Tại sao Self-help không hiệu quả? Mấu chốt nằm ở bạn
Tại sao Self-help không hiệu quả? Mấu chốt nằm ở bạn
Thứ tác động tới tinh thần và hành vi của chúng ta không phải Thông tin và Động lực, mà chính là những suy nghĩ của chúng ta.

Đã bao nhiêu lần bạn tham dự một khoá học phát triển bản thân, hay nghe audio, đọc một cuốn sách, một tập DVD được thiết kế để thay đổi cuộc đời bạn?


Và bao nhiều lần sau khi hoàn thành những khoá học đó bạn cảm thấy sự phấn khích... tan đi nhanh chóng, như chưa có gì xảy ra? Dựa trên những gì hàng ngàn người đã nói với tôi: rất nhiều lần.


Vì sao những khoá học đầy thông tin bổ ích này lại không thể dẫn đến một sự thay đổi dài hạn? Theo những gì chúng ta biết thì nó phải xảy ra chứ.

 

Nhưng có lẽ nào chúng ta đã nhìn nhận sai về nguyên nhân của sự thay đổi?

 

Quan điểm về “thay đổi thói quen" của tất cả các nhà trị liệu tâm lý, nhà đào tạo chuyên nghiệp, cha mẹ, hoặc những ai quan tâm đến vấn đề này là: Thông tin (Information) + Động lực (Motivation) = Thay đổi (Change). Nếu bạn biết mình phải làm gì và làm nó như thế nào, cộng với động lực (tích cực hay tiêu cực), thì chẳng phải bạn đã có đầy đủ các yếu tố để hành động đó sao?


Rõ ràng là không. Bởi công thức I + M = C dường như không bao giờ có tác dụng. Nếu có thì tất cả mọi người bây giờ sẽ đều thắt dây bảo hiểm trên ô tô (đương nhiên là không). Họ sẽ thực hiện đúng các giải pháp đề ra cho năm mới thay vì quên sạch về nó sau vài tuần. Những người mắc bện tim mạch thì sẽ chăm chỉ thực hiện chế độ ăn ít béo, ít cholesterol. Các chương trình đào tạo của các doanh nghiệp sẽ thay đổi thái độ làm việc của các công nhân một cách hiệu quả hơn.

 

Hãy lấy một ví dụ đơn giản: Bạn là một người hay trì hoãn (procrastinator). Bạn luôn dồn các dự án đến phút chót. Kết quả là bạn luôn lo lắng và bị sếp khiển trách khi nộp đề án muộn. Có khi, sếp của bạn sẽ nói: “Tôi rất muốn xem xét việc thăng chức và tăng lương cho cậu, nhưng không thể làm trừ phi cậu bắt đầu nộp đề án đúng hạn.”


Lập Kế Hoạch Thay Đổi

 

Bạn quyết định rằng mình thực sự muốn thay đổi. Bạn sẽ làm gì?

 

* Bạn liệt kê những việc cần ưu tiên, quan trọng nhất của đề án.

 

* Bạn phân bố thời gian hợp lí cho đề án trong cả một tháng.

 

* Bạn dán các loại lưu ý ở những chỗ dễ nhìn.

 

* Bạn tự thưởng cho bản thân mình mỗi khi hoàn thành một đề án (ăn nhà hàng hoặc mua quần áo mới).

 

* Bạn đề nghị bạn bè giúp đỡ.

 

Vậy là giờ bạn đã có tất cả mọi thứ bạn cần để nộp các đề án đúng hạn. Bạn còn có một đống lý do chính đáng để làm nó nữa chứ: cơ hội thăng chức, tăng lương, một người sếp hài lòng, và sự giải thoát khỏi những nỗi lo thường trực.

 

Nhưng hãy nói thật đi! Sau khi bạn làm tất cả những thứ này bạn có thay đổi? Công thức I + M = C có giúp bạn làm điều bạn tuyên bố sẽ làm? Và nếu câu trả lời là “có” thì nó có còn dễ dàng như vậy sau một tháng? Đối với đa số chúng ta, câu trả lời là “không".

 

Nếu bạn đồng ý rằng công thức trên là sai (dựa trên vô số lần bạn quyết tâm thay đổi, tìm kiểm đủ thông tin và khơi dậy động lực mà vẫn không thể kiên trì thực hiện nó), thì nguyên nhân là gì?

 

 

Vai Trò Của Niềm Tin


Giả thuyết của tôi là I + M = C không hề dính dáng gì tới niềm tin trong chúng ta, cho nên không thể làm nền tảng cho sự thay đổi dài hạn. Thứ tác động tới tinh thần và hành vi của chúng ta không phải Thông tin và Động lực, mà chính là những suy nghĩ của chúng ta.

 

Suy nghĩ này chính là cách chúng ta nhìn thực tại - “sự thật". Chúng được ta cho là nhận định đúng đắn về thực tế. Vậy nên những ý nghĩ ấy chi phối hành vi, cảm xúc và thái độ của bạn.


Hãy kể ra một vài niềm tin tạo nên sự trì hoãn: Mình không đủ giỏi. Mình chẳng làm nổi cái gì tốt. Sự cầu toàn khiến mình trở nên tốt đẹp và quan trọng. Thất bại là điều xấu. Mình không có khả năng.


Với những ý nghĩ này, bạn sẽ thà để mọi người tức giận vì mình không hoàn thành công việc thay vì mắc lỗi (điều mà bạn cho là xấu và sẽ phạm phải vì bản thân không đủ tốt) và bị mọi người phát hiện rằng bạn đúng là không giỏi. Bạn sẽ lại lo lắng vì bạn đã quá chú tâm vào sự hoàn hảo (một điều bạn “tin” là mình không thể)?


Vậy giờ bạn đã biết tại sao những khoá học phát triển bản thân hoặc trị liệu tâm lý không có tác dụng để thay đổi bạn lâu dài rồi đấy. Bạn có đủ thông tin và động lực, nhưng không hề loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực đã tạo nên thói quen xấu. Hãy bỏ những ý nghĩ đó đi và sự thay đổi sẽ đến với bạn một cách tự nhiên nhất.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Tags: