Tại sao không nên nghe lời khuyên của những người bán lời khuyên để kiếm sống - Một lý giải
Tại sao không nên nghe lời khuyên của những người bán lời khuyên để kiếm sống - Một lý giải
Bạn có từng bị lừa đảo, hoặc muốn tránh bị lừa đảo, hay chỉ đơn giản là tò mò về cách vận hành của thế giới mà chúng ta đang sống?
Da thịt trong cuộc chơi
(40 lượt)

Trong cuốn sách Da thịt trong cuộc chơi do Alpha Books phát hành mới đây, Nicholas Taleb đã đưa ra cái nhìn khiêu khích và thực tế nhất, rằng “da thịt trong cuộc chơi” – một khái niệm thường được xem là nền tảng của quản lý rủi ro, cũng nên được áp dụng vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Giống như cách mà tác phẩm Thiên nga đen đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, cuốn sách lần này xuất hiện đúng thời điểm, thách thức niềm tin lâu nay của chúng ta về phần thưởng, rủi ro, chính trị, tôn giáo và kinh doanh - khiến chúng ta phải nghĩ lại về tất cả mọi thứ. 

Da thịt trong cuộc chơi (Skin in the game) là cụm thành ngữ được được Warren Buffett phổ biến khi ông dùng nó để chỉ việc ông đầu tư tiền túi vào quỹ đầu tư do ông sáng lập. Khi có “da thịt trong cuộc chơi”, tức là bạn đang chia sẻ rủi ro (ví dụ: do bản thân đã đầu tư tài chính, công sức,…) và quyền lợi trong một hoạt động, mục tiêu nào đó.

 

Đừng nghe theo lời khuyên của những người bán lời khuyên để kiếm sống

 

…trừ khi có hình phạt cho những lời khuyên của họ.

Bản thân toàn bộ nhiều lĩnh vực (như kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác) đã trở thành những chiếc thùng rỗng kêu to vì không có da thịt trong cuộc chơi để kết nối họ với hiện thực. Có sự khác biệt giữa một kẻ thùng rỗng kêu to với một người có ký năng thực sự trong xã hội, chẳng hạn như sự khác biệt giữa một chính trị gia ba hoa về những thứ vĩ mô so với một người thợ sửa ống nước. Hầu hết những người mà chúng ta gặp trong đời sống thực – kế toán, chuyên viên tư vấn thuế, công nhân, điều dưỡng nha khoa,… đều phải trả giá cho những sai lầm mà những chiếc thùng rỗng kia gây ra.

Cá biệt, có những người “thích can thiệp” còn đưa ra những tuyên bố gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người nước ngoài. Những gì chúng ta được chứng kiến khắp nơi trên thế giới từ năm 2014 đến năm 2018, từ Ấn Độ cho tới Anh rồi sang Mỹ, là sự nổi loạn của những “nhân viên” hoạch định chính sách và nhà báo tay trong không có da thịt trong cuộc chơi. Đó là những chuyên gia trí thức nửa mùa với tư tưởng gia trưởng, giắt lưng đủ loại bằng cấp của các trường đại học danh tiếng hay các tổ chức giáo dục ưa danh tiếng. Họ luôn ra rả thuyết giáo tất thảy những người còn lại trong chúng ta về việc phải làm gì, phải ăn gì, phải nói năng ra sao, phải nghĩ như thế nào, và phải bầu cử cho ai.

Dẫu vậy, những người “thích can thiệp” không hề học hỏi được điều gì, bởi vì họ không phải là nạn nhân của những sai lầm do chính họ gây nên. Giống như người chột mắt bám theo kẻ mù lòa: những thành viên tự phong của “tầng lớp trí thức” không đủ thông minh để định nghĩa sự thông minh. Vì thế họ rơi vào vòng luẩn quẩn: kỹ năng chính của họ là vượt qua các kì thi do những người giống như họ ra đề, hoặc viết cho những người giống như họ đọc. Còn đa phần chúng ta, bấy lâu nay vẫn không nhận ra sự bất toàn diện của họ. Các lời khuyên về chế độ ăn uống bị đảo lộn tùng phèo sau 30 năm sợ chất béo, còn chúng ta thì tin sái cổ.

Người hành động chiến thắng bằng việc làm, không phải bằng cách thuyết phục. Những anh hùng trong lịch sử không phải là những con mọt sách, hay những người sống mơ màng trong câu chữ. Họ là những con người của hành động và phải có tinh thần chấp nhận rủi ro.

Những người đã nói thì nên làm và chỉ những người làm mới được quyền nói.

Những thứ được thiết kế bởi những người không có “da thịt trong cuộc chơi” thường có xu hướng phức tạp hơn mức cần thiết. Dễ hiểu thôi, khi bạn được thưởng vì kiến thức chứ không phải vì kết quá, bạn sẽ phải phô diễn sự phức tạp hết mức có thể. Những ai đã từng nộp báo cáo “hàn lâm” cho một tạp chí khoa học đều biết rằng muốn bài báo được nhận, họ phải làm sao để nó trở nên phức tạp hơn so với mức cần thiết.

Kỉ nguyên hiện đại chịu một lời nguyền là thế giới ngày càng có thêm nhiều người giỏi trình bày hơn là hiểu thông suốt vấn đề, hoặc là nói giỏi hơn làm

Nhưng nếu bạn có “da thịt trong cuộc chơi”, những việc tẻ nhạt như kiểm tra sự an toàn của máy bay sẽ không còn tẻ nhạt nữa, khi bạn sẽ trở thành một hành khách trên chuyến bay đó. Hay nếu bạn là nhà đầu tư vào một công ty, thì những việc vô cùng nhàm chán như ngồi đọc từng dòng chú thích chân trang trong một bản báo cáo tài chính bỗng trở nên không hề nhàm chán chút nào. Đó chính là sự khác biệt giữa việc có hay không có “da thịt trong cuộc chơi”.

 

Chỉ người giàu mới bị đầu độc: Vì da thịt không thuộc về kẻ lừa đảo

 

Thỉnh thoảng, ta lại nghe những câu chuyện về việc người già bị lừa đảo. Có thể là sản phẩm với chất lượng không tương xứng với giá tiền, hoặc là sản phẩm có tính năng mà họ không cần. Bên cạnh thực tế là chúng ta suy nghĩ và phản ứng chậm hơn khi già đi, thì lý do chính khiến những kẻ lừa đảo nhắm vào người già là họ thường có nhiều tiền.

Điều này có thể mở rộng ra cho những người giàu nói chung. Bạn càng có nhiều tiền, bạn càng dễ dàng chi tiền mà số tiền đó là rất nhỏ so với những gì bạn có. Nếu ai đó bán cho bạn một căn biệt thự giá 4 triệu USD thay vì 1 triệu USD, thì họ sẽ nhận được gấp bốn lần hoa hồng. Tỉ lệ này có lợi cho người bán. Còn đối với bạn, người có tổng tài sản lên đến 200 triệu USD, thì việc bỏ ra 1 triệu hay 4 triệu USD có vẻ cũng không ảnh hưởng lắm. Và vì bạn giàu có, trong khi đám lợi dụng kia lại thường không mấy khi dư dả, nên không bên nào phải lu loa lên rằng mình là nạn nhân cả.


Khi trở nên giàu có, người ta thường bỏ đi cơ chế kinh nghiệm được thúc đẩy bằng “da thịt trong cuộc chơi”. Họ mất kiểm soát đối với những lựa chọn ưu tiên của mình, thay thế những lựa chọn của bản thân bằng những lựa chọn ép buộc. Đó là lựa chọn của những người muốn bán cái gì đó cho họ. Sự lựa chọn của người giàu nằm dưới sự điều khiển của những người muốn trục lợi từ họ thông qua việc bán hàng nhưng không phải chịu bất cứ hệ lụy nào – không có “da thịt nào trong cuộc chơi”. Rất ít người hiểu được sự lựa chọn của chính mình, nên rốt cuộc lại bị dắt mũi bởi những kẻ muốn bán cái gì đó cho họ.

Hầu hết mọi người sẽ hạnh phúc khi quây quần trong những căn nhà nhỏ, ở một khu vực có hàng xớm láng giềng gần gũi, vì ở đó họ có thể cảm nhận hơi ấm từ sự bầu bạn giữa con người với nhau. Thế nhưng khi có tiền, họ lại bị áp lực phải chuyển đến những tòa lâu đài to lớn, vắng lặng, cách rất xa những người hàng xóm. Dĩ nhiên, những người giàu ngầm (kiểu người giàu có vẻ bề ngoài không mấy dư dả) nhận thức rõ về điều này. Bởi vậy, họ sống trong những ngôi nhà thoải mái và trong thâm tâm họ biết rằng việc chuyển nơi ở sẽ là một gánh nặng tâm lý.


Tạm kết

Da thịt trong cuộc chơi không chỉ cần thiết đối với sự công bằng, tính hiệu quả trong thương mại, và quản lý rủi ro, nó còn cầ thiết cho việc tìm hiểu thế giới. Khi được vận dụng làm nguyên tắc, Da thịt trong cuộc chơi sẽ giúp giảm nhẹ hiệu ứng của những sự khác biệt vốn đã phát triển dần cùng với nền văn minh: đó là sự khác biệt giữa hành động và lời nói suông, thực hành và lý thuyết, cụ thể và trừu tượng, tri thức đích thực và sự ba hoa khoác lác, thực chất và vẻ bề ngoài, tình yêu và đào mỏ, thương nhân và nhà cầm quyền, doanh nhân và giám đốc điều hành…

 

Khánh Huyền

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

TOP những cuốn sách ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN HAY cho người mới bắt đầu

Cổ phiếu không phải vé số, hãy đọc 5 cuốn sách để mãi không là kẻ bại trận trên sàn

 
 
Tags: