Thành công trong phục dựng các chân dung lịch sử của công nghệ AI
Thành công trong phục dựng các chân dung lịch sử của công nghệ AI
Thành tự trong việc phục dựng chân dung các hoàng đế La Mã và danh nhân Tô Đông Pha cho thấy tiềm năng vô hạn của AI đối với quá trình nghiên cứu lịch sử nhân loại.

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence  – viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). AI là trí tuệ do con người lập trình tạo nên, với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Từ đó, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…

Các nghiên cứu khoa học ngày càng chỉ rõ rằng tiềm năng của trí thông minh nhân tạo là vô hạn, thậm chí vượt khỏi khả năng tiên lượng của con người. Hàng loạt thành tựu mà AI đem lại đã cho thấy khả năng bất tận của nó trong việc giải quyết các vấn đề của con người, trong mọi khía cạnh đời sống. Việc phục dựng những chân dung lịch sử cũng là một trong những thành tựu đáng kể đó.

Phục dựng 54 gương mặt hoàng đế La Mã nhờ công nghệ AI

Các đặc điểm của những hoàng đế xa xưa được lưu lại qua hàng trăm bức tượng điêu khắc, nhưng ngay cả tác phẩm chi tiết nhất cũng không thể mô tả chính xác diện mạo của họ khi còn sống. Cuối năm 2020, nhà điện ảnh học và chuyên gia thiết kế thực tế ảo Daniel Voshart sử dụng phương pháp học máy, thuật toán vi tính học hỏi qua kinh nghiệm trong mạng lưới để khám phá chân dung thực sự của các hoàng đế La Mã.

Trong mạng lưới mang tên Artbreeder, thuật toán phân tích khoảng 800 tượng bán thân để lập mô hình hình dáng gương mặt, ngũ quan, tóc và da giống như người thật, sau đó bổ sung thêm màu sắc. Voshart cũng điều chỉnh những mô hình Artbreeder bằng phần mềm Photoshop, bổ sung chi tiết lấy từ mặt đồng xu, tác phẩm nghệ thuật và sử sách.

Gương mặt của hoàng đế Caligula do AI phục dựng. Ảnh: Daniel Voshart.

Voshart cho biết để theo dõi tất cả các tác phẩm nghệ thuật và tài liệu về các hoàng đế mất khoảng hai tháng. Trung bình mỗi chân dung mất khoảng 15-16 giờ để thực hiện.

Đối với hoàng đế Caligula, người trị vì từ năm 37 đến năm 41 sau Công nguyên, Voshart điều chỉnh mô hình Artbreeder bằng cách sử dụng các mô tả như “đầu méo, mắt và thái dương trũng xuống”, từ một bài báo xuất bản năm 1928 trên tạp chí Studies in Philology.

Nero, hoàng đế từ năm 54 đến năm 68 sau Công nguyên, có khuôn hàm tròn trịa hơn, làn da tàn nhang và một khuôn mặt “ưa nhìn hơn là quyến rũ”, theo bài báo năm 1928.

Nero trở thành hoàng đế ở tuổi 17 sau cái chết của cha nuôi, Hoàng đế Claudius, vào năm 54 sau Công nguyên - Ảnh: Daniel Voshart

AI phục dựng gương mặt Tô Đông Pha

ShenzhenTV ngày 15/1 mới đây đăng tải một video về AI biến các bức tranh vẽ Tô Đông Pha thành video, với các cử chỉ cười, nháy mắt. Video do một lập trình viên Trung Quốc tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác tại trường ở New York, Mỹ, thực hiện.

Công nghệ AI phục dựng chân dung Tô Đông Pha từ tranh vẽ. Ảnh từ video của Shenzhen TV

Theo People Daily, Tô Đông Pha (1037-1101) là nhân vật lịch sử được hâm mộ bậc nhất ở Trung Quốc. Tài năng của ông thể hiện ở nhiều mặt như văn học, thư pháp, hội họa, âm nhạc, ẩm thực, giáo dục, y học, trị thủy. Ông tên Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ nên thường được người đời gọi là Tô Đông Pha. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, Thủy điệu ca đầu... được ví như những viên ngọc trong văn học cổ Trung Hoa. Việc phục dựng nhân vật lịch sử này thu hút sự chú ý của một lượng lớn người am hiểu và ham thích lịch sử, đồng thời cho thấy tiềm năng không giới hạn của AI trong lĩnh vực phục dựng lịch sử.

Những thành tựu đáng kể của công nghệ AI hứa hẹn một kỷ nguyên mới cho thế giới, nơi khoa học và công nghệ được tận dụng tối đa để phục vụ cuộc sống của con người.

Trạm Đọc / tổng hợp theo Một Thế Giới, VN Express

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lược Sử Cuộc Cách Mạng Trí Tuệ Nhân Tạo

Nguyễn Nhật Ánh viết về lì xì ngày Tết

Ra mắt "Lòng tốt dễ lây" - Cuốn sách về lòng tốt và sự tử tế