Tại sao các nhà sử học lại thích “lật ngược” lịch sử?
Tại sao các nhà sử học lại thích “lật ngược” lịch sử?
Từ một góc nhìn mới về lịch sử, đối lập với "lịch sử cắt dán" là cách những sử gia như Ian Morris hay Jared Diamond đặt ra câu hỏi: Tại sao lịch sử xảy ra theo hướng này mà không phải hướng hoàn toàn ngược lại?
Trong giai đoạn lịch sử hậu Thế chiến thứ nhất, nhà triết học và cũng là sử học vĩ đại R. G. Collingwood đã tỏ ra vô cùng thất vọng với ngành khoa học tự nhiên. Trong cuốn Autobiography (tạm dịch: Tự truyện) viết năm 1939, ông từ chối xu hướng ghi chép lịch sử thời bấy giờ và gọi đó là thứ “lịch sử cắt dán” - khi mà những người viết “chỉ nhắc lại điều mà những người khác đã nói trước họ, nhưng với cách sắp xếp và tô vẽ khác nhau.” Thay vào đó, ông nảy ra tham vọng đưa lịch sử vào kỷ nguyên hiện đại của nó, với những tư duy mới đã và đang dẫn đường cho rất nhiều nhà sử học sau này.
R. G.  Collingwood (1889 - 1943) - triết gia và sử gia nổi tiếng người Anh. Những tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn đến việc định hình lại ngành triết học và lịch sử của thế kỷ 20.

Có thể hình dung quan điểm của Collingwood qua những ghi chú nổi bật sau:

- “Quá khứ mà nhà sử học nghiên cứu không phải là một quá khứ chết mà là một quá khứ theo nghĩa nào đó vẫn đang còn sống trong hiện tại” - tức là trong quá trình nghiên cứu các dấu vết (tài liệu và đồ vật) còn tồn tại, những gì chúng ta biết về quá khứ luôn có thể thay đổi.

“Tất cả lịch sử đều là lịch sử của tư tưởng,” nghĩa là một bằng chứng lịch sử sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta không tìm cho ra mục đích đi kèm với nó.

Quá trình suy luận ấy đòi hỏi một bước nhảy của trí tưởng tượng xuyên thời gian: “Tri thức lịch sử là sự tái hiện trong tâm trí nhà sử học về tư tưởng của lịch sử mà ông ta đang nghiên cứu.” Nhưng đồng thời, các nhà sử học cũng không được quên việc đặt quá khứ và hiện tại cận kề nhau.

 

Cuối cùng, “những vấn đề lịch sử thực sự được nảy sinh từ các vấn đề thực tiễn. Chúng ta nghiên cứu lịch sử nhằm nhìn nhận rõ hơn tình thế mà trong đó chúng ta đang cần phải hành động. Nói tóm lại, mọi vấn đề nảy sinh trên bình diện của đời sống ‘thực sự’, và để tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó, chúng ta cần liên hệ chúng với lịch sử.”

Từ tham vọng của Collingwood, chúng ta có thể mường tượng ra một bộ môn lịch sử vô cùng sôi động, luôn thay đổi, đầy tính tư tưởng và có thể ứng dụng ở hiện tại, thay vì phải học thuộc hàng loạt các biên niên sử khô khan. 

Ngày nay, chúng ta có thể thấy tinh thần của lịch sử mới này qua các sử gia nổi tiếng như Jared Diamond, Niall Ferguson, Ian Morris hay Yuval Noah Harari... Dù họ nghiên cứu về nhiều chủ đề lịch sử khác nhau, nhưng có một điểm chung mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy, đó là họ không ngừng đặt câu hỏi với lịch sử, thậm chí là đưa ra nhiều giả thuyết trái ngược với ‘lịch sử đã được biết’ nếu điều đó giúp họ tìm ra manh mối nào đó.

Lấy ví dụ với nhà khảo cổ và sử học Ian Morris, khi ông tâm sự trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Không phải lúc này thì lúc khác bạn cũng sẽ tự hỏi: Tại sao lịch sử lại diễn ra theo hướng này mà không phải là một hướng nào đó hoàn toàn khác? Tại sao sự kiện xảy ra vào năm 1840 là tàu Anh bắn hạ tàu Trung Quốc, chứ không phải là tàu Trung Quốc tấn công tàu của nước Anh trên sông Thames?” Đó là một câu hỏi mà ban đầu nghe có vẻ rất thừa. Có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến câu trả lời mà đa số ai cũng nghĩ đến: vì lịch sử đã xảy ra như thế, vì tàu của Anh đã thật sự bắn hạ tàu Trung Quốc vào năm 1840, tại sao ông ta lại đặt một câu hỏi ngớ ngẩn như thế?

Nhưng Morris còn làm một chuyện nghe có vẻ điên rồ hơn khi ông mở đầu cuốn sách lịch sử của mình (Tại sao phương Tây vượt trội?) bằng một câu chuyện không có thật, ông đã cố tình viết ngược lại với những gì đã xảy ra. Vẫn là câu hỏi về vụ bắn tàu năm 1840, ông đã viết ra một câu chuyện vô cùng hấp dẫn rằng Trung Quốc đã thâu tóm nước Anh vào giữa thế kỷ 19, ông viết chi tiết và hợp lý đến mức có thể thuyết phục bất kỳ ai chưa biết về sự kiện này. Việc làm này có thể là không chấp nhận được đối với những người luôn bám sát lịch sử, và cũng chẳng ai hy vọng các sử gia cứ vô cớ viết những điều không có thật như thế. Vậy lý do gì đã khiến Ian phải làm như thế, phải thay đổi một lịch sử mà ai cũng biết? Tất nhiên Morris không hề muốn làm sai lệch kiến thức vốn có, nhưng ông cũng không chấp nhận việc dừng lại và coi đó như một điều hiển nhiên. Bằng cách lái câu chuyện theo một diễn biến hoàn toàn khác, Morris có nhiều sự so sánh hơn và một góc nhìn mới mẻ hơn trong việc tìm ra các yếu tố mang tính quyết định cho việc lịch sử chỉ có thể xảy ra theo hướng này chứ không phải hướng nào khác.

Tác phẩm “Tại sao phương Tây vượt trội?” mở đầu với cách tiếp cận lịch sử đầy táo bạo của Ian Morris

Trước Ian Morris, Jared Diamond cũng nổi tiếng là một người thích “quay” lịch sử (cách dùng từ của ông khi ai đó liên tục hỏi vặn, hỏi khó ông). Có lẽ bạn đã biết cuốn “Súng, vi trùng và thép” của Jared Diamond, đó là một công trình đồ sộ về lịch sử, đoạt giải Pulitzer và đem tên tuổi của Jared Diamond đến với độc giả khắp thế giới. Nhưng điều thú vị là tác phẩm nổi tiếng này lại được bắt đầu từ một câu hỏi không thể đơn giản và hiển nhiên hơn. Đó là câu hỏi của một người đàn ông bản địa ở New Guinea - hòn đảo từ khi được các nhà thám hiểm Tây Ban Nha phát hiện đã bị lép vế bởi những người da trắng: Thế thì tại sao người da trắng các ông lại chế ra nhiều hàng như vậy rồi đem sang New Guinea, còn người da đen chúng tôi lại có ít hàng của chính mình đến vậy?” - người đó hỏi. 

Câu hỏi này không ngờ đã khiến ông suy nghĩ suốt 25 năm và cuối cùng đưa ra câu trả lời bằng một cuốn sách. “Lúc ấy tôi đã không trả lời được. Các sử gia chuyên nghiệp vẫn còn tranh cãi với nhau về lời đáp cho câu hỏi đó, hầu hết thậm chí còn không đặt câu hỏi đó ra nữa kia” - ông viết. Bởi vì hầu hết chúng ta đều đã quen với một thực tế là phương Tây nổi trội hơn về sáng chế và tạo ra các ngành công nghiệp hiện đại. Chúng ta được học về ba cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây cũng như Tứ đại phát minh của Trung Quốc, nhưng lại ít người đặt câu hỏi tại sao phương Tây vượt trội đến vậy? Tại sao thổ dân vùng New Guinea không phát triển và mạnh mẽ như những người da trắng đã đến sau? Có lẽ bởi vì được bắt đầu với câu hỏi như thế, người đọc “Súng, vi trùng và thép” cùng các tác phẩm sau này của ông sẽ thấy cách ông liên tục đặt câu hỏi lớn nhỏ. Mặc cho quá khứ có vẻ đã rõ rành rành như thế nhưng những người như Jared Diamond hay Ian Morris lại chẳng chịu để yên. Tại sao như thế này mà không phải như thế khác? 

Một số tác phẩm đáng chú ý về cách viết sử mới

Không chắc họ có tìm được câu trả lời thỏa đáng cho tất cả những câu hỏi trên hay không, bởi cho dù có thì chúng ta biết lịch sử thay đổi và sẽ luôn có những câu trả lời tốt hơn, nhưng người đọc chắc chắn nhận ra một điều rằng nhờ những câu hỏi nhỏ nhặt và cả những ý nghĩ táo bạo như trên, mà chúng ta đã có thể ‘hiểu’ và học hỏi từ lịch sử nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản là ‘biết’. 

Trong thời đại mà bạn có thể tra cứu các tài liệu lịch sử một cách dễ dàng trên Internet, “lịch sử cắt dán” sẽ càng để lộ những hạn chế và nguy hiểm tiềm ẩn. Một khi thiếu các kỹ năng phản biện và sự nghi ngờ cần thiết, chúng ta rất khó phân biệt được đâu là phần lịch sử đáng tin cậy, hay các lý giải lịch sử có đang cố tình đánh lừa chúng ta hay không. Collingwood đã viết ra những tư tưởng của mình gần một thế kỷ trước, rất lâu trước khi công nghệ tạo ra cuộc hỗn loạn thông tin như hiện nay, và thời gian đã chứng minh tham vọng của ông về một thời đại mới của lịch sử là một tham vọng tuyệt vời.

Thanh Trần

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Napoleon Đại Đế - bá chủ hụt của thế giới

Stalingrad: Sau máu lửa, hoang tàn và cái chết

Người xưa đã từng cuồng hạt tiêu như cách chúng ta phát cuồng vì iPhone: Một lịch sử rực rỡ của giao thương

Tags: