Tại sao bạn nằm mơ mình không mặc quần: Đó là một vấn đề khoa học nghiêm túc
Tại sao bạn nằm mơ mình không mặc quần: Đó là một vấn đề khoa học nghiêm túc
Vào một ngày thứ 7 oi nóng mùa hè năm ngoái, tôi đang hẹn hò với một người đàn ông có vẻ ngoài rất ổn. Chúng tôi cùng nhau thưởng thức ly bia tươi mát rượi và dạo bộ. Anh giải thích cho tôi nghe lý do vì sao anh lại thích các toà nhà mà chúng tôi vừa đi qua. Chúng tôi đã trao nhau nụ hôn và tôi cảm nhận được hơi thở ngập mùi thuốc lá của anh. Hai chúng tôi tạm biệt nhau và tôi chẳng thèm trả lời các tin nhắn anh gửi khi anh muốn biết cuối tuần tôi tham gia những hoạt động nào.

Với tôi, buổi hẹn hò hôm đó quá xoàng xĩnh. Tuy nhiên, vào những ngày tiếp theo, tôi đã suy nghĩ về quyết định không gặp lại anh thêm một lần nào nữa. Có lẽ, tôi quá vội vã chấm dứt chuyện hẹn hò với anh. Phải chăng tôi nên tạo cơ hội để chuyện tình cảm giữa chúng tôi phát triển thêm?! Cuối cùng, tôi công nhận anh có nhiều ưu điểm. Anh là người đẹp trai, cao, có công việc ổn định và thường tìm đến việc viết lách để làm mới mình.

Sau cơn ác mộng cách đây vài tuần, tôi đã thôi nghi ngờ về trực giác của mình. Trong giấc mơ đó, tôi đã đồng ý đến gặp anh ấy lần hai và tôi còn dẫn hai người bạn đi cùng để họ quan sát cách chúng tôi tương tác với nhau và giúp tôi đánh giá anh ta. Cuối buổi đi chơi nhóm vào ngày hôm đó, các bạn tôi đã kéo tôi ra một chỗ riêng và đều đồng nhất nói với tôi rằng: Anh ta không phải mẫu người dành cho tôi. Tỉnh dậy sau giấc mộng, tôi thầm nghĩ mình hoàn toàn đúng khi ngắt mối quan hệ với anh.

Đến khi trưởng thành, hầu hết chúng ta đều chấp nhận sự thật: Chúng ta không nên sống trong giấc mơ. Ngay cả khi các nghiên cứu chỉ ra rằng, giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh là giai đoạn não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ) có ý nghĩa quan trọng đối với sức khoẻ tinh thần và thể chất thì chúng ta vẫn nghĩ giấc mơ chỉ giống như những câu chuyện ngô nghê mà thôi. Chúng ta được dạy rằng, mơ mộng chỉ phù hợp với tuổi thiếu niên, phản ánh những mong muốn của chính bản thân mình và rằng, chúng ta đừng bận tâm đến những gì mình chiêm bao mà hãy quay trở về cuộc sống thực tại.

 ***

Nhưng giấc mơ thực ra không phải như vậy. Trong hai năm qua, một nhóm bạn của tôi đã luôn lên lịch gặp nhau hàng tháng để kể về những gì họ mơ thấy. Chúng tôi xem đó là một hoạt động vui vẻ. Ngay cả khi chúng ta chẳng màng đến những gì đã diễn ra trong cơn mơ thì giấc mơ vẫn có cách len lỏi vào trong ý thức và ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Trong ba năm nghiên cứu về tính khoa học đằng sau các giấc mơ, tôi đã nghe nhiều người xa lạ miêu tả về các chuyến bay, chiếc răng bị nhổ, những buổi tái hợp với người đã khuất… Tôi từng nhìn nhận, giấc mơ có thể là cánh cửa thú vị đưa ta đến cuộc sống riêng tư của một người khác và tôi học được rằng chú ý đến những gì mình mơ thấy có thể giúp chúng ta hiểu về chính bản thân mình.

Bởi vì giấc mơ không mang nhiều ý nghĩa nên chuyện quên ngay những gì mình vừa mơ thấy dễ dàng hơn nhiều việc diễn giải diễn biến cơn mơ. Tuy nhiên một cơ quan nghiên cứu lại chỉ ra rằng, chúng ta rất nên nỗ lực lý giải giấc mộng. Giấc mơ giúp ta củng cố những kỷ niệm mới có và lược bỏ những thông tin không liên quan. Chúng có thể là một mảnh đất nuôi dưỡng ý tưởng – một thời gian để bộ não thử nghiệm trong một mạng lưới liên kết rộng lớn hơn. Một số người cho rằng, chúng là một tai nạn sinh học và không mang ý nghĩa gì cả.

*** 

Theo một giả thuyết phổ biến, giấc mơ tiến hoá là để phục vụ một chức năng sinh học quan trọng: Chúng để mỗi chúng ta trải qua cảm giác sợ hãi ở môi trường rủi ro thấp, giúp chúng ta luyện tập trước những sự việc gây căng thẳng và đương đầu với nỗi đau hoặc chấn thương. Vào năm 2000, nhà thần kinh học Phần Lan Antti Revonsuo lưu ý rằng, hầu hết những cảm xúc chúng ta trải qua trong giấc mơ đều tiêu cực; đó có thể là nỗi sợ hãi, bất lực, lo lắng và cảm giác tội lỗi.

Đối với nhà tâm lý học tiến hoá như Tiến sĩ Revonsuo, đây là một câu đố: tại sao tâm trí chúng ta lại đối mặt với nhiều điều khó chịu? Nếu tổ tiên chúng ta có thể luyện cách đối phó với những tình huống nguy hiểm trong lúc ngủ thì họ đang nắm lợi thế khi phải đương đầu với nhau lúc tỉnh dậy.

Lý thuyết “Bắt chước mối đe doạ” của ông giải thích sự phổ biến của những điểm tiêu cực và sự hung hăng trong giấc mộng cũng như bản chất nguyên sơ của nhiều môi trường trong cơn mơ. Chẳng hạn như, cư dân thành phố chưa từng có trải nghiệm nhiều ở các vùng hoang dã lại thường mơ bị các loài động vật hoặc người lạ mặt tấn công. Các nghiên cứu về động vật cũng phù hợp với lý thuyết này; những con chuột bị tước bỏ giấc mơ REM luôn phải đương đầu với cuộc chiến sinh tồn như tìm lối thoát khỏi mê cung và tránh các khu vực có xe tăng nguy hiểm.

Nếu chúng ta không tham dự một vài cuộc thi thử thách, đầy mạo hiểm trên truyền hình thì các mối đe doạ chúng ta đối mặt trong thực tế có xu hướng ít kịch tính hơn mê cung vật-lộn-giữa-sự-sống-và-cái-chết. Giấc mơ thi cử, trong đó, người nằm mơ thường không ôn bài cẩn thận và có lẽ thiếu kiến thức trầm trọng trước một kỳ thi quan trọng, là phiên bản người hiện đại trong giấc mơ của các chú chuột bị mèo săn đuổi.

Ngay cả khi ai đó mơ rằng mình thi trượt thì trong đời sống thực, bài kiểm tra dường như lại rất quen thuộc và ảo ảnh về sự thân thuộc đó có thể chuyển thành một lợi thế thật sự. Những giấc mơ về thi cử của tôi thực sự rất nhàm chán và chẳng có gì đáng nhớ. “Tôi rời khỏi trường thi và nhận ra mình đã quên viết bài luận nào đó. Tôi đang ngồi làm bài thi và sau đó tôi nhận ra mình không mặc quần dài”.

Đôi khi sau vài năm rời ghế nhà trường, ta lại có những giấc mơ kiểu như vậy nhưng chúng thường xuất hiện khi tôi đang lo lắng về một điều gì đó giống như việc phải hoàn thành một công việc nào đó cho đúng hạn. Một số nhà tâm lý tin rằng, trong thời gian căng thẳng, chúng ta hay mơ về các kỳ thi; não chúng ta đang gợi nhớ đến một khoảng thời gian khi chúng ta chiến thắng trước những thứ bản thân sợ hãi và điều đó càng nâng cao sự tự tin của chúng ta.

Trên thực tế, tôi mặc đồng phục đến trường thi và không bỏ trống một bài nào. Vì thế khi nghĩ lại về những gì mình từng mơ, tôi thấy thật nực cười. Tôi thở dài nhẹ nhõm dù tôi cảm thấy mình chưa chuẩn bị tốt cho cuộc thi nhưng ít nhất tôi không xuất hiện trong bộ dạng “trần như nhộng”.

Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu đến từ Sorbonne, do nhà thần kinh học Isabelle Arnulf đứng đầu, đã liên lạc với một nhóm các bác sĩ đầy tham vọng vào ngày họ tham dự một buổi thi vào trường đại học y. Gần ba phần tư trong số 719 sinh viên đã nói rằng, họ từng mơ về cuộc thi ít nhất một lần trong suốt học kỳ và hầu như tất cả các giấc mơ của họ đều là ác mộng: Họ quên đường đến nơi dự thi, không thể trả lời được các câu hỏi hoặc nhận ra rằng họ đang viết bằng mực không màu. Khi Tiến sĩ Arnulf so sánh các loại giấc mơ với điểm số của sinh viên, bà phát hiện ra mối quan hệ đáng chú ý: Sinh viên hay mơ về bài kiểm tra thường hoàn thành bài thi trên thực tế tốt hơn. Tất cả 5 sinh viên có điểm số cao nhất đã trải qua một trở ngại nào đó liên quan đến thi cử trong giấc mơ, như ngủ dậy muộn hoặc thiếu thời gian làm bài.

*** 

Những ngày gần đây, tôi dành nhiều thời gian để nhìn nhận về giá trị của những giấc mơ và đôi khi tôi gặp những người nói rằng, họ không nhớ gì về giấc mơ. Nhưng hầu hết mọi người có thể cải thiện việc nhớ lại giấc mơ bằng các nhắc nhở chính mình trước giờ ngủ hoặc tốt hơn là viết lại những gì họ đã mơ thấy vào ngày hôm sau.

Nếu những giấc mơ đó quan trọng và chúng ta cần giải mã nhiều điều trong giấc mơ đó, vậy tại sao chúng ta lại không thể lý giải được? Tại sao chúng lại sống trong những ẩn dụ bị cắt xén hoặc hình ảnh rời rạc?

Chúng ta có xu hướng tập trung và thảo luận về những giấc mơ hiếm thấy nhưng hầu hết các giấc mơ lại chẳng có gì kỳ lạ như chúng ta nghĩ. Vào những năm 1960, sau khi phân tích hơn 600 báo cáo về giấc mơ từ các phòng thí nghiệm ở Brooklyn và Bethesda, nhà tâm lý học Frederick Snyder đã kết luận rằng, “ý thức mơ mộng” trên thực tế là “một bản sao chân thực về cuộc sống lúc thức dậy”. 38% các thí nghiệm của ông đều diễn ra ở những địa điểm cụ thể đến mức người mơ có thể nhận ngay ra trong đời thực, 43% các thí nghiệm tái hiện lại những nơi họ đã từng biết đến trước đó.

Khoảng 5% các cuộc thí nghiệm được xem là “kỳ lạ” và gần 1% được coi là tuyệt vời. Khi Tiến sĩ Snyder từng báo cáo về các biện pháp kết hợp – dù câu chuyện có mang ý nghĩa hay không hoặc liệu các sự kiện diễn ra có dễ hiểu hay không, ông đều nhận ra rằng, 9 trong 10 giấc mơ “là những bản mô tả đáng tin cậy về trải nghiệm hàng ngày của người mơ”.  Thậm chí trong những giấc mơ dài nhất, một nửa trong số đó đều thiếu một thành phần kỳ lạ nào riêng lẻ nào đó.

Tuy nhiên, sự thật vẫn là vào một số đêm, bộ não của chúng ta thường quay lại những cảnh tượng có tính cường điệu. Vào những năm 1990, ba nhà nghiên cứu - Robert Stickgold, Allan Hobson và Cynthia Rittenhouse – đã nghiên cứu xem liệu có bất cứ sự bắt ép nào trong những tưởng tượng khi mơ hay không. Sau khi phân tích 97 điểm gián đoạn ở 200 giấc mơ của sinh viên, nhóm chuyên gia nhận ra các quy tắc và mô hình luật chơi. Giấc mơ không phải do các quy luật vật lý thông thường điều khiển và nhiều khía cạnh trong giấc mơ vẫn còn là điều bí ẩn. Chúng ta không thể giải thích vì sao một bức ảnh nào đó lại hiện ra trong một đêm cụ thể hoặc dự đoán liệu người bạn mất liên lạc lâu năm có đến gặp ta trong giấc ngủ hay không. Tuy nhiên, giấc mơ cũng không phải là tự nhiên có.

Khi một nhân vật xuất hiện trong giấc mơ biến đổi, người này thường mang vỏ bọc của một ai đó chứ không phải là một vật vô tri vô giác (và ngược lại). Chẳng hạn như một chiếc hồ trở thành một bãi biển; một người bác chuyển thành một người hàng xóm; một ô tô đổi thành một chiếc xe đạp. Các nhà khoa học đã viết rằng: “Phát hiện gây bất ngờ nhất và mới lạ nhất trong nghiên cứu này là nhiều hình ảnh gián đoạn trong giấc mơ thường được sắp xếp một cách mạch lạc đến mức không ngờ. Một đồ vật trong giấc mơ không ngẫu nhiên chuyển thành một đồ vật khác mà phải chuyển sang thứ đồ vật có những đặc điểm gần giống với nó”.

Trong một nghiên cứu khác, Tiến sĩ Revonsuo và Tiến sĩ Christina Salmivalli, một nhà tâm lý học đã phân tích hàng trăm giấc mơ của một nhóm sinh viên và phát hiện ra rằng, cảm xúc trong giấc mơ thường tương ứng với tình huống họ gặp phải. Nhóm nghiên cứu cho hay, một yếu tố cốt lõi không đổi là: cái tôi của người mơ mộng đã được bảo vệ tốt và hiếm khi bị lay động bởi thực tại. Việc thể hiện bản thân có lẽ là một trong những nền tảng cơ bản trong hệ thống trí nhớ dài hạn của chúng ta.

Theo The New York Times

Minh Phương

Tags: