Tây tạng huyền bí – Hành trình tới nơi “trời-đất và con người gặp nhau”
Tây tạng huyền bí – Hành trình tới nơi “trời-đất và con người gặp nhau”
Hàng trăm lá cờ đủ màu sắc giăng thành nhiều dải, bay phấp phới bên ngoài những ngôi nhà thấp, tường được trang trí bằng các biểu tượng tôn giáo bí ẩn với người khách lạ. Gió lồng lộng thổi, lạnh và khô. Cao nguyên vàng rực trong nắng. Trời trong xanh không một gợn mây. Những mái chùa đỏ gạch chồng lớp lớp. Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, đón du khách tới đây bằng sự bình hòa ấm áp, trong không khí Phật giáo đậm đặc.

Tây Tạng là miền đất huyền thoại hiếm hoi còn tồn tại trong thế giới hiện đại, một miền đất mà có lẽ chính sự khắc nghiệt của nó đã khiến nó vẫn còn giữ được tất cả những bí ẩn, truyền thuyết, văn hóa, bản sắc từ ngàn năm. Phật giáo là tôn giáo chính ở đây và có ảnh hưởng không chỉ tới đời sống tâm linh của người bản địa, mà nó còn hiện diện ở hầu như tất cả mọi phương diện đời sống khác. Hội họa, âm nhạc, cầu cúng, nhảy múa, tế lễ, văn tự, hôn nhân … đều có thể thấy dáng nét Phật giáo đặc biệt của Tây Tạng.

Lhasa – thành phố của ánh sáng - là thủ phủ và cũng là điểm đến đầu tiên của mọi du khách. Đây là nơi có nhiều địa điểm văn hóa quan trọng của Phật giáo Tây Tạng như cung điện Potala, đền Jokhang, tu viện Norbulingka…

Thăm viếng Lhasa và Tây Tạng, nhất là các khu tu viện mênh mông ở khu tự trị này, du khách sẽ thường xuyên gặp các biểu tượng như Mandala, pháp luân, hình ảnh các pháp khí Mật tông, các vị Phật trong hệ thống Mật giáo …được vẽ trang trí hoặc thờ cúng khắp nơi. Tất cả đều có ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt mà du khách khó lòng hiểu được.

 

Nên biết là Phật giáo Tây Tạng từ xưa tới nay vẫn được đại chúng nhìn nhận theo kiểu “kính nhi viễn chi”, có nhiều phần “bí hiểm”, thậm chí nhiều cuốn sách ở Trung Hoa còn mô tả như thể là “ngoại giáo”. Tại sao vậy?

Vào thế kỷ thứ 7, Phật giáo từ Ấn Độ và Nepal truyền vào Tây Tạng, để ra đời hệ thống Phật giáo Tây Tạng huyền bí, được gọi là Mật tông (hay là Mật giáo – Mật thừa). Mật tông là pháp môn tu tập kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa và các phương pháp tu luyện Bà la môn Ấn Độ giáo, Du già (yoga). Trong Mật tông, các giáo lý và thực hành cao cấp chỉ được khẩu truyền và giữ bí mật tuyệt đối giữa thầy và đệ tử được chọn, đó là lý do tại sao Mật tông không được truyền bá rộng rãi và có rất nhiều đồn đại xung quanh việc tu tập pháp môn này.

Nếu so sánh với phương pháp tu tập của Tiểu thừa và Đại thừa, thì phương pháp của bên Mật tông có nhiều điểm khác biệt, thường bị coi là không “thuần khiết” Phật giáo (do sử dụng kết hợp với huyền thuật/phép thuật). Chưa kể rằng do một số điều kiện đặc biệt nên nhiều tu sĩ Mật tông vẫn ăn thịt và kết hôn, có con cái – rồi có những phương pháp song tu nam và nữ - cũng là điều cấm kỵ của nhiều tông phái khác.

Tất cả những thông tin trên chắc chắn đã góp phần không nhỏ vào việc khuấy động lên sự tò mò của hàng triệu người khắp thế giới. Số lượng người đổ về đây khám phá không ít, và cũng rất đông người tới đây tìm hiểu, tu học, nghiên cứu, tìm hiểu. Thế nhưng, Tây Tạng quả thật chưa bao giờ là nơi dễ hiểu cho đại chúng.
Tây Tạng huyền bí – qua góc nhìn Đặng Hoàng Xa.

Cuốn “Tây Tạng huyền bí” của tác giả Đặng Hoàng Xa là một trong vài cuốn sách hiếm hoi tổng hợp được khá cụ thể, chi tiết mà lại không quá khó hiểu những thông tin cần thiết về Tây Tạng – từ góc nhìn Phật giáo.

300 trang sách, đi từ khởi đầu của Phật giáo tới sự có mặt và bước phát triển của Phật giáo Tây Tạng, được giới thiệu vắn tắt nhưng đủ thông tin cần thiết. Tác giả không bỏ qua những điểm căn bản nhất mà bất cứ ai quan tâm tới nghiên cứu tâm linh cũng phải biết, đó là nền tảng tư tưởng của PGTT như Kim Cương thừa; sự tái sinh của các vị Phật sống; năng lượng vũ trụ và Tantra; Luân xa và Kundalini; những nghi lễ hành trì căn bản của Mật tông …

Nếu như phần đầu quá khó hiểu cho những người không thực sự quan tâm tới tôn giáo, thì phần tiếp theo về văn hóa phong tục của Tây Tạng trong bối cảnh Phật giáo lại rất thú vị, vì nó giống như cẩm nang chỉ dẫn cho ta tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc, màu sắc và vũ điệu của nghệ thuật Tây Tạng, phân tích ý nghĩa các nhạc khí, mandala … – cũng như những tục lệ hết sức kỳ lạ nếu nhìn từ góc độ thế giới văn minh (ví như tục thiên táng, tục kết nối với người chết …). Mỗi chi tiết nhỏ về văn hóa của họ đều ẩn chứa bên trong một triết lý Phật giáo. Ví như sự chết, hỏa táng hay thiên táng (cho chim ăn xác) là một cách để nhận ra rằng cuộc sống chỉ là vô thường, và việc từ bỏ thân thể được coi là hành động rộng lượng và từ bi đối với chúng sinh – một tư tưởng quan trọng số một trong Phật giáo.

Nghệ thuật sinh tử

“Tử thư Tây tạng” là cuốn sách nổi tiếng bàn về vấn đề sống chết, cuộc sống sau khi chết. Cho tới giờ, hiếm có cuốn sách tâm linh nào mô tả tiến trình cái chết rõ ràng như vậy. “Tử thư Tây tạng” không phải là cuốn sách dễ đọc, vì thế những tóm tắt và tổng hợp của Đặng Hoàng Xa trong phần cuối cuốn sách của ông thực sự đã giúp độc giả có cái nhìn dễ dàng hơn về chủ đề khó khăn với tất cả này.

Tháng 4 hàng năm là khởi đầu mùa du lịch Tây Tạng, kéo dài cho tới tháng 10. Nếu như ai đó trong chúng ta muốn bắt đầu chuyến đi tới “nóc nhà thế giới” này, thì nên đọc kỹ cuốn sách này trước khi khởi đầu cuộc hành trình khám phá miền đất của “ánh sáng vĩnh cửu” (tên khác của Tây Tạng), nơi được mệnh danh là “điểm giao hòa của trời, đất và con người”!.

Tags: