Tại sao tôi chọn làm nghề phá thai?
Tại sao tôi chọn làm nghề phá thai?
Mọi thứ bắt đầu với thép.
 
 

Một cái kẹp mỏ vịt. Một cây kim. Một cây kẹp gắp để ổn định cổ tử cung. Một nhóm các chất có tác dụng giãn nở. Đó là những dụng cụ mà tôi từng sử dụng, khi học cách phá thai vào những năm 90 của thế kỷ trước.

Dĩ nhiên là tôi cũng cần nhựa và máy hút. Mọi dụng cụ, đều thật sắc và cứng cáp, nó đòi hỏi người thực hiện phải có một sự khéo léo nhất định. Vào thời kỳ này, việc siêu âm vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, nên phần lớn các cuộc phá thai ngoại khoa đều được thực hiện khi đội ngũ bác sỹ không hề biết gì về tình trạng của thai nhi trước đó. Chúng tôi không nhìn thấy những gì nằm bên trong thai phụ, mà các mô thì biến đổi theo từng tuần, khi tử cung ngày càng giãn nở. Khi ấy, tất cả những gì chúng tôi có là kinh nghiệm. Nó đòi hỏi một sự khéo léo và tinh tế, để hiểu cảm giác của tử cung sẽ ra sao, khi phải tiếp xúc với những dụng cụ lạnh lẽo cứng ngắc đó.

 


Khi một đứa trẻ dần lớn lên trong bụng, khung xương sẽ dần phát triển. Xương bào thai rất sắc và có thể làm rách tử cung, mạch máu hoặc ruột khi đưa ra ngoài. Người mẹ có thể đối mặt với nguy cơ tử vong nếu không có sự can thiệp kịp thời của bác sỹ phẫu thuật.

Nghe thật đáng sợ, phải không? Nhưng với một đôi bàn tay kinh nghiệm và những dụng cụ thích hợp, tôi xin cam đoan với bạn, phá thai là một trong những ca phẫu thuật an toàn nhất, mà con người ta có thể trải qua.

 

 

Phá thai có phải chuyện riêng tư?

 

 

Thông thường khi nhắc đến phá thai, đa số mọi người sẽ nghĩ đó là một sự ích kỷ của cá nhân người mẹ. Vì cô ta còn quá trẻ, vì cô ta không có tiền nuôi con, vì cô ta không có chồng...v.v. Nhưng xin đừng quên, đôi khi người ta phải làm vậy vì lý do sức khỏe. Chẳng hạn như chứng nhiễm trùng trong tử cung, thường xảy ra khi thai nhi vào khoảng 24 tuần tuổi. Thông thường các sản phụ sẽ được tư vấn phá thai, nếu không hậu quả sẽ khá nghiêm trọng, nặng nề nhất, là tử vong.

Đối mặt với tình huống này, có những người mẹ sẽ chọn cách phá thai ngoại khoa. Nhưng cũng có những bà mẹ kiên quyết giữ lại con mình. Thật khó có thể kết luận lý do gì đã khiến họ đưa ra quyết định như vậy. Nhưng nó là lựa chọn hiếm hoi - phá hay không phá - mà một người mẹ có thể hoàn toàn làm chủ, khi mọi yếu tố y học khác đều nằm ngoài tầm kiểm soát.

 

Dù tình huống nguy cấp đến đâu, thì các thai phụ vẫn là người quyết định cuối cùng

Chỉ riêng quyết định đó thôi cũng đã đủ làm mọi chuyện phức tạp. Nhưng giờ đây, nó còn phức tạp hơn gấp bội phần, khi những kẻ nhân danh công lý len lỏi vào từng phòng khám, từng ca mổ, beo bẻo cái điệp khúc nhân đạo: “Đã đến mức ấy chưa? Có nhất thiết phải phá thai không?” làm chúng tôi phát chán. Bạn nghĩ tôi là kẻ vô nhân đạo? Ồ không, tôi biết rõ công việc của mình.

Bạn cứ thử tưởng tượng mà xem. Bạn đang ngồi trên một chiếc máy bay bị hạ độ cao đột ngột. Ngay khi viên cơ trưởng kỳ cựu đang xử lý tình huống vấn đề một cách trơn tru thì… Rầm! Một đoàn luật sư xông vào, đòi phán xét xem liệu vụ hạ độ cao đó có thực sự gọi là cấp bách, cho dù chẳng ai trong số họ chỉ ra được định nghĩa cấp bách là gì, mặc cho hiểm họa nhãn tiền.

Xã hội luôn thích can thiệp vào những câu chuyện riêng tư. Phá thai là một trường hợp tiêu biểu. Vào cái thời tôi vẫn còn là một học sinh cao trung ở Canada, các thai phụ không hề có tiếng nói trong việc này. Trái lại, họ còn phải thuyết phục những người xung quanh rằng họ “xứng đáng” để được phá thai. Người ta quy định thai phụ phải giải trình hoàn cảnh của mình trước một “Hội đồng phá thai”, nếu có nhu cầu muốn từ bỏ đứa con trong bụng. Hội đồng này hoạt động như một bồi thẩm đoàn (mà tôi thấy cũng chẳng khác mấy trò xét xử thời trung cổ là mấy), gồm ba bác sỹ chuyên môn. Thai phụ cũng có thể nhờ bác sỹ riêng của mình gửi thêm các báo cáo sức khỏe hay thư đề xuất tới ba người đàn ông xa lạ này, nếu muốn trường hợp của mình thuyết phục hơn.

 

Chúng ta đã mất hàng chục năm đấu tranh cho những thai phụ, và giờ mọi thứ sắp trở thành công cốc

Nếu câu chuyện của họ đủ thống thiết, họ sẽ phải cam kết thực hiện theo một nguyên tắc đã định: Thứ nhất, hối cải. Thứ hai, xin lỗi. Và cuối cùng, hứa sẽ không để mình rơi vào tình trạng này lần nữa. Các thai phụ được dặn, hãy mỉm cười, nhưng cười sao cho thật buồn bã. Đừng trình bày quá dông dài, hãy nói vừa đủ thôi. Hãy khéo léo ứng xử giữa ranh giới của trách nhiệm, và sự tự thương hại. Và hãy cầu Chúa, rằng ba gã chết tiệt đó, không phải là người quen của cha mẹ bạn.

“Bạn không có quyền từ bỏ đứa con trong bụng, xã hội sẽ làm điều đó thay bạn”. Cái ý tưởng tréo ngoe ấy, vào thời điểm đó đã gây cho tôi một mối quan tâm kỳ lạ với việc sinh nở và phá thai. Tôi quyết định đăng ký vào trường y.

 

 

Ca phẫu thuật đặc biệt

 

 

Trong suốt thời gian nội trú tại khoa sản, tôi tận dụng tối đa thời gian rảnh để tìm hiểu thêm về phá thai. Dù khóa học được tổ chức cho bất cứ ai, nhưng vì nó không nằm trong chương trình đào tạo nên tôi đã gặp phải khá nhiều khó khăn.
 

Và xuyên suốt quá trình học hỏi ấy, tôi đã tin rằng phá thai không phải là một ca phẫu thuật tầm thường. Không một thủ thuật y tế nào lại phổ biến đến mức 24% số bệnh nhân đã từng trải qua nó ít nhất một lần, vào trước tuổi 45. Ấy thế nhưng các chương trình đào tạo về phá thai lại đều nằm ở danh mục “Tự chọn” trong bản đăng ký của sinh viên. Người ta coi nó như một chuyện bất đắc dĩ, một thứ thủ tục thêm thắt mà các bác sỹ phải làm, thay vì coi nó như một bộ môn thực sự.

Khi mới tham gia vào khóa học, tôi đã thắc mắc rằng tại sao những người thầy của tôi lại đều là đàn ông? Có phải phụ nữ thấy sợ vì ca phẫu thuật này chỉ dành riêng cho họ? Có phải việc thực hiện phá thai khiến chính họ cũng thấy đau đớn? Hay họ khinh miệt những người phụ nữ kia, những kẻ không may đang nằm trên bàn mổ? Chưa từng có một loại phẫu thuật nào lại được vũ khí hóa sắc bén tới như vậy, khi bàn về giới tính.

Tại sao phụ nữ không muốn phá thai cho phụ nữ?

Tôi cũng nhận ra sự tương đồng giữa những vị bác sỹ này với những nhà lập pháp đang cố gắng hạn chế hoạt động của họ. Họ là đàn ông. Họ ngang hàng về địa vị xã hội, và cũng tương đồng về hoàn cảnh sống. Nhưng điều gì đã tạo ra sự khác biệt? Điều gì khiến một người đàn ông nức nở, khi chứng kiến một cô gái, vì muốn phá thai trong bí mật mà đã qua đời vì bị áp-xe khung chậu? Và điều gì làm một người đàn ông khác, lại muốn xóa sổ hoàn toàn những người như cô ta bằng luật pháp?

 

 

Luật pháp làm được gì?

 

 

Học về phá thai không chỉ giúp tôi biết thêm những kỹ năng hay thủ thuật, tôi còn được lắng nghe những trải nghiệm ít người biết đến về công việc cầm dao mổ này, nhất là vào cái thời phá thai vẫn còn bị luật pháp ngăn cấm (nó chỉ được công nhận là hợp pháp từ năm 1973 tại Mỹ, và từ năm 1969 tại Canada).

Họ kể cho tôi về những căn bệnh nhiễm trùng khủng khiếp. Về việc các dụng cụ y tế từng làm sa ruột bệnh nhân, khiến tử cung và ruột già bị rách. Về những cú dập máy đột ngột, từ gia đình của những thai phụ bị chối bỏ. Và về cả những cái chết cô đơn. Khi lựa chọn phá thai, những người phụ nữ ấy không hề biết rằng đó có thể là dấu chấm hết cho số phận của họ. Một tay bác sỹ giỏi lý thuyết nhưng lại sở hữu đôi tay vụng về. Một gã bày trò để buôn nội tạng trục lợi. Trong phòng mổ, mọi thứ đều có thể xảy ra.

 

Phá thai - trong mắt nhiều người, là một chuyện đáng xấu hổ. Việc đi tìm một chỗ để phá thai thường chỉ được người ta thì thầm rỉ tai nhau. Nó có thể giúp một thai phụ tìm đến một phòng khám uy tín, nhưng cũng có thể đẩy người khác vào tay một gã bác sỹ kém cỏi và những dụng cụ rỉ sét bẩn thỉu. Và đôi khi, những thai phụ biết trước điều đó, nhưng không có lựa chọn nào khác, vì đó là tất cả những gì họ có thể đáp ứng với hầu bao còm cõi của mình.

Khi đối mặt với sinh linh nhỏ bé trong bụng, nhiều người sẽ cần thời gian để đưa ra lựa chọn của mình, và cũng có những người sẽ quyết định ngay lập tức. Sự do dự đó có thể ngắn, có thể dài, nhưng chắc không phải là yếu tố quyết định. Không một người phụ nữ nào chưa tin tưởng vào lựa chọn của mình, lại xem việc giao phó tính mạng bản thân vào một phòng khám bẩn thỉu là một phương án khả thi.

Và (lại) thêm một điều nực cười nữa là, dù phụ nữ luôn là người hiểu rõ nhất cơ thể và cảm xúc của chính mình, rất nhiều bang trên nước Mỹ lại yêu cầu các bác sỹ phải giải thích cặn kẽ với những bệnh nhân của mình về chuyện mang thai, như thể hết thảy bọn họ đều đang hành xử như những cô gái tuổi teen ngốc nghếch. Trong suốt cuộc đời làm bác sỹ của mình, và tôi tin chắc rằng trong cả lịch sử, chẳng có người phụ nữ nào lại đi nói rằng: “Ôi cảm ơn bác sỹ đã khai sáng. Tôi chưa từng hiểu được việc mang thai thực sự là như thế nào (?!)”.

Xin các nhà lập pháp đừng mượn những lý do ngớ ngẩn để biện hộ cho động cơ thực sự của họ

Tôi sẽ thẳng thắn: Có rất nhiều điều luật hay quy định mà người ta đang đặt ra về phá thai, thực chất không nhằm để bảo vệ sức khỏe cho thai phụ hay đi đến một sự thỏa hiệp nào đó. Chúng được đặt ra, nhằm khiến các ca phá thai trở nên ngày càng đắt đỏ và khó tiếp cận hơn. Luật hạn chế và ngăn chặn phá thai không giúp cho việc phá thai an toàn hơn. Trái lại, nó trói buộc phụ nữ với sự đói nghèo, và với nguy cơ bị chọc thủng tử cung. Xét cho cùng, sự can đảm mà các nhà lập pháp cần để thừa nhận ý đồ thực sự của họ, chẳng là gì so với lòng can đảm của những người phụ nữ, khi giao phó tính mạng của mình vào đôi tay của những người đàn ông xa lạ, trong một căn phòng bẩn thỉu.

Lời người dịch:

Bài viết này được ra đời trong bối cảnh nhiều bang trên nước Mỹ đưa luật cấm phá thai nghiêm ngặt vào hiệu lực. Quyết định này được nhiều tín đồ Công giáo hưởng ứng, nhưng lại đi ngược với quan điểm của nhiều bác sỹ và chuyên gia y tế, trong đó có tác giả Jen Gunter - một bác sỹ sản khoa tại California.

Qua những chia sẻ của mình về nghề nghiệp đặc biệt này, tác giả muốn nhắn nhủ thông điệp: Phá thai là lựa chọn riêng tư của chính người phụ nữ. Nó không phải là tội đồ mà một người phụ nữ phải gánh chịu, cho dù quyết định ấy xuất phát từ tình cảnh cá nhân hay vì lý do sức khỏe. Không ai khác có quyền can thiệp, hay cưỡng đoạt lựa chọn đó. Đã đến lúc, xã hội phải thay đổi cách nhìn của mình và đối xử công bằng hơn với những người phụ nữ ấy.

 

Theo The New York Times

Vân Anh (biên dịch)

Tags: