Tháng Mười một
Tháng Mười một
Tuổi trẻ thường mơ mộng, và không biết điều gì chắc chắn về bốn mùa. Đối với tuổi trẻ chỉ có những cảnh trí thay đổi, những cảnh trí trong vai diễn rực rỡ của cuộc đời. Anh ta nhìn một năm như một vở kịch bốn màn. Khi cảm nhận thấy tuổi trẻ đang qua đi, chúng ta bắt đầu để ý hơn tới những đổi thay bên ngoài: tháng Mười một không chỉ da chúng ta nhạy cảm, cả tâm hồn ta cũng vậy. Có điều gì đó đang diễn ra làm ta bất an. Ta bước vào mùa đông trong những ngày này, chẳng khác nào những truyền thuyết u buồn bỗng hóa thành sự thật. Mùa đông cùng lúc là những truyền thuyết và hang động, hơi bệnh tật và hơi thị thành, nhưng đồng thời có những chú hải cẩu, hải mã, những ca sĩ ngoại lưu diễn, những người xúc tuyết có bằng cấp, có trà hoa cúc La Mã và rượu vang nóng, có sự chờ đợi dồn nén và hồi hộp, như chỉ còn mình chúng ta tồn tại trên thế gian, một mình chúng ta với số phận, lạnh giá và ảm đạm. Trước hết, và trên hết là chúng ta lạnh. Như những cư dân của một thành phố thời Trung đại sắp bị tấn công bất chợt, chúng ta chuẩn bị phòng vệ một cách hoảng loạn: ta đặt mua than, phơi quần áo rét, ta mặc đồ giả trang mùa đông, ta lo ngại một điều gì đó.

 

Ta không chỉ sợ lạnh. Trong những giấc mơ ta còn thấy lấp ló một ấn tượng hãi hùng, ký ức về kỷ băng hà. Thời niên thiếu ta thích lật giở một cuốn truyện tranh màu, tựa đề của nó là: Những niềm vui mùa đông. Trên những hình vẽ có ông già đầu đội mũ cứng, sắc phục trắng - hồng, trượt băng như một người tuyết phát cuồng, đâu đâu cũng thấy tiếng xe trượt tuyết leng keng, những cây phủ đầy tuyết lấp lánh tím đứng trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo. Tất cả đã qua rồi. Những mùa hè và đông đã dạy cho ta biết mùa đông không có những niềm vui, không có gì khác, không có cuộc sống thực, chỉ có niềm vui vô thần và hoang dã lôi cuốn tất cả những gì sinh tồn nếu được ánh sáng chiếu rọi. Tháng Mười một, tôi bắt đầu sống trong bức xúc. Các buổi đọc văn mà tôi chán ngấy bắt đầu, cuộc sống tĩnh lặng trong phòng giống như trại điều dưỡng bắt đầu, khi chúng ta thức dậy vào mỗi buổi sáng u ám và ướt át như khởi đầu những ngày bệnh hoạn, thời của ánh sáng nhân tạo và ấm áp giả tạo bắt đầu. Tôi không còn mừng rỡ khi mùa đông đến nữa, chỉ tuổi thanh niên biết vui mừng vì thời đoạn khắc nghiệt này. Tôi không đến nơi mổ lợn vì bụng dạ không chịu nổi, cũng không đến vũ hội vì tôi béo và cô đơn, trượt băng tôi không biết, trượt tuyết thì thấy ai cũng gãy tay gãy chân.

 

Còn lại là văn chương, là quán cà phê ngập ngụa khói mới buổi sáng đã như tối, quần áo dày bịch và chứng viêm khí quản. Tất cả chỉ là niềm an ủi mọn.

 

Căn phòng đã được sưởi, tôi lại gần lò sưởi, chán ngán như một tù nhân mới bắt đầu thụ án. Ta nhận án năm tháng. Có lẽ sẽ chịu đựng nổi.   

 

Ảo ảnh   

 

Có những từ ngữ luôn đánh thức trong tôi những ảo ảnh tiếp diễn. Chỉ cần thoáng thấy trên mặt báo từ “hung bạo” là tôi đã thấy hình ảnh một đám đông những người to đậm, trong những căn phòng mờ tối, với hành động thô kệch và vui vẻ mà tôi đã một lần trải qua, và còn lại một kỷ niệm đáng sợ, quyến rũ về tất cả những việc đó.

 

Hay từ này: “miệng hầm”, gợi nhớ khu vườn mùa thu có mùi táo héo, với tất cả những chi tiết cụ thể, bơi lơ lửng đâu đó trong không gian tràn ngập ánh sáng màu vàng và mạng nhện chăng.

 

Có những từ ngữ liên kết với những kỷ niệm không liên quan gì tới nội dung ý nghĩa của từ. Từ ngữ còn mang ý nghĩa khác so với những gì từ điển giải thích.

Maraj Sandor—Bốn mùa, Trời và Đất.
Dịch giả: Giáp Văn Chung.

Tags: