Tại sao ta không nên đọc mọi thứ và không nên tin mọi thứ ta đọc?
Tại sao ta không nên đọc mọi thứ và không nên tin mọi thứ ta đọc?
Các đặc tính xã hội ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, sự đọc cũng không ngoại lệ.

Con người là một loài có tính xã hội. Mỗi buổi sớm thức dậy, trước cả ánh bình minh, chúng ta bị đánh thức bởi chính hào quang của đồng loại mình. Rồi ta lao từ ổ nhỏ tới hang to, từ thị thành đến nông thôn, từ bất kỳ nơi nao nhanh chóng gia nhập vào bầy đàn ngày càng khổng lồ của xã hội. Chẳng một ai biết đích xác khởi nguyên của các đặc tính xã hội loài người, chỉ biết nó sẽ tồn tại cho đến khi nào chúng ta chưa diệt vong. Các đặc tính xã hội ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, sự đọc cũng không ngoại lệ.

Về review

Tôi bắt đầu với chuyện đọc review. Review một cuốn sách có thể hiểu đơn giản là sự phê bình cuốn sách đó bởi một hoặc nhiều người đã đọc qua nó mà không nhằm các mục đích thương mại. Tính thương mại là một điểm rất quan trọng ảnh hưởng đến sự đọc mà tôi sẽ trình bày ở phần sau. Trên lý thuyết, review hoàn toàn có ích khi giúp chúng ta được nhìn nhận cuốn sách mà chưa cần phải đọc. Song trên thực tế, mọi chuyện lại không đơn giản đến thế. Xét về bản chất, review là thứ có tính xã hội: bạn không thể chỉ đọc duy nhất một review được và review sẽ sinh ra sự định hướng chuyện đọc của bạn. Nhưng khi đọc nhiều review thì lại không khác gì tạo ra một thống kê xã hội: khảo sát nhiều đối tượng rồi tập hợp những kết quả tương đồng vào một nhóm dưới dạng phần trăm. Và thống kê xã hội, như tên gọi của nó, sẽ có ý nghĩa xã hội: đồng nghĩa với việc tính cá nhân của nó gần như bằng 0. Vậy nên, khi đọc review, một mặt bạn bị số đông dẫn dắt đi theo thiên hướng cá nhân của họ, mặt khác bạn lại làm cho sự dẫn dắt đó ngày càng nặng nề và càng làm cho cái sự đọc sách mất đi tính cá nhân vốn có của nó. Thế thì có nên đọc review hay không?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy quay ngược lại điểm xuất phát. Bạn đọc review để làm gì: để biết cuốn sách trước mắt liệu có đáng đọc? Và ngạc nhiên chưa, khi bạn đang phân vân có nên đọc hay không thì đồng nghĩa với bạn đang muốn đọc nó. Đến lúc này, trong bạn sẽ hình thành hai luồng suy nghĩ: hoặc kiếm tìm một review thúc đẩy cái mong muốn đọc của bạn hoặc dập tắt cái mong muốn ấy, cũng lắm khi là cả hai cùng lúc. Dù lựa chọn theo cách nào thì ngay từ đầu nó đã phụ thuộc vào cách nghĩ của bạn, bạn đọc review chỉ để tìm một cái cớ hợp lý hóa cách nghĩ của mình. Câu chuyện đánh lừa bản thân này không có hại, dĩ nhiên, nhưng cũng không hề có lợi. Chẳng có gì trôi qua ngoài thời gian cả.

Tôi tin rằng bạn đang nghĩ tôi cự tuyệt review. Không, không hẳn đâu. Có một thời điểm review sẽ phát huy tác dụng của nó, đó là khi trong đầu bạn rỗng tuếch, hoàn toàn không có bất cứ một ý niệm gì ngay cả sự phân vân chần chừ đối với cuốn sách vô cùng lạ lẫm trước mắt bạn. Tôi gọi chúng là những review tình cờ, hay qua đường, hay bất chợt. Những review này xuất hiện ngẫu nhiên và vô tình bạn đọc được nó. Nhưng như đã nói ở trên, dù là tình cờ review nó vẫn mang thiên hướng cá nhân của người viết, và hơn nữa sự tình cờ thì lại thi thoảng mới xuất hiện. Để dung hòa mâu thuẫn này coi bộ không đơn giản song cũng không phải là vô phương cứu chữa. Trước hết thiên hướng cá nhân của người viết review mặc nhiên luôn luôn tồn tại, bạn không thể thay đổi hoặc làm nó biến mất. Do đó, bạn hãy chọn lựa những cá nhân có thiên hướng – hay lối suy nghĩ, cách nhìn nhận – càng giống bạn càng tốt, khi ấy những review sẽ càng trở nên tiệm cận với thế giới quan của bạn. Một sự sao chép như vậy giữ cho bạn vừa đủ cho bạn có cái nhìn từ xa về cuốn sách đồng thời không bị hút về tâm của review. Dù vậy, giống như đường tiệm cận chỉ gặp nhau ở vô cực, sẽ vẫn tồn tại những điểm khác biệt nhất định giữa review với bạn. Song vẫn tồn tại một cách cứu vãn tình thế, một đáp án mở ở ngay trước mắt. Lúc này có lẽ bạn đã nhận ra tôi muốn nói điều gì. Phải, chỉ có chính bạn mới là người review tốt nhất cho bản thân. Việc bạn cần làm không gì đơn giản hơn: hãy bắt đầu đọc cuốn sách đó. Đọc càng nhiều thì phản xạ review, nói cách khác cảm giác giống như review sẽ trở nên rõ nét hơn. Trong tương lai không xa, bạn hoàn toàn có thể biết được cuốn sách trước mặt có nên đọc hay không mà chẳng cần đến review!

Câu chuyện review thoạt nhìn trông rối rắm nhưng không khó nắm bắt. Trong khi đó tính thương mại lại âm thầm lặng lẽ ảnh hưởng đến sự đọc mà nhiều lúc chúng ta chẳng thể nhận ra được. Từ góc nhìn review, có thể quan sát phần nào những hình dáng cụ thể của đồng tiền đối với chuyện đọc sách. Đó là những bài review thương mại, những bài điểm sách thương mại, những bài PR hoặc marketing mà tôi gọi chung là những bài quảng cáo sách. Quảng cáo có đầy đủ tính chất của một bài review sách đồng thời sở hữu một cái đuôi mở rộng đáng ngờ đến mức không thể tin được. Từ ngàn xưa đến ngàn sau, từ những tiên dược trị bách bệnh của lang băm thuật sĩ cho đến cống phẩm hoàng cung, từ mớ rau răm ngoài chợ cho đến bitcoin sàn chứng khoán, tất tần tật những lời quảng cáo đều vô cùng đáng ngờ. Đặc điểm cốt tủy để nhận ra quảng cáo giữa một rừng review điểm sách chính là hình ảnh minh họa. Giống như trên bao bì gói mì Hảo Hảo hay chai C2, đó đều không phải giá trị thực của sản phẩm – ở đây là sách. Trong thời đại mọi thứ được định giá thì giá trị là cái khó nắm bắt nhất. Nội dung quyển sách bị che mờ bởi những lời hoa ngôn mị ngữ, nếu để ý kĩ sẽ thấy hầu như chúng chẳng hề liên quan. Tinh vi hơn là những quảng cáo sử dụng chính những thứ lấy từ trong sách: những câu trích dẫn quen gọi là quote mà khi bị tách khỏi ngữ cảnh chung sẽ thay đổi ý nghĩa theo hướng có lợi cho người quảng cáo và một thứ quen thuộc không kém chính là bìa sách. Không nói đâu xa, tôi khẳng định nhiều bạn đang đọc bài tôi viết đây chính là do đã thấy tôi giật tít đó thôi. Như vậy, bằng cách sử dụng văn hóa nghe nhìn, quảng cáo gián tiếp tác động tới văn hóa đọc. Văn hóa đọc, hay gần gũi hơn là những thói quen đọc sách của bạn bị ảnh hưởng một cách từ từ, chầm chậm mà bạn không hề hay biết. Bìa sách đẹp, những câu quote hay, tôi chắc không dưới một lần bạn đã chọn sách theo tiêu chí đó. Về cơ bản, hẳn bạn cho rằng nó chẳng ảnh hưởng là bao tới sự đọc của bạn. Tôi không phủ nhận điều đó, song nếu bạn nhìn nhận một cách tổng quan và lâu dài, thì chính thói quen này sẽ cướp đi khỏi bạn cơ hội được đọc những cuốn sách phù hợp với bạn hơn tuy bìa sách không bắt mắt, quote không hấp dẫn hoặc là ít được quảng cáo. Quảng cáo bản thân nó mang tính xã hội dù khả năng định hướng cá nhân không mạnh mẽ được như review. Có một thứ khác nằm ở đỉnh cao của tính thương mại và tác động sâu sắc tới văn hóa đọc: đó chính là best-seller.

Về best-seller

Best-seller hay nôm na sách bán chạy là thứ đậm đặc tính xã hội. Karl Marx từng nói “con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Riêng trong sự đọc, cái tổng hòa đó không đâu rõ nét bằng best-seller. Từ cái tên sách bán chạy đã cho thấy nó là những cuốn sách được viết cho một số đông người đọc, và viết về đời sống của số đông người đọc đó. Ngay từ đầu, tác giả đã nhắm vào lượng độc giả đông đảo ấy, nói cách khác best-seller không phải những cuốn sách bán chạy mà là những cuốn sách được viết ra để bán chạy. Ồ có lẽ bạn sẽ cho rằng tôi cứ quanh quẩn bài toán con gà và quả trứng, chẳng có ý nghĩa gì mà cứ thích vòng vo. Nhưng không, hiểu về loại tiền trảm hậu tấu kiểu best-seller này khá quan trọng để tránh bị truyền thông dắt mũi. Trở lại với câu nói của Marx, nếu xã hội có một cái chuẩn cho việc đọc thì best-seller chính là cái trung bình cộng ấy. Cứ tưởng tượng mà xem, sẽ nhàm chán biết bao nếu đó cũng là cái chuẩn của bạn. Xã hội là 1 thì bạn cũng 1, là A thì bạn cũng A, là asdfgh thì bạn cũng asdfgh theo. Bạn suy nghĩ theo cách xã hội suy nghĩ rồi tới lượt cách nghĩ của bạn cũng chính là cách nghĩ của xã hội. Một xã hội vận hành lòng vòng như thế, nói theo ngôn ngữ di truyền thì một xã hội giao phối cận huyết như thế sớm muộn sẽ nhanh chóng tới hồi thoái hóa rồi lụi tàn. Sự đa dạng mới là cái giữ cho văn hóa đọc tồn tại và phát triển, tính chất cá nhân trong sự đọc của bạn là điều quan trọng nhất để giữ sự đa dạng này. Bạn cần tạo ra một độ lệch chuẩn cho riêng mình, một mức độ lệch nhất định mang hình ảnh vệ tinh viễn thám, sẽ giữ cho bạn vừa đủ ở ngoài để nhìn rõ mọi chuyện vừa giúp bạn không mất liên lạc với những thứ ở trong. Vậy nên, có những thứ tuyệt nhiên không được tin tưởng, tỉ dụ như là: 12 cuốn sách mà ai cũng phải đọc ít nhất một lần trong đời1, 3 cuốn sách đã làm thay cuộc đời tôi2, 20 cuốn sách bạn phải đọc khi còn trẻ3, 6 cuốn sách con gái nhất định phải đọc4, vân vân và mây mây, ở đây tôi chỉ đề cập đến vài trường hợp làm ví dụ.

Trường hợp 1: Ai cũng đọc rồi làm đúng như 12 cuốn sách thì mọi người đều suy nghĩ giống nhau theo cùng lối mòn.

Trường hợp 2: Đó là những cuốn sách thay đổi đời “tôi” và nhiều khả năng sẽ chẳng làm đổi thay đời bạn vì đơn giản: “tôi” và bạn không giống nhau.

Trường hợp 3: Một sự ngụy biện rõ rành rành, nó không hơn gì một sự áp đặt rằng tuổi tác quyết định trí tuệ và sự thành công.

Trường hợp 4: Về cơ bản cũng giống trường hợp 1, nhưng vô hình chung nó lại đặt tính nữ cao hơn tính cá nhân và làm mất sự bình đẳng trước việc đọc của nam và nữ.

Những trường hợp trên đều là những cách thức hô biến best-seller điển hình cũng như chung quy chỉ muốn xóa bỏ cái riêng để trở về cái chung. Trong khi chúng ta dành hàng ngàn năm chỉ để đạt tới tiếng nói riêng thì những từ mang hàm ý bắt buộc như “phải”, “nhất định”,… là không thể chấp nhận được. Đáng buồn thay những loại sách khuyến khích sự giống nhau như thế lại lan tràn chiếm cứ một vùng không gian đọc rộng lớn nhất dưới vô vàn lớp vỏ bọc khác nhau. Trong phần kế tiếp, tôi sẽ đi bàn sâu vào chi tiết một số đầu sách kiểu như vậy.

Về self-help

Tôi đang muốn nói tới dòng sách giúp tự phát triển bản thân và các kỹ năng, được biến đến nhiều hơn dưới tên gọi self-help. Vậy thì tại sao self-help lại có sức hút lớn như thế, đến mức gần như bất kỳ ai trong đời cũng đọc ít nhất vài ba cuốn? Tôi nghĩ mình nên dạo qua bản chất của self-help một chút. Nếu suy xét đến tận cùng, self-help rất gần với best-seller, có nghĩa là nó được và phải được viết ra dành cho số đông người đọc. Cặn kẽ hơn nữa, những cuốn sách self-help tồn tại dựa trên các đặc tính xã hội, mà đặc tính xã hội là những gì tôi đã đề cập: là review, là quảng cáo, là best-seller. Từ các nhà sách siêu to khổng lồ đến những cửa hiệu nhỏ mang dáng vẻ bao cấp, từ thư viện công cộng cho đến tủ sách gia đình, từ chồng cuốn sách mới kính coong đến mớ sách cũ phủ bụi, mọi lúc mọi nơi, rất dễ để nhận ra một cuốn sách self-help. Chúng được quảng cáo rất rầm rộ mà đa phần là theo những cách trong bốn ví dụ tôi nêu ở trên. Và chúng được quảng cáo, được marketing ngay từ cái tên cuốn sách. Các tác giả self-help không ngần ngại phô diễn ý định của mình từ trang bìa với những cái tên rất kêu đánh trực tiếp vào tâm lý của người đọc: những từ như “làm giàu”, “thông minh”, “đọc vị”, “tâm hồn”,  “nghĩ như X”, “làm như Y”, “sống như Z”,… ngập tràn các mặt sách. Lòng ham muốn, óc tò mò của chúng ta bị kích thích sẽ trỗi dậy, vô hình trung bước vào con đường các tác giả đã vạch sẵn. Vậy là ngay từ khi bắt đầu, các cuốn sách self-help đã muốn kiểm soát chúng ta chứ chẳng phải là chúng ta kiểm soát mọi thứ như tiêu đề của chúng. Không dừng lại ở đó, các cuốn sách self-help mê hoặc người ta với cái bút pháp viết sao cho cái gì cũng trở nên đúng đắn. Để tạo ra sự đúng đắn giả hiệu đó, các tác giả self-help khai thác đến mức tối đa, gần như đào sâu đến mức cạn kiệt những ý nghĩ chung – những ý nghĩ mang tính xã hội mà ai ai cũng từng thoáng qua ít nhất một lần. Cứ như thế, bằng việc viết về những thứ mà ai cũng nghĩ đến, những điều ai cũng dễ dàng chấp nhận mà không cần do dự, các cuốn sách self-help tự biến mình thành chân lý. Từ khởi nguồn là những chân lý sẵn có của xã hội ấy, các tác giả không ngừng mở rộng dòng trường giang đại hải dài dằng dặc thêm những chân lý khác theo phương pháp suy luận cộng dồn theo kiểu 1 cộng 1 bằng 2, còn bạn thì không ngừng thấy cuốn sách sao mà nói gì cũng đúng. Hãy cứ tưởng tượng thế giới là một hệ tọa độ không gian vô hạn về mọi hướng, bạn, các bạn của bạn, các độc giả cùng tác giả là những điểm xác định trên hệ tọa độ đó. Sẽ luôn tồn tại một đường thẳng đưa tác giả đến bạn và luôn có một mặt phẳng được tạo ra giữa tác giả và các độc giả. Bằng cách lợi dụng những nét tương đồng giữa các độc giả, tác giả self-help ngày càng mở rộng mặt phẳng mong muốn của mình. Một khi đã bị hút vào cái mặt phẳng ấy, bạn khó lòng mà không thấy… thế giới phẳng trong khi thực tế lại muôn hình vạn trạng hơn nhiều. Tình cảnh này nom bi đát hệt câu chuyện chú ếch ở dưới đáy giếng. Để tái phát hiện ra thế giới quan của riêng bạn đã bị cái chung làm mờ mịt, tôi cho rằng một vụ phóng thử phi thuyền mang tên BẠN.01 ra khỏi hành tinh self-help, ít nhất ra là khỏi cái mặt phẳng bạn đang sống là việc làm cần thiết. Sau khi ở phía bên trong một thời gian dài, cái nhìn từ phía bên ngoài hẳn sẽ làm bạn choáng ngợp. Bạn sẽ nhận ra từ vũ trụ, Vạn Lý Trường Thành không thể thấy rõ được như người ta từng huênh hoang, hay đỉnh cao chói lọi của self-help Đắc nhân tâm chỉ là cái chấm bé tí xíu. Dale Carnegie còn nhỏ hơn, điều đúng đắn nhất ông từng nói có lẽ là “có thể thay đổi thái độ của người khác khi thay đổi sự đối xử của ta với họ”. Song những tác giả sau ông lại bám vào câu nói đó mà hô biến ra ngàn lẻ một câu chuyện self-help. Trong câu chuyện hô biến này có thể kể ra Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? như là một ví dụ điển hình: tác giả gần như xây dựng toàn bộ cuốn sách của mình dựa trên các nền tảng của Đắc nhân tâm và những sách khác cùng thời. Đơn giản với việc chuyển những công trình nghiên cứu tâm lý hành vi đã được thực tế chứng minh của các tác giả đi trước sang ngôn ngữ hiện đại hợp thị hiếu của thế hệ trẻ tuổi – thế hệ trụ cột của sự đọc hiện nay – nghiễm nhiên Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? trở thành best-seller bán chạy hàng đầu. Theo tôi, thành công của cuốn sách chỉ gói gọn trong phương diện thương mại, còn về mặt nội dung nó cũng giống như một góc nhỏ xíu trong hàng vạn tiếng nói giống hệt nhau cho cùng một vấn đề đơn giản, quá phí phạm thời gian và công sức.

Review là người bạn đồng hành của self-help: rất dễ để người ta truyền tai nhau những điều họ vốn luôn nghĩ nay bỗng dưng xuất hiện trong một cuốn sách, còn gì đáng nói hơn thế nữa. Và thế là tam sao thất bản, lan tỏa theo cấp số nhân những điều đã biết. Từ review nhanh chóng tự diễn biến, tự chuyển hóa thành best-seller lúc nào không hay. Nhà giả kim là một ví dụ điển hình cho bộ ba quảng cáo – review – best-seller ấy, đặc biệt là ở Việt Nam. Bây giờ nếu bạn thử hỏi ai đó cho bạn một gợi ý đọc sách, thì tôi đoán sẽ có một phần ba trong đó là Nhà giả kim. Người người làm nhà giả kim, nhà nhà học giả kim thuật trong khi phần đa chẳng có tí tố chất nào của giả kim thuật cả. Tại sao bạn không sử dụng tiếng nói pháp sư, phù thủy, kiếm sĩ, du hành giả… của chính bạn mà lại cứ phải dùng tiếng nói của nhà giả kim. Như vậy thành ra rất thừa mà cũng rất thiếu, thừa giống nhau và thiếu khác biệt. Về phương diện thừa thiếu này thì không đâu sánh bằng các loại sách chiêm tinh. Chỉ từ 12 cung hoàng đạo hay 88 chòm sao mà định đoạt cuộc sống của hơn 7 tỷ người đang sống và hơn 100 tỷ người đã từng sống thì thậm chí còn diệu kỳ hơn cả việc trường pháp thuật Hogwarts phân chia học viên vào 4 nhà. Đặt niềm tin vào những thứ hư vô như thế chỉ làm cho sự đọc trở nên nhàm chán, đi vào lối mòn và mất dần ý nghĩa.

Nghe một bản nhạc, xem một bộ phim, hay đọc một cuốn sách đều hỗ trợ và làm cuộc sống thêm phần thú vị chứ hoàn toàn không quyết định được cuộc đời bạn. Vì thế, ta không nên đọc tất cả mọi thứ và không nên tin tất cả mọi thứ đọc được, bài tôi viết đây cũng không ngoại lệ. Hãy để sự đọc tựa như là đang ngồi dưới gốc cây táo buổi đầu hè, có cơn gió thổi qua làm quả táo rụng trên trang sách, ta nhặt lên và cắn một miếng, thế thôi.

Theo Bookish.vn

Tags: