hoặc trên sách vở, tôi biết có hai dạng logic. Một là trực giác, hành động vô thức, dựa trên kinh nghiệm bản thân, và hành động nhanh, đôi khi có kết quả đúng, ta gọi là một sự linh cảm tuyệt vời. Vâng, chúng ta hoàn toàn có giác quan thứ 6 đó. Hai là, tôi nhìn sự việc dưới góc độ từng sự kiện liên quan chặt chẽ với nhau, sau a đến b, đến c. Tôi nhận ra rằng, bằng một tốc độ chậm rãi, bằng cách làm thận trọng, suy luận chặt chẽ, tôi an toàn.

 

Quí hoá thay là tôi luôn làm theo trực giác của mình và tôi bổ sung luận thuyết đúng đắn của chính tôi bằng con đường liên tưởng nguỵ biện, kết nối các sự kiện để đi đến kết luận tôi đã đúng.

 

Một lần nữa, để nhận tôi sai thì thật là khó.

 

Tôi khuyên các bạn khi đọc cuốn sách này phải có sự tự tin rất lớn, vì tác giả sẽ đập tan nát vào lòng tin của chúng ta. Ông ấy chĩa vào sự tự tin của các độc giả rất nhiều, và sau một hồi làm ta lung lay, ông ấy lại bảo, cái đó rất quan trọng. Tôi nghĩ không lẽ ông ấy ghi “các bạn đừng tin các bạn, hãy tin tôi!” vậy thì tự kiêu quá!

 

Sau những thứ gây hấn, công kích đủ thứ về những người thành đạt, từ giới nhà giàu chơi chứng khoán, cho đến hình ảnh các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong bộ vest sẫm màu, đeo cà vạt hạng sang [mà tôi đoán chừng ông này rất ghét trang phục đó] thì cuốn sách vẫn lôi cuốn như thường.

 

Chẳng có gì lạ cả. Trò chuyện với một người cá tính, thông minh, sắc sảo, miễn nói một giọng dễ nghe, đủ sức thuyết phục bạn thì bạn vẫn thích hơn một kẻ nói đúng đấy, nhưng đầy gay gắt, thậm chí còn chửi thề vào mặt bạn nữa.

 

Đôi khi bạn ăn mặc tao nhã, thể hiện sự tinh tế ở mức độ cao, và ngồi lặng im là được điểm ngất ngưỡng.

 

Tôi nhấn mạnh lại là quyển sách không phải là cuốn bàn về ăn mặc, mà là cuốn bàn về vấn đề biện minh, thường nó nằm một phần trong trí óc của chúng ta, liên quan khá nhiều đến trình tự nắm bắt sự việc, phân tích, giải thích.

 

Thường thì chúng ta không có thói quen ghi lại những dự đoán để rồi so sánh sự việc thật nó ra con số rất bẽ bàng. Thường, chúng ta chọn cách chúng ta lơ đi cho nó vui vẻ, vì đằng nào chúng ta cũng sống với sự thật, đã trải qua với sự thật, chứ không phải yên lòng với dự đoán, hạnh phúc với dự đoán.

 

Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta thừa nhận chúng ta đúng, vui vẻ, phần trăm sự kiện hoàn toàn đúng với í kiến chúng ta nêu ra, và thế là chúng ta đầy tài năng, đầy tự tin, còn tất cả những cái khác xảy ra nằm ngoài dự kiến của chúng ta là cái rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, thiên tai, nhân duyên, linh tinh các thứ.

 

Có vẻ, không lí thuyết kinh tế nào gần đây nằm ngoài sự ảnh hưởng của tâm lí nhỉ? Sau một thời gian dài các nhà kinh tế học lăn lốc trong mớ công thức toán, thì giờ quay ra nghiên cứu thứ bất định hơn, khó nắm bắt hơn là tâm lí con người, thành phần cấu tạo nên cái gọi là kinh tế. Con số không còn đóng vai chính, nó đóng vai phụ, hỗ trợ cho nhân vật trung tâm là con người.

 

Rồi quay về cái quan trọng của con người là bộ não.

 

Biết-cách-nào và biết-cái-gì.

 

Bỗng tôi nhớ ra một câu về an toàn giao thông đang được tuyên truyền “Hãy lái xe bằng tất cả trái tim của bạn” – người mù vẫn có thể lái xe, vì họ có tim. Tôi không châm chích người, tôi châm chích câu tuyên truyền, đáng lí ra phải nêu ra được rằng, hãy lái xe bằng đôi mắt, đôi chân, đôi tay, bằng cả cái đầu một cách cẩn thận, dĩ nhiên sử dụng được những thứ đó thì tim cần phải đập.

 

Nói tóm lại, đọc cuốn sách này, bạn phải biết một vài từ khoá epistemology, Platonic, a-Platonic, knowledge how, knowledge that, confirmation bias, belief perserverance. Và bạn có một cái đầu tư duy tốt, không thì dễ bị bơi trong đống kiến thức.

 

Trạm Đọc - Read Station 

Nguồn: Blog Chiếc nón

Tags: