Tại sao xung quanh mình toàn bọn đần độn: Góc nhìn cuộc sống của một kẻ khốn nạn
Tại sao xung quanh mình toàn bọn đần độn: Góc nhìn cuộc sống của một kẻ khốn nạn
...hay nghệ thuật để bớt "vô học"

Có một việc mà chắc là bạn không làm vào mỗi sáng: Nhìn vào gương và tự hỏi, mình có phải một đứa khốn nạn không nhỉ?

Đó là một câu hỏi khá hợp lí. Những đứa khốn nạn thực sự tồn tại trên thế gian này (và bạn có thể là một trong số đó). Những kẻ khốn nạn thường có quan niệm đạo đức khá cao, hoặc ít nhất là ở mức trung bình. Bọn chúng không nghĩ mình là đứa khốn nạn, bởi vì việc tự nhận biết điều đó là một việc khó khăn.

Nhà tâm lí học Simine Vazire ở Đại học California lập luận rằng chúng ta có xu hướng tự hiểu được phẩm chất của mình nếu như những phẩm chất này mang tính trung lập (không quá tốt hoặc không quá xấu) và có thể quan sát trực tiếp.

Ví dụ, mọi người thường biết mình có bị lắm mồm hay không. Ít nhiều gì thì việc lắm mồm hay im lặng cũng được chấp nhận, và trong nhiều trường hợp sự lắm mồm của bạn khá rõ ràng để người khác nhận ra. Việc tự đánh giá bản thân về mức độ lắm mồm có thể ước lượng được thông qua người khác. Ngược lại sự sáng tạo lại là một phẩm chất tiềm ẩn — ai lại muốn nghĩ rằng mình là một đứa chậm chạp kém sáng tạo chứ? — và khó để đánh giá. Theo mô hình của Vazire, chúng ta thấy sự liên hệ khá mờ nhạt giữa việc tự đánh giá bản thân và những nỗ lực của các nhà tâm lí trong việc ước lượng sự sáng tạo một cách khách quan.

Câu hỏi “liệu mình có phải một đứa tự cao khốn nạn không?” là một câu hỏi khá nặng nề, và bạn sẽ có xu hướng lý luận và đưa một câu trả lời dễ chịu: “Không, dĩ nhiên là không rồi!” Làm một kẻ khốn nạn cũng rất khó để quan sát, bởi vì bạn sẽ có rất nhiều lí do để viện ra cho hành động xấu xí của mình: “Rõ ràng mình chẳng có lỗi gì cả, chỉ hơi cau có với nhân viên phục vụ khi dám bưng nhầm món ăn của mình sang bàn khác thôi.

Những người có lý trí, cũng không miễn nhiễm với những kiểu lí do lí trấu như thế. Giáo sư Dan Kahan ở Đại học Yale đã chứng minh điều ngược lại. Những người lí trí và được học hành đầy đủ thậm chí còn có kĩ năng trong việc hợp lí hóa những điều mà họ tin tưởng — ví dụ nhiều người có học vẫn tin rằng LGBT là một loại bệnh lí.

Tôi nghi ngờ rằng mức độ khốn nạn của một người chẳng có liên quan gì đến khả năng họ nhận ra mình là một đứa khốn nạn tới mức nào. Một số kẻ cứng đầu thì có thể nhận ra rằng mình đúng là đứa ngoan cố, nhưng những kẻ khác thường nghĩ họ thực sự tử tế và lịch sự.

Và còn một trở ngại khác trên con đường tự nhận ra sự khốn nạn của mình: Chúng ta không biết được bản chất của nó — ít nhất là chưa. Không có bất kì công trình nghiên cứu khoa học nào có thể áp dụng với toàn bộ khái niệm “khốn nạn” với cái thằng dám chen vào khi bạn đang xếp hàng, hay người giáo viên sỉ nhục chửi bới học trò, hay gã đồng nghiệp thích gây sự với tất cả mọi người.

Tính cách gần với “khốn nạn” nhất mà khoa học có thể tìm ra là sự kết hợp của “bộ ba quyền lực”: tự luyến, chủ nghĩa Machiavelli (bạn có thể làm bất kì điều gì miễn là đạt được mục đích) và một nhân cách biến thái. Những kẻ tự luyến coi mình quan trọng hơn bất kì ai, điều mà bọn khốn nạn cũng nghĩ thế, nhưng chủ nghĩa tự luyến lại không hẳn là khốn nạn, mà nó còn là khát vọng được trở thành trung tâm của sự chú ý, một khát vọng mà bọn khốn nạn không có. Chủ nghĩa Machiavelli thì thường có xu hướng coi người khác là công cụ để lợi dụng vì mục đích của mình, cũng giống như bọn khốn nạn, nhưng chủ nghĩa Machiavelii liên quan đến việc tự nghi ngờ bản thân, trong khi bọn khốn nạn lại ngu ngốc không bao giờ hiểu được điều này. Những người thái nhân cách thường ích kỉ và vô tình, nhưng dám làm dám chịu, trong khi kẻ khốn nạn thì thường hay tính toán và tránh né các nguy cơ.

Một quan điểm khác có liên quan là khái niệm “asshole” của triết gia Aaron James từ Đại học California. Theo lí thuyết của ông, “asshole” là nhữg người thích được đứng trên, tỏ ra ưu việt hơn người khác và có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình. Mặc dù nó khá liên quan tới sự khốn nạn nhưng vẫn không phải là một. Một người có thể khốn nạn với người khác mặc dù người ta chẳng giúp kẻ đó có thêm chút quyền lợi gì.

Vậy giờ làm thế nào để bớt khốn nạn?

Bước đầu tiên là phải định nghĩa rõ ràng khốn nạn là gì. Tôi nghĩ rằng “sự khốn nạn” đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học. Từ “khốn nạn” ghi nhận một hiện tượng có thực trong đời sống mà rất rõ ràng là các khái niệm khác trong tâm lí học không thể làm được. Bọn khốn nạn là những kẻ khó có thể chấp nhận góc nhìn của người khác, đối xử với người khác như công cụ để thao túng và không nhận ra được giá trị đích thực của mọi người.

Những kẻ khốn nạn nhìn thế giới qua lăng kính tối tăm, làm tối đi nhân cách của những người khác. Một người bồi bàn có thể không phải là người có nhân cách cao đẹp, một cuộc đời vĩ đại mà bạn (có thể) có liên quan tới. Thay vào đó, anh ta chỉ là một công cụ để phục vụ bữa ăn hoặc một thằng đần mà bạn có thể trút giận lên. Những người bán hàng trà sữa là kẻ vô danh tiểu tốt và chẳng có chút tiếng nói nào. Bọn này là lũ yếu kém thiếu tài năng ở một địa vị thấp hơn bạn trong xã hội và xứng đáng với một công việc ngớ ngẩn như thế.

Có lẽ không ai là một kẻ hoàn toàn khốn nạn hoặc hoàn toàn tử tế. Từ nhiều thập kỉ, các nghiên cứu tâm lí học đã xác nhận rằng ở một mức độ rất lớn, các phẩm chất tính cách của một người rất phức tạp và lộn xộn, có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nhưng khi ở hoàn cảnh nào, khi nào, với ai thì bạn sẵn sàng từ một người tốt sang một kẻ khốn nạn? Có lẽ đó là quan điểm đạo đức cơ bản của mỗi người.

Nhưng điều đáng mỉa mai là những người tử tế lại thường lo lắng rằng có phải liệu họ đang hành động như một kẻ khốn nạn không, và thường xin lỗi một cách ngượng ngùng với những hành vi không mấy kinh khủng. Những kẻ khốn nạn thường không biết xin lỗi là gì.

Dĩ nhiên nếu bạn cảm thấy dễ chịu với tư tưởng này và nghĩ rằng “à, tôi hay lo rằng mình có thể là một kẻ khốn nạn, và khi đọc bài viết này, tôi biết rằng có thể mình không phải một kẻ khốn nạn!” và sau đó ngừng lo lắng. Đúng lúc này, sự khốn nạn sẽ quay trở lại và ám vào người bạn.

Một trở ngại khác khi nhận biết sự khốn nạn của mình là khả năng lắng nghe. Một trong những cách quan trọng nhất để nhận thức bản thân là lắng nghe một cách cởi mở những lời chỉ trích từ người khác. Những kẻ khốn nạn rất khó để có thể làm được điều này, bởi vì bọn này thường coi mình như trung tâm vũ trụ và coi thường trí tuệ cũng như đạo đức của người khác, thế nên không thể nào chấp nhận được những lời nhận xét mang tính xây dựng. Tại sao lại phải để ý xem một đứa đần độn nói gì? Quan điểm của người khác thì mắc mớ gì tới mình? Cứ như thế, một kẻ khốn nạn sẽ tránh né hoặc bác bỏ mọi lời chỉ trích, công kích từ người khác.

Nếu nguồn gốc của sự khốn nạn là thất bại trong việc đánh giá quan điểm của người khác, thì một cách để tự nhận thức khá đơn giản là: không chỉ nhìn vào chính bản thân và cả người khác nữa. Thay vì soi gương, hãy quay lưng lại và nhìn những màu sắc khác của cuộc sống. Liệu bạn thực sự có đang bị vây quanh bởi một lũ ngu ngốc với những tham vọng ngớn ngẩ và buồn tẻ, chẳng có gì khiến bạn thèm để ý, hay thế giới này toàn bọn đểu cáng, khốn nạn (có thể giống bạn)?

Nếu bạn nhìn thế giới như trên, thì tôi có tin xấu cho bạn, bạn là một đứa khốn nạn. Thế giới không như những gì bạn tưởng tượng. Bạn có cái nhìn thật lệch lạc và đánh giá sai hoàn toàn những người xung quanh mình.

Một cách tiếp cận khác là hãy thử làm điều gì đó giúp bạn có được “Chánh Niệm”, một tư tưởng Thiền học phương Đông. Nhà tâm lí Erika Carlson ở Đại học Toronto khuyên chúng ta nên thực hành thiền như một cách để thấu hiểu bản thân và nghiệm ra được bản chất thật sự của con người. Bản chất của chánh niệm là chiêm nghiệm nhưng không phán xét. Carlson nói rằng càng trải nghiệm nhiều, thì chúng ta càng có khả năng tự đánh giá bản thân khi tầm nhìn được rộng mở hơn.

Mặc dù việc nghiên cứu chánh niệm thực nghiệm vẫn còn rất mới mẻ, có một số bằng chứng về mối quan hệ giữa chánh niệm và tự nhận thức. Ví dụ, Amber S. Emanuel và các cộng sự tại Đại học bang Kent phát hiện ra rằng những người tham gia thí nghiệm cho rằng họ đang quan tâm đến các trạng thái tinh thần của họ một cách chính xác hơn dự đoán phản ứng cảm xúc của họ đối với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Tôi không biết liệu thực hành Thiền có giúp thấu hiểu bản thân hơn qua những trải nghiệm không. Nhưng hãy để tôi kết luận với một gợi ý khiêm tốn hơn: Hãy suy nghĩ về bài viết này vào một ngày nào đó sau ngày hôm nay, - có thể trong bữa ăn trưa, hoặc tại một cuộc họp bộ phận, hoặc tại một bữa tiệc, hoặc trong một đông người quảng trường. Chú ý những người xung quanh bạn. Họ là những kẻ ngốc và công cụ, hay họ họ lấp lánh với cá tính thú vị?

Chúng ta đôi khi đều nhìn thế giới qua lăng kính “khốn nạn”, nhưng đừng để mình mãi kẹt với chúng. Hãy suy nghĩ một chút và tôi nghĩ rằng — hầu hết chúng ta đều biết rằng mình cần phải làm gì để nhìn mọi thứ được sáng tỏ hơn.

Và đó là cách để bớt khốn nạn.

Theo Nautil.us

Trạm Đọc

Tags: