Thái Cường:
Thái Cường: "Không phải cứ gồng mình phá cách thì trang viết mới khác biệt"
Chỉ trong vòng ba năm, Thái Cường đã cho ra đời liên tục ba tiểu thuyết và tạo được dấu ấn nhất định trên văn đàn. Nhà văn trẻ sinh năm 1992 này đã có những chia sẻ xoay quanh tác phẩm mới nhất Người chết thuê và định hướng khi theo đuổi nghiệp viết.
Chỉ trong vòng ba năm, Thái Cường đã cho ra đời liên tục ba tiểu thuyết và tạo được dấu ấn nhất định trên văn đàn. Nhà văn trẻ sinh năm 1992 này đã có những chia sẻ xoay quanh tác phẩm mới nhất Người chết thuê và định hướng khi theo đuổi nghiệp viết.

 

Bạn từng nói Người chết thuê là tác phẩm cuối cùng khép lại bộ ba tiểu thuyết viết cho tuổi trẻ của mình, vậy bạn có cảm xúc gì đặc biệt với quyển sách lần này không?

Vốn liếng tuổi trẻ của tôi chung quy lại cũng chỉ xoay quanh gia đình, tình yêu, và bạn bè. Với Người chết thuê, tôi xoáy mạnh vào chủ đề tình bạn mang đậm màu sắc hoài niệm, triển khai theo hướng thâm trầm mà vẫn tươi sáng, không nặng nề.

Dù chính là người chấp bút, nhưng mỗi khi đọc lại cả Người chết thuê lẫn hai tác phẩm trước (Những mảnh mắt nhìnGam lam không thực), tôi đều cảm giác rất lạ, nảy sinh nhiều phong vị khó tả, nhận ra thanh xuân đúng thật không như mây trời thì cũng như mưa rào, chỉ ào tới trong một đoạn ngắn ngủi trong đời, qua đó tự thấy trân trọng hơn những thời khắc đáng quý của kiếp nhân sinh.

Nếu được chọn tác phẩm ưng ý nhất trong ba cuốn sách đã phát hành (Những mảnh mắt nhìn, Gam lam không thực, Người chết thuê), bạn sẽ chọn tác phẩm nào? Vì sao?

Tất nhiên mỗi tác phẩm đều có nét thu hút riêng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu công tâm chọn lựa, tôi vẫn đánh giá cao Gam lam không thực hơn cả.

Với nhan đề nghe tưởng chừng lãng đãng nhưng lại đầy ám ảnh, không dành cho những ai thích gặm nhấm từng trang sách về đêm, tiểu thuyết này thể hiện đúng điểm mạnh của tôi nhất: chắc gọn, gợi nhiều hơn tả, nhấn nhá ở chi tiết và lối dùng chữ hơn tập trung cho cốt truyện, đôi chỗ lóe sáng những nét dẫn dắt, tư duy mới và độc lập.

Khi đánh giá về phong cách của Thái Cường, có nhiều ý kiến nhận xét bạn là người nhạy bén biến hóa theo chủ đề, song chưa đậm nét trong việc định hình chất riêng. Bạn nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ điều này còn phụ thuộc vào việc người đọc định hình chất riêng của người viết là như thế nào, bởi lẽ không phải cứ gồng mình để phá cách thì mới được xem là khác biệt. Có rất nhiều cách cho bạn thể hiện cái tôi, nhưng làm sao dung hợp được cái tôi ấy với điều bạn muốn đem đến cho độc giả mới là mấu chốt.

Bằng không, những trang viết cũng chỉ đơn thuần phô diễn kỹ thuật, hoặc khơi gợi đôi ba dạng tình cảm mau nhớ, mau quên, hoặc tô điểm cho tác giả còn nhiều hơn là tác phẩm. Tôi thì luôn muốn đặt tác phẩm ở trọng tâm, độc giả cảm thụ qua nhiều đầu sách ít nhiều sẽ tự hình dung được chân dung người viết mà không cần phải hô hào hay rao giảng.

Triết lý sáng tác của bạn như thế nào? Không theo hướng về hàn lâm, cũng không ngã hẳn sang chiều lòng thị trường, vậy định hướng văn chương của bạn ra sao?

Dù từng theo học chuyên về Văn học, song bản thân tôi lại không giỏi trong việc nghiên cứu, áp dụng các lý luận, lý thuyết văn chương. Cá nhân tôi cho rằng mục đích của viết văn không phải để chứng tỏ kiến thức, chuyên môn, quan trọng nhất vẫn nằm trọn ở nội hàm tác phẩm, liệu tác phẩm có chạm được đến tâm hồn người đọc bằng những cách thức tinh tế, đặc sắc nhất hay chưa.

Thế nên, chưa bao giờ tôi viết để chứng minh bất cứ điều gì, không mong người đọc phải ngưỡng vọng mình qua con chữ, lại càng không vì thị hiếu của công chúng mà đánh mất cá tính sáng tạo. Tôi đã, đang và sẽ viết theo những gì mà mình cảm thấy đúng với ngòi bút của mình nhất, hy vọng tìm được sự đồng cảm nơi độc giả.

Dự định sắp tới của bạn với nghiệp viết như thế nào? Có từng nghĩ mình sẽ thử sức với thể loại nào khác ngoài tiểu thuyết không?

So với thuở mới chập chững viết, cách viết của tôi giờ đây dẫu được rèn giũa qua năm tháng, đáng buồn thay tâm hồn đã không còn nhạy bén và dễ rung cảm như trước.

Trong văn chương, chắt lọc nội tâm tuôn thành con chữ không đơn giản, chưa chắc vững kỹ thuật hay thuần thục hơn trong việc dùng chữ sẽ tạo tác được tác phẩm chạm đến miền sâu thẳm bên trong của người đọc.

Đó là lý do vì sao sau Người chết thuê, có thể tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian hoặc khám phá mình ở những thể loại mới, như thơ chẳng hạn.

Dương Dương

Tags: